Kỹ Thuật Trồng Cây đậu Bắp Nhật - Khuyến Nông Hậu Giang

Ngoài việc tiết kiệm nguồn nước tưới, có kế hoạch tưới hợp lý thì việc chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu là giải pháp quan trọng để ứng phó với tình hình hạn hán, đảm bảo thu nhập cho bà con nông dân. Trong đó điển hình là cây đậu bắp Nhật Bản (đậu bắp xanh). Đây là một loại cây trồng ngắn ngày, rất thích hợp với vùng đất ở địa phương, khả năng sinh trưởng khỏe, thích ứng với nhiều mùa vụ do tính năng của nó chịu được phèn mặn, cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng từ 60 – 70 ngày, sau khi gieo hạt đến 45 ngày là bắt đầu thu hoạch và thời gian thu hoạch kéo dài trong 30 ngày.

Đầu năm 2019, Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ phối hợp với Công ty Thủy sản Bạc Liêu triển khai thực hiện mô hình trồng đậu bắp Nhật Bản cho tất cả các xã, phường trên địa bàn thị xã. Công ty hợp đồng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 8.500 đồng/kg loại 1 (chiều dài 6-9 cm); 2.500 đ/kg loại 2 (chiều dài 9-12 cm). Dưới đây là quy trình canh tác cây đậu bắp Nhật Bản do công ty cung cấp triển khai đến bà con:

1. Điều kiện đất đai và nguồn nước:

- Điều kiện đất: Đất bằng phẳng, không ngập úng. Độ pH của đất khoảng 6,5 – 6,5. Gần nguồn nước sạch, xa vùng có nguồn ô nhiễm như nhà máy, bệnh viện, bãi rác… Đặc biệt, không trồng đậu bắp liên tục nhiều vụ trên cùng một chân đất.

- Điều kiện nguồn nước: nguồn nước phải sạch, nước không bị ô nhiễm kim loại nặng và vi sinh vật gây hại. Nguồn nước phải đủ tưới cho các mùa vụ trồng.

- Thời vụ: Nhiệt độ tối ưu để gieo hạt từ 21 – 320C. Có ánh sáng mặt trời. Đậu bắp có thể trồng được quanh năm, nhưng vụ Đông Xuân gieo vào tháng 12 có nhiều thuận lợi hơn.

2. Chuẩn bị giống và làm đất:

- Giống: Chọn những hạt sáng bóng to tròn để đem gieo sẽ cho tỷ lệ nảy mầm cao.

- Làm đất: Đất cần được dọn sạch. Cày cho đất tơi xốp và phơi nắng từ 7 – 14 ngày trước khi trồng.

- Lên liếp và phủ bạt: Liếp rộng 1,0 – 1,2m, cao 15 – 30cm. Trồng hàng đơn khoảng cách hàng cách hàng 1,0 – 1,2m. Cây cách cây 50 – 60cm. Mùa mưa nên làm mương sâu quanh ruộng, lên liếp cao để thoát nước dễ dàng sau mỗi cơn mưa.

- Bón lót cho 1.000 m2: 3 tấn phân hữu cơ đã ủ hoai + 30-50 kg super lân + 5 kg Kali. Phân được bón trên liếp và phủ bạt.

- Phủ bạt: Plastic có màu ánh bạc ở mặt trên và màu đen ở mặt dưới (mặt ánh bạc sẽ phản chiếu ánh sáng mặt trời và xua đuổi côn trùng, mặt tối bên dưới sẽ làm cho cỏ không mọc được).

- Mật độ trồng: (theo khuyến cáo của kỹ thuật Cty CP Thủy Sản Bạc Liêu).

+ Trong mùa khô kích thước cây 22 – 25cm, hàng cách hàng 80 – 60cm hoặc 70 – 50cm. Trong mùa mưa kích thước 25cm khoảng, hàng cách hàng 80 – 60cm.

Hình ảnh: giống đậu bắp Nhật (còn gọi là đậu bắp xanh)

+ Trộn hạt giống với Ridomil Gold 68 WG 100g/2-3kg hạt giống để phòng ngừa bệnh từ hạt.

+ Đặt 2 – 3 hạt cho một lỗ.

