Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Và Phòng Trị Bệnh Cây Chuối

Cây Chuối được trồng ở ít nhất 107 quốc gia. Ở nhiều vùng trên thế giới và trong thương mại, “chuối” là từ thường được dùng để chỉ các loại quả chuối mềm và ngọt. Những giống cây trồng có quả chắc hơn được gọi chuối lá. Cũng có thể cắt chuối mỏng, sau đó đem chiên hay nướng để ăn giống như khoai tây. Chuối khô cũng được nghiền thành bột chuối.

Cây chuối là gì?

Cây chuối có tên khoa học là (Musa sapientum L.), thuộc họ Musaceae. Thân chính nằm dưới đất là loại cây thân ngầm hay còn gọi là củ, từ thân ngầm đẻ ra nhánh gọi là chồi (con chuối). Các bẹ lá được cấu tạo thành hình trôn ốc quyện chặt với nhau, tạo thành thân giả. Hoa chuối xuất hiện trên thân giả giữa bẹ và cuống lá, mỗi thân giả chỉ mang một hoa (buồng), vòng đời của cây chuối kết thúc khi ta thu hoạch buồng.

Cây chuối là gì?
Cây chuối là gì?

Chuối là một loại quả không thể thiếu được trong mâm ngũ quả ngày tết, và các ngày lễ răm hay mùng một đầu tháng, nó tượng trưng cho sự no đủ, sum vầy, là sự tôn kính của của cháu ông bà đối với ông bà tổ tiên.

Đặc điểm cơ bản của cây chuối

Cây Chuối có tên khoa học là Musa spp., thuộc họ chuối ( Musaceae ), có nguồn gốc bắt nguồn ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á và châu Úc.

Chuối thường  mọc thành bụi, thân chuối thuộc dạng thân giả được tạo thành từ các bẹ lá, có chiều cao từ 2-8m. Bộ rễ phát triển mạnh, lan rộng và ăn sâu trong lòng đất đến 60 cm

Phiến lá có màu xanh,  có chiều dài từ 1-2m, chiều rộng từ 0,3-0,6m.

Đặc điểm cơ bản của cây chuối
Đặc điểm cơ bản của cây chuối

Hoa mọc từ lõi của thân,thường gọi là bắp chuối, có màu đỏ.

Quả mọc thành từng nải, khi còn non có màu xanh,cứng, khi chín có màu vàng, và mềm.

Phần lớn người ta thường sử dụng chuối như một loại trái cây, nhưng ở một số nước, chuối thường được sử dụng như một loại thực phẩm chính trong các bữa ăn hàng ngày. ở Viêt Nam, thưởng sử dụng chuối xanh để nấu trong các món ăn mặn, khi chín có thể dùng để nấu chè chuối. Chuối còn được phơi khô hoặc sấy để làm các món snack…Chuối còn được sử dụng để ngâm với rượu như một loại thuốc.

Thân chuối hoặc bắp chuối xanh cũng là một thức ăn phổ biến, chúng được thái mỏng là một trong những loại rau có mặt trong bữa ăn với các món nộm, ăn sống…

Một số loài chuối mọc hoang dại có nhiều màu sắc khác nhau, được sử dụng nhưu là một loại cây cảnh tạo nên một khu vườn đa dạng, đa sắc màu.

Một số loài chuối hột, chuối xiêm .. còn là một loại dược liệu quý trong Đông y để chữa mọt số bệnh như : đau nhức xương khớp, các bệnh tiểu đường, bệnh thận.

Lá chuối có thể được tận dụng để làm bọc thức ăn, làm cho hương vị trở nên hấp dẫn hơn, thân thiện với môi trường.

