Lá Tre: Vị Thuốc Dân Gian Thông Dụng - YouMed

Nội dung bài viết

  • Đặc điểm của cây tre
  • Thu hái và chế biến
  • Bộ phận sử dụng
  • Thành phần hóa học
  • Tác dụng
  • Một số bài thuốc dân gian
  • Liều dùng, cách dùng và kiêng kỵ

Từ xa xưa, tre đã là biểu tượng của nông thôn Việt Nam, từ lâu người ta đã biết sử dụng tre phục vụ trong sinh hoạt như thân tre làm nhà, làm thủ công mĩ nghệ, măng tre để ăn. Không những thế lá tre, nước cây tre còn là vị thuốc quý được nhân dân ta ứng dụng chữa nhiều chứng bệnh khác nhau, để biết thêm công dụng điều trị bệnh từ tre, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

Đặc điểm của cây tre

Tên gọi

Tên gọi khác: Tre gai, Tre gai rừng, Tre lộc ngộc, Tre vườn, Tre nghệ.

Tên khoa học – Bambusa bambos (L.).

Thuộc họ Lúa – Poaceae.

Mô tả thực vật

Cây tre rất to, cao đến 35m, mọc thành từng bụi, thân có gai to. Lá hình trứng thuôn dài, mũi nhọn, có có bẹ dày vàng, phiến nhỏ hơn. Lá hai cùng màu rộng khoảng 1-1,5cm. Chuỳ gồm nhiều bông hoa có màu ve chai láng, dài khoảng 2-2,5cm. Hoa 2-4; mày trên có rìa lông. Quả thóc tròn dài khảng 5-8mm.

Cây tre thường mọc thành từng bụi lớn
Cây tre thường mọc thành từng bụi lớn

Bộ phận dùng

Nhiều bộ phận của cây được dùng làm thuốc như: Lá tre (Trúc diệp), tinh cây Tre (Trúc nhự) nước Tre non (Trúc lịch).

Lá tre là một bộ phận của cây tre gai, các phiến lá chưa mở hết được gọi là trúc diệp. Khi trúc diệp ở dạng búp hay đọt được gọi bằng tên “trúc diệp quyển tâm”.

Phân bố

Loài cây có nguồn gốc từ Ấn Độ được trồng nhiều làm hàng rào quanh các làng xóm, các vườn gia đình. Cũng thường gặp ở trạng thái hoang dại.

Thu hái và chế biến

Ðể lấy tinh tre, cạo bỏ vỏ xanh, sau đó cạo lớp thân thành từng phoi mỏng còn phơn phớt xanh, rồi hơi khô. Khi dùng, tẩm nước gừng sắc.

Tre non tươi về nướng lên, vắt lấy nước, ta được nước tre non. Lá tre thường được dùng tươi.

Tinh cây tre: được chế biến bằng cách cạo lớp thân của cây tre
Tinh cây tre: được chế biến bằng cách cạo lớp thân của cây tre

Bộ phận sử dụng

Theo sách Tuệ Tĩnh, tre làm thuốc tốt nhất là loại tre gai.

Người ta thường dùng Lá tre (Trúc diệp), Tinh cây tre (Trúc nhự), Nước trong cây tre (Trúc lịch), Măng cây tre (Trúc duẫn) để làm thuốc chữa bệnh.

Lá tre không chỉ ứng dụng làm thuốc mà còn được dùng để gói bánh 
Lá tre không chỉ ứng dụng làm thuốc mà còn được dùng để gói bánh

Thành phần hóa học

Theo dược tính hiện đại trong 100g tre có 4,11g protein, 18 loại acid amin, 0.1g chất béo; 5.7g chất đường; 2.2g calci; 5.6g phosphor; 0.1g sắt; carotene; vitamin nhóm B; Vitamin C có hàm lượng cao gấp 2 lần rau cải.

Lá tre chứa nhiều chất khoáng nhue selenium, silic, magnesium, kalium, calcium… là các chất bù lại sự mất nước và muối khoáng do ra nhiều mồ hôi.

