Kỹ Thuật Tiêm Thuốc

1. KỸ THUẬT TIÊM THUỐC

1.1. Định nghĩa

Tiêm thuốc là dùng bơm, kim tiêm bơm những thuốc dạng dung dịch hòa tan trong nước, trong dầu hoặc dưới dạng hỗn dịch vào cơ thể qua đường trong da, dưới da, bắp thịt, tĩnh mạch, vào trong các khoang thanh mạc, ống sống…

Đưa thuốc vào cơ thể qua đường tiêm thường có tác dụng nhanh hơn khi đưa vào bằng đường uống.

1.2. Chỉ định tiêm thuốc

- Trong trường hợp cấp cứu: cần có hiệu quả nhanh của thuốc, đặc biệt là tiêm tĩnh mạch, thuốc tiêm trực tiếp vào mạch máu có tác dụng nhanh nhất.

- Trong trường hợp bệnh nhân không uống được hoặc không nuốt được:

+ Bệnh nhân hôn mê, nôn liên tục, bệnh nhân bị bệnh ở thực quản...

+ Bệnh nhân tâm thần không chịu uống thuốc.

- Những thuốc không có chỉ định uống hoặc không nên uống

+ Thuốc uống có tác dụng không tốt đến đường tiêu hóa, ví dụ: uống kháng sinh trong trường hợp bệnh nhân đã bị loạn khuẩn đường ruột.

+ Thuốc uống không được hấp thụ tốt do đường tiêu hóa của bệnh nhân bị tổn thương, thuốc gây tổn thương đường tiêu hoá.

+ Thuốc bị phá hủy bởi dịch vị dạ dày, ví dụ: uống atropin sunfat...

2. BƠM KIM TIÊM VÀ MỘT SỐ DẠNG THUỐC TIÊM

2.1. Bơm tiêm

Bơm tiêm có nhiều loại, nhiều cỡ, to nhỏ khác nhau. Tùy theo lượng thuốc cần tiêm mà lựa chọn cỡ bơm tiêm cho phù hợp.

- Loại bơm tiêm:

+ Bơm tiêm thủy tinh chịu nhiệt: để nhìn thuốc rõ ràng, dễ tiệt khuẩn, nhưng dễ vỡ.

+ Bơm tiêm kim loại: dễ hấp sấy, không quan sát được lượng thuốc.

+ Bơm tiêm nhựa: dùng một lần, được tiệt khuẩn sẵn để trong túi nilon; hiện nay là loại bơm tiêm sử dụng tiện lợi và phổ biến nhất.

- Cỡ bơm tiêm: `

+ Có các cỡ: 1ml, 2ml, 3ml, 5ml, 10ml, 20ml, 50ml.

+ Để phù hợp với lượng thuốc và yêu cầu của từng kỹ thuật tiêm, còn có loại bơm tiêm đặc biệt nhỏ và dài, nòng bơm tiêm có đường kính 5mm, có vạch chia nhỏ 1/10ml hoặc 2/10ml để tiêm phòng vaccin hoặc để thử phản ứng thuốc, tiêm thuốc với liều nhỏ.

- Cấu tạo bơm tiêm: Mỗi bơm tiêm có 2 bộ phận chính:

+ Vỏ bơm tiêm là bộ phận chứa thuốc; ngoài vỏ bơm tiêm có ghi vạch ml, ở phía đầu vỏ bơm tiêm có núm nhỏ để lắp vừa khít kim gọi là ambu.

+ Ruột bơm tiêm (pít tông) để hút và bơm thuốc.

2.2. Kim tiêm

Kim tiêm làm bằng thép không gỉ, cũng có nhiều cỡ để phù hợp với từng kỹ thuật tiêm. Đốc kim ghi số 14 - 16 - 22 – 24, nòng kim rỗng ở giữa, đầu vát nhọn và sắc.

- Tiêm trong da: dùng kim tiêm nhỏ, có mũi vát ngắn, chiều dài 15mm, đường kính 6/10mm, 5/10mm, 4/10mm.

