Làm Giàu Trên Vùng đất Dốc - Báo Biên Phòng

Ông Chu Lù Chừ giới thiệu quy trình chiết xuất tinh dầu sả. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Chu Lù Chừ, sinh năm 1964, là người dân tộc Hà Nhì, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh xã Thu Lũm. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, với khát vọng thay đổi cuộc sống, ông đã nỗ lực từng ngày, ôm bụng đói đi học chữ. Lớn lên, ông đi bộ đội, rồi về làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Thu Lũm, sau đó, ông làm công tác địa chính của xã cho tới khi nghỉ hưu. Được Nhà nước cho nghỉ chế độ, ông Chừ với tinh thần chịu khó đã dành toàn bộ thời gian và tâm trí phát triển mô hình vườn, rừng, chuồng để tăng thêm thu nhập cho gia đình, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Ngày nào ông Chừ cũng dậy từ sáng sớm đi làm. Ông thăm nương thảo quả rồi đảo sang khu trồng sâm, thất diệp, lúc lại sang ruộng sả. Ngày nào ông cũng lùa đàn dê lên núi kiếm ăn, chiều tối lại kiểm đếm từng con một. Bận rộn, vất vả suốt ngày, nhưng trên miệng ông lúc nào cũng thường trực nụ cười của người yêu lao động. Để gặp được ông, tôi phải nhờ cán bộ Đồn Biên phòng Thu Lũm hẹn gặp từ hôm trước.

Trong ngôi nhà mới xây bề thế, khang trang nhất nhì xã Thu Lũm, ông Chừ vui vẻ trò chuyện với chúng tôi về cuộc sống thường ngày và cả những dự tính tương lai. Ông nhớ lại: “Ngày xưa, làm ruộng vất vả lắm, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc. Vùng đất này rất dốc, thế hệ bố mẹ tôi rồi đến cả tôi trước đây chỉ biết trồng ngô, sắn, làm nương lúa 1 vụ/năm. Không chỉ gia đình tôi mà tất cả các hộ dân trong bản đều đói khổ vì trồng ngô lúa 1 vụ, nguồn giống không tốt, lại không biết dùng kỹ thuật chăm sóc”.

Tiếp tục câu chuyện, ông Chừ cho hay: “Bây giờ, ruộng nương ít, nhưng bà con vẫn đủ ăn là bởi mọi người đều chuyển đổi sang giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Chúng tôi trồng sả, ớt, nuôi dê. Đây là những loại cây, con cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại cây truyền thống sắn, ngô trước kia. Việc có con đường nhựa tới tận thôn cũng giúp giao thương tốt hơn, góp phần làm thay đổi hoàn toàn đời sống kinh tế - xã hội của quê hương tôi”.

Quay trở lại câu chuyện về cuộc đời mình, ông Chừ kể: “Ngày xưa, tôi có 2ha ruộng nương trồng ngô, trồng lúa không đủ ăn. Gia đình tôi toàn phải ăn sắn thay cơm, có lúc còn phải lấy củ mài để ăn. Mãi đến năm 2004, gia đình tôi mới đủ gạo ăn. Nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu ở đây phù hợp với một số cây dược liệu, nên tôi và bà con trong bản đã chuyển sang trồng sâm Lai Châu, tam thất đen, sả, thảo quả... Từ lúc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập và cuộc sống của chúng tôi đã được cải thiện nhiều”.

