Kỹ Thuật Nuôi Bò BBB - Trung Tâm Khuyến Nông

Bò BBB (Blanc-Blue-Belgium) là giống bò thịt đặc biệt của thế giới được lai tạo từ nhiều giống bò địa phương của Bỉ với bò Shorthorn từ năm 1919. Bò BBB có cơ bắp phát triển siêu trội, ngoại hình đẹp, khả năng sử dụng thức ăn tốt, thịt thơm ngon, hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, giống bò BBB đã được sử dụng để lai tạo với đàn bò lai của địa phương tạo ra đàn bê lai F1 bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Do kết hợp được cả đặc tính tốt của con bố BBB và bò mẹ Việt Nam nên bê F1 sinh ra khỏe mạnh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống, tăng trọng nhanh và chất lượng thịt tốt. Bê F1 sơ sinh đạt trọng lượng từ 25-30 kg/con, 16-18 tháng tuổi bê đạt trọng lượng 430-450 kg/con. Đây là thời điểm có tốc độ tăng trọng nhanh nhất khoảng 25-30 kg/con/tháng. Để nuôi giống bò này người chăn nuôi cần chú ý áp dụng một số biện pháp kỹ thuật như sau:

 

1. Chuồng trại

Chuồng trại nên xây dựng nơi cao ráo, thoáng mát, đảm bảo ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, nền chuồng không nên làm trơn láng. Chuồng trại cần thiết kế để thuận tiện cho việc quản lý, chăm sóc, dễ thao tác vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Khi thiết kế chuồng trại nên xây dựng cách xa nhà ở, hướng chuồng quay về hướng Nam hoặc Đông nam để đảm bảo ánh sáng và độ thông thoáng của chuồng, diện tích đảm bảo từ 4-5 m2/con.

2. Chọn bò cái nền để phối tinh bò BBB

Bò cái nền để phối tinh bò BBB có nguồn gốc rõ ràng và tính năng sản xuất của đời bố mẹ. Nên chọn những bò cái lai nhóm Zêbu (gồm: Red Sindhi, Brahman…) có tầm vóc lớn, trọng lượng từ 280 kg trở lên và đã đẻ từ lứa 2 đến lứa 6. Không nên sử dụng giống bò có tầm vóc nhỏ vì dễ dẫn tới hiện tượng đẻ khó. Bò cái phải có thể chất khoẻ mạnh, ngoại hình cân đối, lông óng mượt, da mềm, đầu cổ linh hoạt, mắt sáng, mõm bẹ, bộ răng còn tốt. Lưng dài, thẳng, mông nở, chân thẳng, bước đi vững chải, chắc chắn.

3. Phối giống

Chu kỳ động dục của bò cái trung bình là 21 ngày (dao động 18-24 ngày), thời gian động dục lại sau khi sinh 2-2,5 tháng. Bò cái khi động dục có biểu hiện ít ăn, hay nhớn nhác nhìn ngó, kêu rống, thích gần hít ngửi âm hộ và nhảy lên lưng con khác hoặc để con khác nhảy, âm hộ sưng đỏ, chảy nước nhờn trong, lỏng sau đặc dần.

Thời điểm phối giống thích hợp cho bò là khi thấy nước nhờn keo dính, âm hộ hơi mở, niêm mạc chuyển từ màu đỏ hồng sang nhạt, lúc đó bò có biểu hiện đứng yên khi con khác nhảy lên. Thường thì người ta xác định thời điểm phối giống theo quy luật sáng - chiều tức là nếu thấy bò có biểu hiện động dục buổi sáng thì phối giống vào buổi chiều, nếu bò động dục buổi trưa hoặc chiều thì phối giống vào buổi sáng hôm sau.

4. Chăm sóc nuôi dưỡng

Chăm sóc bò cái mang thai: Trong suốt thời gian mang thai bò cái cần được ăn uống đầy đủ thức ăn thô xanh và bổ sung thức ăn tinh 1kg/con/ngày. Cung cấp đá liếm cho bò để bổ sung muối khoáng. Không bắt bò làm việc nặng như: cày, bừa… tránh xô đẩy, xua đuổi bò mạnh trong các tháng chửa thứ 3-4 và tháng 7 đến tháng 9.

Đỡ đẻ cho bò: Thời gian mang thai trung bình của bò là 281 ngày. Trong trường hợp bò đẻ bình thường (thai thuận) không cần can thiệp hoặc chỉ cần hỗ trợ cho bò cái bằng cách dùng tay kéo nhẹ bê ra theo nhịp rặn của bò mẹ. Cắt dây rốn cho bê con dài khoảng 10-12 cm, sát trùng bằng cồn Iốt 5%. Lau nhớt dãi trong mũi, miệng bê sau đó để bò mẹ tự liếm con hoặc dùng khăn khô lau cho bê. Vệ sinh phần thân sau và bầu vú bò mẹ, cho bò mẹ uống nước, thêm ít muối, cám và nước ấm. Trường hợp đẻ khó phải gọi cán bộ thú y can thiệp kịp thời.

Chăm sóc, nuôi dưỡng bò đẻ và bê con: Đối với bò mẹ sau khi đẻ cần cung cấp đầy đủ thức ăn thô xanh và bổ sung thêm 1-2 kg cám hoặc thức ăn hỗn hợp để bò mẹ phục hồi sức khỏe, nhanh động dục lại để phối giống.

