Đặc biệt là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Kênh Tân Hóa - Lò Gốm đi qua địa bàn có mật độ dân cư đông đúc là Quận 6, Quận 11, Tân Bình và Tân Phú, TP HCM đã mất hơn 20 năm với hàng nghìn tỷ đồng để xử lý môi trường, cải tạo và "hồi sinh" dòng kênh. Thế nhưng kênh nghìn tỷ vừa hồi sinh đang có nguy cơ bị "bức tử" trở lại, là tiếng chuông báo động cho cơ quan chức năng cũng như người dân trong việc ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Mới đây nhất ngày 17-5-2016, đã có 14 tấn cá chết được vớt lên từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cá chết là do cơn mưa đầu mùa cuốn trôi nhiều chất bẩn trên đường, cống rãnh đổ xuống kênh gây ô nhiễm.
Cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Hữu Khoa Với tôi một người dân trong nước tôi kỳ vọng 20 năm tới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và nhiều kênh khác của thành phố Hồ Chí Minh mãi mãi là “Con kênh xanh xanh những chiều êm ả lướt trôi” (Ngô Huỳnh). Để rồi người dân và du khách khi đặt chân tới thành phố Hồ Chí Minh, chắc hẳn sẽ không quên thả hồn mình vào với dòng chảy êm đềm và hiền hòa của dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đầy thi vị. Kênh chảy qua giữa lòng thành phố có chiều dài gần 16 km rất đẹp và thơ mộng, được ví như dải lụa mềm vắt nhẹ trên bờ vai người thiếu nữ đang xuân trang điểm cho thành phố, tựa như dòng sông Seine chảy qua thủ đô Paris. Dưới cầu là dòng nước lững lờ trôi, thi thoảng điểm tuyết bằng những con thuyền du lịch hay đi canô, thuyền máy trên kênh. Hai bên bờ kênh là con đường đi dạo sạch sẽ, thoáng mát dưới hai hàng cây xanh mát. Những chiếc lá vàng rơi trên đám cỏ xanh tơ sẽ làm bạn có cảm giác hạnh phúc ngập tràn khi được cùng người yêu thương sánh bước bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thơ mộng lãng mạn. Đứng bên bờ kênh, bạn sẽ có cảm giác thanh bình trong tâm hồn và tạm quên đi những khó khăn trong đời thường. Bạn có thể đi bộ, du thuyền dọc con kênh này để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó với những cây cầu bắc qua kênh. Hoặc bạn có thể thả hồn mình trong hương vị cà phê vừa ngắm khung cảnh ở đây quá lãng mạn và thơ mộng, vừa tận hưởng những cơn gió mát lành, phóng tầm mắt ra xa là những công trình kiến trúc hiện đại, hoành tráng, tuyệt đẹp với những tòa nhà cao vút trong thành phố.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngày nay nhìn từ trên cao. Ảnh: Xuân Cường Những ánh hoàng hôn loang loáng một chiều bên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tạo nên thành phố Hồ Chí Minh với vẻ đẹp tự nhiên, hiện đại, vừa nguy nga lộng lẫy, vừa huyền bí thơ mộng. Đắm mình trong không gian hoàng hôn nơi đây, bạn như được thấy mình thật hơn, tĩnh lặng hơn, không còn những ồn ào, xô bồ của nhịp sống hiện đại đang hối hả. Một vài chiếc lá nhẹ rơi, lác đác, lác đác, không đủ đánh động bước chân người qua nhưng đủ để ai đó giật mình sau một ngày mải mê với công việc để nhận ra hơi thở của cây lá, của thiên nhiên. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lay động lòng người bởi những điều giản đơn ấy. Đặc biệt kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đẹp nhất về đêm, khi muôn vàn ánh điện đủ sắc màu từ các tòa nhà cao tầng, từ những đường phố dọc hai bờ kênh soi xuống mặt nước, ánh lên thật lộng lẫy huyền ảo với nhiều mảng sắc màu, tạo cho Sài Gòn về đêm đẹp như viên ngọc lấp lánh có sức hút và quyến rũ đối với mọi người. Tới nơi này bạn sẽ cảm nhận được sức trẻ của một thành phố phát triển từng ngày.Và tôi kỳ vọng dòng kênh chính là suối nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ viết về những câu chuyện tình lãng mạn và thơ mộng, những nhạc phẩm để đời từ ở thành phố này.
Tác phẩm: “Nhiêu Lộc- Một thế giới mới”- Tác giả: Lữ Huỳnh Thanh Huy Dòng kênh gắn liền với biết bao kỷ niệm của những lớp người dân Sài Gòn, dòng kênh cũng là chứng nhân của những đổi thay ở thành phố trẻ trung và đầy năng động, đang từng ngày phát triển. Dòng kênh dù trải qua bao biến cố, có lúc vật đổi sao dời mà vẫn luôn là viên kim cương huyền diệu của thành phố mang tên Bác. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè như trái tim và linh hồn của con người Sài Gòn. Người dân Sài Gòn rất yêu quí và tự hào dòng kênh quê hương mình. Còn đối với bao du khách họ đến với thành phố này cứ ngỡ ngàng bước đi không đành, lòng thầm ước sẽ trở lại. Hy vọng những kỳ vọng của tôi về dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong 20 năm tới sẽ thành hiện thực. Để làm được điều đó theo tôi chính quyền và người dân Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều giải pháp. Những biện pháp vừa qua như nạo vét, khơi thông, hàng nghìn căn nhà ven kênh được di dời... đã phát huy tác dụng nhưng theo tôi cần quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng kênh trong xanh chính là bảo vệ sự sống cho con người, để dòng kênh mãi mãi là niềm tự hào của người dân TP HCM.
Lê Thị Thu Thanh Cuộc thi "Bảo vệ môi trường ngành Công Thương" do Cổng thông tin Điện tử Bộ Công Thương tổ chức bắt đầu từ ngày 15/10/2016 đến hết ngày 15/01/2017. Đây là cuộc thi dành cho mọi công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam giúp phản ánh thực trạng môi trường, như ô nhiễm không khí, nước... Qua đó đề xuất các sáng kiến bảo vệ hoặc nâng cao chất lượng môi trường sống tại các nhà máy điện, than, xi măng, dầu khí, hóa chất, thép… Đồng thời, hiến kế các giải pháp bảo vệ môi trường tại các dự án, nhà máy, khu công nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương. Bấm vào đây để gửi bài dự thi |