Làm đẹp Bằng Máu: Nên Hay Không Nên?

So với phương pháp làm đẹp bằng cách tiêm huyết thanh trắng da thì giải pháp làm chậm quá trình lão hóa da bằng phương pháp lấy máu của chính mình tiêm cho mình xem ra còn “rùng rợn” hơn nhiều! Cứ nhìn cách các bác sĩ thẩm mỹ dùng hàng trăm mũi kim, tiêm đầy máu tự thân lên cơ thể được nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ quảng bá là khối người đã “nổi da gà”. Vậy thực hư của phương pháp làm đẹp này là như thế nào, có thực sự an toàn, hiệu quả hay không? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.

Làm đẹp bằng máu “gây sốt” toàn thế giới

Hình ảnh Kim Kardashian - minh tinh nổi tiếng sexy của Hollywood với khuôn mặt nhòe máu khi đi làm đẹp tại Viện Thẩm mỹ Miami (Miami Institute for Age Management) là một hình ảnh vô cùng ấn tượng về kỹ thuật “làm đẹp bằng máu” đang trở thành trào lưu khắp thế giới.

Trào lưu này đã lan nhanh đến châu Á mà nhanh nhất là tại xứ kim chi Hàn Quốc - nơi mà mọi kỹ thuật làm đẹp đều được phổ cập cho toàn xã hội. Theo báo cáo của các bác sĩ Hàn Quốc trong các hội nghị thẩm mỹ gần đây, kỹ thuật làm đẹp bằng máu đã trở nên phổ biến ở xứ Hàn. Mấy năm vừa qua, kỹ thuật này cũng không còn xa lạ với các tín đồ thẩm mỹ Việt Nam. Thêm một kỹ thuật làm đẹp mới được sáng tạo và áp dụng, dù chỉ mới là bước đầu nhưng cũng đã mang lại cho những người hành nghề thẩm mỹ và chị em phái đẹp những niềm hy vọng mới.

Kim Kardashian gây sốc với gương mặt be bét máu khi đi làm đẹp

Sự ra đời của kỹ thuật làm đẹp bằng máu bắt nguồn từ một sự tình cờ giống sự ra đời của viagra trong vai trò là thuốc tăng cường khả năng sinh lý của đàn ông. Năm 1987, huyết tương giàu tiểu cầu được áp dụng lần đầu tiên trong một ca phẫu thuật tim. Sau đó được sử dụng để điều trị các tổn thương bệnh lý và thu được kết quả tốt nhờ khả năng làm vết thương mau lành, nhất là với các tổn thương cơ xương khớp. Qua quá trình điều trị bệnh đó người ta phát hiện thêm những khả năng của nó trong việc chống lại quá trình lão hóa, tăng cường khả năng tái tạo tế bào mô nhằm duy trì, phục hồi sức khỏe và nhan sắc. Và bác sĩ người Mỹ Charles Runels là người đầu tiên đưa kỹ thuật này vào áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp.

Kỹ thuật PRP thực chất là gì?

Liệu pháp tiêm “huyết tương giàu tiểu cầu”, tiếng Anh gọi là “Platelet Rich Plasma”, viết tắt là PRP - làm đẹp bằng máu là phương cách sử dụng một số thành phần có trong máu của chính mình để giúp giữ gìn và phục hồi nhan sắc của cơ thể, mà chủ yếu là sự tươi trẻ của làn da.

Quy trình thực hiện kỹ thuật không có gì phức tạp. Sau khi một lượng máu nhỏ khoảng 30ml được lấy ra khỏi cơ thể giống như cách lấy máu khi làm xét nghiệm, chúng sẽ được xử lý bằng thiết bị ly tâm chuyên dụng để có được dung dịch huyết tương chứa khối lượng tiểu cầu nhiều gấp 3 - 7 lần máu bình thường (máu bình thường có 150.000 - 400.000 tiểu cầu/mm3). Đó chính là huyết tương đã được làm giàu tiểu cầu. Chính vì thế mà kỹ thuật này có tên là PRP (Platelet Rich Plasma) - huyết tương giàu tiểu cầu.

Khi sử dụng, huyết tương này có thể được pha thêm một số thành phần khác như các vitamin, fillers, collagen,... và được đưa vào các vùng cơ thể với độ nông sâu khác nhau tùy theo yêu cầu điều trị bằng các dụng cụ như kim chích, kim lăn (roller) hay cây bút.