Khi bẹ chuối già, có tính dẻo, được tận dụng trong một số nghề thủ công như đan lát…

Phương pháp nhân giống và một số giống chuối

1. Phương pháp nhân giống

Cây chuối được nhân giống bằng phương pháp nhân giống vô tính, thường dùng chồi con để trồng. Chồi con được hình thành từ những mầm ngủ mọc trên thân ngầm của cây. Một số phương pháp nhân giống chuối phổ biến đã được áp dụng:

* Nhân giống không để cây mẹ sản xuất buồng

Trồng cây mẹ với khoảng cách thưa để cho nhiều cây con nhất. Cây mẹ trồng được 5 tháng thì bứng hết cây con ra, vun gốc và bón phân. Sau một tuần lễ, chẻ dọc một số bẹ ngoài cùng để lộ ra một số mắt ở củ chuối. Lấy mũi dao khoét một vòng nhỏ quanh mắt và sau đó tiến hành vun gốc một lần nữa. Khoảng một tuần sau có cây con mọc lên, như vậy cứ 2 tuần có thể bứng cây con một lần. Nếu cây mẹ trổ buồng thì chặt buồng ngay sau khi trổ. Khai thác lấy cây con cách khoảng 6 tháng thì cây mẹ sẽ chết do hết bẹ.

* Nhân giống cấp tốc bằng cách vun gốc

Chọn đất có nhiều hữu cơ, bón phân đạm nhiều. Trồng cây chuối con với khoảng cách 2 x 1,5 m. Sau 15 ngày thì vun gốc thật cao khoảng 50-60 cm làm cho cây xuất hiện củ mới ở trên. Mỗi củ sẽ cho ra những cây chuối con. Sau 5 tháng thì bứng cả bụi lên, tách những cây con cao từ 20 cm trở lên đem trồng.

Chuối là loại cây ăn quả nhiệt đới, dễ trồng và cho sản lượng cao, năng suất trung bình có thể đạt 20-30 tấn/ha. Cây chuối từ khi xuất hiện chồi (con chuối) cho tới khi có buồng thu hoạch đuợc vào khoảng 2 năm.

* Nhân giống bằng củ

Dùng củ chuối ở các vườn đã hết giá trị kinh tế, chọn củ lớn, tốt, cắt hết rễ, chẻ làm 4 – 6 miếng, mỗi miếng có mang 1 – 2 mầm ngủ rồi đem ươm, sau 6 – 7 tháng thì xuất hiện chồi, bứng chồi lên đem trồng.

2. Một số giống chuối

* Nhóm chuối già

  • Chuối già Lùn: trái cong và còn xanh khi chín, chóp trái hình cổ chai ngắn, đầu trái bằng phẳng, dạng hình nón cụt, cuống buồng còn sót nhiều lá mo chưa rụng hết.
  • Chuối già Hương: trái hơi cong và còn xanh khi chín, chóp trái lõm vô rõ rệt, đầu trái bằng phẳng, buồng dạng hình lăng trụ, cuống buồng không có mo khô vì rụng hết.
  • Chuối già Cui: trái hơi cong và còn xanh khi chín, đầu trái bằng phẳng hay hơi lõm vô, buồng hơi có hình nón cụt vì có một nảy mọc xa ra, cuống buồng còn sót lá mo chưa rụng hết nhưng ít hơn già lùn.
Cây chuối già
Cây chuối già

* Nhóm chuối Cau

  • Chuối cau Mẳn: Trái tròn nhưng thẳng, có vỏ láng bóng và màu vàng khi chín, trái rất nhỏ và ngắn.
  • Chuối cau Quảng: giống như Cau Mẳn, nhưng trái dài và lớn hơn.
Cây chuối cau
Cây chuối cau

* Nhóm chuối Xiêm

  • Chuối Xiêm Đen: trái ít cạnh, đầu trái lồi, trái hơi ngắn, kích thước trung bình, cuống hơi ngắn khoảng 2,5 cm, chóp trái hình cổ chai, vỏ trái chín có đốm mốc.
  • Chuối Xiêm Trắng: trái ít cạnh, đầu trái lồi, trái dài hơn và lớn hơn Xiêm Đen, kích thước trung bình, cuống hơi dài khoảng 4 cm, chóp trái hình cổ chai. Vỏ trái chín có màu lợt hơn Xiêm Đen, không đốm mốc.
Cây chuối xiêm
Cây chuối xiêm

