Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Cây Ngô Vụ đông áp Dụng Làm đất Tối Thiểu

Cây ngô thường được sản xuất trên đất 2 vụ lúa và là một trong những cây trồng chính ở vụ đông trên địa bàn tỉnh. Ngô khá dễ trồng và chăm sóc nhưng để cho năng suất cao, chất lượng tốt bà con nông dân cần chú ý:

Thời vụ: Gieo trồng trong tháng 9 để tránh gặp rét khi trỗ cờ phun râu vì vậy cây ngô vụ đông trồng càng sớm càng tốt. Để tranh thủ thời vụ tốt nhất bà con nên chuẩn bị cây con trồng trong bầu, khi cây đạt tiêu chuẩn thì đem ra ruộng trồng, vừa giải quyết khâu thời vụ, đồng thời đảm bảo tỉ lệ sống cao; ngoài ra còn điều chỉnh được mật độ trồng, điều chỉnh hướng lá để cây ngô phát triển thuận lợi, cho năng suất cao trong vụ đông.

Chuẩn bị giống: Trong vụ đông, sử dụng các giống ngô có ngắn ngày, năng suất cao, có khả năng chịu mật độ, thâm canh, chịu hạn và lạnh như: NK4300, CP333, LVN885, Nk4300Bt/GT...; nhóm ngô nếp: MX4, MX10, HN88...

Lượng giống khoảng 20 - 25 kg/ha, tùy từng loại giống.

Xử lý hạt giống trước khi trồng đối với ngô bầu: Ngâm hạt giống trong nước sạch 8-10 tiếng sau đó đem ủ, có thể ủ cùng cát hoặc trấu, tốt nhất nên dùng cát ẩm để ủ. Sau 20-24 tiếng là hạt nảy mầm, lưu ý cần kiểm tra giá thể, nếu ẩm quá có thể làm thối hạt giống. Chỉ nên ủ hạt nứt nanh là tiến hành đem gieo, vì nếu để rễ mầm quá dài khi thao tác rất dễ gẫy, mà rễ mầm có vai trò hết sức quan trọng đối với năng suất của cây ngô.

Kỹ thuật làm đất:

Đối với gieo hạt trực tiếp: Sau khi thu hoạch lúa, cày lật đất để tạo luống rộng khoảng 1,2 m, rãnh rộng 30-40 cm, sâu 20-25 cm. Dùng cuốc rạch hàng ngang trên mặt luống sâu 2-3 cm, hàng cách hàng 30 cm.

Đối với trồng bằng bầu ươm: Nếu bề mặt ruộng còn bằng phẳng, không bị phá kết cấu, tưới tiêu chủ động, cắt sát gốc rạ, phủ rạ lên bề mặt ruộng. Không cần tạo các rãnh thoát nước, sử dụng hệ thống tiêu thoát nước như sản xuất lúa. Sử dụng cuốc, các dụng cụ chuyên dùng khác để tạo hốc đặt bầu theo kiểu nanh sấu, tạo luống đơn hoặc luống đôi, luống đôi nên có bề  rộng 90-120 cm và trồng 2 hàng ngô với khoảng cách 50-60 cm, bầu cách bầu 25-30cm. Khi bề mặt ruộng không bằng phẳng cần phải có biện pháp làm phẳng bề mặt ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thoát nước. Với ruộng không chủ động tưới tiêu thì cứ 5-7 hàng tạo 1 rãnh thoát nước.

Kỹ thuật làm bầu ngô:

Nguyên vật liệu cần cho 1 ha là bùn ao và 1.000 kg phân chuồng hoai mục hoặc 250 kg phân hữu cơ vi sinh.

Cách làm: Trộn bùn với trấu xay, phân chuồng hoai mục theo tỷ lệ 1:1. San phẳng lớp bùn trên nền đất cứng đã được rắc trấu hoặc lót lá chuối, độ dày lớp bùn từ 5-7cm, khi mặt đất bầu se lại, dùng que rạch theo kích thước định trước sau lấy ngón tay trỏ chọc 1 lỗ giữa bầu, đặt hạt giống đã ủ nứt nhanh đảm bảo mầm hạt hướng lên trên và phủ kín hạt bằng một lớp đất bột nhỏ, đất cát hoặc trấu. Thường xuyên tưới đủ ẩm, khi mưa to phải che đậy, thời gian cây sống trong bầu tốt nhất là 5 – 7 ngày, tối đa không quá 10 ngày, nếu thời gian cây ngô ở trong bầu dài hơn cần phải tưới bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng NPK pha loãng.

Kỹ thuật trồng:

Trồng với mật độ 57.000-61.000 cây/ha, khoảng cách hàng cách hàng 65cm, cây cách cây 25-30cm.

Đối với gieo hạt trực tiếp: Tra hạt theo các hốc trên rạch cách nhau 7-12 cm, mỗi hốc 1-2 hạt. Hoặc có thể cày một đường dọc theo luống để tạo rãnh và tra hạt dọc theo rãnh.

