Kỹ Thuật Trồng Nấm Mèo (mộc Nhĩ) đơn Giản Nhưng Khó đầu Ra - CNV

Trồng nấm mộc nhĩ (nấm mèo) có phức tạp không và lợi nhuận sẽ như thế nào, có như những gì báo chí hay đưa tin. Hôm nay Tú sẽ tiếp tục chia sẻ về nghề nấm mèo mong sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn.

cách trồng nấm mộc nhĩ

Mục Lục
Thị trường nấm mèo

  1. Giá nấm mèo
  2. Chi phí đầu tư
  3. Năng xuất và lợi nhuận

Kỹ thuật trồng nấm mèo

  1. Đặc tính cơ bản
  2. Bệnh trên nấm
  3. Cách chăm sóc

Tìm hiểu thị trường nấm mèo

Nấm mèo chắc mọi người không còn lạ gì, với Tú ngay từ bé đã được tiếp xúc với loại nấm này gần như mỗi ngày, tới hiện nay mình vẫn bó với nghề nấm mèo này còn nhiều hơn cả bào ngư hay linh chi. Nhưng mọi người vẫn ngạc nhiên vì sao Tú đã chia sẻ cách làm những loại nấm khác nhưng nấm này thì không, ngay bây giờ sẽ giải thích cho mọi người hiểu nguyên nhân.

Nguyên nhân đơn giản nhất vẫn là kinh tế, không phải kinh tế ở đây là mình giấu nghề mà là cái nghề nấm mèo này nó bấp bênh lắm mọi người à. Thăng có trầm có, không riêng gì mình mà những người đã từng trồng nấm mèo cũng sẽ hiểu.

1. Giá nấm mèo hiện nay (05/2023)

Vào thời điểm cuối năm (Noel trở đi) nấm khô đẹp khoảng ở mức 72.000vnđ – 86.000vnđ, nói chung chưa qua được 80.000vnđ cho mỗi 1kg, nhưng đôi khi có những năm hút hàng nấm đạt giá 82.000vnđ – 95.000vnđ

Các thời điểm khác nấm chỉ ở mức 50.000vnđ – 60.000vnđ cho mỗi 1kg

Cập nhật tháng 05/2023: giá nấm mộc nhĩ khoảng 68.00078.000đ tùy loại, đây là mức giá tương đối tốt.

Giá loại nấm này lên xuống liên tục khá thất thường, không ổn định.

giá nấm mèo

Mình giải thích mọi người hay thắc mắc ở vấn đề này: đừng ngạc nhiên vì sao khi mua lẻ ở chợ hay bất cứ đâu giá nấm mộc nhĩ luôn nằm ở mức trên 100.000vnđ/1kg – 200.000vnđ/1kg. Với giá ở trên là khi mua sỉ cả tấn nấm đấy, và về còn phải phân lọc ra nhiều loại, cắt chân rửa nấm… ôi thôi nhiều công đoạn lắm.

2. Chi phí trồng nấm mèo

Giờ Tú sẽ tính chi phí nuôi trồng/năng xuất/lợi nhuận để mọi người hình dung cho dễ, như nhìn giá nấm bên trên mà chưa tính đến năng xuất và đầu vào sẽ khó mà biết được.

Chúng ta sẽ phải đầu tư “Giàn Trại”; “Phôi nấm mèo” và một số chi phí khác.

Nói sơ qua về cách làm trại trồng nấm mèo

Đối với giàn trại nấm mèo sẽ có khác đôi chút với bào ngư hay linh chi (loại này là treo ngang để nấm ra ở miệng bịch), nấm mèo chúng ta treo dọc để nấm ra ở thân rạch bằng phương pháp rạch. Nên số bịch treo ở mỗi dây chỉ khoảng 6 – 7 bịch nên diện tích cần khoảng 70m2, và đây là cách làm trại nấm (nhấp vào dòng chữ màu đỏ để xem)

Cách làm trại trồng nấm (nên xem)

Chúng ta có thể tận dụng cùng một trại để trồng nhiều loại nấm và tận dụng như thế nào thì Tú khuyên mọi người đi thực tế để hiểu rõ hơn

cách làm trại nấm mèo
Dây treo theo hình tam giác (kiềng 3 chân), thanh ngang sử dụng dây kẽm
cách treo bịch nấm mèo
Cách 2 bịch có 1 nút thắt và phải đối nhau

Lưu ý: Các thông số ở dàn trại hay số vốn đầu tư… chỉ để tham khảo, ngoài thực tế sẽ khác rất nhiều.