Đối với bê: Sau khi sinh cần cho bê con bú sữa đầu ngay. Từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi nuôi bê ở nhà cạnh bò mẹ. Luôn giữ ấm cho bê, tránh gió lùa, chỗ bê nằm cần giữ khô sạch. Sau khi đẻ 15-20 ngày tập cho bê ăn cám và cỏ non phơi tái. Từ 1-6 tháng tuổi: chăn thả theo mẹ ở bãi gần chuồng. Ở tuổi này cần cho bê ăn. Thức ăn thô xanh 5-8 kg/con/ngày, thức ăn tinh 0,5-1 kg/con/ngày. Nên cai sữa bê vào khoảng 6 tháng tuổi.

Từ 6-14 tháng tuổi (giai đoạn cai sữa): chăn thả là chính, mỗi ngày cho ăn thêm 15-20kg thức ăn thô xanh, 0,5-1 kg thức ăn tinh. Mùa thiếu cỏ có thể cho ăn thêm 2-4 kg cỏ khô hoặc rơm ủ với urê để thay cho thức ăn xanh bổ sung. Giai đoạn 15-18 tháng tuổi: Thức ăn thô xanh 35-40kg/con/ngày, thức ăn tinh 3 kg/con/ngày. Luôn luôn có nước sạch trong máng uống vào ban đêm, đặc biệt là mùa hè và mùa sử dụng rơm khô làm thức ăn bổ sung cho bò tại chuồng.

Vỗ béo bò trước khi bán thịt: Trước khi bán thịt, nếu bò gầy ta cần vỗ béo khoảng 2 tháng sẽ cho lợi nhuận cao. Để bò nhanh béo ta áp dụng các kỹ thuật như: Tẩy giun sán trước lúc vỗ béo, nuôi nhốt tại chuồng suốt thời gian vỗ béo, mỗi ngày cho ăn 8-10kg thức ăn thô xanh, 3-5 kg thức ăn tinh chia làm 4-5 bữa trong ngày. Luôn luôn có nước sạch trong máng uống cho bò trong thời gian vỗ béo.

5. Một số bệnh thường gặp trên bò

- Bệnh Tụ huyết trùng: Do vi khuẩn Pasteurella multocida gây bệnh. Bò sốt cao 40,5-41,5­­­oC, giảm ăn hoặc đột ngột bỏ ăn, mắt đỏ, chảy nước mũi, nước bọt, sưng hầu, khó thở, phân táo bón, nước tiểu vàng, bụng có thể chướng hơi, ngừng nhai lại. Bệnh cấp tính thú chết rất nhanh. Điều trị: Streptomycine 15-20 mg/kg trọng lượng (tiêm bắp) liên tục 3-5 ngày; hoặc Tetracycline 10 mg/kg thể trọng/ngày liên tục 3-5 ngày; hoặc Ampiciline 10 mg/kg thể trọng. Kết hợp với thuốc trợ sức như: Cafein 1-2 g/ngày, vitamin C 15-20 ml/ngày, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. Phòng bệnh: Tiêm vaccin tụ huyết trùng cho bò, bê khoẻ mạnh, liều 2ml/con, sau 14 ngày có miễn dịch, thời gian miễn dịch 9 tháng. Tiêm cho bê 5-6 tháng tuổi, bò trước phối giống 15-30 ngày. Chú ý: Vệ sinh thức ăn, nước uống, chuồng trại, tắm rửa cho bò. Định kỳ tẩy uế và tiêu độc chuồng trại.

- Bệnh Lở mồm long móng (LMLM): Bệnh do virus gây ra, đặc điểm lây lan của bệnh là những mụn nước vỡ ra và theo sữa, nước tiểu, nước mũi, chất tiết khác lan trực tiếp từ vật ốm sang vật khỏe. Một cách lây lan gián tiếp khác là qua quần áo, dụng cụ, máng ăn, lông, sữa và thịt. Sau khi nhiễm bệnh 2-3 ngày, thú sốt cao 40-41,50C, mụn nước phồng lên có chứa dịch màu vàng. Những mụn nước lan nhanh trên toàn bộ niêm mạc miệng, sau đó vỡ dịch tràn ra ngoài và con vật rất đau đớn, đôi khi có chảy máu. Cùng thời gian đó thấy xuất hiện những mụn nhỏ quanh móng chân, có thể làm long móng. Con vật đứng lên rất khó khăn và di chuyển một cách đau đớn. Cũng có thể thấy những mụn nhỏ ở núm vú, bầu vú sưng và căng. Bò sữa bị bệnh giảm sản lượng sữa, sữa có màu vàng và đắng.

Phòng bệnh: Định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi. Tuân thủ tốt việc tiêm vaccin Lở mồm long móng để phòng bệnh cho đàn gia súc, lặp lại 6 tháng một lần vì thời gian miễn dịch chỉ kéo dài 6 tháng.

Điều trị: Dùng các loại quả chua như khế, chanh trà sát vào những vùng có vết thương 2-3 lần/ngày và làm trong vòng 5-7 ngày. Sau đó dùng thuốc sát trùng như xanh Methylen 1% bôi vào vết thương, tiêm kháng sinh chống phụ nhiễm cho gia súc. Chăm sóc giữ chuồng khô ráo, sạch sẽ, lót chuồng dày cho gia súc nằm, cho ăn cỏ tươi, cỏ mềm, bổ sung cho gia súc ăn cháo khi bị bệnh nặng.

 

Xuân Duy - TTKN Lâm Đồng

Từ khóa » Cách Nuôi Bò 3b Vỗ Béo