- Tiêm dưới da: dùng kim dài 25 - 30mm, mũi vát dài hơn và sắc, đường kính 6/10mm, 8/10mm.

- Tiêm bắp thịt: dùng kim dài 40 - 60mm mũi vát dài, đường kính 7/10 - 10/10mm.

- Tiêm tĩnh mạch: dùng kim dài 25 - 30mm, đường kính 6/10 - 7/10mm, mũi vát ắn để khi tiêm không làm tổn thương hoặc xuyên qua thành mạch.

Ngoài các loại kim thông thường nói trên còn có những loại kim đặc biệt như kim lấy dịch não tủy bơm thuốc vào ống tủy sống, kim lấy dịch màng phổi, màng tim, màng bụng… được sản xuất riêng cho từng thủ thuật.

2.3. Các dạng thuốc tiêm

Các thuốc đưa vào cơ thể bệnh nhân theo đường tiêm đều phải vô khuẩn hoàn toàn trong các ống, lọ, chai bằng thuỷ tinh hoặc nhựa.

- Ống thuốc pha sẵn: Ống đơn loại 1ml, 2ml, 3ml, 5ml, 10ml đóng trong ống thủy tinh vô khuẩn bịt kín đầu, đầu ống thuốc có vạch đánh dấu để cưa, bẻ ống thuốc.

+ Ví dụ: ống vitamin B1, B12, B6, strichnin sulfat, uabain, lidocain.

- Ống hoặc lọ thuốc kép: kèm theo ống đựng dung dịch để pha khi tiêm.

+ Ví dụ: penicillin, cefotaxin, vaccin sởi...

- Lọ thuốc tiêm đầu bịt cao su, bọc kim loại mỏng, có 2 loại : một loại ở trong không có không khí như penicillin, streptomycin sulfat, loại khác ở trong có không khí như insulin.

- Lọ thuốc to (chai thuốc) 200 - 500ml khi tiêm mới rút ra một lượng thuốc theo chỉ định như novocain; các dung dịch natriclorua, glucose... để truyền tĩnh mạch.

2.4. Cách kiểm tra thuốc

- Trước khi tiêm cho bệnh nhân phải kiểm tra lại thuốc tiêm, thực hiện 3 kiểm tra, 5 đối chiếu, 5 đúng.

- Thuốc tiêm thường đựng trong ống thủy tinh hàn kín đầu, có in hoặc dán nhãn hiệu, trước khi dùng phải kiểm tra xem ống thuốc có còn nguyên vẹn không, nếu mất nhãn hoặc rạn nứt, thuốc vẩn đục phải bỏ đi không được dùng.

2.5. Các dụng cụ cần thiết để tiêm thuốc

- Kẹp Kocher có mấu, vô khuẩn để gắp bơm kim tiêm vô khuẩn.

- Kẹp Kocher không mấu: để gắp bông sát khuẩn.

- Bông, cốc, bát đựng bông cầu.

- Thuốc sát khuẩn: cồn 700, 900, cồn iod.

- Dây garo (nếu tiêm tĩnh mạch).

- Gối nhỏ kê tay (tiêm tĩnh mạch, tiêm trong da).

- Khay men vô khuẩn đựng bơm kim tiêm vô khuẩn.

- Khay quả đậu hoặc túi giấy, đựng bông gạc bẩn.

- Dao cưa ống thuốc.

- Phiếu điều trị hoặc đơn thuốc, sổ y lệnh.

- Xe tiêm, hộp đựng kim tiêm đã dùng (màu vàng).

3. CÁCH HÚT THUỐC VÀO BƠM TIÊM

- Kiểm tra, phụt hết nước đọng ở trong bơm tiêm trước khi hút thuốc vào bơm tiêm, nếu là bơm tiêm thuỷ tinh, bơm tiêm kim loại.

- Sát khuẩn đầu ống thuốc bằng bông cồn 70º trước khi cưa và bẻ ống thuốc bằng núm bông hay gạc vô khuẩn.

- Tiêm ống nào cưa ống ấy, không được cưa sẵn để tránh vi khuẩn xâm nhập vào ống thuốc.

