Lạ Quen đất Nước Triệu Voi - Báo Đà Nẵng
Có thể bạn quan tâm
Hôm nọ, trên ti-vi có chương trình (hình như là Đấu trường 100 thì phải) hỏi một câu tưởng chừng rất lạ: Quốc gia duy nhất nào ở Đông Nam Á không giáp với biển? Tất nhiên câu hỏi không khó, nhưng lạ là ở chỗ, một kiến thức cơ bản như thế mà lâu nay ít người để ý tới. Với phương pháp loại suy, dễ dàng đưa ra được câu trả lời hợp lý nhất: đó là nước Lào.
Lào còn được biết đến với những cái tên khác như “đất nước Triệu Voi”, “xứ sở hoa Chăm-pa”. Hoa Chăm-pa, người Lào gọi là “dok Champa”, người Việt gọi là hoa sứ, quốc hoa của Lào, thì có lẽ không còn lạ gì, đã có nguyên một bài hát viết riêng tôn vinh. Còn “Triệu Voi” thì một người chuyên dịch sách Lào ở Đà Nẵng giảng rằng, đó là nghĩa tiếng Việt của từ Lan Xang, quốc hiệu của nhà nước Lào đầu tiên được một vị vua lập từ giữa thế kỷ XIV (Lan: triệu; Xang: voi). Từ cổ của tiếng Việt mình gọi nước Lào là Vạn Tượng.
Với những người lần đầu bước chân đến Lào như ông Phan Đức Mỹ, còn gọi là Nam Hà, thì xứ sở hoa Chăm-pa nhiều điều mới lạ. Năm 1984, khi đang là Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, ông được cử sang nước bạn làm chuyên gia an ninh phụ trách tỉnh Sekong. Trong cái lạ về ngôn ngữ, thực phẩm (người Lào ăn xôi), phong tục tập quán... ông vẫn tìm thấy ở đó những nét thân quen của những vùng quê nước mình bởi phần lớn người dân bản xứ đều biết tiếng Việt và xem chuyên gia Việt như người nhà.
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Chuyển thì đã gặp một kẻ xa lạ, thậm chí là một “đối thủ” trên đất Lào, 40 năm sau gặp lại thành người quen. Tháng 6 năm 1971, sau trận đánh vào Bản Nhik trên đất Lào, ông cùng đồng đội phát hiện có nhiều lính địch chết và bị thương; trong đó có một người bị thương ở chân và bụng, là lính của một tiểu đoàn cực hữu Thái Lan sang tiếp viện. Ông liền lấy băng cá nhân, cùng y tá băng bó vết thương cho anh ta và thả đi.
Năm ngoái, khi Đại tá Chuyển cùng đoàn cựu quân tình nguyện đến thăm Thạc Luỗng, một thắng cảnh của Lào, thì gặp lại “đối thủ” năm xưa. Người này tay bắt mặt mừng, nói rất cảm kích bộ đội Việt Nam, gặp đoàn cựu chiến binh nào của Việt Nam cũng hỏi thăm mãi mà chừ mới gặp ân nhân xưa. Xem danh thiếp, mới hay “đối thủ” của ông giờ là Thiếu tướng cựu chiến binh ở Băng Cốc, Thái Lan. Trước khi chia tay, cùng hẹn lần sau sẽ gặp nhau tại Pakse - Lào hoặc Đà Nẵng - Việt Nam.
Pakse là tỉnh lỵ của Champasak, nơi người Việt ở đông nhất nước Lào hiện nay. Champasak cùng với Savannakhet, Saravane (còn gọi là Salavan), Sekong và Attapeu là 5 tỉnh thuộc Nam Lào. Vùng đất một thời còn khó khăn của nước bạn này đã in đậm dấu chân của các chuyên gia Việt Nam người Đà Nẵng. Ông Lê Văn Hùng, Trưởng ban Quản lý các dự án Nam Lào thành phố Đà Nẵng, từ một người cảm thấy xa lạ trên đất Lào, sau 13 năm đi về giữa Đà Nẵng và Nam Lào như đi chợ, nay đã nói tiếng Lào chẳng khác gì người bản xứ.
Ông Hùng từng được một già làng ở bản Noọng Đeng, tỉnh Saravane, đặt tên là Bun Thắng, tiếng Lào có nghĩa là may mắn; được buộc chỉ cổ tay trong một buổi lễ trang trọng và thân tình do Sở Nông nghiệp tỉnh Saravane tổ chức và già làng đứng ra làm chủ lễ. Vinh dự đó người Lào chỉ dành cho những người nước ngoài đã không còn ranh giới giữa chủ và khách.
Từ sau năm 1997, “đất nước Triệu Voi” đã ngày một trở nên thân quen đối với người dân Đà Nẵng. Từ đó, đã có nhiều chuyến viếng thăm, làm việc giữa lãnh đạo thành phố và các tỉnh của Lào; qua đó, hai bên đã ký kết nhiều văn bản thỏa thuận, văn bản ghi nhớ; triển khai hiệu quả nhiều dự án, chương trình hợp tác… Theo thống kê của Ban Quản lý các dự án Nam Lào thành phố Đà Nẵng, từ năm 1999 đến tháng 11-2012, thành phố đã triển khai 56 dự án hỗ trợ cho 5 tỉnh vùng Nam Lào với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng, trong đó đã tính học bổng cho sinh viên Lào đến năm 2015.
Những dự án của Đà Nẵng đã góp phần làm cho diện mạo của vùng Nam Lào nói riêng, “đất nước Triệu Voi” nói chung ngày một đổi thay. Dù xa trước ngõ cũng xa/ Dù gần Vĩnh Điện, La Qua cũng gần. Câu ca dao Quảng Nam-Đà Nẵng này sẽ vẫn vẹn nguyên ý nghĩa cao đẹp khi vận vào mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt - Lào: Việt Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.
VIÊN PHÚC QUÂN
Từ khóa » đất Nước Của Triệu Voi
-
Khám Phá đất Nước Triệu Voi - Báo Tuyên Quang
-
Vì Sao Gọi Lào Là 'đất Nước Triệu Voi'? - Địa điểm Du Lịch - Zing
-
Đúng, Lào được Biết đến Là đất Nước Triệu Voi - VnExpress
-
ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI LÀO - VYC Travel
-
Bất Ngờ Khi Lào, đất Nước 'triệu Voi' Chỉ Còn Chưa Tới 1.000 Voi
-
Khám Phá đất Nước Triệu Voi Và Cánh đồng Chum Bí ẩn
-
Lào - đất Nước Triệu Voi Tươi đẹp
-
Vì Sao Gọi Lào Là đất Nước Triệu Voi - Chonmuacanho
-
Vì Sao Gọi Lào Là đất Nước Triệu Voi? Đúng Nhất - Wowhay4u
-
Du Lịch Lào - Đất Nước Triệu Voi Vẫy Chào Những đôi Chân Xê Dịch
-
Những Người Con Của đất Nước Triệu Voi Mang Dòng Máu Việt (bài 1)
-
Đất Nước Triệu Voi Ngày Càng Hút Khách Nhờ 9 địa điểm Nổi Tiếng Này
-
Tour Du Lịch: Khám Phá Lào - Đất Nước Triệu Voi (5N4Đ)
-
Quốc Gia Đông Nam Á Nào được Mệnh Danh Là đất Nước Triệu Voi?