Kỹ Thuật Nuôi Vịt Siêu Trứng - Trại Giống Thu Hà

I. Các giống vịt theo hướng sản xuất trứng

1. Vịt cỏ

Vịt cỏ là một trong những giống vịt nuôi lâu đời nhất và phổ biến nhất ở nước ta. Vịt cỏ có nguồn gốc từ vịt trời được thuần hoá tự nhiên.

Nuôi vịt cỏ để lấy trứng và kết hợp lấy thịt theo thời vụ (vịt chạy đồng).

Vịt cỏ có nhiều màu lông khác nhau, con mái cỏ màu lông chủ yếu là cánh sẻ, ngoài ra còn có màu xám, lông trắng đen, trắng tuyền. Con trống lông ở cổ có màu xanh đen, màu vàng xanh.

Vịt cỏ tầm vóc nhỏ bé, bắt đầu đẻ trứng sau 140 ngày tuổi, vịt đực nặng 1,5-1,7kg, vịt mái nặng 1,4-1,5kg.

Sản lượng trứng 200-225quả/mái/năm. Trứng nhỏ, khối lượng 64-65gr/quả.Trứng có tỷ lệ phôi cao.

2. Vịt Khaki Campbell

Vịt Khaki Campbell có nguồn gốc từ nước Anh được nhập nội vào nước ta cuối năm 1989. Con trống có màu lông kaki, đầu và cổ màu đen, chân và mỏ màu xám. Con mái lông màu kaki.

Trong điều kiện sản xuất đại trà, vịt bắt đầu đẻ lúc 140-150 ngày tuổi. Sản lượng trứng 250-280 quả/mái/năm. Khối lượng trứng 65-75gr/quả.Trứng có tỷ lệ phôi cao trên 90%. Tỷ lệ nuôi sống đạt trên 94%.

3. Vịt CV 2000 Layer

Vịt CV 2000 Layer nhập vào nước ta năm 1997. Cả vịt mái và vịt trống có màu lông trắng tuyền, khối lượng 8 tuần tuổi đạt 1,4kg/con. Vịt bắt đầu đẻ trứng lúc 154 ngày tuổi. Khối lượng vịt vào đẻ đạt 1,8-2,0kg/con. Sản lượng trứng 285-300 quả/mái/năm, trứng to, khối lượng 70-75gr/quả. Vịt CV 2000 Layer thích hợp nuôi nhốt kết hợp chăn thả, nhất là 2 dòng có triển vọng CVL1, CVL4...

II. Chuồng vịt

- Chuồng phải thoáng mát, ấm và kín vào mùa đông, mát về mùa hè.

- Có thể xây gạch hoặc làm bằng tre, gỗ. Mái chuồng lợp ngói, fibroximăng, lá cọ, rạ đều được.

- Nền chuồng phải cao, không gồ gề được lát bằng gạch hoặc xi măng nhám, chát động chuồng phải khô sạch.

- Diện tích chuồng nếu nuôi nhốt: 1m2 cho 30-32 vịt dưới 10 ngày tuổi ; cho 18-20 vịt từ 11-20 ngày tuổi ; cho 4-5 vịt từ 21 ngày tuổi trở lên.

- Diện tích sân chơi nếu chăn thả: 20 m2 cho vịt từ 20 ngày tuổi trở lên.

- Vệ sinh chuồng sau mỗi lứa nuôi gồm các công việc sau:

  • Cọ rửa sạ ch sẽ chuồng rồi để khô ráo thì tẩy uế.
  • Phun thuốc sát trùng bằng Formol 2% hoặc Crezil 5%.
  • Quét vôi lên vách tường cao 0,8-1m.

- Cho vịt ăn uống ở ngoài chuồng để giữ chuồng được khô sạch.

- Sau khi vệ sinh chuồng, cần để trống chuồng 5-7 ngày mới nuôi lứa khác.

- Chất độn chuồng phải được phơi khô và được xử lý bằng Formol 2%. Chuồng được độn dày 5-8cm tuỳ theo thời tiết từng mùa và tuỳ theo tuổi vịt.

III. Kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc (vịt con từ 1 đến 20 ngày tuổi)

a. Chọn vịt con mới nở:

Cần chọn vịt con lông mượt, rốn khô, mắt sáng, nhanh nhẹn. Chân và mỏ bóng, không có khuyết tật.

b. Kỹ thuật gột vịt con:

- Chuồng sau khi tẩy uế, khử trùng thì rải đều chất độn vào chuồng. Bật đèn, lò sưởi cho chuồng ấm trước khi thả vịt con vào chuồng.

- Chuồng ở nơi khuất gió, thoáng ấm. Dùng cót quây vịt vào 1 góc ấm và nới cót quây theo độ lớn của vịt.

- Cho vịt ăn no, đủ chất, uống nước đầy đủ và sạch sẽ. Thức ăn cho vịt đảm bảo 20% protein, năng lượng 2.900 kcalo/1kg thức ăn.

