Kỹ Thuật Nuôi Cá Mú Trong Lồng

Kỹ thuật nuôi cá Mú trong lồng

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi cá Mú trong lồng: chọn vị trí đặt lồng, xây dựng lồng nuôi, chọn giống và thả giống, chăm sóc và quản lý, phòng và trị một số bệnh thường gặp

Cá mú là một trong những loài cá biển có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, chúng được nuôi phổ biến ở các nước châu á như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan. Những năm gần đây nghề nuôi cá mú ở nước ta đang phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông ngư dân ven biển. Riêng tỉnh Quảng Ngãi, nghề nuôi xuất hiện manh mún từ một vài hộ dân cách đây khoảng hơn chục năm nhờ vào nguồn khai thác cá giống tự nhiên tại địa phương, phong trào nuôi bắt đầu phát triển mạnh từ 3 – 5 năm trước, chủ yếu bằng hình thức nuôi lồng. Tuy nhiên hình thức nuôi này phụ thuộc nhiều vào môi trường nước tự nhiên, do đó vấn đề dịch bệnh xảy ra khó kiểm soát và xử lý. Để nuôi cá mú một cách hiệu quả, hạn chế dịch bệnh xảy ra, đem lại hiệu quả kinh tế, người nuôi cần tuân thủ các biện pháp kỹ thuật như sau:

1. Chọn vị trí đặt lồng

– Thông thường, lựa chọn vị trí nuôi cần tuân thủ theo các điều kiện sau:

+ Vùng đáy nơi đặt lồng là đất thô hoặc đất cát, ít bùn.

+ Tránh nơi sóng to, gió lớn có thể làm hư hỏng lồng, trôi thức ăn, làm cho cá khó bắt mồi dẫn đến hoạt động yếu gây chậm lớn và phát sinh bệnh.

+ Độ sâu từ đáy lồng nổi cách mặt đáy ít nhất 0,5m khi thủy triều xuống thấp nhất.

– Trong sông cần tránh đặt lồng nơi nước chảy quá yếu dễ dẫn đến tình trạng cá thiếu oxy, cá yếu dần và chết. Tốc độ dòng chảy thích hợp từ 0,2 – 0,6m/giây, đảm bảo hàm lượng oxy từ 4 – 6mg/lít, pH từ 7,5 – 8,5, độ mặn từ 20 – 33‰ là phù hợp, tránh xa những nơi bị ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thải độc hại, nước thải sinh hoạt và khu vực bến cảng nơi có nhiều tàu thuyền neo đậu.

2. Xây dựng lồng nuôi

– Có thể thiết kế lồng bè nổi hoặc lồng chìm.

– Với lồng bè nổi có thể thiết kế dàn lồng có kích cỡ 8m x 8m x 3m hoặc 6m x 6m x 3m được thiết kế thành các lồng riêng biệt, như vậy mỗi dàn lồng sẽ có 4 lồng nuôi kích cỡ 4m x 4m x 3m hoặc 3m x 3m x 3m. Có thể dành một lồng trống để xử lý cá bệnh hay chuyển cá để diệt rong tảo đóng trên lồng. Với lồng chìm thì kích thước nhỏ hơn 2m x 2m x 2m hoặc 2m x 2m x 1,5m, nên làm khung bằng sắt.

– Chọn vật liệu tốt để làm lồng nhằm tránh bị hư hỏng do thời gian nuôi khá dài, lưới lồng cần chọn loại bền chắc, hạn chế được các loài sinh vật bám.

3. Chọn giống và thả giống

– Hiện nay nguồn giống để nuôi cá mú lồng chủ yếu vẫn là đánh bắt cá con ngoài tự nhiên, cá giống có thể vận chuyển theo nhiều phương pháp như bằng thùng có sục khí, bao nylon bơm oxy….

– Cá giống thả nuôi cần đồng cỡ, khoẻ mạnh, không bị sây sát. Không thả cá to nhỏ khác nhau trong cùng một lồng dễ xảy ra tình trạng cá lớn ăn cá nhỏ, tranh mồi của cá nhỏ dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao. Kích cỡ cá giống thích hợp từ 12 – 15cm. Trước khi thả cá cần xử lý cá qua formol với nồng độ 100ml/m3 trong một giờ có sục khí hay tắm cá qua nước ngọt 5 – 10 phút để loại mầm bệnh ký sinh trên cá.

– Mật độ thả: Tùy điều kiện môi trường và kích thước của cá mà xác định mật độ. Nguồn nước được lưu thông tốt, đầy đủ oxy có thể thả mật độ cao hơn và ngược lại nước tĩnh, lượng oxy không đủ thì thả mật độ thưa hơn. Thông thường mật độ phù hợp là 15 – 25 con/m3.