 Vốn đầu tư trồng 10.000 phôi nấm mộc nhĩ

 Diện tích ~ 70m2 (6mx12m)  25.000.000 VNĐ
 Phôi nấm mèo (10.000 bịch) x 3.000 vnđ  30.000.000 VNĐ
 Phí vận chuyển (Tùy vị trí)  3.000.000 VNĐ
 Công treo bịch  1.000.000 VNĐ
 Tổng chi phí  59.000.000 VNĐ

Nguyên liệu làm giàn trại mỗi cùng khác nhau nên sẽ có khác biệt

Nên làm trại đúng chuẩn trồng nấm sẽ năng xuất và đỡ vất vả hơn

Phí vận chuyển cũng sẽ cao hơn khi bạn ở xa hoặc thấp hơn khi bạn ở gần đơn vị cũng cấp phôi

Bạn có thể lựa đơn vị mua bán phôi gần nhất có thể, hoặc tự sản xuất được phôi giống nhưng sẽ phức tạp hơn nhiều

3. Năng xuất và lợi nhuận

Những con số Tú đưa ra sẽ ở mức thấp để có thể khấu hao các rủi ro, nhưng cũng chỉ ở mức tương đối và chỉ để tham khảo.

 Lợi nhuận trồng 10.000 phôi nấm mèo

 Năng xuất (40g/bịch) 400kg  80.000 VNĐ/1KG
 Bịch thải  600đ/bịch
 Tổng tiền  36.000.000 VNĐ
 Lợi nhuận: (- 34.000.000 vnđ chưa tính phí trại)/2 tháng  2.000.000 VNĐ
 Lợi nhuận/năm  /

Năng xuất nấm nếu không tốt chỉ tầm 35g nếu đạt có thể 55g hoặc hơn, nếu năng xuất tốt và giá nấm tốt mọi người sẽ lợi nhuận khá hơn.

Nấm mèo có thể trồng quanh năm (tùy khu vực), nhưng giá nấm mèo hiện nay rất bấp bênh, như mọi người thấy đấy lợi nhuận rất ít.

Vì sao có những nơi ở khu vực chỗ mình vẫn nuôi trồng vào những dip cuối năm vì khi đó giá nấm lên + kỹ thuật vốn có + yếu tố môi trường thời tiết sẽ có lợi nhuận.

Một số nơi sẽ chấp nhận trồng để huề vốn khi bán nấm nhưng họ sẽ gỡ gạt lại bằng tiền bán bịch thải nhưng phải ở số lượng nhiều tầm 50.000 bịch (đây là lợi thế của dân trong vùng vì có chi phí vận chuyển thấp)

Ở một số vùng khác nếu không mua được phôi gần nơi mình nuôi trồng rất khó có lợi nhuận khi trồng nấm mộc nhĩ vì chi phí vận chuyển cao (hiện nay cả giá phôi cũng cao). Nếu mọi người làm chủ được đầu ra tốt thì quá hay rồi.

Nhắc lại cho mọi người một lần nữa, giá cả giao động biến đổi từng ngày và khi làm thực tế sẽ phát sinh nhiều thứ, nên tất cả các con số ở trên đưa ra chỉ nên tham khảo.

Nói về trồng nấm mèo theo kinh nghiệm Tú thấy rất dễ trong các loại nấm, đỡ tốn côngthời gian vòng đời ngắn (nhanh thu), nếu mọi người muốn xem cách nuôi trồng thì xem bên dưới

Kỹ thuật trồng nấm mộc nhĩ 

Giai đoạn làm phôi nấm mèo mình sẽ không nói tới ở đây, vì mình đưa lên chỉ làm nhiều người khó hiểu và nó cũng không khác các loại nấm linh chi hay bào ngư là mấy. Nếu mọi người muốn biết có thể đến chỗ của Tú để xem tận mắt nhé.

Một số nơi nấm mèo được trồng trên thân gỗ, ở Việt Nam mình có trồng theo phương pháp này nhưng ở ngoài Bắc gần Trung Quốc. Nhưng ở đây Tú sẽ chia sẻ cách chăm sốc trồng nấm trên giá thể mùn cưa cao su (đây là mô hình chung ta có thể chuyển đổi qua lại giữa nhiều loại nấm khác nhau một cách đơn giản, ngoài ra còn có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu thế mạnh ở địa phương)

trang trại nấm mèo

1.Đặc tính cơ bản

Thời vụ

  • Do đặc tính của mộc nhĩ ưa ẩm và nóng nên thời kỳ tốt nhất để trồng là tháng 3 đến tháng 7 dương lịch đối với các tỉnh phía Bắc.
  • Các tỉnh phía Nam có thể trồng mộc nhĩ quanh năm.