Đặc điểm phát triển của cây chuối

Đặc điểm phát triển của cây chuối
Đặc điểm phát triển của cây chuối

1. Đất trồng Cây chuối

Cây chuối thích hợp trồng trên đất phù sa tơi xốp, nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, giữ ẩm và phải thoát nước tốt. Đất trồng chuối cần phải có lớp đất mặt dày ít nhất là 0,7 m để bộ rễ phát triển tốt nhất. Độ pH của đất có tiêu chuẩn đạt trong khoảng từ 5 – 7. Đối với loại đất chua cần bón vôi bột cho đất thường xuyên nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Đất trồng chuối cần có điều kiện là 2 -3 vụ trước khi muốn trồng chuối tuyệt đối phải trồng các cây trồng khác không phải là chuối.

2. Khí hậu tốt nhất dành cho cây chuối

Khí hậu nhiệt đới gió mùa phù hợp với sự phát triển của cây chuối. Nhiệt độ lý tưởng để trồng cây nằm trong khoảng từ 20-30 độ C. Cần lưu ý tránh trồng chuối ở những nơi hay xảy ra ngập lụt, tuy chuối là loài cây ưa ẩm nhưng nếu bị ngập nước lâu chuối sẽ nhanh chết, không bị thối rễ thì cũng bị sâu bệnh hại phát triển nhanh ảnh hưởng đến cây. Lượng mưa hàng tháng cần phân bổ đều và khoảng 200-220 mm/tháng vì thế nếu tháng nào mưa ít cần tưới bổ sung luôn cho cây trồng. Nếu vào mùa hay có bão, chuối sẽ dễ nhanh chết bởi vì chuối là loại cây thân thảo và không có mô gỗ nên rất mẫn cảm với gió mạnh để tránh trường hợp này thì tránh thời gian thu hoạch trùng với thời kỳ gió bão.

3. Yêu cầu về dinh dưỡng

Để chuối phát triển tốt nhất, chất lượng quả tốt và năng suất cao chuối rất cần: Đạm giúp việc phân hoá mầm hoa, lá chuối xanh không bị mỏng, tốc độ ra lá nhanh, hoa ra sớm hơn, nải nhiều quả hơn, buồng nhiều nải hơn. Kaligiúp cây mập mạp, cứng cáp hơn, phòng tránh việc nhiễm bệnh tốt hơn, mép lá chuối cũng không bị khô héo, quả to hơn, ngon hơn, thơm hơn. Lân giúp lá sẽ cứng cáp, chống được nấm bệnh,rễ phát triển tốt hơn. Can xigiúp lá không bị đốm vàng, phiến lá to hơn, chống bệnh tốt hơn.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

1. Chuẩn bị đất trồng

Mặt líp phải cao hơn mực nước trong mương tối thiểu là 30cm. Khi đào mương lên líp không được đưa tầng sinh phèn hoặc vật liệu sinh phèn lên mặt líp, mương đào phải đủ rộng để dể vận chuyển sản phẩm, vật tư và tưới nước trong mùa nắng cho vườn. Chiều rộng mương thường bằng 1/2 hay 1/3 chiều rộng líp.

2. Phương pháp trồng

  • Đào hố sâu 40 – 60 cm và rộng 40 – 60 cm, đặt con chuối vào giữa hố trồng, khi đặt cây con, thì cổ của củ chuối nằm ở vị trí sâu khoảng 10 cm cách mặt đất. Trộn phân chuồng, tro trấu cùng với lớp đất mặt lấp đầy hố, lấp đất vừa quá cổ gốc chuối, ém đất chung quanh gốc, tưới đẫm. Chuối trồng trên đất líp phải cách bờ mương khoảng 1 – 1,2m, vì những vụ sau con chuối có thể tiến về phía mương nên cần đủ đất cho rễ phát triển; mặc khác cây chuối có khuynh hướng nghiên ra bờ mương nên khó khăn cho công tác chống đỡ buồng.
  • Khoảng cách trồng: mật độ trồng thay đổi tùy theo giống, khí hậu và đất đai. Đất giàu dinh dưỡng và khi sử dụng giống chuối lớn cây để trồng thì phải trồng thưa, mật độ trồng thích hợp vào khoảng 2000-2500 cây/ha. Nói chung, khoảng cách trồng giữa các hàng và các cây thay đổi trung bình từ 2-3m.
  • Trồng dặm: Sau khi trồng khoảng 30 ngày, nếu thấy cây chết hay phát triển kém thì phải trồng dặm bằng những cây tốt khác. Trường hợp thiếu cây giống, có thể dùng dao chặt ngang thân cây yếu cách gốc khoảng 20-30cm giúp lá non mọc ra để cây dể phát triển.

