Làm Cách Nào để đối Mặt Với Nỗi Buồn?

Một cách phổ biến để đối mặt với nỗi buồn là phủ nhận, né tránh, tự phán xét bản thân vì để rơi vào cảm xúc như vậy. Chôn vùi cảm xúc không phải là cách hiệu quả để đối mặt với nỗi buồn. Thay vào đó, hãy đối diện với cảm xúc bạn đang trải qua và sử dụng những chiến lược tâm lý lành mạnh để nâng đỡ bản thân, tìm nguồn động lực để vượt qua nỗi buồn. Dưới đây là 3 cách để bạn có thể vượt qua nỗi buồn thành công.

I. Đối mặt với cảm xúc của bạn

1. Hiểu được điều mình đang trải qua

Đừng giữ chặt cảm xúc hay giả vờ rằng bạn đang ổn. Việc bạn cố gắng kìm nén sẽ khiến cảm xúc khó có thể thoát ra bên ngoài, giữ chân bạn tại hiện tại. Hãy dán nhãn những cảm xúc bạn đang trải qua. Nếu ai đó hỏi bạn đang cảm thấy thế nào, hãy thành thật mà trả lời “Tôi buồn.” Đó là bước đầu tiên để quá trình phục hồi và tìm kiếm sự giúp đỡ có thể diễn ra.

Nếu việc nói với ai đó về cảm xúc quá khó, hãy tự nói với bản thân trước. Hãy nhìn vào gương và đơn giản tự nói với bản thân “Tôi buồn.” Bạn cũng có thể viết ra trong nhật ký của mình.

Làm cách nào để đối mặt với nỗi buồn? - Ảnh 1.

2. Cho phép bản thân được quyền buồn bã

Bạn không cần phải quá khó khăn, dằn vặt bản thân nếu thấy buồn. Buồn bã là một cảm xúc cơ bản của con người mà ai cũng phải trải qua. Vì vậy, bạn không cần phải làm khổ bản thân vì cảm thấy buồn. Cho phép mình không gian và thời gian để cảm thấy hiện hữu với cảm xúc trong hiện tại, đừng đánh giá, chỉ trích bản thân vì những cảm xúc thoáng qua đó.

Bạn có thể làm gì mình muốn cũng được, miễn là để cảm xúc được bộc lộ ra ngoài. Khóc, lên giường nằm, ôm ấp thú cưng.

Để bạn không ôm mãi nỗi buồn trong lòng, hãy cho bản thân một giới hạn. Bạn có thể đặt ra là, “à, mình chỉ được buồn từ 1-2 ngày thôi” (hoặc hơn thế tùy tình hình.) Sau đó, hãy thực hiện những hoạt động có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng như nghe nhạc giàu năng lượng, tập thể dục, ra ngoài đi chơi với bạn bè.

Làm cách nào để đối mặt với nỗi buồn? - Ảnh 2.

3. Tìm một cách sáng tạo nào đó để bộc lộ cảm xúc

Hãy gửi gắm những nỗi buồn của bạn thông qua các cách biểu đạt sáng tạo. Bạn có thể viết thơ, kể chuyện, sáng tác nhạc hay vẽ gì đó. Bạn cũng có thể trút bỏ nỗi buồn bằng cách thức đầy tích cực và ý nghĩa, giả dụ như:

- Vẽ một bức tranh diễn tả tâm trạng của mình này.

- Nhạc buồn không hẳn khiến bạn buồn hơn. Nhiều người nói rằng họ cảm thấy năng lượng thay đổi sau khi nghe nhạc buồn, tâm trạng cũng vì thế mà tốt hơn.

4. Hãy nhớ lại cách bạn từng vượt qua nỗi buồn trong quá khứ

Điều quan trọng bạn phải nhận ra rằng, nỗi buồn, cũng như mọi cảm xúc khác, đều ngắn hạn. Cách tốt nhất để bạn có thể vượt qua nỗi buồn là nhớ lại những lần bạn cảm thấy buồn trước đây và cách thức bạn vượt qua nỗi buồn đó.

Hồi tưởng là cách tốt để giúp bạn tìm ra cách giải quyết nỗi buồn bởi vì đó là kinh nghiệm bạn từng có. Đôi khi, cách đơn giản bạn từng làm là gọi điện thoại cho bạn thân hay chơi với thú cưng.

Làm cách nào để đối mặt với nỗi buồn? - Ảnh 3.

5. Ghi lại nhật ký cảm xúc để tìm hiểu nguyên nhân và thay đổi

Việc bạn viết ra được những cảm xúc, suy nghĩ của mình là một cách hữu ích để xác định xem đâu là nguyên nhân cho nỗi buồn thường trực. Nhờ đó, bạn có thể bước tiếp và cảm thấy vui vẻ hơn. Nếu bạn nghĩ rằng nỗi buồn của bạn chỉ phụ thuộc vào tình huống cụ thể, hãy ghi lại hoàn cảnh, tình huống khiến bạn thấy buồn; ví dụ như vì công việc quá áp lực, tài chính khó khăn. Điều này có thể giúp bạn đưa ra những giải pháp để thay đổi tình hình.