4. Chăm sóc và quản lý

– Thức ăn cho cá chủ yếu là cá tạp (cá mối, cá nục, cá cơm, cá trích, cá liệt…) cá phải tươi, loại bỏ ký sinh trùng bằng cách ngâm trong nước ngọt trước khi cho ăn để tránh gây bệnh cho cá nuôi. Thức ăn được rửa, cắt thành khúc phù hợp với miệng cá và cho ăn 1 – 2 lần/ngày vào lúc sáng sớm (7 – 8 giờ) và chiều mát (16 – 17 giờ). Cần rải mồi chậm để cá dễ dàng bắt mồi. Lượng thức ăn cho ăn tuỳ thuộc vào trọng lượng cá, cá nhỏ thức ăn bằng 7 – 10% trọng lượng thân, cá lớn thức ăn từ 3 – 5% trọng lượng thân. Tuy nhiên, khi thời tiết, môi trường có sự thay đổi hoặc cá bị nhiễm bệnh cá sẽ giảm ăn vì vậy căn cứ vào tình hình hiện tại để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Định kỳ 10 ngày sử dụng vitamin C và khoáng trộn vào thức ăn cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày, để tăng khả năng bắt mồi và sức đề kháng cho cá nuôi.

– Thường xuyên lặn theo dõi lồng nuôi, đáy lồng đề phòng lồng bị hư hỏng. Thường xuyên đo các chỉ tiêu môi trường nước (oxy, pH, độ mặn) để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi môi trường thay đổi xấu như nước phát sáng, nhiều cặn bã, sinh vật lạ xuất hiện hay cá xung quanh bị nhiễm bệnh tiến hành treo trong lồng túi thuốc tím, để phòng bệnh cho cá, hoặc di chuyển lồng nuôi đến vị trí khác thuận lợi hơn.

5. Phòng và trị một số bệnh thường gặp

a) Kỹ thuật phòng bệnh:

– Việc phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu trong nghề nuôi thủy sản nói chung và nghề nuôi cá nói riêng, nhất là đối với những loài ăn thức ăn tươi như cá mú. Công việc này phải tiến hành ngay từ đầu để giảm bớt rủi ro trong quá trình nuôi. Cần làm tốt những việc sau:

– Chọn vị trí nuôi phù hợp, cá giống khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, không dị hình dị tật, thường xuyên theo dõi, chăm sóc cá nuôi để biết được tình trạng sức khoẻ cá.

– Mật độ thả nuôi vừa phải, không thả quá dày, không cho cá ăn quá thừa cũng như quá thiếu, thức ăn phải tươi, không có mầm bệnh. Khi cá chết cần loại bỏ ra khỏi lồng và tiêu hủy.

– Thường xuyên phối trộn Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá nhất là thời điểm giao mùa, thời tiết xấu.

b) Một số bệnh thường gặp và cách điều trị:

Trị bệnh cho cá nuôi là một trong những vấn đề quan trọng và tương đối khó khăn, để trị bệnh hiệu quả người nuôi cần phải theo dõi thường xuyên các hoạt động của cá, phát hiện bệnh kịp thời để có biện pháp xử lý phù hợp.

– Bệnh do ký sinh trùng:

+ Do các loại giáp xác, giun và các nguyên sinh động vật kí sinh trên mang, vây, da cá làm cho cá bị bệnh. Cá thường nổi lên mặt nước, bơi lội chậm chạp, hô hấp khó khăn, tiết nhiều chất nhớt trên mang, da, hoặc xuất hiện những vệt trắng rải rác trên cơ thể hoặc có thể làm hoại tử ở mang, mang trở nên màu nâu hoặc trắng nhạt. Kí sinh trùng kí sinh ở da và vây dẫn đến viêm sung huyết và lở loét.

+ Dùng dung dịch formol liều lượng 200 ml/m3 tắm cho cá từ 30 – 60 phút và sục khí mạnh đồng thời phun lên lưới lồng để vệ sinh lưới hoặc tắm trong nước ngọt từ 15 – 20 phút.

– Bệnh do vi khuẩn:

+ Chủ yếu do nhóm Vibrio gây ra. Có rất nhiều yếu tố để vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào cơ thể cá như mật độ nuôi quá cao, chất lượng thức ăn kém, nguồn nước ô nhiễm, kém lưu thông hoặc do kí sinh trùng gây nên vết thương tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Cá có dấu hiệu bị xuất huyết, sưng tấy da, lở loét, mắt lồi, đục, thân cá có khối u, màu sắc biến đổi.

+ Cần sang thưa cá nếu cá quá dày, di chuyển lồng đến nơi không bị ô nhiễm, nước lưu thông tốt, không sử dụng thức ăn bị ươn thối cho cá ăn.

+ Dùng Oxytetracyline 2 – 3g/kg thức ăn hoặc Sulfamethoxazole 50-70mg/kg cá/ngày, vitamin C 2 – 3g/kg thức ăn trộn vào thức ăn, cho ăn liên tục 5 – 7 ngày.

* Chú ý: Khi trộn thuốc vào thức ăn cho cá cần phải hòa tan thuốc, trộn đều vào thức ăn, sau đó để ít nhất 15 – 20 phút cho thuốc ngấm vào thức ăn, hạn chế lượng thuốc thất thoát ra ngoài).

28125-ntm.001989_ky-thuat-nuoi-ca-mu-trong-long.pdf

Từ khóa » Cá Mú Cách Nuôi