Kỹ thuật đặt bầu: Đất ruộng phải đảm bảo độ ẩm từ 85-90%. Trước khi đặt bầu bón lót 8-10 tấn phân chuồng hoai mục hoặc 2.500 kg phân hữu cơ vi sinh và 500-600 kg lân supe, nếu ruộng chua thì cần bón thêm 500 kg vôi bột. Đặt bầu ngô theo hướng lá xòe ra 2 bên hàng và vuông góc với chiều dài luống, trồng ra ruộng khi ngô đạt 2-3 lá thật.

Kỹ thuật bón phân kết hợp chăm sóc

Lượng phân bón/ha: 8-10 tấn phân chuồng hoai mục hoặc 2.500 kg phân + 600 kg lân supe + 420-450 kg đạm ure + 180-200 kg kaliclorua + 500 kg vôi bột.   

Bón lót trước khi trồng: Bón toàn bộ phân chuồng, lân và vôi bột.

Bón thúc lần 1: Khi ngô bén rễ, hồi xanh (từ 3-5 ngày sau khi đưa bầu ra ruộng), bón cách gốc 10 cm với lượng 140-150 kg đạm urê + 60-65 kg kali clorua, kết hợp với tưới nước; hoặc có thể hòa tan đạm, kali với nước để tưới kết hợp với vun vừa và làm cỏ. 

Bón thúc lần 2: Khi ngô được 5-6 lá, bón với lượng 140-150 kg đạm urê + 60-65 kg kali clorua, kết hợp với tưới nước, làm cỏ và vun cao. 

 Bà con nông dân xã Sơn Thành, huyện Na Rỳ bón phân kết hợp làm cỏ và vun cao cho cây ngô (ảnh tư liệu)

Bón thúc lần 3: Khi ngô được 10-11 lá, bón với lượng 140-150 kg đạm urê + 60-70 kg kali clorua, kết hợp với tưới nước, làm cỏ và vun cao để hạn chế đổ ngã.

Độ ẩm đất thích hợp đối với ngô là 70-80%. Khi đất khô nếu không mưa thì phải tưới nước cho ngô. Cách tốt nhất là tưới theo rãnh, theo băng để ngâm qua một đêm rồi rút cạn nước. Không được để nước đọng gây ngập úng, rễ ngô sẽ bị thối, lá héo vàng. Những giai đoạn ngô rất cần nước là 3-4 lá, 7-10 lá, xoáy loa kèn, tung phấn phun râu và chín sữa.

Kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh: Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh hại sớm, đặc biệt là: Sâu keo mùa thu, sâu đục thân, bệnh đốm lá, các bệnh sinh lý do thời tiết...

Đối với các bệnh sinh lý do rét, hạn như huyết dụ, vàng lá… cần chú ý giữ ẩm, bón phân cân đối đặc biệt là lân và kaly để tăng tính chống chịu của cây.

Đối với sâu keo mùa thu: Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, khi mật độ sâu cao sử dụng một trong các loại thuốc như: Lufen extra 100 EC, Enasin 32WP, Ratoin 5WG, Karuba WP, Bitadin WP.... để phun trừ, phun theo hàng, ướt đều cả hai mặt lá và nách lá.

 Cán bộ Trung tâm DVNN huyện Bạch Thông kiểm tra sâu bệnh hại cây ngô tại xã Tú Trĩ (ảnh tư liệu)

Đối với sâu đục thân: Chọn và trồng giống ngô chống chịu sâu đục thân. Gieo trồng đúng thời vụ. Không trồng rải rác tạo nguồn thức ăn cho sâu tồn tại từ vụ này sang vụ khác. Bắt sâu bằng tay, ngắt ổ trứng đem tiêu hủy. Khi mật độ sâu cao, dùng một trong các loại thuốc như: Voliam Targo 063SC, Patox 95SP, Enasin 32WP hoặc thuốc dạng hạt Vibam 5H... để phun hoặc rắc vào gốc cây ngô.

Đối với bệnh đốm lá: Ngắt bỏ lá bệnh khi mới xuất hiện, khi tỷ bệnh hại cao có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Anvil 5SC, Tilt 250ND, Aliette 800WG, Amistar Top 325EC....

Thu hoạch và bảo quản: Thu hoạch khi ngô chín hoàn toàn hoặc chín sinh lý (dấu hiệu chín sinh lý khi chân hạt có vết đen hoặc 70% số cây có lá bị khô hoặc độ ẩm đạt 28-30%).

 Phơi khô, cất trữ ở nơi thoáng mát, khô ráo

Phơi nắng hoặc sấy đến khi ẩm độ hạt đạt 14% thì đóng bao cất trữ hoặc treo ở nơi thoáng mát, khô ráo.

Từ khóa » Cây Bắp Có Mấy Trái