II. Vực dậy tinh thần

1. Tập thể thao thường xuyên

Khi bạn cảm thấy buồn, có thể bạn chỉ muốn nằm xuống nghỉ ngơi - điều này hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn có thể dậy vận động một chút, chắc chắn tinh thần bạn sẽ thoải mái hơn đó. Hoạt động thể thao thúc đẩy quá trình tạo ra endorphin - một hoạt chất hóa học giúp não cảm thấy tích cực hơn.

Bạn có thể đi lang thang quanh khu nhà, chơi với thú cưng hay tổ chức một bữa tiệc nhảy múa tưng bừng với bạn bè.

2. Cười

Những người có khiếu hài hước thường can trường hơn trong các tình huống khó khăn. Vì thế, hãy cố gắng để thoải mái và cười nhiều hơn. Cách thông dụng bạn có thể làm là đi chơi với bạn bè (nhất là những người bạn hài hước) hoặc đến rạp chiếu phim xem một bộ phim hài.

3. Làm những gì bạn thích

Một cách tốt để vượt qua nỗi buồn là dành thời gian cho những sở thích hoặc đam mê. Đây là những cách thức giúp mang lại niềm vui cho bản thân, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhiều người sẽ dành thời gian đọc sách, số khác có thể đi du lịch, nấu ăn hoặc đơn giản là ngồi xem phim cũng đủ hết buồn.

4. Tránh những biện pháp không lành mạnh

Rượu, chất kích thích, thức ăn nhanh hay shopping vô tội vạ có thể giúp bạn cảm thấy khá hơn khi buồn. Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tạm thời. Nó thậm chí còn khiến bạn có nguy cơ nghiện ngập hay thay đổi các hành vi trong cuộc sống. Chính vì vậy, hãy tránh xa những cám dỗ như vậy nếu bạn thấy buồn hoặc cố gắng sử dụng trong một định lượng hạn chế.

Thay vì tìm những biện pháp không lành mạnh như vậy, hãy dành thời gian cho các hoạt động có ích hơn cả về thể chất và tinh thần.

III. Tìm sự giúp đỡ

1. Dành thời gian với những người luôn ủng hộ bạn

Hãy thử tìm đến những người thân, biết đâu họ sẽ cho bạn sức mạnh và động viên khi bạn buồn. Có ai đó bên cạnh là cách tốt nhưng bạn cũng cần có yêu cầu cụ thể về việc họ nên giúp bạn như thế nào. Ví dụ, bạn muốn được ôm ấp hay đơn giản chỉ là trò chuyện. Đừng tự cô lập bản thân vì điều đó chỉ khiến mọi thứ tệ hại hơn.

2. Tìm sự giúp đỡ từ bạn bè trong công việc

Khi buồn, rất khó để bạn có thể duy trì các hoạt động thường ngày. Hãy tìm tới ai đó có thể giúp bạn với công việc hay các thói quen thường ngày. Bạn có thể nhờ bạn cùng phòng đánh thức vào buổi sáng, đảm bảo rằng bạn ăn sáng đầy đủ và đi ra khỏi nhà đúng giờ. Hoặc bạn có thể hỏi đồng nghiệp luôn giám sát bạn xem đã hoàn thành công việc chưa.

Hãy làm một danh sách công việc cần hoàn thiện và đánh dấu khi đã hoàn thành. Nhớ đó, bạn sẽ cảm thấy có động lực hơn.

3. Tham gia một nhóm hỗ trợ

Nói chuyện với người lạ về những gì bạn đang trải qua cũng là một điều hữu ích. Tham gia các cộng đồng tư vấn trực tuyến hay gặp gỡ trực tiếp là cách tốt để kết nối bạn với mọi người.

4. Tìm gặp tư vấn viên hay bác sĩ tâm lý

Nếu nỗi buồn của bạn gây ra nhiều ảnh hưởng trong cuộc sống, bạn nên gặp một tư vấn viên có chuyên môn. Bạn có thể sẽ cảm thấy tốt hơn khi nói chuyện với người có chuyên môn. Trong khi các nỗi buồn thông thường mang tính chất ngắn hạn và xoay quanh những yếu tố tác động bên ngoài, những vấn đề tâm lý sâu xa hơn (mà thường bị nhầm là nỗi buồn) như trầm cảm thường mang tính lâu dài, dai dẳng. Với những trường hợp như vậy, bạn nên gặp các chuyên gia tâm lý sẽ tốt hơn.

Từ khóa » Cách Làm Giảm Bớt Nỗi Buồn