Kỹ Thuật Trồng ổi Nữ Hoàng Sai Trĩu Quả - Mô Hình Làm Giàu Kiểu Mới

KỸ THUẬT TRỒNG ỔI NỮ HOÀNG - CÁCH CHỌN GIỐNG, KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ PHÒNG CHỮA BỆNH

Đặc điểm và thị trường đầu ra của ổi nữ hoàng

Ổi Nữ Hoàng được mệnh danh là “Nữ Hoàng của các loại ổi” có dạng hình tròn, có 2 gân dọc theo trái, trọng lượng trung bình từ 350 - 400gr/quả. Giống ổi cho quả có thịt trắng, ăn giòn, vị ngọt, thơm, ít hạt, ruột rất nhỏ.

Ổi Nữ Hoàng giàu vitamin C nhưng nghèo năng lượng nên rất phù hợp với những người không muốn tăng cân. Ngoài ăn tươi, ổi Nữ Hoàng còn được dùng để sấy khô, làm mứt, ép nước trái cây, làm thạch…

Hiện nay trên thị trường ổi Nữ Hoàng ruột trắng tại các siêu thị được bán với giá ổn định từ trên 35.000 đồng/kg tùy thuộc vào từng thời điểm. Đây cũng là trái quả ngon được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Nhu cầu thị trường đầu ra ổn định sẽ là lợi thế để bà con chuyển dịch cơ cấu cây ăn quả, đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc ổi nữ hoàng

Yêu cầu điều kiện sinh trưởng:

  • Nhiệt độ: duy trì từ 25 - 30 độ C. Ổi chịu nóng khá nhưng chịu lạnh kém, dưới 18 độ C cây sẽ sinh trưởng chậm hơn, sai quả nhỏ.
  • Lượng mưa: duy trì từ 1000 - 3000mm/năm. Nhìn chung, khá năng chịu hạn và chịu úng của ổi đều khá, nếu khô hạn thì rễ sẽ ăn sâu hơn, còn tưới tiêu đủ nước, đủ ẩm thì rễ ăn theo chiều ngang.
  • Đất: Ổi Nữ Hoàng thích hợp với nhiều loại đất canh tác. Nhưng đất thịt nhẹ, đất phù sa, tơi xốp, có độ ẩm cao, giữ nước tốt, tầng canh tác dày từ 50cm trở lên thì sẽ cho quả ngon, ngọt.
  • Ổi Nữ Hoàng có thể trồng được ở đâu? Nhìn chung, giống ổi này trồng được từ trung du đến núi cao, đặc biệt rất phù hợp với các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc.

Cách chọn giống ổi nữ hoàng

Ổi Nữ Hoàng và giống ổi mới được nhân giống bằng phương pháp ghép cành hoặc chiết cành. Tuy nhiên theo lời khuyên của các chuyên gia thì bà con nên chọn giống cây ghép cành cho tuổi thọ lâu hơn, cây khỏe mạnh, sai nhiều quả, khả năng chống chịu bệnh tật tốt.

Mua ổi tại các địa chỉ uy tín, mua đúng giống. Chọn cây khỏe mạnh, không bị bệnh tật, cao từ trên 50cm được trồng trong bầu có kích thước khoảng 10 x 22cm.

Thời vụ và mật độ trồng ổi nữ hoàng

  • Thời vụ:

Ổi Nữ Hoàng có thể trồng vào nhiều thời điểm trong năm nhưng để tiết kiệm nước tưới tiêu, tăng tỉ lệ sống sót và phát triển mạnh, bà con nên trồng vào đầu mùa mưa từ tháng 4 - 6.

  • Mật độ:

Bà con có thể trồng với mật độ: hàng cách hàng 3m, cây cách cây 3m.

Ngoài ra với vùng đất tốt, điều kiện chăm sóc lý tưởng, bà con còn có thể trồng kép 2 ở một gốc kiểu mới, mật độ duy trì từ 100 - 105 cây/1000m2 giúp tiết kiệm tối đa chi phí, nâng cao năng suất cây trồng.

Hướng dẫn làm đất và trồng cây ổi

Đất trồng cây ổi cần được đánh tơi xốp, có hệ thống tưới tiêu nước thuận tiện.

Đào thành các hố đất hình vuông có kích thước 50 x 50 x 50cm.

Trộn phân bón lót: lấy một phần đất mặt tơi xốp từ hố đào trồng với 5 - 10kg phân chuồng ủ hoai mục + 1kg phân hữu cơ vi sinh + 0,5 - 1kg phân super lân + 100g phân đạm ure + 100g phân kali + 0,5kg vôi bột bón cho 1 hố đất.

Phân được chôn ngập ⅔ hố. Nên chuẩn bị hố trồng và bón lót phân trước 1 tháng.

Khi trồng, dùng dao cắt đáy bầu, đặt cây chính giữa hố sau đó rạch ngang để lấy túi nilon ra ngoài, lấp đất mặt thành mô cao khoảng 10 - 15cm.