Trong trường hợp của cô đào Kim ở Hollywood, các kỹ thuật viên đã sử dụng cây bút chứa 25 đầu kim nhỏ để đưa huyết tương tiểu cầu vào toàn bộ da mặt của cô khiến gương mặt của cô nhòe máu như các bức hình đăng tải trên báo chí. Chính vì vẻ “máu me” đó mà ở Mỹ, kỹ thuật này còn có nickname là Vampire Facial, Vampire Facelift hay Dracula Therapy (Mặt nạ ma cà rồng).

Huyết tương giàu tiểu cầu sau khi ly tâm; phần nằm dưới là hồng cầu, bạch cầu.

Sau khi được đưa vào cơ thể, dung dịch huyết tương giàu tiểu cầu này sẽ giải phóng hàng loạt các yếu tố tăng trưởng giúp tái tạo tế bào mô cơ thể làm các vết thương mau lành và ngăn cản quá trình lão hóa da và các thành phần mô khác của cơ thể.

Các yếu tố tăng trưởng được giải phóng chủ yếu là: Yếu tố tăng tưởng có nguồn gốc tiểu cầu; yếu tố tăng trưởng beta giúp tăng cường khả năng biệt hóa và tăng trưởng của tế bào; yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi; yếu tố tăng trưởng tế bào nội mạc mạch máu; yếu tố tăng trưởng da; yếu tố tăng trưởng tế bào keratin; yếu tố tăng trưởng mô liên kết.

Sự phóng thích đồng loạt các yếu tố trên tạo những tác động riêng biệt và liên kết hỗ trợ nhau đưa đến các hiệu quả: Tăng sinh trẻ hóa tế bào mô; tăng sinh collagen, làm dày mô dưới da, tăng cường sức khỏe của da; huy động tế bào tập trung đến làm lành vết thương; tăng cường quá trình biệt hóa tế bào.

Các chuyên gia thế giới cũng đưa ra hướng dẫn chỉ định điều trị cho những tổn thương ở các vùng khác nhau của cơ thể: Vùng quanh ổ mắt (da mỏng và nhiều nếp nhăn nhỏ); sẹo do mụn trứng cá; vùng má và giữa mặt; vùng cổ; vùng cằm và dưới hàm; lưng bàn tay; đầu gối, khuỷu tay, cánh tay...

Mặt trái nhiều hệ lụy của PRP

Đây là phương pháp làm đẹp khá mới ở Việt Nam, chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng việc làm đẹp này rõ ràng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh. Do đó, các chuyên gia huyết học khuyến cáo, người có nhu cầu làm đẹp không nên lạm dụng phương pháp này. TS. Lyndsey, Viện Nghiên cứu tế bào gốc, Đại học John Hopkins, nói rằng: “Chúng tôi có cơ sở để tin rằng ứng dụng PRP vào việc làm đẹp có thể có những tác dụng ngược...”.

Theo tạp chí Cosmetic Surgery - một trong những tạp chí chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ uy tín nhất thế giới, thì việc tiêm PRP để làm đẹp sẽ gây ra những hệ quả như đau và sưng ở vùng tiêm, nhiễm khuẩn nếu dụng cụ không được vô khuẩn tuyệt đối, có thể sốc phản vệ - tuy rất hiếm - mặc dù PRP được lấy từ chính bản thân người ấy. Nếu quá trình chích hút huyết tương giàu tiểu cầu mà hút lẫn hồng cầu thì những hồng cầu này dễ kết lại thành cục máu đông, hoặc trong quá trình tiêm, kim tiêm làm tổn thương mạch máu lớn dẫn đến sự hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông di chuyển lên não, nó sẽ gây nhồi máu não - là tai biến rất nặng, có thể tử vong hoặc di chứng liệt suốt đời. Di chuyển xuống ruột, nó gây nhồi máu mạc treo mà nếu không mổ cấp cứu kịp thời, cũng dễ dẫn đến tử vong. Di chuyển xuống chân, nó gây viêm tắc tĩnh mạch chi dưới...

Khuôn mặt be bét máu rùng rợn của phương pháp làm đẹp PRP.

Cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học chính thống nào công bố phương pháp “làm đẹp bằng huyết tương giàu tiểu cầu”. Theo Viện Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình Mỹ (American Academy of Orthopaedic Surgery - AAOS), phương pháp PRP mới chỉ được dùng để điều trị chấn thương gân, chấn thương cột sống, viêm dây chằng mạn tính hoặc viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối...

