Là Giáo Viên, Triết Lí Giáo Dục Của Bạn Là Gì?

Mỗi khi bắt đầu một khóa học, hay một buổi tập huấn giáo viên, tôi luôn có một hoạt động nho nhỏ để chia sẻ cùng các thầy cô giáo: Rằng triết lí giáo dục của các thầy cô là gì?

Nghe đến đây, chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ, triết lí giáo dục chắc phải là một điều gì đó cao siêu lắm. Nó phải được đề cập trong các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiễn sĩ, hay chí ít cũng phải trong cuộc họp của Bộ giáo dục và đào tạo. Không! triết lí giáo dục hiển hiện chính nơi công việc giảng dạy hàng ngày của mỗi thầy cô chứ không phải một chỗ nào đó xa xôi. VÌ SAO Ư?

Vì chúng ta đang sống vào một giai đoạn mà các triết lí giáo dục, các hệ giá trị đang đan xen tồn tại. Trong một thành phố với vài triệu dân, mà có đến cả một thế giới thu nhỏ các nền giáo dục. Nào là trường quốc tế Anh, Pháp, Mỹ rồi đến Đức, Nhật, Hàn, Singapo, Úc, Phần Lan,… cùng song song với các trường dân lập, công lập truyền thống. Nhìn chung có thể gọi là “trăm hoa đua nở” “trăm nhà đua tiếng”. Ai cũng nói rằng con đường của mình là đúng, ai cũng nói rằng phương pháp của mình là ưu việt. Ai cũng tuyên bố rằng mình đang đào tạo “nhân tài” và “tinh hoa”… Khi đó, triết lí giáo dục của mỗi giáo viên không đơn thuần là có tác dụng với cá nhân họ. Nó còn giúp cho các phụ huynh bớt đi phần hoang mang, tỉnh thức, biết cách lắng nghe, đặt niềm tin và chia sẻ.

Bạn là một giáo viên, bạn đang bị đặt vào một ma trận với chằng chịt những mối quan hệ phức tạp, những yêu cầu mong muốn. Học sinh muốn bạn dạy thật vui, thật nhẹ nhàng thoải mái và căn bản là được chơi nhiều. Phụ huynh lại muốn con họ đạt điểm thật cao. Nhà trường thì đòi hỏi thành tích của cả lớp, thành tích của học sinh giỏi. Con tim và khối óc của bạn thì lại nghĩ chương trình, sách giáo khoa và các kì thi chỉ là những thứ vớ vẩn, bạn muốn dành tình yêu thương trọn vẹn cho những đứa trẻ theo cách của riêng mình. Bạn biết đấy, những kì vọng và mong muốn này trong nhiều trường hợp không thể song hành tồn tại cùng nhau.

Đó là lúc bạn phải đưa ra quyết định và lựa chọn. Với vai trò là người lao động bạn muốn thỏa mãn sếp và khách hàng là phụ huynh. Với vai trò là “gấu mẹ vĩ đại” bạn muốn trẻ thật thoải mái và giữ được tuổi hồn nhiên. Với vai trò là một nguyên thủ quốc gia, bạn sẽ kì vọng bản thân sẽ tạo được ra những giá trị đại diện cho một nền văn hóa của tương lai… Chọn ai và làm như thế nào? Đó chính là triết lí giáo dục của bạn.

Nhưng sai lầm của chúng ta là lòng tham, chúng ta muốn “ôm cả đất, ôm cả trời” chúng ta muốn thỏa mãn tất cả. Tôi xin mạnh dạn nói rằng, đó là điều không thể. Chính vì vậy các thầy cô thay vì chọn cho mình một hay một số giá trị, họ có thiên hướng chọn tất cả, không chọn gì hoặc dao động: lúc chọn cái này, lúc chọn cái khác. Đó chính là lí do khiến các thầy cô tự biến mình thành những nạn nhân, tự đưa mình vào một trò chơi đuổi bắt không có hồi kết. Đó cũng là lí do giải thích vì sao đã đến lúc chúng ta phải xác lâp hệ giá trị riêng và những chuẩn mực trong nghề nghiệp của bản thân.

