Kỹ Thuật Trồng Bí Xanh Sân Thượng - VnExpress Đời Sống

Anh Nguyễn Giàu, ở TP HCM, được cộng đồng làm vườn sân thượng biết đến bởi có bí quyết trồng bí xanh rất thành công. Mỗi vụ anh trồng, một gốc bí có thể cho đến 40 quả, mỗi quả nặng 2-3kg.

Anh chia sẻ với độc giả VnExpress cách trồng bí đơn giản và hiệu quả tại nhà bằng thùng xốp hoặc thùng nhựa trên sân thượng.

Vật tư

- Thùng trồng: Các loại thùng nhựa có dung tích 100-200 lít, đục lỗ thoát nước bên hông cách đáy thùng 5cm.

- Vỉ ươm hạt.

- Giàn trồng cao khoảng hai mét để thuận tiện cho việc chăm sóc sau này.

- Đất ươm hạt và đất trồng : Đất sạch trộn tro trấu, xơ dừa, vỏ đậu phộng sao cho thật tơi xốp, bón lót phân trùn quế + vôi + nấm đối kháng ủ 7-10 ngày.

- Các loại phân bón: Phân trùn quế, phân gà, phân viên tổng hợp, phân cá, NPK

Ngâm ủ và gieo hạt

- Hạt giống mua về ngâm vào nước ấm khoảng ba tiếng sao cho hạt chìm hoàn toàn trong nước, vớt hạt ra ủ vào khăn ẩm, để nơi thoáng mát.

- Khoảng 24 - 48 tiếng sau khi ủ hạt sẽ nứt nanh, đem gieo vào vỉ ươm, tưới nước mỗi ngày hai lần lúc sáng sớm và chiều mát, để vỉ ươm nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mưa và có nắng nhẹ.

- Khi cây đạt 2-3 lá thật có thể đem trồng vào thùng.

Trồng và chăm sóc cây con

- Nhẹ nhàng nhấc cây con từ vỉ ươm trồng vào thùng, chú ý không làm bể bầu đất, lượng đất trong thùng lúc này chỉ để khoảng 2/3 sức chứa của thùng và khi trồng nên trồng ở một góc thùng để sau này thuận tiện cho việc khoanh gốc.

- Bón thúc 10 ngày một lần hỗn hợp phân trùn quế, phân gà, phân viên tổng hợp và tưới xen một lần phân cá, liều lượng linh hoạt theo sức cây và số lượng cành lá mà cây đang nuôi dưỡng.

- Tỉa hết các cành nhánh phát sinh trong quá trình trồng, chỉ nuôi duy nhất một thân chính cho leo lên giàn.

Giàn bí trên sân thượng nhà anh Nguyễn Giàu. Ảnh: Nguyễn Giàu

Giàn bí trên sân thượng nhà anh Nguyễn Giàu. Ảnh: Nguyễn Giàu

Khoanh gốc cho cây

- Khi cây leo đến đỉnh giàn thì cây đã đạt độ dài hai mét, tiến hành cắt hết tua cuốn và lá, chỉ chừa lại những lá ở phần ngọn dài khoảng 40cm.

- Vùi đoạn thân đã cắt lá xuống thùng và đổ thêm đất lên đến sát miệng thùng, mục đích của việc này là để cây ra thêm các rễ phụ nhằm hút thêm nhiều nước và chất dinh dưỡng, cây khoẻ và sai trái hơn sau này.

- Sau khi khoanh gốc xong tiếp tục bón phân và cho cây leo lên giàn, các hoa đực và hoa cái phát sinh trong lúc cây leo giàn nên vặt bỏ, khi nào cây leo chạm giàn lần nữa thì tiến hành bấm ngọn, chọn nuôi 3 - 4 nhánh chính.

Mũi tên màu đỏ là vị trí gốc ban đầu, màu vàng là đường đi của dây bí khi khoanh gốc, vòng tròn màu đỏ là vị trí mới của gốc bí sau khi khoanh gốc. Ảnh: Nguyễn Giàu

Mũi tên màu đỏ là vị trí gốc ban đầu, màu vàng là đường đi của dây bí khi khoanh gốc, vòng tròn màu đỏ là vị trí mới của gốc bí sau khi khoanh gốc. Ảnh: Nguyễn Giàu

Thụ phấn bổ sung và bấm ngọn nuôi trái

- Cây bí sau khi để nhánh sẽ phát sinh rất nhiều hoa cái và hoa đực dạng đơn, thụ phấn bổ sung vào khoảng 7-8h sáng, chọn hoa đực to khoẻ xé cánh hoa chấm nhẹ vào đầu nhụy hoa cái, nếu thành công thì hai ngày sau hoa cái sẽ phình ra tạo thành quả.

- Bấm ngọn ngay sau vị trí quả 8-10 lá để cây dồn dinh dưỡng nuôi quả, các nhánh nhỏ phát sinh từ nhánh chính giai đoạn này cũng nên vặt bỏ sớm tránh tổn hao dinh dưỡng.

Thu hoạch và lấy tiếp trái đợt sau

- Quả bí xanh cho thu hoạch khoảng 50 ngày sau thụ phấn, lúc này bí đã già và có lớp phấn ngoài vỏ nên ăn rất thơm và ngọt.

- Ở thời điểm 40 ngày sau thụ quả bí đã đạt được trọng lượng tối đa, từ đây về sau quả sẽ chỉ già đi và không to thêm nữa.

- Sau khi thu hoạch xong tiến hành cắt hết các lá già, lá sâu bệnh và bón thúc phân để cây bật mầm mới sẽ kéo theo việc ra hoa, khi hoa bí nở tiếp tục tiến hành thụ phấn bổ sung và bấm ngọn như đã làm ở các bước trên.

- Một cây bí nếu được chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch 3-4 đợt quả liên tiếp.

Các giai đoạn cần bổ sung NPK để cây phát triển vượt trội

+ Giai đoạn khoanh gốc

+ Giai đoạn ra hoa thụ phấn

+ Giai đoạn nuôi quả

+ Giai đoạn thu hoạch và lấy trái đợt tiếp theo

Nguyễn Giàu

Từ khóa » Cách Trồng Cây Bí đao