3.1. Hút thuốc từ ống thuốc có đầu nhọn

- Tay trái: dùng ngón trỏ và ngón giữa kẹp ống thuốc đã bẻ đầu.

- Tay phải: cầm bơm tiêm đã gắn kim lấy thuốc, từ từ đưa kim vào trong ống thuốc.

- Ngón cái và ngón nhẫn bàn tay trái: giữ đầu bơm tiêm.

- Tay phải: ngón trỏ để lên gờ bơm tiêm đầu cuối vỏ bơm tiêm, ngón cái và ngón giữa kéo ruột bơm tiêm để rút thuốc vào bơm tiêm .

3.2. Lấy thuốc bột trong lọ

- Dùng kẹp Kocher hay dao cưa nạy nút lọ phần trên.

- Lấy bông tẩm cồn sát khuẩn nút lọ rồi hút nước cất hoặc dung dịch pha vào bơm tiêm với số lượng vừa đủ.

- Đâm kim vào lọ thuốc bột: tay trái giữ lọ thuốc, tay phải cầm bơm kim tiêm có sãn nước cất hoặc dung dịch pha tiêm, đâm kim nhẹ nhàng vào giữa tâm của nút lọ vào trong lọ thuốc, bơm dung dịch vào trong lọ thuốc bột.

- Rút kim ra, lắc đều cho thuốc tan hết, sau đó hút một lượng không khí vào bơm tiêm tương đương với lượng thuốc cần lấy.

Đâm kim qua nút lọ, bơm không khí vào, dốc ngược lọ thuốc, rút từ từ đủ số lượng thuốc vào bơm tiêm.

4. QUY ĐỊNH CHUNG

4.1.Thực hiện tốt 3 kiểm tra, 5 đối chiếu, 5 đúng

Nhằm mục đích chống nhầm lẫn thuốc và bảo đảm an toàn khi dùng thuốc cho bệnh nhân, trước khi tiêm phải kiểm tra dụng cụ, thuốc men đã đầy đủ sẵn sàng chưa, luôn luôn thực hiện tốt 3 kiểm tra, 5 đối chiếu, 5 đúng.

4.2. Thực hiện nguyên tắc vô khuẩn

4.2.1. Bơm kim tiêm và các dụng cụ:

Bơm kim tiêm và các dụng cụ phải đảm bảo tuyệt đối vô khuẩn, cọ rửa hấp sấy đúng kỹ thuật.

- Hấp sấy bơm kim tiêm:

Đây là biện pháp vô khuẩn tốt nhất, trong điều kiện phải sử dụng bơm tiêm bằng thuỷ tinh, kim loại.

+ Sau khi đánh rửa bơm kim tiêm sạch sẽ, phụt khô, tháo rời vỏ và ruột bơm tiêm, quấn gạc xếp vào hộp cùng với các loại kim tiêm cần thiết đem đi hấp sấy ở nhiệt độ 121 - 1260C trong 20 phút.

+ Bơm kim tiêm đã hấp sấy nếu đã quá 7 ngày phải đem đi hấp sấy lại mới được dùng.

- Luộc bơm kim tiêm:

Dưới đáy soong phải lót lớp gạc dày để tránh va chạm làm vỡ bơm tiêm và gợn mũi kim.

- Phải tháo rời ruột bơm tiêm bỏ vào soong, đổ ngập nước, đun sôi liên tục trong 15 - 20 phút (kể từ lúc nước bắt đầu sôi).

- Dùng nước lọc luộc bơm kim tiêm để tránh lắng đọng cặn vào bơm kim tiêm:

+ Nếu luộc trong nước quá 3 giờ mà không dùng đến thì khi dùng phải luộc lại.

+ Vô khuẩn các loại dụng cụ khác:

- Bơm kim tiêm bằng nhựa đã được tiệt khuẩn đóng gói trong túi nilon chỉ được dùng một lần.

- Khay đựng bơm kim tiêm vô khuẩn: phải hấp sấy, đốt hoặc trải hai khăn vô khuẩn.