Tác dụng

1. Theo Y học cổ truyền

Tính vị, tác dụng

Lá tre có vị đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, hạ sốt, giảm nôn, thanh âm, tiêu đờm, cầm huyết, dùng trong chữa trị cảm sốt, cảm nắng, cảm ho, sốt cao, phiền nhiệt viêm nhiễm đường hô hấp. Dùng lá tươi 50-100g hoặc lá khô dùng 25-50g sắc uống.

Tinh cây tre cạo lớp vỏ ngoài cây tre có vị ngọt, tính hơi lạnh; có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, trừ phiền, khỏi nôn, an thai. Chữa trị nóng sốt, buồn nôn, xuất huyết, chảy máu cam, tiểu ra máu, băng huyết. Dùng 15-20g tẩm nước gừng sao qua sắc uống.

Nước tre non có vị đắng, hơi ngọt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu khát, trừ đờm. Chữa trị sốt cao phiền nhiệt, kinh phong ứ đờm, trúng phong cấm khẩu. Khi dùng lấy măng vòi tre non hơ qua lửa vắt lấy nước, người lớn 40-50ml pha ít nước gừng uống, trẻ em thì liều dùng ½ người lớn.

2. Theo Y học hiện đại

Giảm bớt căng thẳng

Chiết xuất flavonoid có trong lá tre có tác dụng chống oxy hóa ngăn chặn các tế bào khỏi bị tổn thương, giảm stress. Những chất chống oxy hóa chiết xuất từ ​​lá tre hứa hẹn sẽ được ứng dụng trong thực tế nhằm phát triển các sản phẩm chức năng chiết xuất từ ​​lá tre.

Chống oxy hóa, kháng khuẩn

Các thành phần polysaccharid hòa tan trong nước (NP) có khả năng ức chế sinh trưởng của các vi khuẩn như E.Coli, S. aureus và B. subtilis khi nồng độ NP nằm trong khoảng 0,50-50,0 mg / mL. Do đó, Kết luận rằng NP từ lá tre có thể được sử dụng như một chất chống oxy hóa diệt vi khuẩn tự nhiên.

Một số bài thuốc dân gian

1. Trị cảm sốt, sốt cao, chảy máu chân răng

Người bệnh dùng lá tre tươi khoảng 50-100g (khoảng 1 nắm tay) sắc nước uống .

Nấu nồi xông hơi điều trị bệnh cảm hàn: Lá tre, Lá sả, Lá bưởi, Ngải cứu, Bạc hà, Tía tô, Hương nhu mỗi loại 1 nắm lớn đem rửa sạch rồi cho vào nồi đổ vừa nước sấp mặt lá, lấy lá chuối bịt kín miệng lại và đậy nắp nấu sôi. Người bệnh nên chùm kín chăn ngồi xông trong khoảng từ 15 – 20 phút, lưu ý xông trong phòng kín tránh gió lùa.

2. Chữa sốt cao co giật, phụ nữ kinh nguyệt kéo dài

Bạn lấy vòi măng tre non hơ qua lửa vắt lấy nước hòa với nước gừng uống.

3. Chữa sốt cao, nhiễm trùng siêu vi

Tinh tre tẩm nước gừng sao vàng tán nhỏ uống 2 lần, mỗi lần 12g. Bạn cũng có thể dùng lá tre phối hợp với cỏ mực, củ sắn dây, rễ tranh, rau má mỗi vị 20g sắc uống.

Liều dùng, cách dùng và kiêng kỵ

  • Măng tre chứa nhiều chất acidcyanhidric nên rửa sạch luộc bỏ vài lần trước khi dùng.
  • Người tỳ hàn, ốm mới dậy đang dưỡng bệnh nên ăn kiêng măng.

Ngày nay với sự phát hiện của các loại thuốc tân dược trong điều trị sốt cao co giật, lá tre ngày càng ít được sử dụng hơn. Tuy nhiên ở một số nơi, tác dụng chữa bệnh tự nhiên từ các bộ phận cây tre vẫn không thay đổi. Các sản phẩm từ tre vẫn giữ nguyên giá trị của chúng, để sử dụng hợp lí và chính xác nguồn dược liệu, thực phẩm giá trị này, các bạn đọc có thể liên hệ với các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Từ khóa » Nõn Lá Tre