Lá Lựu Và Vỏ Quả Lựu, Những Vị Thuốc Quý Dân Gian

Nhà tôi có trồng một cây lựu bên hè và cứ lâu lâu lại có người ghé xin vài nhánh lá. Tôi tò mò, hỏi lá lựu dùng để làm gì thì họ nói dùng làm thuốc và có vẻ giấu giếm, không muốn nói rõ hơn.

Một thời gian sau, nhờ bọn trẻ trong xóm, tôi mới biết lá lựu ấy được đem về để rửa các nốt đậu mùa. À, thì ra là vậy! Ở quê, người ta hay giấu những bệnh như “giời leo”,” đậu mùa”, “ghẻ lở”… vì sợ bị chê cười.

Công dụng làm thuốc của lá lựu

Theo công trình “Trà và các món ăn, bài thuốc bổ dưỡng từ hoa” thì lá lựu có thể dùng làm thuốc để cải thiện tình trạng bầm tím sưng đau (do té ngã). Cách dùng rất đơn giản, đó là giã nát lá tươi rồi đắp lên. Bên cạnh đó, lá lựu còn giúp làm sạch các nốt đậu mùa, chốc đầu (bằng cách lấy lá tươi nấu lấy nước, để nguội rồi rửa).

Hoa thạch lựu
Cây lựu (thạch lựu)

Theo quyển “Phòng và chữa bệnh bằng thức ăn hàng ngày“, dân gian còn dùng lá lựu để điều trị ghẻ bằng cách: hái một nắm lá tươi, rửa sạch, giã nát cùng 5 trái cau non rồi vắt lấy nước, đem nấu, cô đặc cho thành dạng cao rồi bôi thường xuyên lên các nốt ghẻ (1) (2).

Các nghiên cứu về lá lựu:

  • Theo tạp chí Food and Chemical Toxicology, lá lựu chứa nhiều hoạt chất có tác dụng chống oxy hóa, chống ung thư (đối với tế bào ung thư biểu mô tuyến vú MCF-7). Hiển nhiên, đây chỉ là kết quả nghiên cứu bước đầu nhưng nó đã cho ta thấy lá lựu có tiềm năng ứng dụng trong ngành dược phẩm (4).
  • Theo tạp chí Indian Journal of Pharmacology, kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất etanolic từ lá lựu còn chứa các hoạt chất giúp chống tiểu đường và chống tăng lipd máu (5).

Công dụng làm thuốc của vỏ quả lựu

Vỏ quả lựu có vị chát thì ai cũng biết rồi. Thế nhưng, nó còn là vị thuốc cổ truyền thì lại ít người biết.

Vỏ quả lựu
Vỏ quả lựu

Theo các ghi chép thì vỏ quả lựu có tính ấm, giúp làm chặt ruột và cầm máu, khử trùng. Trong dân gian, người ta thường dùng vỏ quả lựu để điều trị các chứng như:

  • Điều trị tiêu chảy, tiểu ra máu.
  • Điều trị bạch đới, băng huyết.
  • Điều trị thoát giang, đau bụng do giun.

Cách dùng: lấy 15 – 30 g vỏ quả lựu, nấu lấy nước uống trong ngày (lưu ý, với vỏ lựu thì ta bóc bỏ lớp màng xốp bên trong, chỉ lấy phần vỏ cứng bên ngoài, xắt mỏng rồi phơi khô làm thuốc).

Ngoài ra, trong một số trường hợp khác, cách dùng có thể khác hơn như:

  • Điều trị vẩy nến: lấy vỏ quả lựu phơi khô, xay nát thành bột rồi trộn với dầu mè, sau đó bôi thoa lên vùng da bị bệnh.
  • Điều trị lòi dom, khí hư nhiều: lấy một ít vỏ lựu (từ 15 – 30 g), đem ninh với đường kính rồi ăn.

Lưu ý khi dùng:

  • Vỏ lựu có thể gây ra đờm.
  • Người bị kiết lỵ, táo bón (hoặc vừa khỏi kiết lỵ, táo bón) không nên dùng (1) (2) (3).

Thông tin thêm

Ngoài lá và vỏ quả lựu thì vỏ thân và vỏ rễ cây lựu cũng có dược tính và có thể dùng làm thuốc. Tuy nhiên, vỏ thân và vỏ rễ lại có độc nên ít được dùng. Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi cũng không đưa vào đây để tránh những tác hại không đáng có (3).

Nguồn tham khảo

  1. Tạ Ngọc Ái (biên soạn), Trà và các bài thuốc, món ăn bổ dưỡng từ hoa, NXB Thanh niên, 2008, trang 102.
  2. Vương Thừa Ân, Phòng và chữa bệnh bằng thức ăn hàng ngày, NXB Hồng Đức, trang 51.
  3. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 1371.
  4. Assessment of antioxidant, anti-inflammatory, anti-cholinesterase and cytotoxic activities of pomegranate (Punica granatum) leaves, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0278691513000847, ngày truy cập: 03/ 08/ 2021.
  5. Antidiabetic and antihyperlipidemic effects of ethanolic extract of leaves of Punica granatum in alloxan-induced non–insulin-dependent diabetes mellitus albino rats, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3326916/, ngày truy cập: 03/ 08/ 2021.

Từ khóa » Công Dụng Vỏ Quả Lựu