Làm Gì để Tránh Sai Lầm Khi Cúng Sao Giải Hạn? - Gia đình

Một lễ cúng cầu an đầu năm ở chùa. Ảnh: Hà Dương Một lễ cúng cầu an đầu năm ở chùa. Ảnh: Hà Dương

Có thật “sao xấu” ảnh hưởng đến con người?

Quan niệm của người Phương Đông, có 9 vì sao chiếu mệnh luân phiên ảnh hưởng đến con người. Theo tín ngưỡng của người Ấn Độ thì La Hầu, Kế Đô là các A-tu-la (các thần) có quyền năng và sức mạnh khủng khiếp, có thể nuốt cả mặt trời và mặt trăng, có xu hướng biến mọi vật trở thành hỗn loạn, huyền bí… Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) cho rằng, sao La Hầu và Kế Đô là điển hình cho sự tham vọng, dung tục, mưu mẹo, mánh lới… là những đặc tính biến dị trong quy luật sinh học nên dễ gây biến động, dịch bệnh, cải cách, đổi thay… và chuyển hóa rất mạnh.

Còn sao Thái Bạch (sao Kim, hung tinh) là chủ về mọi chuyện không như ý, thất thoát, hao tài tốn của, đại kỵ nhất là nữ. Hạn sao Thái Bạch lớn hơn cả hạn sao La Hầu, bởi trong công việc có người quấy phá, xúc xiểm, phá rối, hao tán tiền của, đề phòng quan sự. Chính vì thế nên mới có câu “sao Thái Bạch là sạch cửa nhà”. Đối với nữ mạng mệnh Hỏa, mệnh Mộc có thể gặp bất lợi, đề phòng tiểu nhân mưu hại.

Về lý tính các sao thì nam - nữ cùng tuổi, nhưng theo bảng tính sao thì 9 sao luân phiên có khác nhau. Các sao tốt gồm: Thủy Diệu, Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức; Sao trung bình có Thổ Tú; Các sao xấu có: La Hầu, Thái Bạch, Vân Hớn, Kế Đô.

Ông Vũ Thế Khanh phân tích thì người sao La Hầu, Kế Đô rất xấu, nhưng nếu biết tận dụng cơ hội, sử dụng hợp lý thì hạn La Hầu có thể trở thành phương tiện để tạo đột biến về sức mạnh của đối tượng, chuyển nguy thành an, chuyển kẻ thù thành bạn bè. Đối với những người sao Thái Bạch chiếu mệnh thì cũng được coi là xấu nhưng với người mang mệnh Thuỷ, mệnh Kim sẽ gặp may mắn hơn.

Cúng sao giải hạn hàng trăm triệu là mê tín!

Đi chùa đầu năm để làm lễ cúng sao giải hạn là một tập tục xuất phát từ Trung Quốc và ngày càng phát triển tại Việt Nam. Nhiều người cho rằng, trong năm, nếu bị các “sao xấu” chiếu mệnh thì cần làm lễ cúng giải hạn để bớt các rủi ro, tai nạn. Thậm chí có người sẵn sàng chi ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng để làm lễ giải hạn. Nhưng các nhà tâm linh cho rằng, việc làm đó đã sa vào vòng mê tín, biến cúng sao giải hạn thành việc buôn thần, bán thánh.

Đạo Phật không có ngày nào là ngày xấu, sao nào là sao xấu mà chỉ là do mình tạo thế nào thì khi chín muồi trổ quả như thế nên không thể cầu xin mà cần nỗ lực từ bản thân mình.

Gần đây một số chùa vận dụng việc cúng sao vào nghi lễ cầu an, là bởi các chùa xem việc cúng sao là phương tiện để giáo hóa những người cúng sao có cơ hội kính Phật, quy y Tam bảo, tin vào nhân quả, bố thí cúng dường, bỏ ác làm thiện, học giáo lý nhà Phật… Như thế việc cúng sao giải hạn đã trở thành một phương tiện tích cực truyền bá cho mục đích của họ.

Vì vậy hiện đã có rất nhiều người là đã tự cúng sao ở nhà, với thanh bông hoa quả, bài vị sao, đèn nến theo đồ hình sao… tất cả chỉ tốn từ vài chục ngàn tới hơn trăm ngàn. Họ cũng đi lễ đầu năm, nhưng thường cầu bình an, hạnh phúc cho mọi người trong gia đình mình.