Kẹp Kocher hấp sấy hoặc đốt bằng cồn trước khi dùng.

4.2.2. Buồng tiêm

Buồng tiêm phải sạch, thoáng, đủ ánh sáng và có đầy đủ chỗ để bệnh nhân nằm, ngồi, để tiêm. Trường hợp bệnh nhân không đi được, có chỉ định chăm sóc bất động tại giường, bệnh nhân truyền dịch tĩnh mạch thì thực hành kỹ thuật tại buồng bệnh.

4.2.3. Điều dưỡng

Điều dưỡng phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sau đó sát khuẩn bằng cồn 700 trước khi tiêm cho bệnh nhân.

* Những điểm cần chú ý:

- Bơm tiêm bị hở, kim bị gỉ, không được dùng. Kim tiêm được mài luôn cho sắc và thông kim thường xuyên.

- Khi tiêm cho bệnh nhân khác dù cùng một loại thuốc cũng phải thay bơm tiêm, kim tiêm khác, mỗi bệnh nhân phải có một bơm kim tiêm riêng.

- Những loại thuốc quy định phải thử phản ứng trước khi tiêm như penicillin, streptomycin sulfat, các thuốc kháng sinh...

- Khi tiêm thuốc cho bệnh nhân vì một lý do gì đó không tiêm được thuốc hoặc trong khi tiêm và sau khi tiêm người bệnh có phản ứng, bị sốc hoặc tai biến thì phải báo cáo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời.

- Khi đã hút thuốc vào bơm tiêm nhưng chưa tiêm ngay thì mũi kim phải được đậy kín bằng vỏ ống thuốc vô khuẩn, để vào trong khay hoặc hộp vô khuẩn có khăn vô khuẩn đậy lại. Nếu quá 15 phút chưa tiêm được cho bệnh nhân thì thuốc đó phải bỏ đi, thay thuốc mới.

- Phải luôn luôn thay đổi vùng tiêm, không được đâm kim nhiều lần vào một vùng, tránh đâm kim lần sau vào lỗ kim lần trước dễ gây đau, nhiễm khuẩn.

- Bất cứ tiêm vào vùng nào (dưới da, bắp thịt, tĩnh mạch) cũng không bao giờ được cắm ngập đốc kim mà phải chừa lại ít nhất 0,5cm để đề phòng kim bị gãy, dễ rút kim ra.

4.3. Tiêm cho bệnh nhân

- Đẩy hết bọt khí ra khỏi bơm tiêm trước khi tiêm cho bệnh nhân bằng cách: để thẳng đứng bơm tiêm ngang với tầm nhìn, ngón trỏ tay trái giữ đốc kim để đề phòng kim rơi xuống đất, tay phải xoay nhẹ ruột bơm tiêm theo chiều kim đồng hồ để đẩy bọt khí. Khi giọt thuốc đầu tiên xuất hiện ở mũi vát kim thì ngừng.

- Vùng tiêm: sát khuẩn rộng và sạch từ trong ra ngoài, chờ đến khi khô mới tiêm, giữ bơm kim tiêm tạo một góc với mặt da phù hợp với từng kỹ thuật.

- Khi tiêm thuốc đảm bảo nguyên tắc hai nhanh một chậm: đâm kim nhanh, bơm thuốc chậm, rút kim nhanh.

- Trường hợp tiêm một số thuốc có lắng cặn như benzyl penicillin… thì thực hiện ba nhanh để tránh tắc kim.

- Khi bơm hết thuốc rút kim ra, kéo chệch da vùng tiêm cho thuốc khỏi chảy ra theo mũi kim, dùng bông cồn bôi nhẹ lên chỗ tiêm.

- Để bệnh nhân nghỉ 5 - 10 phút trước khi ra về hoặc cho bệnh nhân nằm lại ở tư thế thoải mái.

5. KỸ THUẬT TIÊM THUỐC

5.1. Chuẩn bị bệnh nhân

- Xem hồ sơ bệnh án, y lệnh điều trị và phiếu cho thuốc, thực hiện 3 kiểm tra, 5 đối chiếu, 5 đúng.

