Ký Vào Tờ Giấy Vay Nợ Nhưng Không Biết Là Giấy Vay Nợ - Luật Minh Gia

Ký vào tờ giấy vay nợ nhưng không biết là giấy vay nợ Thân chào quý công ty. Tôi có một anh trai năm nay 31t, có vợ và một con trai 7t, cưới nhau cũng đã được 8 năm. 2 vợ chồng làm ăn tích cóp cũng có của dư của ở được một số tài sản nhất định.

Một lô đất 1000m trị giá 1 tỷ đồng, 2 chiếc xe hơi ước tính hơn 1 tỉ đồng. Anh trai tôi và vợ kinh doanh quán nhậu, công việc của anh tôi là tiếp khách nên phải uống từ sáng đến chiều, công việc của vợ là thu ngân và kế toán. Sau một thời gian vợ anh tôi có bí mật liên hệ vay tiền với những người hàng xóm và của những người cho vay nặng lãi mà anh tôi không hề biết. Nhưng khi viết giấy nợ thì anh tôi vẫn ký dù không biết tiền đó ở đâu và với mục đích gì mà vợ anh ấy vay như vậy. Đến cả những người cho vay anh tôi còn không biết mặt và số điện thoại liên lạc. Đến nay khi số tiền nợ đã tăng lên đến gần 10 tỷ và mất khả năng trả nợ thì anh tôi mới biết chuyện mặc dù khi hỏi vợ tiền đó đi đâu hết thì vợ không trả lời hoặc trả lời không biết. Bây giờ các tài sản đã bị siết hết và anh tôi và vợ con đã bỏ trốn. Tôi muốn hỏi trong trường hợp này thì làm cách nào để chứng minh anh tôi vô tội, hoặc giảm nhẹ tội? Nếu số nợ đó cả 2 vợ chồng cùng ký thì bây giờ nếu ly hôn số nợ sẽ chia đôi cho 2 người và tội chủ mưu ai sẽ lãnh? Cách nào để chứng minh anh tôi vô tội dù vẫn biết bút sa gà chết? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về nghĩa vụ trả nợ của bên vay và lãi suất cho vay

Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Thông tin bạn cung cấp không có đề cập đến lãi suất nên bạn có thể đối chiếu với quy định trên để áp dụng về vấn đề lãi suất, còn việc trả nợ thì vợ chồng anh trai bạn vẫn sẽ phải có nghĩa vụ trả theo nội dung của hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận.

Ngoài ra, tại Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.”

“Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”

Trong trường hợp của anh trai bạn, nếu khoản tiền vợ anh ấy vay dùng để sử dụng vào nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình như: chi phí sửa chữa, xây dựng nhà ở, chăm sóc sức khỏe các thành viên trong gia đình; việc học hành của các con…thì dù anh trai bạn không bàn bạc với vợ bạn và vợ bạn cũng không ký vào hợp đồng vay thì về nguyên tắc anh trai bạn cũng phải có nghĩa vụ liên đới trả khoản nợ đó cùng với vợ.

Thứ hai, việc ký kết hợp đồng vay

Theo thông tin bạn cung cấp, anh trai bạn có ký kết những giấy tờ vay nợ, nhưng những lúc ký kết đó trong trạng thái say rượu nhưng cần phải chứng minh được vào những thời điểm ký kết đó anh trai bạn say rượu dẫn đến không nhận thức và làm chủ hành vi để có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 (Luật có hiệu lực tại thời điểm ký kết hợp đồng):

“Điều 132. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.

Điều 133. Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.”

Thứ ba, việc các chủ nợ đến siết nợ gia đình anh trai bạn

Việc gia đình anh trai bạn không trả được nợ thì những người chủ nợ kia không được đến gia đình anh trai bạn để siết nợ nếu như hai bên không thỏa thuận được thì các chủ nợ kia có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc dân sự để đòi lại khoản tiền mà vợ chồng anh trai bạn đã vay, nếu đến lúc mà gia đình anh trai bạn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì lúc này những chủ nợ có quyền yêu cầu tòa án sẽ thực hiện việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự theo Luật thi hành án dân sự 2008.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng !

CV Quách Văn Toản - Công ty Luật Minh Gia

Từ khóa » Giấy Ký Nợ