Thời điểm mình cập nhật bài viết này vào đầu tháng 05/2020, thời tiết rất nóng gần như trên cả nước, vì vậy trồng nấm mèo thời điểm này nấm ra không đẹp, không năng xuất.

Nhiệt độ

  • Nấm mộc nhĩ là loại nấm ưa nhiệt, nhiệt độ thích hợp để mộc nhĩ phát triển từ 25 – 32oC.
  • Khi nhiệt độ lên trên 35oC hoặc hạ xuống dưới 15oC nấm mộc nhĩ phát triển kém và cho năng suất thấp.
  • Khi nhiệt độ không khí cao hơn 32oC, nấm mộc nhĩ mọc thưa dần, cánh mỏng, màu nhạt, quả thể nhỏ và mép xoăn nhiều.
  • Khi nhiệt độ hạ xuống thấp thì nấm mộc nhĩ có cánh dày nhưng nhỏ và lông dài hơn, màu đậm, vì vậy người nuôi trồng nên chọn thời vụ hợp lý để nuôi trồng nấm đạt năng suất cao nhất.

Độ ẩm

  • Nếu trồng nấm trên khúc gỗ độ ẩm thích hợp là 45%, nhưng khi mới cấy giống độ ẩm thích hợp là 50%.
  • Nếu trồng nấm mộc nhĩ trong các túi mùn cưa thì độ ẩm mùn cưa phải đạt từ 60 – 65%. Độ ẩm không khí nhà trồng mộc nhĩ tốt nhất khoảng 90 – 95%.

Độ pH

  • Mộc nhĩ có thể mọc trong môi trường có độ pH từ 4 – 12.
  • Trong giai đoạn nuôi sợi, pH môi trường thích hợp từ 4 – 5.
  • Giai đoạn hình thành quả thể, pH môi trường thích hợp 7 – 8.

Ánh sáng

  • Nấm mộc nhĩ không có diệp lục để quang hợp nhưng cũng cần phải điều chỉnh chế độ chiếu sáng phù hợp ở từng giai đoạn phát triển.
  • Trong giai đoạn nuôi sợi không cần ánh sáng, điều kiện tối sẽ tăng cường sự sinh trưởng của sợi nấm.
  • Đến giai đoạn hình thành quả thể cần tăng dần lượng chiếu sáng để kích thích sự phát triển của chúng. Khi mộc nhĩ mọc ra nhiều giữ ở mức ánh sáng đọc sách được, nếu ánh sáng quá yếu mộc nhĩ sẽ có màu trắng nhạt và mọc kém.
  • Nhưng cũng không nên tăng ánh sáng quá mạnh, vì như vậy mộc nhĩ có màu đen sẫm và không lớn. Do đó, có thể nhìn màu của cánh mộc nhĩ để điều chỉnh độ chiếu sáng thích hợp, khi cánh mộc nhĩ có màu hồng thịt là tốt nhất.
đặc điểm sinh trưởng nấm mèo
Giai đoạn phát triển của nấm mộc nhĩ

Độ thông thoáng

  • Giai đoạn nuôi sợi nấm cần đảm bảo độ thông thoáng vừa phải.
  • Giai đoạn hình thành quả thể cần tăng độ thông thoáng hơn. Nếu để thông khí quá mạnh, nấm mộc nhĩ sẽ phát triển chậm, cánh mỏng, đôi khi có thể làm cho nấm bị chết.

Nước tưới

  • Nấm mộc nhĩ rất cần nước trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Nếu thiếu nước, quả thể sẽ cằn cỗi, thậm chí teo cứng lại, nhẹ cân và rất dai.
  • Nguồn nước tưới phải sạch, nếu nước quá bẩn sẽ lây nhiễm các mầm bệnh cho nấm, làm ức chế sự phát triển của quả thể, thậm chí làm chết quả thể.
  • Nguồn nước tưới không bị nhiễm phèn hoặc nhiễm mặn. nếu không quả thể hình thành sẽ bị dị dạng như bông cải, teo đầu, khô cứng hoặc bị chết non.
  • Nếu dùng nước máy thì phải để bay hết mùi clo.