Đối với cá nhân tôi, điều quan trọng là phải xác định được triết lí giáo dục của bản thân mình. Vì khi mà kinh nghiệm và những thực tiễn giáo dục thay đổi một cách thường xuyên, triết lí giáo dục sẽ giúp các thầy cô có một định hướng, một con đường rõ ràng để đi. Triết lí giáo dục được tạo ra khi nó đảm bảo được yếu tố cá nhân và thỏa mãn được những tiêu chuẩn chung nhất. Nó là sự cam kết giữa giáo viên, với học sinh, phụ huynh, hiệu trưởng, xã hội. Nó là sự công khai và minh bạch để giám sát lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau trong sự hài hòa nhằm đạt mục tiêu cao nhất là hạnh phúc và thành công của những đứa trẻ.

Kể từ khi tôi tự xây dựng triết lí giáo dục của mình vài khiêm tốn chia sẻ nó ở đây. Tôi mong muốn tất cả những đồng nghiệp của tôi, những người làm giáo dục cũng sẽ làm như vậy khi có cơ hội. Chính triết lí giáo dục sẽ giúp chúng ta trở nên thành thật hơn với bản thân với xã hội và với những nguyên tắc nghề nghiệp.

TRÊN CON ĐƯỜNG GIẢNG DẠY CỦA MÌNH, TÔI TIN:

• Tôi là một phần quan trọng trong môi trường giáo dục. Hành động, tâm trạng và kiến thức, kinh nghiệm và nhân cách của tôi có ảnh hưởng lớn đến học sinh.

• Mỗi học sinh có quyền được hưởng một môi trường học tập tốt và xứng đáng nhận được sự hỗ trợ từ giáo viên.

• Vai trò của tôi trong việc giáo dục một đứa trẻ không có liên quan đến vị thế xã hội của cha mẹ chúng. Khi một đứa trẻ mắc lỗi, tôi sẽ đối xử với nó như tất cả những đứa trẻ khác.

• Tôi có thể cải thiện việc giảng dạy của bản thân bằng cách không ngừng suy ngẫm. Tôi luôn cố gắng áp dụng những điều tốt nhất có thể vào thực tiễn giáo dục của mình.

• Những năng lực của bản thân và các giá trị mà tôi tích lũy sẽ mang lại lợi ích cho những đứa trẻ.

• Công việc của tôi không phải là một công việc hành chính đơn thuần, và trách nhiệm của tôi không kết thúc vào cuối ngày sau khi trở về nhà.

• Tôi có quyền có ý kiến và phê bình những sai sót trong trường học và tôi có trách nhiệm trong việc giúp học sinh nói lên tiếng nói của chúng.

• Tôi có trách nhiệm bảo vệ nghề nghiệp và học sinh của mình khỏi mọi sự tấn công.

• Học sinh có quyền được sai lầm và xứng đáng được bao dung khi chúng đang trong quá trình phát triển và định vị bản thân. Tôi hiểu rằng sai lầm là một phần tất yếu của sự trưởng thành. Những sai lầm này là kinh nghiệm học tập, chứ không phải là bản chất cố hữu của học sinh.

• Khi không chấp nhận được những thực trạng trong giáo dục, tôi sẽ đấu tranh trước hết với bản thân mình để có được sự cải tiến không ngừng và thay đổi trong thực tế giảng dạy.

• Tất cả học sinh của tôi xứng đáng nhận được sự công bằng và tôn trọng trong tất cả các mối quan hệ. Tôi sẽ cam kết rằng những nhận xét của tôi luôn mang tính xây dựng và là những chỉ dẫn cụ thể.

• Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm làm tất cả những gì có thể để cải thiện bản thân và chia sẻ những gì tôi có thể với người khác để có thể làm tốt hơn công việc giảng dạy.

Vậy còn bạn, triết lí giáo dục của bạn là gì, hãy chia sẻ cùng tôi và các đồng nghiệp!

(Nguyễn Hữu Long)

Từ khóa » Triết Lý Giáo Dục Là Gì