3. Chăm sóc:

- Bón phân:

+ Tưới dặm: Urea + DAP + phân hữu cơ (humate) định kỳ cho giai doạn cây con.

+ Bón phân NPK: 60 kg/1.000 m2 chia làm hai lần khoảng 30 kg/lần/1.000 m2, lần thứ 1 sau 20 – 25 ngày tuổi, lần thứ hai khi cây 35 – 40 ngày tuổi .

+ Bón phân theo sự phát triển bộ rễ của cây đậu bắp. Mỗi lần bón đục lỗ nhỏ hoặc rạch hàng để bón và phủ lớp đất mỏng hoặc phân hữu cơ để giữ cho phân khỏi bay hơi.

- Tưới nước: Tưới nước ngay sau khi trồng và ngay sau khi bón phân. Tưới định kỳ, không để thiếu nước trong giai đoạn cây ra hoa và cho trái, nếu thiếu nước năng suất và trái đậu bắp không đạt tiêu chuẩn. Cần tưới đủ nước để giữ độ ẩm của đất.

- Chăm sóc:

+ Tỉa bỏ những cây yếu, phát triển không tốt. Ngắt bỏ bớt lá chân, tạo thông thoáng.

+ Tỉa bỏ cây bị bệnh và đốt. Nên tỉa vào lúc trời nắng ráo.

+ Sử dụng và bảo quản nông cụ, bình phun hóa chất và những công cụ phải được vệ sinh trước khi cất giữ.

4. Một số bệnh thường gặp trên cây đậu bắp:

4.1. Bệnh vàng gân lá:

- Nguyên nhân: Virus

- Triệu chứng: Gân lá vàng nếu bệnh nặng đỉnh lá cong và cuộn lại. Lá vàng và năng suất thấp.

- Giai đoạn nhiễm bệnh: xảy ra trong suốt giai đoạn trồng và thường xảy ra trong khu đất cũ đã phát bệnh.

- Phòng và trị bệnh: Loại bỏ cây nhiễm bệnh, đặc biệt cây sau khi tăng trưởng cho đến khi có hoa và có trái. Tránh trồng xen các cây rau quả khác trong cùng khu đất, dễ mang mầm bệnh từ virus như dưa leo, khổ qua. Loại bỏ cây mang mầm bệnh trồng gần khu vực trồng đậu bắp.

4.2. Bệnh đốm nâu lá (cháy lá):

- Nguyên nhân: Nấm Macrosporium sp.

- Triệu chứng: Lúc đầu là những đốm màu bạc trắng, sau vết bệnh lớn lên, có màu xám tro, hoặc nâu nhạt, trên đó có những đường vòng gần như đồng tâm, màu nâu thẩm, vết bệnh có thể phát triển rất lớn làm cháy cả một mảng lá. Lá vàng và héo khô.

- Giai đoạn nhiễm bệnh: bệnh được phát triển trong điều kiện cây không được chăm sóc tốt.

- Phòng và trị bệnh:Bón phân, chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt. Thu gom lá nhiễm bệnh và đốt. Phun hóa chất để bảo vệ và tiêu diệt bệnh.

4.3. Bệnh thán thư:

- Nguyên nhân: Nấm Glomerella gosypii.

- Triệu chứng: bệnh gây hại trên lá và quả. Trên lá, lúc đầu là những đốm hình hơi tròn màu xanh tái hoặc nâu, sau vết bệnh lớn lên không có hình dạng rõ rệt, màu nâu đen, hơi khô. Trên quả, vết bệnh màu đen, hình tròn, hơi lõm vào, trên có lớp bột màu xanh xám. Quả bị bệnh hơi nhỏ và có thể thối.

- Giai đoạn nhiễm bệnh: bệnh phát sinh từ khi cây có lá mầm đến thu hoạch.

- Phòng và trị bệnh: Trộn hạt giống với thuốc ngừa bệnh. Ngắt bỏ lá và quả bị bệnh nặng. Thu dọn tàn dư cây trồng sau thu hoạch. Khi cây có trái non trong mùa mưa và thời tiết nóng có sương nên sử dụng phun hóa chất để phòng trừ bệnh.

4.4. Bệnh khô cây:

- Nguyên nhân: nấm Fusarium sp.