Lưu ‎‎ý: cây chuối sẽ trổ buồng về phía đối diện với sẹo củ (nơi tách ra từ củ cây mẹ). Do đó khi trồng cần đặt các sẹo củ của cây con quay về một hướng để khi trổ buồng tất cả đều ở một bên, dễ dàng cho việc chăm sóc và thu hoạch.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chuối
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chuối

3. Bón phân

* Lượng phân bón: Lượng phân bón/bụi/năm

  • Phân Urê bón 0,4 kg
  • Phân Lân nung chảy bón 1,6 kg
  • Phân Kali clorua bón 0,55 kg

* Cách bón:

Lượng phân bón trên được chia điều cho 2 lần bón trên năm, tiến hành bón phân sau mỗi đợt thu hoạch, phân được rãi điều xung quanh bụi.

4. Chăm sóc

  • Tỉa cây con: Một tháng tiến hành tỉa cây con 1 lần để tránh cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, giảm sâu bệnh… Trong điều kiện chăm sóc tốt, có thể chừa các cây con gối nhau, mỗi bụi có 3 – 4 cây con phát triển (tỉa bò cây yếu, cây nằm sát nhau chỉ để lại 1 cây mẹ, 2 – 3 cây con), các cây có thời gian sinh trưởng cách nhau khoảng 6 tháng tuổi, (như vây sau 6 tháng ta sẽ để lại 1 cây con để thay thế cây mẹ)..
  • Bẻ bắp chuối: Cắt bỏ hoa đực (bắp chuối) vào buổi trưa khi chuối được 8-12 nải.
  • Che, chống buồng: Để tránh rám trái do nắng, sau khi bẻ bắp khoảng 10 ngày thì dùng lá chuối khô, rơm rạ, cỏ khô,…che buồng. Nếu buồng chuối quá nặng, cần dùng nạng chống đỡ buồng, tránh cây đỗ ngã.
  • Chăm sóc vườn sau thu hoạch: Đốn bỏ cây mẹ đã thu buồng, đào bỏ củ, cắt bỏ lá khô, bẹ khô, chuyển ra khỏi vườn.

Sâu bệnh gây hại cây chuối

Sâu bệnh gây hại cây chuối
Sâu bệnh gây hại cây chuối

1. Sâu hại

a. Sùng đục củ (Cosmopolites sordidus)

* Hình thái và cách gây hại

  • Trứng có hình bầu dục, kích thước khoảng 2 x 1 mm, màu trắng. Ấu trùng có chiều dài cơ thể 12 -15 mm, màu trắng sữa, không chân, thân thường cong lại, phần giữa cơ thể (đốt bụng 4 – 6) to hơn các phần khác. Nhộng thuộc nhóm nhộng trần, màu trắng, dài khoảng 12 – 14 mm. Thành trùng có màu đen hoặc đen nâu, dài 12 – 16 mm.
  • Sau khi nở, ấu trùng đục thành nhiều đường hầm theo chiều dọc ở bẹ lá từ ngoài vào trong thân sau đó sẽ đục vào trong củ chuối và rễ. Vết đục trầm trọng có thể làm suy yếu cây chuối và chết.
  • Thành trùng sống tập trung trong các khe hoặc những vết lõm trên thân cây chuối ngay sát trên mặt đất hay sát dưới mặt đất, thường hoạt động về đêm. Con cái đẻ trứng bằng cách chích vào thân chuối hoặc đẻ trứng trên các bẹ vừa mới bị thối nhủn hay trên cây đã cắt buồng. Gây hại bằng cách đục vào trong mô thân cây, các vết đục sau đó thường bị bội nhiễm nấm làm cây bị mục nát. Cây chuối non nếu bị hại sẽ bị khô và chết nhanh.
  • Cây chuối phát triển cằn cổi, trái nhỏ, lá bị gãy rủ xuống, khi có buồng, buồng chuối cũng dễ bị gãy, cây dễ bị đổ ngã.

