Làm Gì Khi Uống Thuốc Giảm đau, Hạ Sốt Quá Liều? | Hapacol

Uống thuốc giảm đau hạ sốt quá liều hoặc sai liều sẽ bị ngộ độc paracetamol và là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy gan cấp tính, hơn cả viêm gan do virus.

Paracetamol (Hapacol) là một trong những thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng phổ biến nhất. Đây được xem là thuốc khá an toàn khi dùng ở liều điều trị được khuyến cáo nhưng ngộ độc paracetamol có thể xảy ra nếu bạn uống thuốc giảm đau, hạ sốt quá liều, hoặc sử dụng sai liều cho những đối tượng đặc biệt, có nguy cơ cao

MỤC LỤC NỘI DUNG

  • Quá trình chuyển hóa paracetamol trong cơ thể
  • Dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc paracetamol
    • Giai đoạn 1
    • Giai đoạn 2
    • Giai đoạn 3
    • Giai đoạn 4
  • Chẩn đoán ngộ độc paracetamol
  • Uống thuốc hạ sốt quá liều phải làm sao?

Quá trình chuyển hóa paracetamol trong cơ thể

Paracetamol được chuyển hóa chủ yếu ở gan với một tốc độ đều đặn.

Phần lớn (90%) thuốc được chuyển hóa theo con đường sulfate hóa và glucuronic hóa, phần còn lại được hệ enzyme cytochrome P-450 ở gan chuyển hóa nốt.

Một chất chuyển hóa được giải phóng là N-acetyl-p-benzoquinoneimine (NAPQI) gắn với màng tế bào gan và nếu không được trung hòa bởi các chất chống oxy hóa thì sẽ gây tổn thương lớp màng lipid kép.

Khi đó, glutathione của gan là chất chống oxy hóa chủ yếu, có khả năng gắn kết và trung hòa NAPQI.

Tuy nhiên, khi dùng quá liều paracetamol thì kho dự trữ glutathione bị cạn kiệt dần và nếu thiếu hụt mất trên 70% số lượng bình thường thì NAPQI không được trung hòa, gây tổn thương cho tế bào gan.

Liều tối thiểu paracetamol gây độc cho một lần uống, có nguy cơ dẫn đến nhiễm độc gan nặng như sau:

  • Người lớn: 7,5–10g
  • Trẻ em: 150mg/kg hoặc 200mg/kg ở trẻ khỏe mạnh từ 1–6 tuổi

Liều dùng paracetamol tối đa hàng ngày:

Liều dùng paracetamol hàng ngày tối đa cho người lớn là 4g với liều lượng khuyến cáo là 352–650mg cứ sau mỗi 4–6 giờ hoặc 1g mỗi 6 giờ. Tuy nhiên, năm 2012, FDA đã đề xuất liều tối đa hàng ngày cho người lớn là 3g, không quá 650mg mỗi 6 giờ khi cần thiết.

Đối với trẻ em dưới 12 tuổi hay dưới 50kg thể trọng, liều dùng paracetamol tối đa hàng ngày là 75mg/kg, với liều khuyến cáo là 10–15mg/kg cân nặng/lần sau mỗi 4–6 giờ khi cần và không uống quá 5 liều trong 24 giờ.

Dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc paracetamol

Hầu hết người bệnh uống thuốc hạ sốt quá liều, uống thuốc giảm đau quá liều có chứa paracetamol; ban đầu sẽ không có biểu hiện bởi vì các triệu chứng lâm sàng do nhiễm độc nội tạng khi ngộ độc paracetamol sẽ không xuất hiện cho đến 24–48 giờ sau khi uống thuốc.

Vì vậy, để xác định bệnh nhân có nguy cơ nhiễm độc gan, bác sĩ nên xác định thời gian sử dụng thuốc, số lượng và hàm lượng của thuốc paracetamol được uống.

Quá trình lâm sàng của ngộ độc paracetamol thường được chia thành 4 giai đoạn. Các phát hiện về triệu chứng thể chất có thể khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nhiễm độc gan.

Giai đoạn 1

Xảy ra khoảng 0,5–24 giờ sau khi uống.

  • Người bệnh có thể không có triệu chứng hoặc cảm thấy chán ăn, buồn nôn và nôn, khó chịu.
  • Khi thăm khám, bác sĩ có thể thấy người bệnh xanh xao, toát mồ hôi, mệt mỏi.

Giai đoạn 2

Xuất hiện sau 18–72 giờ uống thuốc hạ sốt.

  • Người bệnh cảm thấy đau ở vị trí 1/4 phía trên bên phải vùng bụng (hạ sườn phải), chán ăn, buồn nôn và nôn mửa.
  • Cảm thấy đau hạ sườn phải khi bị ấn vào (khi bác sĩ khám đau thực thể).
  • Nhịp tim nhanh và hạ huyết áp cho thấy có dấu hiệu giảm thể tích tuần hoàn.
  • Một vài người bệnh có biểu hiện giảm lượng nước tiểu (thiểu niệu).

Giai đoạn 3

Giai đoạn ở gan, xảy ra khoảng 72–96 giờ sau khi uống thuốc.

