Kỹ Thuật Trồng Dừa Dứa

Kỹ thuật trồng dừa dứa

Giới thiệu quy trình kỹ thuật trồng dừa dứa: đặc điểm, thời vụ, chuẩn bị đất trồng, bón phân, chăm sóc vườn dừa, sâu bệnh hại cây dừa, thu hoạch

1. Đặc Điểm:

Dừa là thực vật dễ trồng, không đòi hỏi khoa học kỹ thuật cao, cho sản phẩm lớn. Dừa dứa (mùi thơm lá dứa) có một số đặc điểm chung như sau:

- Thân cây nhỏ, gốc và thân so sánh không lớn nhau lắm. Chiều cao thân cây phát triển chậm, khi trưởng thành hết mức không cao quá 12m.

- Tàu lá và lá chét ngắn hơn dừa cao.

- Cây cho trái sớm; sau 3 năm trồng, ổn định 35 – 40 năm.

Có khả năng thụ phấn trên mỗi buồng làm cho sự thoái hoá giống ít đi.

2. Thời vụ:

Thời vụ trồng chủ yếu tuỳ theo chế độ mưa mỗi vùng, thích hợp nhất là ngay sau vài cơn mưa đầu mùa, lúc này thời tiết thuận lợi giúp cho cây con mau bén rễ, sớm phục hồi và phát triển nhanh.

Thời điểm trồng thường vào đầu mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 7 dương lịch (dl). Tuy nhiên, ở những nơi chủ động được nguồn nước tưới thì dừa có thể trồng quanh năm.

3. Chuẩn bị đất trồng:

Dừa được trồng nhiều ở những nơi có độ ẩm không khí đầy đủ. Giống dừa thơm phát triển tốt trên đất phì nhiêu như đất phù sa, đất thịt có pH 6 –7. Mật Độ: 300 cây/ha. Khoảng cách và mật độ trồng tùy theo thiết kế vườn trồng sao cho khi cho trái ổn định (trên 5 năm tuổi) thì cây không giáp tán với nhau. Khoảng cách trồng cây cách cây 7m x 7m, trồng thâm canh thì 6m x 6m hoặc 5m x 6m. Nếu trồng xen các loại cây khác thì khoảng cách có thể thưa hơn khoảng 1m và cây trồng xen cách gốc dừa ít nhất là 2m. Nếu trồng dừa trên vùng đất xấu như đất cát, đất sỏi đá nên đào hố 1m x 1m x 1m. Nếu đất tốt đào hố nhỏ hơn.

Phương pháp trồng: Đào hố vào mùa khô, đào đất mặt để riêng một bên, phơi nắng 7 ngày. Chuẩn bị hố với kích thước ngang 0,6m x rộng 0,6m x sâu 0,6m; trộn 10 - 15 kg phân hữu cơ hoai mục với đất đã được đào lên (sử dụng lớp đất mặt không nên sử dụng đất sét bên dưới), trộn xong lấp hỗn hợp này trở lại hố và đắp thêm đất tạo mô thấp khoảng 10 đến 20 cm so với mặt liếp là vừa. Sau đó đào hốc hình tròn có đường kính 40cm, sâu 40cm ngay giữa mô, bón lót thêm 0,5 kg phân lân rải đều xuống hố (đối với vùng đất xấu có thể bón 1kg), đặt cây giống vào hốc (cây giống phải được tháo bỏ phần vỏ bầu bằng nylon; nếu trồng ở ven sông, mương hay cạnh mép bờ: sau khi chuẩn bị hố xong, đặt phần trái hướng ra phía mương, còn phần thân và rễ hướng vào phía bờ bên trong sẽ tránh được lở bờ về sau; cây không ngã nghiêng ra phía mương, có nhiều đất để bộ rễ dừa phát triển rộng) sau đó lấp đất lại, ém đất xung quanh vừa phải, cắm cọc giữ cho cây khỏi ngã hoặc gió lay làm đứt rễ. Sau khi trồng nên che phủ xung quanh gốc cây bằng các vật liệu hữu cơ sẵn có như rơm khô, cỏ khô không hạt, rễ cây lục bình... để giữ ẩm và hạn chế xói mòn đất khi tưới.