* Cách phòng, trị

  • Chọn cây con đem trồng không có dấu vết của sùng, không chất đống qua đêm trước khi trồng, không tồn trữ cây con quá lâu để tránh mọt đến đẻ trứng.
  • Có thể nhúng cây con trong dung dịch thuốc trừ sâu như Furadan hay Basudin trước khi trồng.
  • Khi thu hoạch cần chặt thân sát mặt đất, đào bỏ cả những gốc chuối đã bị nhiễm nặng, lấp đất lại không để mọt đẻ trứng
  • Lấy thân chuối chẻ đôi, cắt thành khúc dài 30-60 cm, đặt úp xuống đất bẩy sùng đến để giết.

b. Rầy mềm (Pentalonia nigronervosa)

* Hình thái và cách gây hại

  • Cả thành trùng không cánh hoặc có cánh đều có dạng bầu dục, màu đỏ nâu đến đen với 2 ống bụng đối xứng và đuôi bụng ngắn. Cả con có cánh và không cánh đều có chiều dài cơ thể biến động trong khoảng 1,1-1,8 mm.
  • Rầy thường hiện diện ở phần gốc thân cây chuối, trong các lá rìa gần mặt đất hay trên các cây chuối non vừa mọc khỏi mặt đất. Khi mật số cao, rầy có thể hiện diện trên ngọn cây, trong các lá còn cuốn, chưa mở và cả trên cuống lá. Do tiết mật ngọt nên Rầy thường sống cộng sinh với Kiến .
  • Rầy gây hại bằng cách chích hút dịch của cây và còn là kí chủ trung gian truyền virus gây bệnh chùn đọt ở chuối. Ngoài ra, mật đường do Rầy tiết ra cũng gây hiện tượng nấm bồ hóng trên cây từ đó cũng làm ảnh hưởng đến năng suất chuối.

* Cách phòng trị

Dùng các loại thuốc trừ sâu để phun xịt (.Bassan 50 EC, Bassa 50EC …). Vệ sinh vườn, tách bỏ các bẹ chuối khô và diệt kiến.

c. Bù lạch (Thysanoptera sp.)

* Hình thái và cách gây hại 

  • Có nhiều loài màu nâu, trắng hay đen. Kích thước rất nhỏ nên khó thấy.
  • Trái bị chích hút sẽ nổi các sẹo ghẻ ở vỏ, màu đỏ nâu và có thể nứt. Bù lạch xâm nhập vào các lá mo, chích hút trái con.

* Cách phòng trị

Phun các loại thuốc trừ sâu như Bi 58, Supracide nồng độ 0,2%.

d. Sâu cuốn lá (Erionota thrax)

* Hình thái và cách gây hại

Trứng được đẻ ở mặt dưới lá, giai đoạn trứng 5-8 ngày. Ấu trùng gây hại bằng cách cắt một đường ngang ở rìa lá, dùng tơ cuốn phần lá cắt thành một ống để trú ngụ và ăn phá trong ống. Khi ống lá khô, không ăn được thì ấu trùng rời ống lá cũ, cắt lá làm một tổ lớn hơn trên cùng một lá để tiếp tục ăn phá.Ống cuốn của ấu trùng tuổi cuối có thể dài đến 15 cm. Đường cắt của ấu trùng tuổi lớn thường kéo dài đến gân lá chính. Có thể có rất nhiều ống cuốn trên cùng một lá.

