Lá Lách: Những điều Bạn Cần Biết - YouMed

Nội dung bài viết

  • Lá lách là gì?
  • Chức năng của lách
  • Các bệnh lý thường gặp
  • Có thể sống mà không có lá lách không?
  • Làm sao để bảo vệ lá lách của bạn?

Lá lách, (hay dân gian còn gọi là tỳ) là một cơ quan thuộc hệ tạo máu. Tuy nhiên, do nó có vị trí nằm gần các cơ quan của hệ tiêu hóa nên thường được mô tả chung với hệ này. Lách cấu trúc gần giống như một hạch bạch huyết lớn. Nó hoạt động chủ yếu như là một bộ lọc máu, đóng vai trò quan trọng đối với các tế bào hồng cầu và hệ thống miễn dịch. Hãy cùng tìm hiểu về cấu tạo và chức năng của lá lách qua bài viết của Bác sĩ Phan Văn Giáo, bạn nhé!

Lá lách là gì?

Lá lách là một tạng huyết, nơi sản sinh ra tế bào lympho và là mồ chôn các hồng cầu già. Lách có màu nâu đỏ. Nó nằm ở phía trên bên trái của bụng, được bảo vệ bởi lồng ngực.

Lách có hình thù tương tự như một hình soan dài hoặc một hình tháp ba mặt. Mặc dù nó khác nhau về kích cỡ giữa các cá nhân, một lá lách thường khoảng 4 – 12 cm đường kính và nặng khoảng 200 g.

Có thể hình dung một cách tổng quát, lách được ẩn náu trong một ổ. Đầu và lưng cong tựa vào vòm hoành và thành ngực bên trái. Đáy ngồi trên đại tràng trái, sườn sau tựa vào thận trái và sườn trước úp vào dạ dày. Lách được giữ trong ổ bởi các mạc và dây chằng. Do vậy, bình thường sẽ không sờ thấy được ở thành bụng. Khi mắc các bệnh lý, lách to thì sẽ có thể sờ thấy được ngay dưới da bụng.

lá lách bình thường và lách to

Chức năng của lách

Một trong những công việc chính của lá lách là lọc máu của bạn. Nó ảnh hưởng đến số lượng tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể của bạn. Và cũng ảnh hưởng số lượng tiểu cầu, những tế bào giúp máu của bạn đông lại. Lách thực hiện điều này bằng cách phá vỡ và loại bỏ các tế bào bất thường, cũ hoặc bị hư hỏng.

Lách giữ lại sắt, protein và các chất cần thiết để tạo tế bào mới. Nó cũng lưu trữ các tế bào hồng cầu, tiểu cầu và các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng. Lách dự trữ máu cho cơ thể. Khi co vào hoặc giãn ra, nó tham gia điều hoà khối lượng máu cũng như khối lượng tế bào máu trong tuần hoàn.

Lá lách đóng một vai trò quan trọng trong phản ứng của hệ thống miễn dịch của bạn. Khi phát hiện vi khuẩn, vi rút hoặc vi trùng khác trong máu của bạn, nó sẽ tạo ra các tế bào bạch cầu. Đó là tế bào lympho, giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng.

Các bệnh lý thường gặp

Nhiều tình trạng khác nhau có thể khiến lách to ra, đặc biệt là các bệnh khiến các tế bào máu bị phá vỡ quá nhanh.

Khi lách của bạn to ra, sự lọc máu có thể không hiệu quả như trước đây. Nó có thể vô tình lọc bỏ các tế bào hồng cầu và tiểu cầu bình thường. Và để lại ít tế bào máu khỏe mạnh hơn. Tình trạng này gọi là cường lách.

Lách to có thể không gây ra triệu chứng lúc đầu. Tuy nhiên sau đó, nó có thể trở nên đau đớn. Nếu lá lách của bạn to lên quá nhiều, nó có thể vỡ. Lách cũng có thể bị tổn thương hoặc vỡ ngay sau khi bị đâm mạnh vào bụng, gãy xương sườn hoặc tai nạn khác.

1. Lá lách phụ

Khoảng 10 – 15% người có thêm 1 lá lách. Lách thứ hai thường nhỏ hơn nhiều – khoảng 1 cm đường kính. Nói chung, nó không gây ra vấn đề về sức khoẻ.

2. Vỡ lách

Điều này có thể xảy ra sau một chấn thương và gây ra chảy máu bên trong, đe dọa mạng sống. Đôi khi, lách vỡ ngay vào thời điểm chấn thương. Một số trường hợp, nó vỡ vài ngày hoặc vài tuần sau đó.

