Kỹ Thuật Trồng ớt Cay - Trung Tâm Khuyến Nông

- Cây ớt thích hợp với đất thoát nước tốt, tơi xốp và giàu mùn như: Đất cát pha, đất thịt pha sét, đất phù sa ven sông và đất canh tác lúa. Đất có hàm lượng dinh dưỡng khá - giàu, pH đất = 5,5-6,5. Đất được cày bừa sâu 20-30cm, phơi ải.

- Luống: Lên luống cao 15-20cm, mặt luống rộng 40-50cm (trồng một hàng), mặt luống rộng 1-1,2cm (trồng hàng đôi).

Mùa vụ:

- Cây ớt có thể trồng quanh năm ở những nơi có điều kiện thuận lợi;

- Cây ớt thích hợp nhiệt độ cao từ 25-300C, do đó nên bố trí trồng vụ xuân hè sẽ cho năng xuất cao.

Chọn giống:

Ớt cay có rất nhiều giống như: Ớt xiêm, ớt chỉ thiên, ớt chùm trái đen, ớt chùm trái vàng, ớt sừng trâu (trái to, cay trung bình); ớt hiểm (cay nhiều) …

Gieo trồng:

Hạt giống ngâm 3 sôi 2 lạnh trong 12 giờ, vớt ra đãi sạch và ủ 2-3 ngày hạt mọc mầm gieo vào luống ươm cây giống hoặc gieo trong các vĩ xốp, chăm sóc, tưới nước giữ ẩm và phòng trừ sâu bệnh cho cây con, sau khi cây con đạt 20-25 ngày tuổi thì nhổ trồng ra vườn sản xuất. Trước khi nhổ cần xiết nước 5-6 ngày, tưới đẫm 4-6 giờ, sau đó nhổ trồng ngay lúc sáng hoặc lúc chiều mát.

Mật độ trồng: Hàng đơn trên mỗi luống trồng cây cách cây 50-60 cm, còn trên luống trồng hàng đôi trồng cây cách cây 50-55 cm, hàng cách hàng 55-65 cm.

Chăm sóc và bón phân: Cây ớt cho thu quả liên tục kéo dài nên cần phải bón lượng phân lớn và chia làm nhiều lần bón trong năm.

Phân bón trung bình cho 1ha (tùy theo đất và mùa vụ mà tăng giảm lượng phân cho phù hợp):

- Bón lót khi làm đất: 1000kg vôi, 8-10 tấn phân chuồng, 500kg super lân, 30kg Kali, 20kg Calcium nitrat, 100-150kg phân NPK(16-16-8).

- Bón thúc chia làm 4 lần bón với lượng phân như sau (1ha):

Lần 1: 20 - 25 ngày sau khi trồng: 40kg Urê + 30kg Kali + 100kg NPK (16-16-8) + 20kg Calcium nitrat.

Lần 2: Khi ớt đã đậu trái đều: 60kg Urê + 50kg Kali + 100 - 120kg NPK (16-16-8) + 20kg Calcium nitrat.

Lần 3: Khi bắt đầu thu trái: 60kg Urê + 50kg Kali, 100 - 150kg NPK (16-16-8) + 30kg Calcium nitrat.

Lần 4: Khi thu hoạch rộ: 40kg Urê + 40kg Kali, 100-150kg NPK (16-16-8) + 30kg Calcium nitrat.

Tưới nước: Mùa mưa cần đảm bảo thoát nước tốt, mùa nắng phải tưới nước đầy đủ, nếu có rơm rạ hoặc cỏ khô tủ gốc giữ ẩm cho cây.

Tỉa nhánh: Tỉa bỏ các cành, lá dưới điểm phân cành để cây ớt phân tán rộng và gốc được thông thoáng, tỉa cành lá sâu bệnh, cành tăm, nên tỉa cành lúc nắng ráo, tỉa bằng kéo cắt cành hạn chế cành gãy xước làm cho cây dễ bị bệnh.

Làm giàn: Đối với giống có tán lá rộng, cao thì nên làm giàn để đỡ cây khỏi bị đổ ngã, gãy cành, kéo dài thời gian thu hoạch, hạn chế trái bị sâu bệnh do đỗ ngã.

Phòng trừ sâu bệnh: Cây ớt có nhiều đối tượng sâu bệnh, vì vậy nên áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp để cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

- Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng sạch, hạn chế cỏ dại và các cây ký chủ của sâu bệnh hại ớt; Luân canh, không trồng cây họ cà trong vòng 2 - 3 năm; Chọn giống kháng bệnh; trồng mật độ vừa phải; Tăng cường bón phân chuồng hoai mục, bón phân cân đối NPK; Tỉa cành lá thông thoáng, thu gom cành lá bị sâu bệnh để tiêu hủy; Tránh trồng ớt trong mùa mưa ở ngoài trời.

- Biện pháp sinh học: Bảo vệ thiên địch, bắt sâu bằng tay, sử dụng bẫy bã xua đuổi hoặc thu hút côn trùng.

- Biện pháp hóa học: Khi sâu bệnh hại nặng thì dùng thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên dùng thuốc sinh học hoặc dùng các chế phẩm nấm đối kháng vi khuẩn và đối kháng nấm bệnh để phun phòng trừ. Dùng thuốc hóa học trong danh mục được phép sử dụng cho cây ớt và phun theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì của nhà sản xuất.

Rầy mềm: Sống tập trung ở đọt non và mặt dưới của lá non, chích hút nhựa làm đọt non chùng lại, lá quăn queo, úa vàng, cây không phát triển.

Phòng trừ: Sử dụng thuốc có hoạt chất Imidacloprid, Abamectin

Bệnh thán thư: Bệnh gây thối lá hàng loạt, bệnh nặng vào mùa mưa, bệnh thường xuất hiện lúc trái chín, bệnh nặng có thể gây trên trái còn xanh, làm rụng trái hoặc thu hoạch không sử dụng được.

Phòng trừ: Dùng thuốc có hoạt chất Chlorothalonil hoặc Metiram Complex 550g/kg + Pyraclostrobin 50g/kg (min 95%) hoặc Ningnanmycin để phun phòng trừ.

Bệnh đốm trắng lá: Bệnh gây hại chủ yếu trên lá bánh tẻ đến lá già. Vết bệnh lúc đầu nhỏ có màu xanh đậm, sau đó vết bệnh lớn dần có màu trắng, viền màu nâu đậm. Bệnh nặng làm cho lá rụng sớm, giảm năng suất, trái nhỏ. Dùng thuốc có hoạt chất Ningnanmycin phòng trừ

Bệnh héo xanh: Bệnh xảy ra rải rác trên từng cây hoặc từng nhóm cây ở giữa ruộng. Triệu chứng đầu tiên trên cây già các lá bên dưới bị héo nhẹ; nhưng ở cây con thì các lá non bị héo trước. Chiều mát hoặc sáng sớm cây tỉnh lại, sau vài ngày cây héo nhanh nhưng lá vẫn xanh.

Phòng trừ: Đối với bệnh do vi khuẩn thì khi cây mới có triệu chứng nhẹ ta dùng sản phẩm nấm EM (Emina) phun phòng sẽ hạn chế bệnh lây lan sang các cây khác. Bệnh nặng thì nhổ tiêu hủy cây bệnh và phun xử lý hốc cây bị bệnh bằng EM hoặc rắc vôi.

 

Hoài Nam – TTKN Lâm Đồng

Từ khóa » Cách Trồng Cây Ot