Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Cây Gỗ Gụ (Gụ Lau)

Mục Lục

  • 1.Tìm hiểu về cây gỗ Gụ (gụ lau)
  • 2.Kỹ thuật tạo cây con: * Chăm sóc cây con:
  • 3.Kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng:

Tìm hiểu về cây gỗ Gụ (gụ lau)

Đôi nét về cây: Gụ lau là cây gỗ to, rụng lá, cao 20 - 25m hay hơn, đường kính thân 0,6-0,8m. Lá kép lông Chim một lần, chẵn; lá chét 4-5 đôi, hình bầu dục-mác, dài 6-12cm, rộng 3,5-6cm, chất da, nhẵn; cuống lá chét dài khoảng 5mm. Lá bắc hình tam giác, dài 5 - 10mm. Lá đài phủ đầy lông nhung. Cụm hoa hình chùy, dài 10-15cm, phủ đầy lông nhung màu vàng hung. Hoa có từ 1-3 cánh, cánh nạc, dài khoảng 8mm. Bầu có cuống ngắn, phủ đầy lông nhung; vòi cong, dài 10-15mm, nhẵn, núm hình đầu. Quả đậu, hình gần tròn hay bầu dục rộng, dài khoảng 7cm, rộng khoảng 4cm với một mỏ thẳng, không phủ gai, thường có 1 hạt, ít khi 2-3 hạt.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây gỗ Gụ (Gụ lau)

Mùa ra hoa, ra quả: Mùa hoa vào tháng 3-5, mùa quả chín vào tháng 7-9.

Phân bố: Phân bố tại Campuchia, Việt Nam: Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Đặc điểm sinh học: Mọc rải rác trong Rừng nhiệt đới, ưa mưa hay mưa mùa ẩm, ở độ cao không quá 600m, trên đất tốt, có tầng dày và thoát nước. Tái sinh bằng hạt tương đối tốt.

Giá trị sử dụng: Gỗ lớn, lõi cứng, rất bền, nặng trung bình (tỷ trọng 0,7), thớ mịn, vân đẹp nhiều màu sắc, là một trong những loại gỗ tốt nhất của Việt Nam; dùng trong xây dựng công trình kiến trúc, phục chế đồ cổ, đóng đồ mộc cao cấp và  hàng thủ công mỹ nghệ. Vỏ chứa nhiều tanin, dùng nhuộm lưới. Là loài đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam.

Kỹ thuật tạo cây con:

* Nguồn giống: Cây mẹ đã cho quả ít nhất là từ 3 năm trở lên, sinh trưởng phát triển tốt trên mức trung bình, hình thái thân và tán lá đẹp, cân đối không bị sâu bệnh, hạt có phẩm chất gieo ươm tốt.

* Thu hạt giống: Thời gian thu hái: từ  tháng 7 đến tháng 9, tốt nhất là vào lúc cây bắt đầu có quả chín. Nhận biết quả chín: Khi quả chín vỏ mầu xám nâu, hạt màu đen, cứng. Thông thường sử dụng phương pháp thu nhặt là chủ yếu. Phát dọn và chuẩn bị hiện trường đón quả rụng, thu lượm hằng ngày.

* Bảo quản hạt giống: Hạt sau khi phơi khô giữ ở độ ẩm 10-15% đem cất trữ theo phương pháp khô thông thường, thời gian bảo quản dưới 2 năm.

* Xử lý hạt giống: Ngâm hạt trong nước nóng (công thức 1.5.3, bảng 1) trong 6-8 giờ hoặc xử lý bằng nước sôi (công thức 1.5.3). Khi hạt bắt đầu trương nở vớt hạt ra, ủ trong cát ẩm, hoặc vải bông ẩm, để nơi thoáng mát  2-3 ngày, rửa chua hằng ngày, đến khi hạt nứt nanh, tiến hành cấy vào bầu.