* Cách phòng trị

Dùng các loại thuốc để phun xịt: Polytrin, Dimecron, Decis nồng độ 0,1-0,2%.

e. Tuyến trùng

* Hình thái và cách gây hại

Tuyến trùng đục rễ (Radopholus similis), thành trùng dài 0,68 mm, rộng 0,02-0,03 mm, con cái có kim, đầu hơi tròn. Tấn công và phá hủy rễ tạo các vết màu nâu đỏ hay đen làm cho rễ ngắn đi và ít mọc rễ nhánh. Tuyến trùng đẻ trứng vào các mô trong rễ, khi nở sẽ chích hút nhựa tế bào và tạo điều kiện cho các loài nấm sống trong đất tấn công theo các vết chích hút của tuyến trùng làm chết cây. Mật số tuyến trùng tăng nhiều trong mùa thứ 2 trở đi. Cây bị tuyến trùng tấn công sẽ bị cằn cỗi, buồng nhỏ, trái nhỏ.

Tuyến trùng làm sưng rễ (Meloidogyne incognita): Làm rễ bị sưng với nhiều nốt rễ sưng có kích thước khác nhau.

Tuyến trùng xoắn ốc (Heliotylenchus spp). Sống bám bên ngoài rễ làm đứt rễ.

* Cách phòng trị

Loại bỏ các cây bệnh, đào bỏ cả rễ. Cày phơi đất trong 6 tháng trước khi trồng mới. Chọn cây có củ khá lớn (>15cm) ở vườn không bệnh để trồng. Trước khi trồng gọt bỏ rể và mặt củ cây con, tránh làm hư các mầm ngủ trên củ. Ngâm củ vào dung dịch Furadan 0,2% trong 1 phút sau đó để khô trong 24 giờ trước khi trồng. Rải Basudin 10H hay Furadan 3H, 30kg/ha trước khi trồng và lặp lại 6 tháng hay 1 năm.

2. Bệnh hại ở cây chuối

Bệnh hại ở cây chuối
Bệnh hại ở cây chuối

a. Héo rũ Panama ( nấm Fusarium oxysporum f. Cubense)

* Triệu chứng

Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào của cây. Các lá già bị vàng trước rồi lan dần lên các lá ngọn. Lá bị vàng từ bìa lá rồi lan dần vào gân lá, lá bị héo. Cuống bị gãy nơi tiếp xúc với thân giả, đôi khi ở phần giữa phiến lá. Các lá đọt còn xanh và mộc thẳng, sau đó có màu xanh nhạt hay hơi vàng, nhăn nheo và cuối cùng cũng héo. Thân giả bị chết nhưng vẫn đứng, các bẹ ngoài bị nứt dọc theo thân. Các chồi con vẫn phát triển nhưng sau đó bị héo rụi. Cắt ngang thân giả sẽ thấy ở các bẹ lá non nhất bên trong mạch dẫn nhựa đổi màu vàng trong khi ở các bẹ lá già bên ngoài mạch có màu nâu. Trong thân ngầm (củ chuối) có những đốm vàng đỏ hay nâu.

* Cách phòng trị

Đào bỏ hết các gốc bị bệnh, rãi vôi hay các loại thuốc gốc đồng để khử trùng đất trước khi trồng trở lại. Ở các vườn bị bệnh nặng nên ngưng canh tác, cho ngập nước từ 2-6 tháng để diệt nấm. Không dùng chuối con ở các vườn bị bệnh. Khử trùng chuối con bằng các loại Manzate, Ridomil 0,2% trước khi trồng. Sát trùng dụng cụ chăm sóc. Tránh trồng các giống mẫn cảm với bệnh như già hương, chuối xiêm trên đất chua có pH thấp. Nên thay bằng các giống già cui.

b. Héo rũ Moko (vi khuẩn Pseudomonas solanacearum)

* Triệu chứng

Cây bệnh héo khá nhanh, lá rũ, trái chín non (chín háp), các bó mạch trong thân bị đổi màu. Tùy theo giống mà triệu chứng bệnh thể hiện có thể khác nhau. Ở các giống chuối già, đầu tiên các lá bên dưới bị vàng, sau đó lan nhanh cho tất cả các lá khác bị vàng úa, rũ xuống, cuống lá bị gãy nơi tiếp giáp với phiến lá, cây bị thối, ngã trên đất.