Sau khi trồng, bà con có thể làm cọc để cắm giữ cho cây chắc chắn và tưới nước mỗi ngày để duy trì độ ẩm.

Cách chăm sóc ổi nữ hoàng sai trĩu quả, thu hoạch sớm
  • Tưới nước

Ổi Nữ Hoàng cần được cung cấp đầy đủ nước. Nguồn nước tưới tiêu không được nhiễm mặn, nhiễm phèn nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Khi cây còn nhỏ không nên dùng vòi phun trực tiếp vào mà nên tưới đẫm xung quanh hốc. Bà con cũng có thể sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây trồng để nước ngấm từ từ vào đất, vừa tiết kiệm lại không tốn thời gian, không làm tổn hại cây con.

Trời nắng tưới mỗi ngày 1 lần, nếu trời mưa thì ngưng tưới và có hệ thống tiêu nước nhanh, tránh để rễ bị ngập úng nước quá lâu.

Nên tưới nước cho cây ổi Nữ Hoàng vào sáng sớm hoặc chiều tối, không tưới giữa trưa nắng gắt.

  • Bón phân

Giống ổi Nữ Hoàng thích nghi tốt với các loại đất, tuy nhiên muốn cây đạt năng suất cao, chất lượng quả tốt thì trong quá trình chăm sóc, bà con cần bón đủ phân tổng hợp NPK, có thể dùng loại 16 - 16 - 8 hoặc 12 - 15 - 18.

Nếu sử dụng phân NPK 12 - 15 - 18, liều lượng phân bón cho 1 cây/năm như sau:

  • Năm 1: 400g NPK + 200g amon sunphat. Chia làm 4 lần bón trong năm.
  • Năm 2: 800g NPK + 400g amon sunphat. Chia làm 4 lần bón trong năm.
  • Năm 3: 1.200g NPK + 500g amon sunphat + 100g magie. Cũng chia làm 4 lần.

Từ năm thứ 4, mỗi năm đều tăng lượng phân lên để kích thích ra hoa, kết quả.

Nếu sử dụng phân NPK 16 - 16 - 8, liều lượng phân bón cho 1 cây/năm như sau:

  • Năm 1: 500g NPK + 200g ure. Chia làm 4 lần bón.
  • Năm 2: 1.000g NPK + 200g ure. Chia làm 4 lần bón.
  • Từ năm thứ 3, lượng phân tăng hàng năm từ 1,2 - 1,5kg NPK + 0,3 - 0,5kg ure.

Các đợt bón phân cho cây ổi Nữ Hoàng trong 1 năm như sau:

Đợt Thời điểm
Đợt 1 Sau khi cắt tỉa cành vào tháng 1, bón phân để kích thích ra lộc vào mùa xuân
Đợt 2 Bón vào khoảng tháng 4 để kích thích ra hoa, đậu quả
Đợt 3 Bón vào tháng 6 để tiếp tục thúc hoa, thúc quả
Đợt 4 Bón vào tháng 8 để kết trái, nuôi dưỡng trái và cây

Hàng năm vào đợt đầu tiên bón phân, bà con bón thêm từ 10 - 20kg phân chuồng hoai mục, phân lân và kali liều lượng vừa phải cho mỗi cây để cung cấp dinh dưỡng cho cả cây và đất trồng.

Những vùng đất bị nhiễm phèn nặng, bà con cần bón thêm vôi bột để cải tạo đất tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng và hương vị của quả ổi.

Khi bón phân, bà con đào rãnh xung quanh theo hình chiếu của tán cây, rải đều phân và lấp đất. Nếu bón thêm phân chuồng và lân thì đào rãnh sâu hơn.

Tiến hành bón phân kết hợp với tụ gốc, làm cỏ dại.

  • Cắt tỉa tạo tán

Sau khi trồng khoảng 3 - 4 tháng cây bắt đầu mọc các đọt non, bà con cắt bớt đọt non, chỉ để lại 3 - 4 cặp lá. Từ đọt non bị cắt sẽ mọc cành cấp 1, tiếp tục ngắt ngọn để tạo thành tán cấp 2, cấp 3.

Những cành mọc vượt từ gốc ghép hoặc cành mọc vượt ở trên thân chính là khác thường, hình xoắn ốc, cuống dài và lá to bà con cũng nên thường xuyên tỉa bớt đi.

Tiến hành đúng quy tắc cắt tỉa cành, sau khoảng 7 tháng, cây ổi Nữ Hoàng đã bắt đầu cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.

Giống ổi mới này thường ra hoa vào thời kỳ ra đọt non ở vị trí cặp lá thứ 3, 4 nên những năm tiếp theo, bà con dấm tược, tỉa bỏ những nhánh mọc rậm để trên tược mọc thêm nhanh, sai nhiều quả.

Kỹ thuật bao trái ổi Nữ Hoàng

Dù là ổi Nữ Hoàng hay giống ổi gì thì bà con cũng nên áp dụng kỹ thuật bao trái để tránh sâu bệnh gây hại, giúp vỏ ổi đẹp không bị rám nắng, hạn chế ảnh hưởng của thuốc trừ sâu, trừ cỏ mang lại quả ổi sạch, an toàn, đẹp về hình thức, tiêu thụ dễ dàng.