- Giải thích, thông báo cho bệnh nhân biết việc sắp làm để bệnh nhân yên tâm và căn dặn bệnh nhân những điều cần thiết.

5.2. Chuẩn bị của điều dưỡng:

Điều dưỡng phải đeo khẩu trang, rửa tay, đi găng tay.

5.3. Chuẩn bị dụng cụ và thuốc

- Lọ cắm kẹp Kocher.

- Kẹp Kocher: 2 chiếc.

- Cồn 700.

- Cốc đựng bông cồn.

- Thuốc theo chỉ định.

- Hộp thuốc cấp cứu.

- Dao cưa ống thuốc.

- Khay quả đậu (hoặc túi giấy).

- Khay chữ nhật trải 2 khăn vô khuẩn.

- Mở hộp bơm kim tiêm vô khuẩn, điều dưỡng sát khuẩn tay lần thứ nhất.

Hình ảnh 01: Các loại bơm tiêm

Hình ảnh 02: Các loại kim tiêm

Hình ảnh 03: Kim truyền tĩnh mạch

- Lấy bơm kim tiêm thích hợp, kiểm tra kim tiêm trước, kim lấy thuốc sau rồi đặt bơm tiêm đã gắn kim lấy thuốc vào khay vô khuẩn.

- Kiểm tra ống thuốc, cưa ống thuốc, sát khuẩn đầu ống thuốc và dùng gạc vô khuẩn bẻ ống thuốc.

- Hút thuốc vào bơm tiêm.

- Thay kim lấy thuốc, lắp kim tiêm, mũi vát của kim thẳng với vạch chia mililit ở trên thân bơm tiêm.

- Lắp vỏ ống thuốc vừa lấy vào đầu mũi kim, đặt bơm kim tiêm vào trong khay vô khuẩn và đậy khăn vô khuẩn lại.

- Đẩy xe đựng dụng cụ đến giường bệnh nhân.

5.4. Thực hành kỹ thuật

- Đặt bệnh nhân ở tư thế thích hợp.

- Bộc lộ vùng tiêm, xác định vị trí tiêm và sát khuẩn vị trí tiêm từ trong ra ngoài.

- Điều dưỡng viên sát khuẩn tay bằng cồn lần thứ hai.

- Thực hiện 3 kiểm tra, 5 đối chiếu, 5 đúng.

- Cầm bơm tiêm, đẩy hết không khí và tiêm thuốc cho bệnh nhân đúng kỹ thuật và theo nguyên tắc hai nhanh, một chậm.

- Vừa bơm thuốc vừa theo dõi sắc mặt bệnh nhân.

- Bơm hết thuốc, rút kim nhanh, kéo chệch căng da nơi tiêm rồi sát khuẩn lại vị trí tiêm.

- Giúp bệnh nhân nằm lại tư thế thoải mái.

5.5. Thu dọn dụng cụ, ghi hồ sơ

Kết quả thực hiện tiêm thuốc và những dấu hiệu đặc biệt có phản ứng thuốc xuất hiện trên bệnh nhân trong và sau khi tiêm thuốc.

Quy trình kỹ thuật tiêm thuốc cho bệnh nhân bao gồm các quy trình tiêm trong da, tiêm dưới da, tiêm bắp thịt và tiêm, truyền tĩnh mạch. Đôi bàn tay người thực hành kỹ thuật đóng vai trò quyết định. Cảm giác của tay cho biết mũi kim tiêm đã đi qua da, vào lớp mỡ dưới da, vào cơ hay đã xuyên qua thành tĩnh mạch vào trong tĩnh mạch. Kết hợp với quan sát sắc mặt phản ứng của bệnh nhân, cảm giác của đôi tay cho biết thuốc đang được bơm vào tổ chức nào, có tắc kim, tiếp tục tiêm thuốc hay phải ngừng ngay tiêm thuốc.

Từ khóa » Cách Xác định Tiêm Bắp Sâu