Lạm Dụng Kem Bôi Ngoài Da Chứa Corticoid, Rất Dễ Gây Tai Biến

Các tác dụng phụ của corticoid bôi ngoài da

Bệnh nhân H.T.A. đi khám bệnh trong tình trạng vùng da cẳng chân, ngoài tổn thương eczema, còn có hiện tượng da bị mỏng, teo ửng đỏ do giãn mạch… Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết mắc eczema nhiều năm. Sau khi được bác sĩ kê thuốc betamethason bôi ngoài da thấy bệnh nhanh khỏi, từ đó bệnh nhân thường xuyên sử dụng thuốc này mỗi khi bệnh eczema tái phát… mà không đi khám.

Corticoid với các chế phẩm như solumedrol, prednisolon, desamethason, betamethason... dùng cho mục đích kháng viêm và các bệnh liên quan đến cơ chế miễn dịch, trong đó có các bệnh lý ngoài da như chàm, eczema, vảy nến…

Nếu được sử dụng đúng cách, đúng liều khuyến cáo thì corticoid bôi ngoài da thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sử dụng thuốc trong thời gian dài hoặc sử dụng corticoid không đúng loại (sử dụng loại mạnh hơn hoặc bôi thuốc điều trị trên một diện tích da lớn), thì nguy cơ gặp tác dụng phụ sẽ cao hơn..

Tác hại khi dùng kem bôi ngoài da chứa corticoid lâu dài - Ảnh 1.

Tình trạng teo da, đỏ da sẽ xảy ra nếu lạm dung corticoid bôi ngoài.

Các tác dụng phụ nhẹ thường gặp là cảm giác châm chích, bỏng rát nhẹ. Đây là cảm giác bình thường, có thể hết sau vài lần sử dụng. Nhưng nếu bôi kéo dài, thuốc có thể gây ra tình trạng teo mỏng da, đỏ da, chậm lành vết thương, mụn trứng cá đỏ, rậm lông ở vùng điều trị, nhiễm nấm…

Cụ thể như thuốc betamethason bôi ngoài da gây teo da, đỏ da khi lạm dụng điều trị eczema như trường hơp bệnh nhân H.T.A. nêu trên. Hơn nữa, dù chỉ dùng bôi ngoài da, nhưng thuốc vẫn có thể thấm qua da, hấp thu vào máu. Nếu sử dụng thuốc mạnh liên tục, trong thời gian dài, khi cơ thể hấp thu lượng thuốc đủ lớn thì có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng các như hội chứng Cushing, loãng xương, chậm lớn (ở trẻ em)…

Dùng corticoid bôi ngoài thế nào cho đúng?

Corticoid bôi ngoài da có nhiều sản phẩm khác nhau về thành phần, hàm lượng, dạng bào chế và cũng có chỉ định rộng rãi trên nhiều bệnh lý da khác nhau.

Việc corticoid loại nào, sử dụng như thế nào, trong thời gian bao lâu… phải phụ thuộc vào loại bệnh, mức độ nặng nhẹ của bệnh. Do đó, cho dù cùng mắc một bệnh, nhưng mỗi người lại sử dụng một loại thuốc khác nhau. Thậm chí là cùng một người bệnh, mỗi giai đoạn bệnh, mỗi vị trí bệnh ngoài da lại phải dùng thuốc corticoid khác nhau… Nếu bệnh nhân tự ý mua corticoid về dùng mà không phù hợp có thể không giúp cải thiện được bệnh mà còn làm trầm trọng thêm triệu chứng hoặc gia tăng các tác dụng phụ.

Ví dụ khi mắc bệnh vảy nến, nhưng nếu vị trí tại vùng da mặt thì cần dùng corticoid nhẹ hơn so với vảy nến ở các vùng da khác.

Để dùng corticoid ngoài da an toàn và hiệu quả, tốt nhất là đi khám bệnh trước khi dùng thuốc. Khi đã được kê đơn thì tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng. Thuốc chỉ nên được bôi một lượng vừa đủ tạo lớp mỏng và phủ kín vùng da bị bệnh, không bôi rộng hơn ra vùng da lành. Không bôi thuốc vào vùng da có nếp gấp, không băng gạc sau khi bôi thuốc…

  • Thuốc ngoài da chứa corticoid có “thần thánh” như bạn nghĩ?

  • Tiêm corticoid vào khớp: Nên hay không?

Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, khá nhiều bệnh nhân sử dụng corticoid bừa bãi, vì khi bôi thuốc tác dụng rất nhanh, nên rất dễ lạm dụng. Hơn nữa, bệnh nhân không biết đến tác dụng phụ của thuốc cũng như với các tên gọi khác nhau, nhiều người không biết đó chính là corticoid.

Do đó bệnh nhân cần nhận biết các thuốc có chứa corticoid để phòng ngừa lạm dụng. Cách nhận ra các thuốc chứa corticoid cũng khá dễ. Chỉ cần kiểm tra thông tin trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm. Thông tin này có trong mục "các đặc tính dược lý" hoặc "dược động học".

Mời độc giả xem thêm video:

Cực nóng: Phong tỏa công ty có 12 F0 tại Hà Nội.

Từ khóa » Bôi Corticoid đúng Cách