Làm Gì Khi đau Khớp Háng? - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Đau khớp háng là gì?
  • 2. Thoái hóa khớp háng
  • 3. Viêm khớp háng
  • 4. Gãy xương
  • 5. Viêm bao hoạt dịch
  • 6. Viêm gân
  • 7. Đau dây chằng háng
  • 8. Hoại tử vô mạch
  • 9. Khi nào tôi cần gặp bác sĩ?
  • 10. Đau khớp háng được chẩn đoán như thế nào?
  • 11. Điều trị đau khớp háng thế nào?
  • 12. Tiên lượng dài hạn cho đau khớp háng là thế nào?

Khớp háng là một khớp lớn và linh động. Do đó, khớp háng chiếm vai trò quan trọng trong nhưng sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Mỗi khi đau khớp háng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của bạn. Vì vậy, trang bị những kiến thức cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị vấn đề đau khớp háng là vô cùng quan trọng. Hãy cùng Youmed tìm hiểu những kiến thức đó trong bài viết sau đây nhé!

1. Đau khớp háng là gì?

Khớp háng là khớp vững chắc và có sự liên kết với nhiều bộ phận khác như: chân, lưng và vai… Bởi vậy, khớp háng đóng vai trò điều khiển các chi dưới hay truyền lực lên phần thân trên. Điều này giúp vai và lưng chống đỡ những vật nặng trong quá trình sinh hoạt và lao động. 

Khớp háng còn có vai trò quan trọng trong các hoạt động hằng ngày, thể dục thể thao liên quan đến chi dưới. Ví dụ: chạy, nhảy, đá,…

đau khớp háng
Đau khớp háng là triệu chứng khá thường gặp

Đau khớp háng là một thuật ngữ khá rộng, để miêu tả cảm giác đau hay khó chịu xung quanh khớp háng. Trong một số trường hợp, bạn có thể cảm thấy đau ở vùng háng hoặc đùi.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc cơ xương khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

>> Xem thêm: Đau khớp gối là biểu hiện của bệnh gì?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau khớp háng. Việc tìm ra đúng căn nguyên thì mới có phương pháp điều trị hiệu quả. Vì vậy, khi đau khớp háng bạn cần được bác sĩ thăm khám để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất.

Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp khi bị đau khớp háng mà bạn có thể tham khảo.

2. Thoái hóa khớp háng

đau khớp háng
Minh họa thoái hóa khớp háng

Đây là một trong những nguyên nhân gây đau khớp háng kéo dài thường gặp nhất. Thoái hóa khớp háng là hệ quả của quá trình thoái hóa sụn và xương dưới sụn. Khi đó, các đầu xương không được sụn bảo vệ, trong quá trình vận động hai đầu xương sẽ cọ xát vào nhau gây đau đớn.

Ban đầu có thể là đau háng bên trái hoặc đau háng bên phải và sau đó là đau háng cả hai bên. Cơn đau dần lan xuống khớp đùi và phần thắt lưng hông. Ngoài ra, thoái hóa khớp háng còn gây ra nhiều triệu chứng khó chịu khác nữa. Ví dụ: cứng khớp, khớp dễ gãy, khó khăn trong đi lại.

3. Viêm khớp háng

Bên cạnh thoái hóa khớp háng, đây cũng là một nguyên nhân thường gặp, dai dẳng. Vì vậy, chúng thường khiến cho bạn thấy phiền phức, mệt mỏi.

Quá trình viêm sẽ phá hủy sụn khớp, là một miếng đệm lót cho khớp háng. Vì vậy, khi di chuyển khớp háng sẽ rất đau. Cơn đau có thể ngày càng tồi tệ hơn. Ngoài ra, bạn có thể cảm thấy cứng khớp háng, giảm tầm hoạt động của khớp háng, khó khăn trong sinh hoạt.

Có nhiều loại viêm khớp háng, như:

  • Viêm khớp dạng thấp: Do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công chính khớp háng của mình. Viêm khớp dạng thấp thậm chí có thể phá hủy sụn khớp và xương nữa.
  • Viêm khớp nhiễm trùng: Khớp háng bị nhiễm trùng, gây nên sự phá hủy sụn khớp.
  • Chấn thương khớp: Ví dụ như gãy xương, cũng có thể dẫn đến viêm khớp chấn thương, giống như thoái hóa khớp háng.