Lấy ngắn nuôi dài, từ năm 2016, ông Chừ trồng sả chiết xuất lấy tinh dầu. Đứng giữa vườn sả xanh tốt, ông cười nói rổn rảng: “Đây là nguồn thu chủ yếu của gia đình tôi trong suốt mấy năm qua. Loại cây này phát triển rất nhanh, tiền đầu tư giống ít tốn kém, lại không cần công chăm sóc, mang lại lợi nhuận lớn. 1 năm ruộng sả có thể cho thu hoạch 3-5 lần. Khu ruộng sả nhà tôi, mỗi lần thu hoạch, chiết suất được 20 lít tinh dầu. Chúng tôi chủ yếu bán tinh dầu sả sang Trung Quốc. Năm 2016-2017, giá tinh dầu sả khoảng 500.000 đồng/lít. Tôi thu được 70 triệu đồng từ bán tinh dầu sả. Khi dịch Covid-19 bùng phát, có lúc cao điểm, giá tinh dầu sả lên tới 700.000 đồng/lít. Những người trồng sả như tôi ở đây phấn khởi lắm. Bây giờ, giá tinh dầu sả đã hạ xuống còn 250.000 đồng/lít, tôi trữ để đó, khi nào được giá cao hơn mới bán”.

Ông Chừ tâm sự: “Tôi làm ngôi nhà này từ tiền bán các loại cây, con trong vườn, rừng của nhà. Trong đó, có 150 triệu đồng tiền bán dê, 200 triệu đồng tiền bán thảo quả. Hiện giờ, tôi có 500 gốc tam thất trên 2 năm tuổi. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm sâm Lai Châu, thất diệp. Đây là những loại cây có giá trị kinh tế rất cao. Sâm Lai Châu loại to (củ nặng 7-8 lạng) có giá rất đắt, một vườn có thể mang về tiền tỉ. Còn thất diệp, tôi mới thu hoạch được khoảng 300kg. Loại này có giá 800.000 đồng/kg với loại củ nặng 3-5 lạng. Nếu chịu khó làm ăn, nông sản được giá thì sẽ có của ăn, của để”.

Ông Chu Lù Chừ và cán bộ Đồn Biên phòng Thu Lũm, BĐBP Lai Châu trao đổi về tình hình phát triển của cây sả. Ảnh: Bích Nguyên

Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế gia đình, ông Chừ chia sẻ: “Tôi rất mừng vì luôn nhận được sự giúp đỡ của cán bộ Biên phòng. Ở đây, BĐBP rất gần gũi và thương dân. Những lúc khó khăn, vất vả, bộ đội phát gạo, tặng chăn màn cho bà con trong xã. Các anh bộ đội còn thường xuyên đến nhà hướng dẫn chúng tôi chăn nuôi, trồng trọt. Với gia đình tôi, bộ đội Quý như người thân. Anh ấy đã tư vấn cho gia đình tôi nuôi thêm đàn dê, hướng dẫn cách phòng bệnh. Với sự giúp đỡ của bộ đội Quý, tôi xây dựng mô hình kinh tế trồng dược liệu kết hợp với chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ, đến nay, tôi đã xây dựng được nhà cửa, có vốn liếng làm ăn, 4 đứa con của tôi đều được đi học hết lớp 12”.

Trao đổi về mô hình kinh tế tổng hợp của ông Chừ, ông Chu Xế Lù, Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Thu Lũm cho biết: “Ông Chừ rất kiên trì, cẩn thận và cần cù. Ông còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cho bà con vay vốn để phát triển kinh tế. Với những người cần giúp đỡ, ông luôn sẵn lòng đến tận nhà giúp góp ý, hướng dẫn rất cặn kẽ. Tôi mong rằng, mô hình kinh tế của ông Chừ ngày càng được nhân rộng để bà con học hỏi, canh tác hiệu quả, cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương”.

Tiễn chúng tôi ra về khi mặt trời mới lên đến lưng chừng núi, vẫn giữ trên môi nụ cười hồn hậu, ông Chừ lại đeo gùi lên nương, mang theo khát vọng làm giàu thay đổi cuộc sống. Chúng tôi hiểu rằng, ý chí vươn lên của ông sẽ truyền cảm hứng cho người dân Hà Nhì trên quê hương ông cùng học tập, để tạo nên những đổi thay tích cực trong cuộc sống.

Thu Hằng

Từ khóa » Cười Chừ