Đạo Phật khắc chế các “sao xấu” như thế nào?

Ông Vũ Thế Khanh cho biết, đạo Phật chỉ hướng cho phật tử tự giải hạn cho mình bằng cách tu nghiệp lành để chuyển nghiệp xấu ác đã tạo từ nhiều đời, nhiều kiếp và cả đời này, kiếp này. Các vị tăng, pháp sư, chủ sám… cũng chỉ hướng dẫn cho các tín đồ tự mình giải nghiệp, chứ không thể cầu xin vào tha lực bên ngoài. Cụ thể:

Khắc chế sao La Hầu, Kế Đô

- Để khắc chế được tác hại xấu của sao La Hầu, Kế Đô… thì không làm các việc phi pháp, không tàng trữ mua bán đồ quốc cấm, không tuyên truyền tà đạo…

Để tránh thị phi, khẩu nghiệp, kiện tụng thì thực hiện hạnh từ bi, nhẫn nhục, không buôn chuyện, không nói đâm thọc, không a dua, không lươn lẹo, không ham danh vọng, suy nghĩ trước khi nói…

Để tránh được hạn tam tai, tránh được “đồng hành lâm khổ nạn” thì không dùng tiền bạc để hối lộ, để đổi chác tư tình, không dùng mưu gian kế độc để trục lợi trong kinh doanh, trong thương trường, trong tình trường, không đồng lõa với kẻ bất lương…

Khắc chế hao tài của sao Thái Bạch

- Để khắc chế được hiệu ứng "hao tài" của sao “Thái Bạch sạch cửa nhà", nên làm điều thiện, hồi hướng công đức cho gia tiên, cứu giúp người nghèo khổ, phóng sinh... (như mình đi mua hạt giống), tuy trước mắt có tốn kém nhưng đến mùa gặt sẽ bội thu. Hoặc đi làm ăn xa sẽ có tiền tài của cải, trong gia đạo thêm người.

Khắc chế sao theo phong thủy

Về khắc chế sao, ông Nguyễn Mạnh Linh, Trưởng phòng Phong thủy Kiến trúc (Đại học Xây dựng) đã hướng dẫn cách làm đơn giản, áp dụng khoa học phong thủy và không sa đà vào nghi lễ khó kiểm chứng.

Theo đó 9 sao hóa giải theo ngũ hành, sao xấu thuộc hành nào thì tiết giảm, sao tốt hành nào thì chọn ngũ hành tương sinh. Cụ thể:

- Sao La Hầu, Thái Bạch (hành Kim): Dùng Thủy tiết chế. Nên đeo trang sức đá quý màu đen (nham thạch, thạch anh đen...).

- Sao Kế Đô, Thổ Tú (hành Thổ): Dùng Kim tiết chế. Nên đeo trang sức đá quý màu trắng (mã não trắng, thạch anh trắng, kim cương, xà cừ...).

- Sao Thủy Diệu (hành Thủy, tuy tốt với nam giới nhưng bất lợi cho nữ): Dùng Mộc tiết chế. Nên đeo trang sức màu xanh (phỉ thúy, ngọc lục bảo, thạch anh linh, khổng tước...).

- Sao Vân hớn (hành Hỏa): Dùng Thổ tiết chế. Nên đeo trang sức đá quý màu vàng (thạch anh vàng, lưu ly, hổ phách...).

“Sao La Hầu, Kế Đô rất xấu, nhưng nếu biết tận dụng cơ hội, sử dụng hợp lý thì hạn La Hầu có thể trở thành phương tiện để tạo đột biến về sức mạnh của đối tượng, chuyển nguy thành an, chuyển kẻ thù thành bạn bè. Đối với những người sao Thái Bạch chiếu mệnh thì cũng được coi là xấu nhưng với người mang mệnh Thuỷ, mệnh Kim sẽ gặp may mắn hơn”.

Ông Vũ Thế Khanh

Uyển Hương/Báo Gia đình & Xã hội

Từ khóa » đồ Cúng Sao Có ăn được Không