Viêm khớp háng cần được điều trị sớm để phòng ngừa hoại tử khớp háng.

4. Gãy xương

Gãy xương vùng háng rất thường gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt ở người bị loãng xương. Ở những người này, mật độ xương rất loãng. Một sự té hay trượt nhẹ cũng có thể gây gãy cổ xương đùi.

đau khớp háng
Minh họa gãy cổ xương đùi vùng háng

Gãy xương gây đau khớp háng rất nhanh, rất dữ dội. Cần nhớ rằng, gãy xương háng cần được cấp cứu y khoa khẩn cấp. Gãy xương háng có thể để lại nhiều biến chứng y khoa nặng nề. Một trong những biến chứng đáng lo ngại là hình thành cục máu đông ở chân.

>> Xem thêm: Y học thường thức: Gãy xương đòn

Gãy khớp háng thường đòi hỏi phải phẫu thuật để sửa chữa xương gãy. Bạn cũng phải cần đến vật lý trị liệu sau đó để phục hồi.

5. Viêm bao hoạt dịch

Đây là tình trạng túi chứa dịch khớp vùng háng bị viêm. Viêm bao hoạt dịch sẽ gây nên các cơn đau nhức, khó chịu ở khớp háng.

Có nhiều yếu tố có thể gây nên viêm bao hoạt dịch. Ví dụ: chấn thương khớp háng, quá sử dụng khớp háng, những vấn đề về tư thế…

6. Viêm gân

Gân là một cấu trúc dạng dài,bám từ xương đến cơ. Viêm gân là tình trạng viêm hoặc kích thích ở gân. Nguyên nhân thường do những áp lực lặp đi lặp lại hoặc quá sử dụng gân.

Thoát vị bẹn: Bệnh nhân sẽ thấy vùng háng bị phình to, nguyên nhân là do một phần màng tế bào lót khoang bụng chui vào túi thoát vị gây đau khớp háng, đau vùng bẹn.

7. Đau dây chằng háng

Phổ biến nhất là do chấn thương hoặc vận động gây viêm dây chằng khớp háng dẫn tới triệu chứng đau dây chằng ở háng.

8. Hoại tử vô mạch

Hoại tử vô mạch là tình trạng máu không đến nuôi xương, tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trong tình trạng này, sụn ban đầu bình thường, nhưng có thể bị hủy hoại nếu tình trạng tiến triển. Cuối cùng, xương có thể bị gãy.

Những yếu tố nguy cơ dẫn đến hoại tử vô mạch là:

  • Chấn thương khớp
  • Sử dụng liều cao thuốc Steroid
  • Uống nhiều rượu
  • Điều trị ung thư

đau khớp háng

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân rõ ràng.

9. Khi nào tôi cần gặp bác sĩ?

Hãy gặp bác sĩ nếu bạn bị đau khớp háng kéo dài hơn một vài ngày. Bác sĩ sẽ lên kế hoạch giảm đau và điều trị tình trạng này cho bạn.

Tuy nhiên, bạn cần gặp bác sĩ ngay nếu:

  • Khớp háng bị chảy máu
  • Thấy xương lộ ra bên ngoài
  • Nghe tiếng gãy rắc trong khớp
  • Bạn không thể chịu được sức nặng
  • Biến dạng khớp háng
  • Phồng khớp háng
  • Cơn đau dữ dội

Nếu cơn đau kèm theo các triệu chứng như: sưng, nóng, đỏ, đau nhức…thì có thể là dấu hiệu của viêm khớp nhiễm trùng. Trường hợp này bạn cần được điều trị kịp thời. Nếu không được điều trị, viêm khớp nhiễm trùng có thể dẫn đến biến dạng khớp, thoái hóa khớp.

10. Đau khớp háng được chẩn đoán như thế nào?

Những cơn đau liên quan với viêm khớp, bác sĩ sẽ hỏi bạn vài câu hỏi, như:

  • Cơn đau có nặng dần theo thời gian trong ngày?
  • Nó ảnh hưởng đến khả năng đi lại của bạn không?
  • Triệu chứng xuất hiện đầu tiên khi nào?

Bạn cũng có thể phải đi vòng quanh để bác sĩ quan sát khớp của bạn chuyển động như thế nào. Họ sẽ đo lường chuyển động của khớp háng hai bên để so sánh. Ngoài ra, bạn cũng cần làm một số xét nghiệm. Ví dụ: xét nghiệm máu, dịch khớp, nước tiểu.