Hình ảnh lách vỡ.
Hình ảnh lách vỡ.

3. Cường lách

Điều này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, ung thư máu, nhiễm trùng do vi khuẩn và bệnh gan.

4. Bệnh hồng cầu hình liềm

Đây là một dạng thiếu máu di truyền. Tình trạng này được đặc trưng bởi một loại hemoglobin bất thường. Ở dạng thiếu máu này, các tế bào hồng cầu có hình dạng bất thường (hình lưỡi liềm). Điều này gây chặn dòng máu, tổn thương các cơ quan, kể cả lách.

5. Giảm tiểu cầu

Nếu lách to, nó có thể chứa quá nhiều tiểu cầu. Điều này có nghĩa là không có đủ tiểu cầu trong hệ tuần hoàn của cơ thể. Triệu chứng chính của giảm tiểu cầu là chảy máu khó cầm.

6. Ung thư lách

Nếu ung thư bắt đầu ở lách, nó được gọi là ung thư lách nguyên phát. Nếu nó lan sang lá lách từ một cơ quan khác, nó được gọi là thứ phát. Cả hai loại ung thư đều hiếm.

7. Nhồi máu lách

Nếu máu cung cấp cho lách bị giảm, nó được gọi là nhồi máu lách. Điều này xảy ra nếu máu cung cấp qua động mạch lách bị gián đoạn. Ví dụ, có thể do một cục máu đông. Điều này gây triệu chứng đau dữ dội, và việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân.

Có thể sống mà không có lá lách không?

Câu trả lời là có. Bạn có thể sống mà không cần lá lách của bạn.

Đây là một cơ quan quan trọng, nhưng không cần thiết. Nếu nó bị tổn thương do bệnh tật hoặc chấn thương, nó có thể cắt bỏ mà không đe dọa tính mạng của bạn.

Các hạch bạch huyết và gan của bạn có thể đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng của lách. Tuy nhiên, nếu không có lá lách, bạn sẽ có nhiều khả năng bị nhiễm trùng. Và nếu bạn bị bệnh, có thể mất nhiều thời gian hơn bình thường để bạn phục hồi.

Tùy thuộc vào độ tuổi và sức khỏe tổng thể của bạn, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên tiêm phòng các bệnh nhiễm trùng như:

  • Haemophilus Influenza type B (Hib).
  • Cúm.
  • Viêm màng não.
  • Bạch hầu, ho gà và uốn ván.
  • Bệnh zona.
  • Thủy đậu.
  • HPV.
  • Sởi, quai bị và rubella (MMR).
  • Viêm phổi.

Làm sao để bảo vệ lá lách của bạn?

Nhiều nguyên nhân gây lách to, chẳng hạn như ung thư hoặc bất thường tế bào máu có thể là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, có một vài nguyên nhân có thể phòng ngừa được. Chẳng hạn như tránh nhiễm trùng hoặc chấn thương có thể làm hỏng nó. Dưới đây là một vài lời khuyên:

  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân như dụng cụ ăn uống, bàn chải đánh răng hoặc đồ uống với người khác. Đặc biệt nếu bạn biết họ bị bệnh nhiễm trùng như tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.
  • Nếu bạn chơi bóng đá hoặc các môn thể thao đối kháng khác, hãy mặc đồ bảo hộ. Điều này giúp bảo vệ lá lách và các cơ quan khác khỏi chấn thương.
  • Sử dụng bao cao su mỗi khi bạn quan hệ tình dục. Điều này giúp bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
  • Nếu bạn uống rượu, hãy uống vừa phải để bảo vệ gan và tránh xơ gan.
  • Đeo dây an toàn bất cứ khi nào bạn lái xe hoặc đi trong xe hơi.

Nếu bạn có lách to, hãy làm theo kế hoạch điều trị mà bác sĩ khuyên dùng. Tránh chơi thể thao và các hoạt động có khả năng va chạm cao khác cho đến khi được bác sĩ đồng ý.

Mặc dù lách không phải là một cơ quan lớn, nhưng nó đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể bạn. Nhiễm trùng và chấn thương có thể làm hỏng lá lách của bạn và làm cho nó mở rộng hoặc thậm chí vỡ. Nếu thiệt hại trên diện rộng, bạn có thể cần phẫu thuật để cắt bỏ lá lách.

Không chỉ riêng lách, mà bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể bạn đều đóng một vai trò nhất định đối với sức khỏe. Việc xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh và bảo vệ sức khỏe là điều hết sức quan trọng.

Từ khóa » Hình ảnh Lá Lách Heo