Lạc Sơn (Hòa Bình): Nuôi Gà Ri Mường Theo Hướng Hàng Hóa
Có thể bạn quan tâm
[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Huyện Lạc Sơn (thuộc tỉnh Hòa Bình) nổi tiếng về sản phẩm gà Ri Mường bản địa (còn gọi là gà Mò), thịt vô cùng thơm ngon. Cuối tuần vừa qua, tại xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) đã ra mắt 2 tổ hợp tác chăn nuôi gà đặc sản Ri Mường hàng hóa theo quy trình sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nuôi gà Mường cho lợi nhuận cao
Hai mô hình liên kết chăn nuôi vừa ra đời tại Lạc Sơn là những tổ hợp tác chăn nuôi gà của xóm Mường Mu và xóm Mường Đam, xã Yên Nghiệp. Việc thành lập 2 tổ hợp tác chăn nuôi này là một trong những kết quả của hoat động dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội vì sự phát triển nông thôn sáng tạo và bền vững”, gọi tắt là dự án SERD.
Lễ ra mắt tổ hợp tác chăn nuôi gà ri Mường Lạc Sơn – Hòa Bình
Tham gia buỗi lễ ra mắt 2 tổ hợp tác, ngoài đại diện chính quyền địa phương, các hội đoàn thể, có sự tham gia của những doanh nghiệp chuyên phân phối bán lẻ các sản phẩm nông sản tại Hà Nội như: Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Big Green, Chuỗi cửa hàng Green Lite, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Ecotirst… Ông Bùi Văn Khánh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Sơn cho biết: gà ri Lạc Sơn còn gọi là gà Mò, là giống gà đặc sản của người dân tộc Mường ở Hòa Bình. Không phải nơi nào nuôi gà ta cũng lớn nhanh và ngon như ở Lạc Sơn. Nơi đây, tạo hóa ưu đãi trồng được cây dổi vị thơm và nuôi gà có vị ngọt, giòn, ăn một lần là không thể nào quên. Giống này sống trên núi đá vôi, tự kiếm ăn, uống nước sông nên ngon lạ, da mỏng ít mỡ, thịt chắc giòn, thơm thịt. Tuy vậy, từ cách đây 6 năm, thương hiệu gà thả đồi Lạc Sơn mới được bắt đầu được người tiêu dùng nơi khác biết đến.
Chúng tôi đến tham quan trại chăn nuôi gà của anh Bùi Văn Linh, Tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi gà xóm Mường Đam. Gia đình anh có 3 dãy chuồng, hiện đang nuôi 6 nghìn con gà ri. Anh Linh cho biết, gà nuôi mỗi lứa 5 tháng thì xuất chuồng. Chi phí giá thành một kg thịt gà 60 nghìn đồng/ kg. Với giá xuất bán ổn định suốt từ giữa năm ngoái đến nay đều ở mức 85-86 nghìn đồng/kg gà thịt, bình quân mỗi con gà cho lợi nhuận 35-40 nghìn đồng.
Theo anh Linh, nuôi gà không khó, nhưng để cho gà không bị bệnh, bị dịch là rất khó. Trong đàn có con bị nhiễm có thể chết cả đàn mà không thể cứu được. Tuy nhiên, người nuôi nếu biết cách chăm sóc và tỉ mẩn thì sẽ tránh được dịch bệnh. Việc đầu tiên là xây chuồng trại thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông. Sàn chuồng gà ở cao hơn mặt đất chừng 20 cm và trải trấu. Khi có mùi hôi thì thay trấu ngay và thường xuyên khử trùng chuồng trại 1 tháng 2 lần. Yếu tố quan trọng nữa là phải tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ.
“Năm ngoái, gia đình tôi tham gia vào nhóm sản xuất gà sạch, gồm có nhiều hộ trong xóm. Từ ngày vào nhóm không có đủ gà cung cấp cho thương lái đến mua. Nay nhóm chúng tôi thành lập tổ hợp tác với mục đích liên kết các thành viên cùng hợp tác chăn nuôi đúng quy trình được giám sát chặt chẽ để không bị dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng bảo tồn và xây dựng thương hiệu cho gà Ri Mường Lạc Sơn, liên kết tìm kiếm các thị trường đầu ra cho sản phẩm sạch đến người tiêu dùng. Hiện toàn tổ hợp tác có 6 ha đất chuồng trại, mỗi lứa nuôi 2 vạn con gà. Chúng tôi xây dựng quy chuẩn chăn nuôi chung theo VietGAP do các chuyên gia hướng dẫn. Để thịt gà được thơm ngon, trước khi gà xuất chuồng một tháng ngừng cho ăn thức ăn công nghiệp, chỉ cho ăn ngô trộn với thân cây chuối thái nhỏ. Sản phẩm của tổ hợp tác không chỉ cung cấp gà cho thị trường Hòa Bình mà còn cung cấp cho thị trường Hà Nội”, anh Linh nói.