Cắt ngang thân giả sẽ thấy ở các mạch dẫn nhựa đổi màu vàng, nâu hay đen. Cắt ngang thân ngầm (củ chuối) thấy vùng bệnh có ứa giọt vi khuẩn nhầy, vùng củ chuối bị bệnh mềm nhũn. Ruột trái non bị đen.

c. Cách phòng trị

Không dùng chuối con ở các vườn bị bệnh. Sát trùng dụng cụ chăm sóc. Chọn đất lặp vườn cao ráo, thoát nước tốt.

d.Thối đầu trái (nấm Verticillium theobromae hay Trachysphaera fructigena)

* Triệu chứng:

Đầu trái bị thối đen, vết thối khô. Vỏ trái có thể bị nứt.

* Cách phòng trị:

– Xoa gảy các vòi nhụy ở đầu trái sau khi chuối ra nải khoảng 5-8 ngày.

– Phun dung dịch bordeaux 1% để phòng trị bệnh.

e. Bệnh chùm đọt (Bunchy Top Virus)

Tác nhân lan truyền bệnh là rầy chuối (Pentalonia nigronervosa). Bệnh phát triển nặng vào những lúc có ẩm độ cao trong mùa khô.

* Triệu chứng

Trên lá chuối có các sọc xanh lợt ở cuốn và phiến lá song song với các gân phụ. Cây nhiễm nặng sẽ bị chùn đọt, lá mọc hơi đứng chứ không xòe ngang như lá bình thường, lá nhỏ, mép lá phát triển không điều, có màu vàng trắng. Cây bị lùn, nếu nhiễm bệnh sớm cây sẽ không trổ buồng, nếu nhiễm bệnh trễ cây có thể cho trái nhưng buồng nhỏ, trái nhỏ cong queo, có khi trổ buồng ngang hông.

* Cách phòng trị

Tiêu hủy tất cả các cây bệnh, kể cả củ chuối. Phun thuốc diệt rầy. Vệ sinh vườn thường xuyên. Chọn cây con từ các vườn không bị bệnh để trồng.

Thu hoạch và bảo quản chuối

Thời gian thu hoạch chuối ở vào thời điểm từ 80-95 ngày sau khi ra hoa. Thông thường thì nhìn góc cạnh trên trái để quyết định thời gian thu hoạch. Chuối tiêu thụ nội địa, không phải vận chuyển xa thì thu hoạch lúc trái tròn mình, vòi nướm đã rụng gần hết. Chuối xuất khẩu thì tùy vào thời gian vận chuyển mà quyết định đốn buồng. Nếu đốn sớm thì phẩm chất không ngon, nếu đốn muộn thì chuối chín trước khi tiêu thụ.

Thu hoạch và bảo quản chuối
Thu hoạch và bảo quản chuối

Nhiệt độ thích hợp để bảo quản chuối được lâu là 13-13,50C với ẩm độ tương đối của không khí từ 85-90%.

Xem thêm: Cây Sung Mỹ – Cách trồng cây Sung Mỹ trong vườn

Kết

Trên đây, Báo Khuyến Nông đã chia sẻ cho các bạn một số thông tin về đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc cây chuối. Quả chuối là một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, lá chuối có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, và cây chuối là một loại cây trồng thân thiện với môi trường. Hi vọng rằng bài viết trên đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin bổ ích nhé.

Theo TRUNG TÂM GIỐNG NLNN KIÊN GIANG

Xem thêm:
  • Cây Tầm Bóp – Đặc Điểm, Công Dụng Và Những Lưu Ý Khi Sử Dụng
  • Cây Chanh Leo – Kỹ thuật trồng và chăm sóc Chanh Leo
  • Nguyên nhân bệnh Phấn Trắng và cách chữa bệnh
  • Cá Chuồn – Nguồn gốc, Đặc điểm cá Chuồn – loài cá bay như chim
  • Lan Thủy Tiên – Cách trồng và chăm sóc lan thủy tiên

Từ khóa » Trồng Cây Chuối Là Gì