Lạ Vô Cùng, Tháng Chạp! - Tuổi Trẻ Online

Lạ vô cùng, tháng chạp! - Ảnh 1.

Minh họa: Đặng Hồng Quân

Sáng nay, nhìn lịch treo tường mới biết đã qua những ngày đầu của tháng 12 âm lịch. Bỗng dưng lẩn thẩn thấy tội nghiệp cho tháng 12 âm lịch này. Một cái tháng ít khi được gọi đúng theo số tên gọi của nó.

Bắt đầu từ tháng 12 âm lịch, tên gọi theo số thứ tự đã biến mất. Thay vào đó, khoảng 20 ngày đầu người ta sẽ gọi là tháng chạp và khoảng 10 ngày cuối thì thường thêm chữ tết phía sau: 23 tết, 27 tết...

Tại sao gọi tháng 12 âm lịch là tháng chạp?

Trong Đại Nam quấc âm tự vị, ông Huình Tịnh Của chắc chưa có thắc mắc này nên không hề giải thích. Đại tự điển tiếng Việt lại giải thích rất là trớt quớt: tháng chạp là tháng 12 âm lịch. Tuy nhiên nhờ tự điển này mà được biết thêm từ chạp đã trở thành một động từ khi người ta nói đi chạp mả nghĩa là đi thăm và sửa lại mồ mả tổ tiên.

Rốt cuộc, chỉ biết dựa theo GS Nguyễn Tài Cẩn trong giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Theo GS Nguyễn Tài Cẩn, chữ tháng chạp bắt nguồn từ hai chữ "lạp nguyệt" mà người Việt đã đọc chệch từ "lạp" thành "chạp".

Tương tự là tháng giêng, bắt nguồn từ hai chữ "chinh nguyệt". Sở dĩ người Trung Quốc gọi tháng 12 là "lạp" vì chữ "lạp" có xuất xứ từ thịt. Họ thích ướp thịt khô vào dịp mùa đông để dành ăn quanh năm.

Việc ướp thịt rộ lên vào tháng 12, và đó là lý do vì sao người Trung Quốc gọi là "lạp nguyệt". Ta thường thấy vào dịp tết, người Hoa trong Chợ Lớn thường ăn thịt vịt lạp, thịt heo lạp chứ không phải... thịt kho tàu.

Tháng 12 âm lịch ở ngoài Bắc còn được gọi là tháng "củ mật" - mà sao không là củ chuối, củ mì khi "Tháng chạp là tháng trồng khoai, tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà"?

Té ra tháng chạp này là tháng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng chống gian phi, phải củ soát thật cẩn mật nếu không thằng ăn trộm nông thôn (ngày xưa) và bọn giật dọc (ngày nay) thò tay ngọc, thọc tay vàng vào đồ đạc trong nhà thì kể như là hết ăn tết!

Củ mật có nghĩa như thế chứ không phải giới nông nghiệp nước nhà khởi nghiệp bằng một loại củ ngọt ngào mật ngọt vào tháng 12. Đỏ mắt đi tìm củ mật thì giống như đi tìm lá diêu bông trong thơ của Hoàng Cầm mà thôi nhé!

Sài Gòn tháng chạp

Bỏ hết những truy nguyên của tháng chạp để nhìn vào thực tế cuộc sống của tháng chạp, rốt cuộc tháng chạp là gì mà mọi thứ trong cuộc sống thường nhật bắt đầu xáo trộn?

Tháng chạp là tháng rộn rã, là tháng vội vã, hối hả, là tháng vất vả mướt mồ hôi vì chạy. Tháng chạp cũng là tháng hết chầu nhậu này tới chầu liên hoan khác.

Tháng chạp nghĩa là tháng công nhân chờ đợi lương thưởng tháng 13 để mua sắm cho con cái có cái ăn cái mặc với người. Là tháng mua sắm sau bao nhiêu tháng dụm dành tiết kiệm. Là tháng hết vé xe lửa chính thức, chỉ còn vé chợ đen.

Tháng chạp là tháng đoàn tụ gia đình tứ xứ phương xa với những người con, người chồng, người vợ, người cha, người mẹ trở về.

Và, tháng chạp là tháng của "những thằng già nhớ mẹ" (những thằng trẻ đi đâu?) nên nhạc sĩ La Tuấn Dzũng phổ thơ Lý Thừa Nghiệp đã làm nghẹn ngào người nghe khi ví von tháng chạp như người mẹ:

"Tháng chạp Mẹ già như lúa chín...

Tháng chạp Mẹ già như hoa nở...

Tháng chạp Mẹ già như hương nắng...

Tháng chạp bỗng tràn theo nước mắt".

Nghe xong bài hát, người nghe bỗng dưng thắc mắc một cách "triết học nhập môn" tình mẫu tử: "Tại sao tháng chạp như người mẹ? Phải chăng vì người mẹ có đức hi sinh như tháng 12 đã mất tên để tháng chạp được nở mày nở mặt với thiên hạ".

Mẹ - tháng chạp - luôn giang rộng vòng tay. Tháng chạp là tháng bắt cầu cho những đứa trẻ con qua tuổi mới. Tháng chạp của tiếng cười, của niềm vui. Sài Gòn tháng chạp vỗ tay mừng đám cưới. Sài Gòn tháng chạp khoe sắc báo tết mừng xuân. Những ngày tết đến gần bắt đầu bằng tháng chạp với người công nhân quét đường áo vải đêm co ro...

Ngoảnh lại đời người đã đi qua bao nhiêu tháng chạp nhưng khi với tay đụng nó thì vẫn lạ vô cùng. Thật là chuối khi tuổi này vẫn còn mơ tháng chạp. Cảm khái gì đâu!

Nhà thơ Bùi Giáng - dù được cho là điên cũng rất là bừng bừng tỉnh trong thơ khi viết về tháng 12 âm lịch: "Tạ từ tháng chạp quay nghiêng/ Âm trang sử lịch thu triền miên trôi" (Mắt buồn).

Tháng chạp vào thơ nghe cũng tình tứ hơn với mùa xuân hoa nở, với thời tiết, tình yêu: "Tháng chạp đã về rồi đó anh/ Sài Gòn vẫn hanh chưa chút lạnh" (Hoàng Thanh Tâm); "Ngày đi anh hứa tháng chạp về/ Sẽ chở em dạo quanh thành phố.../ Dẫu thế nào... em vẫn chờ anh/ Đường Nguyễn Huệ ngàn hoa khoe sắc/ Hoàng lan xưa tỏa hương thơm ngát/ Gọi chân anh rộn rã tìm về" (Đỗ Mỹ Loan).

Từ khóa » Tháng Chạp Nghĩa Là Gì