Tăng giá trị sản phẩm
Ông Hoàng Xuân Trường, Tư vấn kỹ thuật của Dự án SERD cho hay, việc phát triến tổ chức từ nhóm đồng sở thích thành tổ hợp tác chăn nuôi sẽ giúp tăng giá trị sản phẩm, điều tiết sản xuất. Từ tổ hợp tác tốt rồi, có khả năng quản trị và quản lý tốt thì sẽ tiến lên xây dựng các HTX chuyên về chăn nuôi gà. Ông Trường khuyến cáo các thành viên chăn nuôi gà tại đây: Các hộ phải cam kết tất thảy các con gà xuất ra thị trường phải đạt chất lượng thơm ngon như nhau, như vậy mới có thể xây dựng được thương hiệu “Gà Ri Mường Lạc Sơn”. “Nếu chúng ta đánh mất chất lượng sản phẩm, thì sẽ thất bại. Các hộ phải tuân thủ triệt để quy trình chăn nuôi đã được soạn thảo trong nội quy của tổ hợp tác. Phải hành động tập thể, mua chung vật tư, và bán chung sản phẩm để đảm bảo gà giống, thức ăn chất lượng tốt nhất, gà thịt xuất chuồng ngon nhất. Phải đoàn kết trong phòng trừ dịch bệnh. Nếu một nhà có gà bị bệnh, phải thông báo ngay cho các thành viên khác trong tổ hợp tác biết để có biện pháp cùng phòng trừ dịch bệnh. Nếu giấu dịch, tự ý đem gà bị bệnh đi bán mà không có ai biết, thì nguy cơ sẽ xóa sổ cả đàn gà. Tổ hợp tác cần định giá bán sản phẩm tại chuồng chung cho tất cả các thành viên, chứ không thể thương lái đến mua, mỗi người bán một giá khác nhau thì sẽ bị ép giá”, ông Trường nói.
Chăn nuôi gà tại Trang trại của anh Bùi Văn Linh ở xóm Mường Đam, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình Ảnh: Chu Khôi
Ông Đặng Hồng Mạnh, Điều phối viên của dự án SERD cho hay, Dự án SERD hướng đến trao quyền cho những cá nhân, tập thể năng động và những doanh nghiệp xã hội bản địa, góp phần thay đổi tích cực kinh tế và xã hội tại cộng đồng địa phương, vùng sâu vùng xa. Dự án này được triển khai tại những khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao tại các tỉnh Hòa Bình và Lào Cai thuộc vùng núi phía Bắc Việt Nam. Đối tượng được Dự án hỗ trợ gồm những doanh nghiệp xã hội cộng đồng; hộ kinh doanh cá thể; hợp tác xã; nhóm kinh doanh tại địa phương. Các đối tượng được tham gia các khóa đào tạo nâng cao năng lực liên quan tới kế toán, tài chính, nhân sự, kinh doanh, tăng cường tác động xã hội,… Được Dự án đánh giá năng lực, từ đó được chuyên gia tư vấn phương án phát triển kinh doanh. Đồng thời các mô hình hưởng lợi nhận vốn hạt giống, con giống hỗ trợ 30 – 50 triệu/ mô hình, cũng như cơ hội tiếp cận với các quỹ đầu tư tác động khác.
“Mục tiêu chung của dự án là nâng cao chất lượng sống của nhóm yếu thế ở vùng sâu, vùng xa bằng việc phát triển một số lượng lớn các doanh nghiệp xã hội quy mô nhỏ tại cộng đồng. Dự án cũng mong muốn góp phần cải thiện kinh tế xã hội tại địa phương, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nguồn tri thức bản địa tại địa phương”, ông Mạnh chia sẻ. Đến nay, đã có 40 doanh nghiệp xã hội và các tổ chức liên kết được hỗ trợ tại 2 tỉnh Hòa Bình và Lào Cai.
Tại tỉnh Hòa Bình, Dự án SERD do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình thực hiện tại 3 huyện Lạc Sơn, Tân Lạc và Yên Thuỷ. Ngoài các tổ hợp tác chăn nuôi gà bản địa được hình thành, nhiều mô hình khác do Dự án hỗ trợ triển khai cũng đã và đang tạo điểm sáng về liên kết sản xuất nông nghiệp. Điển hình như: liên kết trồng và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho bưởi đỏ đặc sản của xã Tân Hương (huyện Tân Lạc); phát triển HTX trồng rau an toàn tại xã Quyết Chiến trên đỉnh núi cao nhất của huyện Tân Lạc…
CHU KHÔI
Từ khóa- chăn nuôi gà
- giống gà quý hiếm
- gà Ri Mường
- gà đặc sản
- chăn nuôi gia cầm
Để lại comment của bạn
Nhấp chuột vào đây để hủy trả lời.Họ tên:
Email:
Bình luận
Từ khóa » Gà Ri Lạc Sơn Hòa Bình
-
“Níu” Chân Du Khách Bởi Gà đồi Lạc Sơn - Báo Hòa Bình
-
Huyện Lạc Sơn: Nhiều Hộ Nuôi Gà “phơi Chuồng” Vì Khó Khăn Kép
-
Gà Ri Lạc Sơn Thơm Ngon, Vững Giá
-
Gà Ri Thả đồi Lạc Sơn, đặc Sản Nức Tiếng | VTC16 - YouTube
-
TRỨNG GÀ RI LẠC SƠN - Giá Bán: 80.000 đ/20 Quả
-
Khẳng định Thương Hiệu Gà Lạc Thủy
-
Làm Giàu Từ Hợp Tác Nuôi Gà Ri Mường - Vnbusiness
-
Mua Bán Gà Cảnh, Gà Lấy Thịt Thuần Chủng, Lai Đẹp Giá Rẻ ...
-
Hòa Bình: Duy Trì Nguồn Gen, Phát Triển Thương Hiệu Gà Ri Lạc Thủy
-
Hòa Bình: Gà đồi Hương Nhượng- Thương Hiệu Gà Sạch Của Huyện ...
-
Hợp Tác Xã Bán Giống Gà Lạc Thủy Hòa Bình Chính Gốc
-
Gà Lạc Sơn | CleverFood - Binh đoàn Thực Phẩm Sạch Tiên Phong
-
Gà Ri Lạc Sơn Hòa Bình / TOP #10 Xem Nhiều Nhất & Mới Nhất 6 ...