Lá Cờ Đảng đầu Tiên Xuất Hiện Tại Cà Mau

Cách đây 70 năm nơi tận cùng cực nam của Tổ quốc đã diễn ra sự kiện khá độc đáo. Đó là lá cờ đỏ búa liềm xuất hiện tại Cà Mau đã gây ấn tượng sâu sắc đối với người Đất Mũi kiên cường trong những ngày Đảng cộng sản Việt Nam ra đời.

Để chào mừng ngày thành lập Đảng, sáng ngày 03/2/1930 tại thị trấn Cà Mau (nay là thành phố Cà Mau) đã chứng kiến sự kiện lá cờ Đảng phất phới trên sợi dây thép căng ngang sông Cà Mau, tại bến đò Kinh Mười Sáu ngày xưa (nay là bến vỏ). Đây là sự kiện diễn ra đầu tiên của Chi bộ Cà Mau mới ra đời chưa tròn một tháng (so với lúc treo cờ) mà gây ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân khu vực Cà Mau.

Chi bộ thị trấn Cà Mau được thành lập vào tháng 01năm 1930 (thuộc tổ chức An Nam Cộng sản Đảng, sau này được thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam). Chi bộ lúc bấy giờ chỉ có 04 đồng chí: Lâm Thành Mậu, Nguyễn Văn Chánh, Tân Văn Hai và Phạm Ngọc Cừ, do ông Lâm Thành Mậu làm Bí thư. Trong những ngày chào mừng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chi bộ đã tổ chức nhiều hoạt động trên phạm vi thị trấn Cà Mau, nơi mà bọn thực dân Pháp và bọn tay sai đã xây dựng bộ máy cai trị khá khắc nghiệt và nghiêm ngặt đối với nhân dân Cà Mau lúc bấy giờ. Với tinh thần cách mạng tiến công và trách nhiệm của người Đảng viên cộng sản, các đồng chí trong chi bộ tổ chức các hoạt động tuyên truyền bí mật để chống kẻ thù; đồng thời tìm mọi cách để nêu cao vai trò cuả Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên các đồng chí trong chi bộ đi rãi truyền đơn những nơi công cộng như: ở bến xe, nơi nhóm chợ, chỗ đông người, hoặc nơi nhiều người đi qua lại... Đặc biệt là chi bộ đã khắc phục những khó khăn, tìm những nơi kín đáo để che tai, mắt kẻ thù, viết từng khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!”, “Đả đảo đế quốc Pháp” dán lên góc tường và những nơi đông người qua lại, nhằm tạo sự chú ý của quần chúng. Đây là sự cố gắng lớn của chi bộ, chỉ có thời gian ngắn, trước một đêm ngày 03 tháng 02 năm 1930, mà chi bộ phải tập trung nhiều công việc khá vất vả; lại trong lúc kẻ thù đang theo dõi mà các đồng chí Đảng viên của chi bộ đã làm cho chính quyền thực dân Pháp và tay sai ở tại quận Cà Mau lúc bấy giờ hoảng hốt, lo sợ, láo nháo như cuộc báo động “hỗn loạn” chưa từng có giữa ban ngày ở khu vực Cà Mau. Cho nên suốt cả buổi, bọn chúng lúng túng tìm mọi cách để lấy lá cờ xuống mà trong lòng hồi hộp (sợ lọt vào ý đồ của Cộng sản). Dù chúng có ngăn chặn, không cho đồng bào ta đến gần nơi treo cờ, nhưng bà con vẫn tìm mọi cách, lấy cớ qua đò sang sông để được tận mắt nhìn rõ lá cờ đỏ búa liềm lượn theo gió trên sông Cà Mau. Và cũng chính lá cờ đỏ búa liềm mà người dân lao động Cà Mau đang mong muốn tự bao giờ, nay đã thành sự thật.

Cuộc hốt hoảng của kẻ thù chưa hết. Lại ngày 01 tháng 05 năm 1930, nhân kỷ niệm ngày lao động Quốc tế ; các anh thanh niên yêu nước ở ven thị trấn Cà Mau (nay là thành phố Cà Mau) lại bỏ tiền ra mua nước sơn vải đỏ và giấu bọn tề để vẽ lá cờ Đảng búa liềm treo trên cây dương ở Đình Tân Hưng (nay thuộc xã Lý Văm Lâm, thành phố Cà Mau). Đặc biệt lá cờ này, do 03 anh thanh niên yêu nước đã dũng cảm đề thẳng tên lót của mình vào lá cờ: “NGỌC - ĐỨC – THẾ” nghĩa là: NGỌC là Nguyễn Ngọc Hương, THẾ là Lương Thế Trân, ĐỨC là Nguyễn Đức Cao. Để biểu hiện ý trí của mình, sẵn sàng đi theo con đường của Đảng, đánh bọn xâm lược cướp nước. Đồng thời, lá cờ còn nổi lên dòng chữ: “Diệt trừ Pháp tặc” có nghĩa là: Biểu hiện quyết tâm đánh Tây (thực dân Pháp) để giải phóng dân tộc, giành độc lập – tự do. Như sau này Bác Hồ ta đã nói: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chiụ làm nô lệ”. Ý chí của người thanh niên yêu nước, ở Mũi Cà Mau đã ghi lời thề vào cờ Đảng, sẵn sàng đem máu của mình tô thắm cho ngọn cờ quang vinh của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong ngày 01 tháng 05 năm 1930, không chỉ có lá cờ đỏ búa liềm xuất hiện vào buổi sáng mặt trời đỏ rực, mà còn các khẩu hiệu, truyền đơn được rãi các nơi, nhất là những nơi bọn tề và dinh quận, làm cho bọn chúng náo động và hoang mang trong hàng ngũ bộ máy của bọn thực dân Pháp ở Cà Mau. Bà con ở ven thị trấn rất vui mừng, bàn tán xôn xao, khâm phục những ai sáng kiến và dũng cảm treo cờ Đảng ngay trong khu vực quản lý nghiêm ngặt của địch.

Việc xuất hiện cờ Đảng vào ngày 03 tháng 02 năm 1930 và ngày 01 tháng 05 năm 1930 ở khu vực Cà Mau là sự kiện đầu tiên trong lịch sử tỉnh nhà đã đánh dấu bước trưởng thành nhảy vọt của phong trào cách mạng nhân dân Cà Mau, từ đấu tranh tự phát, chuyển sang đấu tranh tự giác khá sâu sắc. Và sự kiện treo cờ Đảng, còn biểu hiện tấm lòng người dân Đất Mũi đối với Đảng; đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam có mặt sớm ở mảnh đất tận cùng cực Nam của Tổ quốc.

Hữu Thành Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau

Từ khóa » Búa Liềm Của Việt Nam