* Tạo bầu: Kích thước bầu: cỡ trung bình hoặc lớn (12x15cm).  Thành phần ruột bầu: Đất tầng A dưới tán rừng: 89%, Phân chuồng ủ hoai: 10%, Supe lân Lâm thao: 1%.

* Gieo hạt vào bầu: Dùng que cấy chọc lỗ đường kính 2cm, sâu 3cm, đặt hạt xuống sao cho phần rễ nhô ra xuống dưới, lấp đất sâu 1cm, sau khoảng 7 - 10 ngày hạt sẽ nảy mầm. Thời gian nảy mầm của hạt có thể kéo dài từ 15 - 30 ngày. Trong thời gian gieo hạt chỉ tưới đủ ẩm cho bầu. Tỷ lệ nảy mầm có thể đạt 75 - 80%.

* Chăm sóc cây con:

- Tưới nước: giữ độ ẩm đất sau khi gieo hoặc cấy cây nếu trời không mưa. Không được để khô luống.

- Che bóng: Giai đoạn đầu cần có độ che bóng 50%, sau đó dỡ bỏ dần giàn che.

- Làm cỏ thường xuyên sạch trên mặt luống. Thời gian đầu cứ sau 10 - 15 ngày cần làm cỏ, kết hợp phá váng 1 lần. Dùng que vót nhọn xới nhẹ phá lớp váng tạo trên mặt bầu, tránh không làm hư tổn đến bộ rễ.

- Bón thúc: định kỳ bón thúc bằng phân hỗn hợp NPK.  

- Hãm cây: Trước khi xuất vườn 1- 2 tháng ngừng bón thúc, hạn chế tưới nước .

* Tiêu chuẩn cây con xuất vườn: Tuổi cây: 1 tháng đến 2 năm. Đường kính cổ rễ: 0,4 - 0,6cm. Chiều cao bình quân: 50cm - 1m. Cây không bị nhiễm sâu bệnh. Cây không bị cụt ngọn, không nhiều thân. Không trồng cây khi đã có lá non. 

Kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng:

* Chọn đất trồng: Thích hợp ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm; độ cao dưới 100 - 200m so với mực nước biển; độ dốc dưới 10 – 150. Đất sâu dày, ẩm mát, thoát nước, thành phần cơ giới trung bình, pH: 4,5-5,5.

* Thời vụ trồng: Tùy theo từng vùng địa lý-sinh thái (xem 2.6, bảng 1).

* Làm đất: Quy cách hố: 40x40x40cm. Hố bố trí giữa hàng và so le giữa các hàng theo hình nanh sấu. Khi cuốc hố tách riêng phần đất tốt, đất xấu. Lấp hố bằng đất tốt khi cuốc lên và đất xung quanh cùng với cỏ rác, thảm khô mục lấp phần đáy hố. Vun đất theo hình mai rùa. Thời gian cuốc hố phải hoàn thành trước lúc trồng rừng 1 tháng.

* Bón lót: Bón phân: 60 gam NPK và vi sinh tỷ lệ 1:1 cho mỗi hố.

* Kỹ thuật trồng: rạch vỏ bầu, bới 1 lỗ giữa hố sâu bằng chiều cao của bầu cây trồng. Đặt cây sao cho cổ rễ Ngang mặt hố, rồi vun đất xung quanh cho kín. Có thể dùng tay lèn hoặc chân dẫm chặt xung quanh gốc cây, tránh dẫm vào bầu làm vỡ bầu.

* Chăm sóc: Sau khi trồng rừng, cần được chăm sóc và bảo vệ liên tục trong 5 – 7 năm đầu. Chăm sóc mỗi năm 2 lần, chủ yếu là phát dọn toàn bộ dây leo, cây bụi cỏ dại và cây phi mục đích trong rạch trồng cây với chiều rộng 2m. Xới đất xung quanh hố với đường kính rộng 40 - 50cm. Bảo vệ không cho gia súc phá cây. Bón phân với liều lượng hỗn hợp 100 gam NPK và vi sinh tỷ lệ 1:1 bón cho 1 gốc

Từ khóa » Gỗ Gụ Lau