Một số hình ảnh học có thể được chỉ định, như:

  • X – quang
  • CT scan
  • MRI
  • Siêu âm

Các xét nghiệm này sẽ cung cấp hình ảnh chi tiết về xương, sụn, dây chằng… của bạn.

đau khớp háng

11. Điều trị đau khớp háng thế nào?

Điều trị đau khớp háng cần phụ thuộc vài nguyên nhân là gì. Nhìn chung, có thể phân thành điều trị không phẫu thuật và phẫu thuật.

11.1. Điều trị không phẫu thuật

  • Thay đổi thói quen sinh hoạt: Bạn cần hạn chế hoặc thay đổi những thói quen sinh hoạt hằng ngày có thể làm tổn thương khớp háng. Tránh leo cầu thang, không đi bộ quãng đường quá dài hoặc chơi các môn thể thao làm tăng sức nặng cho khớp như: tennis, cầu lông… Những môn thể thao tốt cho người bị đau khớp háng như: bơi lội, tập thể dục dưới nước…
  • Tập luyện sẽ giúp khớp háng trở nên linh hoạt, dẻo dai, giảm đau và hỗ trợ đẩy lùi bệnh lý xương khớp.

Các bài tập yoga cũng giúp mở khớp háng hiệu quả, xương hoạt động linh hoạt. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng thêm một số phương pháp như nhiệt trị liệu, điện trị liệu, laser để hỗ trợ đẩy lùi đau nhức.

đau khớp háng

  • Giảm cân: Khi cân nặng giảm sẽ giúp hạn chế tác động lên khớp háng, giảm đau và mức độ tiến triển của bệnh. Khớp trở nên vận động linh hoạt, tránh cứng khớp.
  • Thuốc: Một số thuốc kháng viêm không steroid như aspirin, ibuprofen, naproxen… giúp kiểm soát cơn đau hiệu quả, chống viêm nhiễm và ngăn ngừa bệnh trở nặng. Những thuốc này cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế tối đa các tác dụng phụ như: nôn, buồn nôn, loét hoặc chảy máu dạ dày…
  • Chườm đá: Chườm đá lạnh trong vài ngày đầu sau chấn thương hay viêm khớp. Điều này giúp giảm đau, sưng khớp. Hãy cho đá vào một chiếc túi vải hay khăn ẩm. Không chườm trực tiếp lên da vì có thể gây bỏng lạnh. Chườm đá khoảng 20 phút/lần, thực hiện 3 lần/ngày

11.2. Điều trị bằng phẫu thuật    

Một số nguyên nhân cần được điều trị bằng phẫu thuật. Gãy xương, biến dạng khớp háng, và một vài tổn thương cần phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay khớp háng. Thay khớp háng có thể là bán phần hoặc toàn phần. Trước khi thực hiện phương pháp này, người bệnh sẽ được khám khớp háng kĩ càng.

đau khớp háng
Hình ảnh minh họa chụp X-quang khớp háng

Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, bán phần là phương pháp phổ biến, được chỉ định dựa trên mức độ tổn thương và tuổi tác của người bệnh… Đây là một phẫu thuật có tỉ lệ thành công khá cao. Sau phẫu thuật thay khớp, bạn sẽ cần đến vật lý trị liệu để quen với cách sử dụng khớp mới.

12. Tiên lượng dài hạn cho đau khớp háng là thế nào?

Sau khi bạn biết nguyên nhân đau khớp háng và điều trị đúng cách, bạn có thể quản lí nó thành công. Với những tổn thương rất nhỏ và những tai nạn liên quan đến tập luyện, điều trị có thể không cần thiết. Khớp háng của bạn có thể sớm trở về bình thường.

Tuy nhiên, với những trường hợp trầm trọng hơn, như gãy xương, viêm khớp…, bạn cần điều trị kịp thời. Các triệu chứng sẽ tồi tệ hơn nếu bạn chậm trễ điều trị.

Tóm lại, đau khớp háng là tình trạng khá thường gặp. Nếu không điều trị, cơn đau sẽ trầm trọng hơn, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, công việc của bạn. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm là vô cùng quan trọng. Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin cơ bản về những nguyên nhân thường gặp khi bị đau khớp háng. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. Youmed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân

Từ khóa » Hình ảnh đau Khớp Háng