2. Bệnh trên nấm mèo

  • Có một số bịch mộc nhĩ trên mùn cưa thường xuất hiện một số bệnh như mốc xanh, mốc vàng hoa cau, mốc đen… Các loại mốc này phát triển đồng thời cùng với sợi nấm làm chết hoàn toàn sợi nấm. Những bịch này nên loại bỏ (nguyên nhân ở khâu xử lý nguyên liệu và hấp nhiệt)
  • Nấm mực thường xuất hiện trong bịch phôi và cạnh tranh chất dinh dưỡng của nấm mộc nhĩ. Nguyên nhân do chọn lựa và xử lý nhiệt cho nguyên liệu chưa tốt. Ngoài ra, độ ẩm trong túi quá cao cũng dễ bị bệnh.
  • Trứng nấm là những hạt nhỏ như que tăm tròn (như hạt nước nhỏ), sẽ ăn đầy bịch phôi, ăn kín các đường rạch làm nấm không thể phát triển. (nguyên nhân do meo giống hoặc môi trường ủ bịch nóng). Xem bệnh trứng nấm mèo tại đây

3. Cách chăm sóc nấm 

Vệ sinh giàn trại bằng vôi bột, nếu bị nhiễm sâu bệnh nhiều có thể xịt qua thuốc diệt ruồi diệt kiến, để khoảng 1 – 2 tuần rồi đem bịch ra treo.

Hiện nay bịch nấm mèo chỉ cần kéo tơ 1/3 đến hơn nửa bịch ta nên đem ra ngoài trại treo, giúp bịch thoáng mát tránh được bệnh trứng nấm như đã nói ở trên.

Sau khi treo nấm lên dàn đợi nấm kéo tơ hết bịch là rạch được .Dùng dao sắc rạch khoảng 6 – 9 đường chung quanh túi phôi. Mỗi đường rạch dài 5 – 6 cm sâu 0.5 mm và theo chiều xéo(rạch xéo sẽ nhanh hơn).

cách rạch bịch nấm mèo

Thời gian đợi nấm ra nên giữ ẩm cho trại bằng cách tưới nền, nếu trại nóng quá có thể tưới lên bịch.

Khoảng một tuần nấm sẽ mọc tại các điểm rạch khi đó phải tưới nước mỗi ngày khoảng hai lần. Dùng phun sương là cách tốt để các hạt nước nhỏ, đều sẽ tạo ẩm cho cả khu vực và ngấm dần qua vết rạch để vào túi. Đơn giản hơn có thể dùng vòi nước trực tiếp để tưới. Lượng nước tưới nhiều hay ít phụ thuộc vào thời tiết.

Hạn chế gió lùa (nấm sẽ khô và khó phát triển nếu bị gió), không nên để nấm bị khô do thiếu nước.

cách chăm sóc nấm mèo

Sau khoảng 25 -30 ngày là nấm đã trưởng thành và hút gần hết cơ chất dinh dưỡng trong phôi và ngưng phát triển, ở giai đoạn này chúng ta ngưng tưới để nấm khô tự nhiên trên giàn, có thể kéo bạt lên để gió lùa vào giúp nấm nhanh khô hơn. (tùy vào điều kiện môi trường thời tiết)

phơi nấm mèo khô trên giàn
Ép nấm khô trên giàn
Hiện nay không thu hoạch theo từng đợt nữa (trước đây khoảng 2 – 3 đợt) như vậy rất mất thời gian có thể kéo dài đến vài tháng. Phương pháp mới là ép nấm trong 1 lần và để nấm khô trên bịch, như vậy tiết kiệm được thời gian, hạn chế công phơi, và bịch thải sẽ có giá trị hơn.

Khi hái nấm chúng ta trải một cái bạt lớn bên dưới, dùng tay tuốt từ trên bịch xuống, nấm sẽ tự rơi ra. Sau khi hái hết một vùng bằng diện tích bạt và kéo bạt sang các chỗ khác để hái tiếp.

cách thu hoạch nấm mèo

Hái xong nếu cảm thấy nấm còn ẩm nên đem đi phơi lại một nắng rồi đóng bao kín bảo quản.

Trồng nấm mộc nhĩ tương đối dễ và đỡ vất vả nhưng lại bấp bênh đầu ra, mọi người nên nghiên cứu kỹ trước khi trồng. Phù hợp với người đã trồng lâu năm, có kinh nghiệm. Người mới bắt đầu vào nghề nấm không nên làm.

Nếu có thắc mắc hay góp ý, mọi người để lại lời nhắn bên dưới

Từ khóa » Mua Phôi Nấm Mèo ở đâu