4. Bón phân:

Liều lượng phân bón cho dừa tùy thuộc vào loại đất trồng, có trồng xen hay thâm canh, màu lá trên cây dừa (xanh biếc hay đã ngã vàng), có thể áp dụng công thức như sau:

Tuổi cây (năm)

Loại phân (kg/cây/năm)

Đạm (Urea)

Super lân

KCL

3 tháng sau trồng

0,11

0,20

0,20

1

0,36

0,67

0,50

2

0,54

1,00

1,30

3

1,09

2,00

1,30

4

1,52

2,50

2,00

5

2,17

3,13

2,50

Đối với cây từ 1 đến 3 năm tuổi thì mỗi năm bón 2 lần vào đầu và gần cuối mùa mưa, lần đầu vào tháng 5-6 dl và lần sau gần cuối mùa mưa, khoảng tháng 10 dl. Phân được trộn đều, cuốc bốn lỗ quanh gốc theo hình chiếu tán, cách gốc 0,5 đến 1,2 m tùy độ tuổi của cây, bón đều lượng phân rồi lấp đất lại.

Đối với dừa từ 3,5 năm đến 5 năm sau khi trồng, cây bắt đầu cho trái ổn định ta có thể chia lượng phân ra bón 3 đến 4 lần/năm, lần đầu bón 30% lượng phân vào đầu mùa mưa, lần 2 và 3 bón mỗi lần 20% lượng phân, lần cuối bón 30% trước khi dứt mưa khoảng 1 tháng. Phân được trộn đều, xới đất xung quanh gốc và cuốc một đường rãnh đường kính cách gốc khoảng 1,5 đến 2m, sâu 10 cm, rộng 40cm sau đó bón đều lượng phân vào rãnh rồi lấp đất phủ kín bề mặt, lần bón phân tiếp theo xới đất liền kề và nới rộng ra hơn lần trước.

Ngoài ra, cũng có thể rải phân xung quanh gốc dừa sau đó bồi bùn vào đầu mùa mưa. Trên vùng đất phèn bón thêm vôi từ 1 đến 3 kg cho một gốc tùy thuộc vào mức độ nhiễm phèn của đất (bón vôi trước, sau vài cơn mưa đầu mùa thì tiến hành bón phân vô cơ). Đối với những vùng đất cao nên tưới nước cho dừa vào mùa khô (tưới 1-2 lần/tuần).

5. Chăm sóc vườn dừa:

- Cấp nước: nếu trời mưa ít hoặc hạn hán liên tiếp sau 3 tháng phải cấp nước.

- Cày xới: phải tiến hành cày xới đất để tiêu diệt cỏ dại và phòng sâu bệnh. Cày xới giữa hàng dừa tạo điều kiện tăng thêm đạm trong đất và tăng sản lượng của dừa thơm. Không nên cày xới sâu quá 20 cm sẽ ảnh hưởng tới bộ rễ dừa, dừa ngưng phát triển. Nên cày xới vào đầu mùa mưa đang khô hạn và xới cách gốc 2 m.

- Diệt cỏ: vườn trồng dừa hay gặp cỏ tranh. Thời kỳ khô hạn cỏ cạnh tranh thức ăn và nước với cây dừa nên cày xới cạn. Trong mùa mưa có sự rửa trôi của nước mưa nhiều vì vậy không nên diệt hết cỏ dại, chỉ nên cắt ngắn hoặc làm cho nó rạp xuống là được.

- Đào rãnh thoát nước cho dừa: khi mới trồng dừa xong hay gặp tình trạng úng nước nên phải đào rãnh thoát nước cho dừa. Trồng xen thực vật như đậu để giữ độ ẩm cho đất, về mùa khô bón thêm phân hữu cơ cho cây.

6. Sâu bệnh hại cây dừa :

6.1 Bệnh đốm lá: do nấm Helminthosporium sp gây ra. Bệnh thường gây hại lúc cây vào thời kỳ mạ. Lá có chấm màu nâu, sau đó lan rộng khắp lá, làm cho lá khô, cuối cùng cây bị chết. Phòng trị: cắt bỏ lá nhiễm bệnh, phun thuốc Bavittine 50FL.

6.2 Bệnh mắt thối: do nấm Phytophthora sp gây ra. Triệu chứng: lá đọt khô, mắt mầm thối. Phòng trị: đốt bỏ cây bị bệnh, thường xuyên kiểm tra vườn, nếu gặp trường hợp lá héo nên cắt bỏ và bôi thuốc Ridomil Gold 68WP hoặc các loại thuốc gốc đồng.