- Triệu chứng: đầu tiên là cây sinh trưởng kém, sau đó các lá phía dưới biến vàng, dần dần lên các lá phía trên. Lúc này thấy đoạn gốc cây chuyển màu xanh xám, chỗ gốc giáp mặt đất gỗ hóa nâu, cắt ngang gốc thấy các mạch dẫn bị nâu đen. Cuối cùng cả cây bị héo và chết khô.

- Giai đoạn nhiễm bệnh: bệnh phát sinh từ khi cây có lá mầm đến thu hoạch.

- Phòng và trị bệnh: Thu dọn tàn dư cây sau thu hoạch, bón vôi, xới xáo và vun gốc, không để nước đọng ở gốc cây. Nhổ bỏ cây bị bệnh để hạn chế nguồn bệnh trong đất. Thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ bệnh ít có hiệu quả.

5. Một số côn trùng và cỏ dại hại cây đậu bắp:

5.1. Sâu xanh da láng:

- Đặc tính: bướm đẻ trứng thành từng ổ màu trắng trên những mầm lá non như lá, gân lá. Sâu non ăn mọi phần của cây, làm giảm năng suất, trái có chất lượng thấp.

- Thời gian xuất hiện: trong suốt mùa vụ trồng.

- Phòng trị: Làm đất và diệt trừ những tổ kén sâu bướm. Gom trứng và sâu để đốt. Kiểm tra trứng và sâu 100 cây/1.000 m2 theo 5 điểm chéo gốc, nếu có trung bình 1 ổ trứng hoặc 1 con sâu trên 1 cây, sử dụng hóa chất để phòng trị.

5.2. Bọ trĩ:

- Đặc tính: khi trưởng thành hình dạng dài, màu vàng nhạt. Đẻ trứng đơn trên gân lá, ấu trùng và con trưởng thành đều hút chất nhựa từ lá, gân lá làm lá chuyển thành màu nâu vàng và cuộn lại.

- Thời gian xuất hiện: trong suốt mùa vụ trồng.

- Phòng trị: kiểm tra 100 cây/1.000 m2 theo 5 điểm chéo góc và trên 1 cây kiểm tra 5 lá từ đọt cây nếu phát hiện bọ trĩ trung bình 2-3 con/lá, phải phun hóa chất.

5.3. Sâu đục trái:

- Đặc tính: bướm đẻ trứng đơn lẻ trên phần non của cây như lá, gân lá, mầm non. Sâu nở ra đục vào hoa, trái, ăn trái non làm ảnh hưởng đến sản lượng và phẩm chất trái.

- Thời gian xuất hiện: khi cây ra hoa và có trái non.

- Phòng trị: Bắt sâu bằng tay, ngắt và hủy bỏ những chồi và trái bị đục. Gom sâu và đốt. Nếu phát hiện sâu nhiều cần sử dụng hóa chất để phòng trị.

5.4. Sâu khoang (sâu ăn tạp):

- Đặc tính: bướm đẻ trứng trên lá, cành và gân lá thành những ổ bằng hạt đậu, có lông tơ bao phủ màu vàng rơm. Khi mới nở sâu gây hại tại chỗ ăn lá, hoa, trái; khi lớn sâu sẽ phân tán, ăn mọi bộ phận của cây và tàn phá nhanh chóng. Sâu phá hại mạnh vào ban đêm, ban ngày ẩn trong đám lá, bụi cỏ hoạc trong đất. Sâu làm nhộng trong đất.

- Thời gian xuất hiện: trong suốt mùa vụ trồng.

- Phòng trị: Gom trứng và sâu tiêu hủy. Kiểm tra trứng và sâu trên 100 cây/1.000 m2 mỗi 5-7 ngày, nếu có trung bình 1 ổ trứng hoặc 1-2 con/cây, phải phun thuốc phòng trị.

5.5. Rầy xanh:

- Đặc tính: Rầy màu xanh lá cây, hình thoi, đuôi nhọn, cánh màu xanh nhạt. Rầy đẻ trứng thành ổ 2-10 trứng xếp liền nhau thành 1-2 hàng. Rầy non giống rầy trưởng thành nhưng không có cánh. Rầy sống tập trung mặt dưới lá chích hút nhựa làm lá xoắn lại, lốm đốm vàng. Hại nặng lá vàng, lá nhỏ và khô cháy, hoa nhỏ, trái ít và nhỏ.