Tiến hành bao trái khi ổi đạt kích thước khoảng 2,5 - 3cm, sau khi phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Dùng túi nilon cắt vát phần đáy để rỏ nước, phía trên chọc lỗ 2 - 3mm để chống đọng nước trong quả.

Phòng trừ sâu bệnh cho cây ổi

Ổi Nữ Hoàng là một giống ổi mới nên sức chống chịu bệnh tốt, ít bị bệnh. Tuy nhiên do các tác nhân từ ngoại cảnh, điều kiện khí hậu chăm sóc nên ổi cũng bị một số sâu bệnh gây hại như:

  • Sâu ăn lá

Sâu phát triển và ăn hết phần lá non, cuống lá khiến cây bị xơ xác. Sâu non có màu xanh lá cây nên khó phát hiện. Bà con có thể phòng trừ bằng cách phun thuốc Pyrinex, Polytrin, Vibasu, Padan… Sử dụng theo liều lượng được khuyến cáo.

  • Sâu cuốn lá

Bướm sẽ đẻ trứng trên lá, trứng phát triển thành sâu non và nhả kén, cuốn tròn lá để làm tổ nằm và ăn lá. Nếu sâu chưa phát triển nhiều, bà con có thể bắt bằng tay hoặc dùng thuốc Padan, Sherpa… để phun.

  • Sâu đục quả

Chúng sẽ phá hoại vào thời điểm quả đẫy đà, sắp chín khiến năng suất giảm sút nghiêm trọng. Bà con nên tiến hành bao trái, kết hợp sử dụng thuốc phun đặc trị ruồi theo khuyến cáo.

  • Bệnh thối quả

Bệnh này do nấm Phytophthora gây ra khiến quả ổi bị những đốm tròn màu nâu. Bệnh lay lan nhanh khiến ổi bị thối, mùi chua và rụng. Phòng trừ bệnh bằng cách tỉa cây, tạo tán để lá ổi quang hợp. Thu gom và tiêu hủy quả bị thối. Sử dụng thuốc Mexyl - MZ, Viben - C…

Thu hoạch quả ổi Nữ Hoàng

Giống ổi Nữ Hoàng cho thu hoạch sớm, chỉ từ 2,5 - 3 tháng đậu trái, 8 tháng sau khi trồng đã có thể thu lứa quả đầu tiên. Mùa vụ thu hoạch ổi Nữ Hoàng tập trung từ tháng 10 cho đến tháng 4 năm sau thu nhiều đợt quả.

Bà con nên thu hoạch vào ngày thời tiết mát mẻ, thu khi ổi chín khoảng 80 - 90%. Dùng thang hoặc kéo cắt cành để thu, không dùng tay bẻ sẽ làm quả bị xước, hỏng gây ảnh hưởng đến các đọt non.

Sau khi thu hoạch, bảo quản ở nhiệt độ thường được vài ngày, muốn bảo quản lâu thì cần xử lý bằng GA3 hoặc ở nhiệt độ phòng lạnh 5 - 15 độ C, độ ẩm từ 80 - 90%.

Bà con có thể áp dụng phương pháp xiết nước, bón phân tỉa cành sớm, sử dụng chế phẩm sinh học EM1 pha với nước để cải tạo đất, kích thích cây ra hoa, đậu trái, chống chịu sâu bệnh tốt để cây ổi sai trái quanh năm.

chế phẩm sinh học EM

Ngoài ra, một số hộ dân cũng trồng ổi Nữ Hoàng vừa xuất bán vừa nuôi cá. Điển hình trường hợp anh Phan Văn Nhỏ - Kiên Giang. Khi áp dụng phương pháp canh tác truyền thống cho năng suất thấp, anh đã đi nhiều nơi, học hỏi và áp dụng kỹ thuật trồng ổi Nữ Hoàng. Kết quả sau 8 tháng anh đã bắt đầu được thu quả. Mỗi năm, gia đình anh thu được từ 2 - 3 đợt. Quả ổi đẹp thì xuất bán, ổi xấu thì để nuôi cá tai tượng.

Tóm lại, nếu thực hiện đúng kỹ thuật trồng ổi nữ hoàng, cây sẽ có tuổi thọ trên 10 năm, năng suất từ năm thứ 3 trở đi đạt đến 20 tấn/ha mang lại nguồn thu nhập lên đến cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Công ty CPĐT Tuấn Tú

- Địa chỉ: Số 2, Ngõ 2, Đường Liên Mạc, P. Liên Mạc, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội

- Hotline : 02422050505 – 0945796556 - 0984930099

- Email: khomay3a@gmail.com

- Website: https://khomay3a.com

- Fanpage: https://web.facebook.com/Congtycpdaututuantu

Từ khóa » Trồng Cây ổi Nữ Hoàng