6.3 Bệnh rụng trái non: do nấm Phytophthora sp gây ra. Bệnh phát sinh ở cuống trái vá trái non rụng. Phòng trị bệnh: dọn sạch các trái dừa bị rụng. Phun thuốc Aliette 80 WP, Metalaxyl 25% cho cây

6.4 Sâu hại:

- Đuông dừa: thường gây hại bằng cách đẻ trứng vào lổ kiến vương đã đục, trứng nở ra sâu non phá hại. Phá chủ yếu là tàu hủ, xâm nhập ở đọt và ăn dần xuống thân. Đuông dừa ăn tạo ra tiếng động “rào rào” như tiếng máy chà lúa bên trong thân cây. Trong cây bị hại thường có nhiều sâu non. Tàu hủ dừa bị tấn công nặng sẽ làm cây dừa chết. Đặc biệt là đuông dừa với triệu chứng gây hại tấn công trực tiếp vào đọt lá thông thường là cắn ngang đọt làm cho cây không thể tiếp tục sinh trưởng, phát triển và chết từ từ.

- Kiến vương: Đối với cây dưới 1 năm tuổi kiến vương luôn tấn công vào gốc của cây nơi thân còn đủ mềm. Trong một vài trường hợp, kiến vương cũng chui qua đất để khoét vào thân cây. Trong trường hợp này có thể phòng bằng cách rải thuốc trừ sâu trộn vào lớp đất mặt. Đối với cây dừa trưởng thành kiến vương tấn công vào bó lá ngọn và đỉnh tăng trưởng của cây dừa. Vì vậy khi lá mọc ra có hình tam giác và lá chét bị cắt có hình răng lược. Nếu liên tục bị tấn công cây sẽ mất sức phát triển do bộ lá bị hư hại, nhưng nguy hiểm nhất chính là đuông, nấm sẽ xâm nhập vào thân dừa qua chỗ vết thương do kiến vương gây ra.

- Bọ dừa: Con trưởng thành và ấu trùng bọ dừa thường tấn công bề mặt của lá chét chưa mở. Chúng ăn lớp biểu bì làm lá bị héo khô, mất khả năng quang hợp. Tùy thuộc vào mức độ gây hại mà hoa cái bị rụng, không đậu trái hoặc đậu rất ít, năng suất giảm. Cây dừa bị bọ dừa tấn công dễ dàng nhận biết bởi các lá ngọn bị cháy khô, lá chét cong queo.

Phòng trị bằng cách rải thuốc hột Basudin 10H, Regent 0.3 G, Padan 90WP xung quanh gốc cây, bẹ lá, hang của kiến vương. Dùng 21g Padan 95WP, Furadan 3G hoặc Basudin 10H trộn với 80g mạt cưa túm vào bao vải mỏng treo ở ngọn cây đạt hiệu quả cao và hiệu quả có thể kéo dài đến 90 ngày. Chú ý thường xuyên thăm vườn, vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt bỏ, tiêu hủy lá bị sâu hại tấn công. Dọn dẹp hoặc đốt những đống rác, thân, lá dừa hoai mục,.. không tạo môi trường cho các loại sâu hại đẻ trứng.

Quản lý một số đối tượng chính: Cây mới trồng 1 đến 2 tuổi hàng tháng phải phun một lần thuốc trừ bọ cánh cứng hại dừa, có thể dùng Virtako 40WG hay Regent 800WG phun trực tiếp lên ngọn dừa, nếu không chúng cắn phá gây thiệt hại, mất sức dừa. Để hạn chế chuột, kiến vương, đuông phá hại nên thường xuyên vệ sinh dừa, rửa sạch sẽ những lá già, những buồng không đậu trái hoặc đã thu hoạch xong cần chặt bỏ. Dùng 300g mạt cưa trộn với 300g Basudin 10H rải lên các kẻ nách lá từ trên đọt xuống định kỳ 3 tháng/1 lần hoặc dùng vải mùng bọc túi thuốc đã được trộn mùn cưa treo trên ngọn cây hoặc nách lá.

7. Thu hoạch

Sau khi trồng từ 3 đến 4 năm dừa sẽ ra trái, bình quân mỗi năm cây dừa có khả năng cho từ 100 đến 120 trái/cây. Đối với dừa uống nước thu hoạch khi nước dừa còn đầy trong trái, tuổi trái khoảng 6-7 tháng, nước dừa lúc này ngọt và ngon, riêng dừa dứa có mùi thơm lá dứa rất đặc trưng. Còn đối với dừa để giống thì ta nên thu trái đủ độ chín từ 11 đến 12 tháng tuổi, vỏ trái đã chuyển sang màu nâu, khi lắc nghe róc rách.

97820-ntm.001744_ky-thuat-trong-dua-dua.pdf

Từ khóa » Cách Trồng Cây Dừa Dứa