  • Người bệnh buồn nôn và nôn liên tục, đau bụng và sờ thấy bờ gan mềm.
  • Hoại tử gan và rối loạn chức năng xảy ra có thể gây ra vàng da, rối loạn đông máu, hạ đường huyết và hội chứng não – gan.
  • Suy thận cấp có thể phát triển ở một vài bệnh nhân gây nguy kịch.
  • Tử vong do suy đa cơ quan có thể xảy ra.

Giai đoạn 4

Giai đoạn phục hồi, từ 4 ngày đến 3 tuần sau khi uống thuốc

  • Người bệnh sống sót sau cơn nguy kịch ở giai đoạn 3 và được xử lý hoàn toàn các triệu chứng cũng như “giải quyết” được vấn đề suy nội tạng.

Uống thuốc giảm đau quá liều, uống thuốc hạ sốt quá liều sẽ bị ngộ độc paracetamol

Chẩn đoán ngộ độc paracetamol

Nồng độ paracetamol trong huyết thanh chính là cơ sở để chẩn đoán và điều trị ngộ độc paracetamol (nếu có). Việc xác định được nồng độ paracetamol trong huyết thanh rất hữu ích ngay cả khi chưa có triệu chứng lâm sàng vì các biểu hiện có thể không xuất hiện ngay khi dùng quá liều paracetamol.

Các xét nghiệm mà bác sĩ đề nghị bạn thực hiện bao gồm:

  • Xét nghiệm chức năng gan (ALT, AST, bilirubin, photphat kiềm)
  • Thời gian prothrombin (PT) với chỉ số bình thường hóa quốc tế (INR)
  • Glucose
  • Xét nghiệm chức năng thận (điện giải, BUN, creatinin)
  • Lipase và amylase (ở người bệnh bị đau bụng)
  • Xét nghiệm hCG (ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản)
  • Khí máu động mạch và amoniac (ở người bệnh bị tổn thương lâm sàng)

Ở những người bệnh có thay đổi về tâm thần, hãy cân nhắc làm thêm xét nghiệm nồng độ amoniac huyết thanh và chụp CT não. Các phát hiện thấy được trong các giai đoạn ngộ độc paracetamol như sau:

  • Giai đoạn 1: Khoảng 12 giờ sau khi uống thuốc, các xét nghiệm cận lâm sàng về chức năng gan cho thấy nồng độ transaminase trong huyết thanh (ALT, AST) tăng.
  • Giai đoạn 2: Nồng độ ALT, AST, thời gian prothrombin và nồng độ bilirubin huyết thanh tăng cao, có thể thấy dấu hiệu chức năng thận bất thường (chỉ ra độc tính trên thận).
  • Giai đoạn 3: Bằng chứng nhiễm độc gan nặng có thể thấy rõ trên các xét nghiệm huyết thanh, hoại tử tế bào gan được chẩn đoán trên sinh thiết gan.

Uống thuốc hạ sốt quá liều phải làm sao?

Nếu như phát hiện bất kỳ triệu chứng ngộ độc paracetamol nào, bạn cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được cấp cứu và xử lý kịp thời.

Ngoài các phương pháp giải độc, chăm sóc hỗ trợ cũng rất cần thiết trong tình trạng ngộ độc paracetamol. Nhân viên y tế cần đánh giá ngay tình trạng đường thở, nhịp thở và tình trạng huyết động trong khi xem xét, bắt đầu điều trị khi nghi ngờ quá liều paracetamol.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ đánh giá các chất khác được hấp thu chung khi uống cùng paracetamol.

Nếu người bệnh còn tỉnh táo, bác sĩ sẽ cho uống than hoạt tính để loại bỏ chất độc trong đường tiêu hóa, tốt nhất là dùng trong vòng 1 giờ sau khi uống paracetamol. Khoảng thời gian này có thể kéo dài nếu người bệnh uống dạng thuốc phóng thích kéo dài hay sử dụng paracetamol chung với các tác nhân làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày.

Người bệnh ngộ độc paracetamol có thể được điều trị bằng N-acetylcystein (NAC). Thuốc này gần như bảo vệ gan 100% khi được dùng trong vòng 8 giờ sau khi uống paracetamol ở liều gây độc cấp tính nhưng vẫn có hiệu quả cho những người bệnh xuất hiện triệu chứng sau hơn 24 giờ uống paracetamol. NAC đã được chấp thuận cho cả đường uống và đường tiêm tĩnh mạch (IV).

Trường hợp người bệnh bị nhiễm độc gan nặng và có khả năng tiến triển thành suy gan sẽ được bác sĩ đánh giá phẫu thuật để ghép gan. Tiêu chí ghép gan bao gồm:

  • Nhiễm toan chuyển hóa dai dẳng sau khi hồi sức
  • Suy thận
  • Rối loạn đông máu
  • Bệnh não do gan gây ra

Tài liệu tham khảo:

Acetaminophen Toxicity. https://emedicine.medscape.com/article/820200-overview#showall

Mechanisms of Acetaminophen-Induced Liver Necrosis. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6789543/

Từ khóa » Sốc Và độc 150