- Thức ăn hằng ngày tăng dần theo tuổi vịt con, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp theo ngưỡng sau đây cho nhiều bữa trong ngày.

  • Vịt 1 ngày tuổi: Lượng thức ăn 3,5gr/con/ngày.
  • Vịt 5 ngày tuổi: Lượng thức ăn 17,5gr/con/ngày.
  • Vịt 15 ngày tuổi: Lượng thức ăn 52,5gr/con/ngày.
  • Vịt 20 ngày tuổi: Lượng thức ăn 70,0gr/con/ngày.

- Trong trường hợp không có thức ăn công nghiệp, có thể thay thế bằng thức ăn cổ truyền với số lượng 1 ngày chia làm 4-5 bữa như sau:

  • Vịt 1 ngày tuổi: 8gr cơm + 2gr rau hoặc bèo tấm/ngày/con.
  • Vịt 5 ngày tuổi: 10gr cơm + 3gr rau hoặc bèo tấm + 4gr mồi tươi + 2gr đậu xanh/ngày/con
  • Vịt 15 ngày tuổi: 20gr thóc luộc + 10gr cơm + 10gr rau hoặc bèo tấm + 6gr mồi tươi + 4gr bột/ngày/con.
  • Vịt 20 ngày tuổi: 50gr thóc luộc + 8gr rau hoặc bèo tấm + 6gr mồi tươi + 16gr mồi tươi + 8gr bột đậu xanh/ngày/con

- Nước uống cho vịt con phải đầy đủ, sạch sẽ, không nóng quá 300C, không lạnh dưới 80C.

- Máng ăn, máng uống nước phải cọ rửa hàng ngày.

- Hàng ngày phải kiểm tra, theo dõi đầu vịt có sự điều chỉnh nhiệt độ trong chuồng khi vịt con có biểu hiện nóng quá hoặc lạnh quá. Nếu vịt chết phải nhặt ngay khỏi chuồng, vịt ốm phải nhốt riêng để có chế độ chăm sóc phù hợp.

- Không cho vịt ăn thức ăn, ôi, thiu, mốc.

IV. Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng vịt hậu bị (9 tuần -20 tuần tuổi)

- Lượng thức ăn hàng ngày cho vịt hậu bị nuôi nhốt như sau:

  • 9-10 tuần tuổ: 74gr/con/ngày.
  • 14-15 tuần tuổi: 80gr/con/ngày.
  • 19-20 tuần tuổi: 110gr/con/ngày.
  • Trên 20 tuần tuổi: 120gr/con/ngày.

- Nuôi chăn thả hàng ngày trên đồng, trưa cho vịt nghỉ nơi có bóng mát hoặc lều tạm ngoài đồng.

- Lưu ý đồng, bãi kém mồi phải cho vịt ăn thêm. Những ngày gặp thời tiết xấu không chăn thả ngoài đồng phải cho vịt ăn đủ no.

- Tuần thứ 19 trở đi cho vịt ăn thêm thóc, mối tươi (tôm, cua, cá con, giun đất...). Phải đảm bảo cho đàn vịt phát triển đồng đều không có con béo quá hay gầy quá trước khi đẻ trứng.

V. Kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc vịt đẻ (từ 21 tuần tuổi trở lên)

- Chọn vịt đẻ: Khi vịt được 18 tuần tuổi chọn những con khoẻ mạnh, ngoại hình đẹp, đầu thẳng, mông nở, chăn chắc, mắt sáng, nhanh nhẹn để làm vịt mái đẻ.

- Nuôi nhốt: Giai đoạn vịt đẻ cho ăn thức ăn hỗn hợp dạng bột hay dạng viên. Có thể cho ăn thức ăn đậm đặc phối trộn phụ phẩm theo hướng dẫn. Lượng thức ăn 130-150gr/con/ngày.

- Nuôi chăn thả: Quy mô đàn phụ thuộc vào chất lượng, diện tích đồng bãi chăn thả và lao động. Nói chung khoảng 100-120 con/1đàn là vừa. Vịt Khaki Campbell ham hiếm mồi dễ đi tản mạn xa đàn nên bị lạc, cần theo dõi, quản lý tốt khi chăn thả.

Cho vịt ăn thêm vào buổi chiều sau 1 ngày chăn thả. Thức ăn thêm bằng thóc và mồi tươi.

VI. Thu nhặt trứng

Vịt thường đẻ vào ban đêm, thu nhặt trứng vào lúc 6-7 giờ sáng để trứng không bị vịt làm bẩn hoặc bị vỡ.

Trứng xếp vào khay, để nơi cao ráo, thoáng mát sẽ làm cho trứng tươi lâu hơn

Nếu trứng để ấp thì phải chuyển vào lò trước 5 ngày kể từ sau khi vịt đẻ.

Từ khóa » Vịt Trống Có đẻ Trứng Không