- Thời gian xuất hiện: trong suốt mùa vụ, phát sinh nhiều khi thời tiết khô và nóng.

- Phòng trị: Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt. Khi rầy phát sinh nhiều phun hóa chất phòng trừ.

5.6. Cỏ dại:

- Loại cỏ dại:

+ Cỏ dại hàng niên loại cỏ dại có chu kỳ sống ngắn trong 1 mùa vụ hầu hết tăng trưởng bởi hạt: cỏ chỉ, mần trầu, dền, đuôi chồn, màng màng, cỏ cú, lác…

+ Cỏ dại đa niên: thường tăng trưởng bằng cây, cây con mọc từ thân cây mẹ tăng trưởng mạnh hơn cây mọc từ hạt.

- Phòng trị cỏ dại: Làm (cày) vỡ đất, phơi nắng từ 7 – 14 ngày và sau đó bừa cho đất tơi 1 – 2 lần. Gom cây và rễ trong khu vực trồng. Diệt cỏ dại bằng tay hoặc máy khi cỏ còn nhỏ chưa ra hoa.

6. Thu hoạch:

- Giai đoạn thu hoạch thích hợp: Trái dài 6 – 12cm, khi trái có màu xanh đặc trưng. Thu hoạch vào buổi sáng.

- Phương pháp thu hoạch: Trang bị đồ bảo hộ lao động, găng tay cao su để tránh lông tơ của trái đậu bắp. Dùng tay bẽ trái có cuống và giữ trong giỏ/thùng sạch.

- Tiêu chuẩn chất lượng trái: Trái non, tươi, màu xanh đặc trưng, trái thẳng có 5 cạnh, dài 6 – 12cm. Không có vết bệnh, côn trùng và những chất không tốt trên bề mặt trái.

Bảng 1. Hướng dẫn sử dụng hóa chất và vi sinh để phòng trừ bệnh cây đậu bắp (Theo Công ty Thủy sản Bạc Liêu khuyến cáo)

Bệnh

Hoạt chất

Liều lượng/8 lít nước

Hướng dẫn sử dụng

và chú ý

Dừng sử dụng trước thu hoạch

Metalaxyl

(Ridomil Gold 68WG)

Ngâm tạo lớp bao phủ hạt trước khi gieo

Phun lên cây trồng mùa mưa, khi cây bắt đầu có hoa để phòng bệnh.

Phun 10-15 ngày/lần phụ thuộc vào mức độ bệnh, nếu cây nhiễm bệnh phun 5-7 ngày/lần.

Thán thư

Amistar (80WP)

Phun khi cây bắt đầu ra hoa, sau đó phun 10 ngày/lần phụ thuộc vào mức độ nhiễm bệnh nhiều hay ít và loại bệnh.

Mancozeb (80WP)

Carbenzim (50 WP)

Difenoconazole (250EC)

Bảng 2. Hướng dẫn sử dụng hóa chất sinh học và hóa chất để phòng trừ sâu hại cho cây (Theo Công ty Thủy sản Bạc Liêu khuyến cáo)

Côn trùng

Chất sinh học và hóa chất

Liều lượng/8 lít nước

Hướng dẫn sử dụng

Dừng sử dụng trước khi thu hoạch

Sâu xanh da láng, sâu khoang

Padan 95SP

Khi phun nên trộn với chất bám dính và phun buổi chiều, có thể phun trong giai đoạn thu hoạch

Atabron 5EC

Dupont Lannate 25WP

Phun xen kẻ với chất virus

Cypermethrin

Phun khi côn trùng còn nhỏ hiệu quả sẽ cao

Sâu đục trái

Dupont Lannate 25WP

Phun khi có sâu, nên phun khi sâu còn nhỏ chưa đục vào trái

Atabron 5EC

Rầy xanh

Imidacloprid (10SL)

Phun trừ rầy giai đoạn cây còn nhỏ chưa thu hoạch

Padan 95SP

Phun đều trên lá cây khi thấy rày phát sinh nhiều

Từ khóa » Cây đỗ Bắp