Mặt khác, đây là một kỹ thuật điều trị có xâm lấn cơ thể nên dù bằng đường nào và với dụng cụ gì cũng có những nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Ngoài những yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ như tay nghề và chọn lựa chỉ định điều trị thì yếu tố quan trọng hàng đầu cho liệu pháp này là phải được tiến hành với điều kiện vô khuẩn tuyệt đối trong môi trường vệ sinh y tế tốt nhất. Tuy sử dụng máu tự thân là một yếu tố đảm bảo không xảy ra phản ứng dị ứng cho cơ thể, nhưng cũng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khác. Nhiễm khuẩn tại chỗ hay toàn thân là nguy cơ có thể xảy ra ở mọi khâu thao tác: lấy máu, xử lý máu, bảo quản dung dịch huyết tương và quá trình thao tác đưa huyết tương vào cơ thể mà máu lại là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn. Vì vậy, điều kiện vệ sinh cơ sở và trang thiết bị là yếu tố cần phải lưu ý hàng đầu. Điều kiện vệ sinh y tế không tốt còn có thể gây ra sự lây nhiễm bệnh từ người này sang người khác, mà viêm gan, HIV... là những nguy cơ không hiếm gặp hiện nay. 

BS. Cao Ngọc Bích

(Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM - Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ BV An Sinh)

Trong bối cảnh các sở thẩm mỹ vườn mọc lên như “nấm sau mưa”, ai cũng có thể dễ dàng trở thành “chuyên gia” phẫu thuật thẩm mỹ chỉ qua một vài tháng. Đã có rất nhiều nạn nhân hứng chịu hậu quả của phẫu thuật thẩm mỹ từ các cơ sở làm đẹp chui, không được cấp phép, đến khi quay đầu nhìn lại đã quá muộn. Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về phẫu thuật thẩm mỹ, lợi hại của các phương pháp làm đẹp… để mình không trở thành nạn nhân của thẩm mỹ “vườn”, Báo Điện tử Sức khỏe&Đời sống triển khai tuyến bài về vấn đề này.Bạn đọc có thể phản ánh về các cơ sở làm đẹp trái phép về hòm thư Báo Điện tử bandientuskds@gmail.com.

Xem bài về hậu quả của phẫu thuật thẩm mỹ tại đây:

Kỳ 1: Phát hoảng với những “tác phẩm” làm đẹp của thẩm mỹ vườn

Kỳ 2: Xăm môi, nhấn mí tại nhà đừng “gửi trứng cho ác”

Kỳ 3: Bác sĩ Da liễu: Xăm môi thẩm mỹ “vườn” dễ rước bệnh HIV, viêm gan B

Kỳ 4: Lạm dụng filler, tế bào gốc xách tay: làm đẹp biến thành thảm họa

Kỳ 5: Kinh hoàng ổ mủ trên mũi thiếu nữ sau khi tiêm filler làm đẹp

Kỳ 7: Cấy phấn cho da: "Tiền mất tật mang"

Kỳ 8:"Thảm họa" phẫu thuật chỉnh hình của sao thế giới

Kỳ 9:Rước họa vì tiêm chất làm đầy trôi nổi

Kỳ 6:Nhiều vụ biến chứng sau tiêm filler làm đẹp: Đóa hoa đẹp bởi hương, không phải sắc

Kỳ 10:Trải lòng làm lay động triệu người của cô gái phẫu thuật thẩm mỹ

Kỳ 11: Phẫu thuật thẩm mỹ có phải là biện pháp tối ưu để làm đẹp?

Kỳ 13: Kinh hoàng những ca tiêm filler làm đẹp

Kỳ 14Phẫu thuật thẩm mỹ hỏng: Nhiều hệ lụy nặng nề

Kỳ 15: Sử dụng sản phẩm tẩy trắng da - tiền mất tật mang

Kỳ 16: Cấy phấn cho da - kiểu "thí nghiệm chuột bạch" mạo hiểm

Mời bạn đọc đón xem Kỳ 18: Hãi hùng mặt lở loét, mọc đầy lông vì dùng kem trộn chữa trứng cá, nám má trên suckhoedoisong.vn vào lúc 7h sáng 11/9/2018.

Từ khóa » Filler Máu Tự Thân