Làm Giàu Từ Nuôi Chạch Lấu - Tạp Chí Thủy Sản

Đặc điểm sinh học

Chạch lấu (Mastacembelus favus) là loài cá nước ngọt có thân màu xanh đậm hoặc đen xám, trên thân có nhiều đốm vàng hình tròn hoặc bầu dục; vây lưng, vây hậu môn và vây ngực có đốm đen nhỏ; không có vây bụng.

Ở Việt Nam, cá này được gọi theo các tên: chạch lấu, chạch bông (Nam bộ), chạch chấu, chạch làn (Trung bộ và Bắc bộ). Được phân bố ở hầu hết các tỉnh, chạch lấu ưa sống tại các khe đá thuộc sông suối, nơi có dòng nước chảy xiết, hàm lượng ôxy hòa tan cao. Khi còn nhỏ, thức ăn chủ yếu của cá là giun, ấu trùng côn trùng, giáp xác nhỏ. Khi lớn, cá ăn côn trùng trưởng thành, tôm tép, cá nhỏ và mùn bã hữu cơ.

Ngoài tự nhiên, tăng trưởng của cá chạch lấu sau 1 năm tuổi có thể đạt 150 – 250g, dài 18 – 25cm; sau 2 năm đạt 450 – 500g, dài 35 – 40cm. Chúng thành thục và sinh sản sau 2 – 3 năm; con đực thường lớn hơn con cái, dẫu cùng tuổi. Con cái có sức sinh sản 4.500 – 7.500 trứng/lần; trứng có kích thước nhỏ, màu vàng. Cá thường sinh sản vào mùa mưa lũ, nước đục, từ tháng 6 đến tháng 9; nơi sinh sản là hang hốc, khe đá ngầm ven sông suối.

Trong quá trình ương nuôi, nếu sử dụng thức ăn tươi sống, nhất là trùn chỉ, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của chạch lấu sẽ cao hơn so với thức ăn khác.

Loài nuôi tiềm năng

Với giá bán thương phẩm trên thị trường 350.000 – 400.000 đồng/kg, hiện nay phần lớn cá được các nhà hàng khách sạn tiêu thụ và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Quy trình sinh sản nhân tạo và ương nuôi giống cá chạch lấu đã được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, Trường Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang nghiên cứu, hoàn thiện và nhân rộng ra các trại giống trên cả nước, mỗi năm sản xuất hàng chục vạn con giống với giá bán 8.000 – 10.000 đồng/con (cỡ 8 – 10cm).

Chạch lấu đang được nuôi chủ yếu ở 3 loại hình: lồng bè, bể, ao đất. Thức ăn cung cấp cho chúng từ nguồn tôm cua, cá tạp tự nhiên.

Nuôi chạch lấu trong ao đất diện tích nhỏ, trong bể là giải pháp thực tiễn cho những nơi diện tích đất bị thu hẹp. Ở miền Bắc, mô hình nuôi cá chạch lấu phát triển mạnh tại các huyện Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Gia Lộc (tỉnh Hải Dương), nguồn giống chủ yếu được cung cấp bởi Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1.

Ở miền Nam, năm 2012, Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang đã xây dựng mô hình nuôi chạch lấu thương phẩm trên diện tích 1.400m²; mật độ thả 6 con/m2; sử dụng cá tạp, cua, ốc, tép làm thức ăn. Sau 10 tháng, cá phát triển tốt, ít bệnh, tỷ lệ sống đạt 80%, trọng lượng đạt 0,3 kg/con, ước tính sản lượng khoảng 2 tấn, trừ chi phí (giống, thức ăn, thuê ao) còn lãi 200 – 300 triệu đồng.

Cần cân nhắc khi nuôi

Cá chạch lấu giống đã được sản xuất và bán ở hầu hết các địa phương trên cả nước, rất phù hợp các hộ nông dân có diện tích nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, loài cá này có tốc độ sinh trưởng chậm, thời gian nuôi dài (10 tháng trở lên), đòi hỏi các hộ nuôi phải có khả năng tài chính. Thức ăn dùng cho chúng chủ yếu là tôm, cua, ốc, cá tạp nên những người nuôi cá quy mô lớn sẽ khó chủ động nguồn thức ăn.

Ngoài tự nhiên chạch lấu thường sống trong nước sạch, hàm lượng ôxy hòa tan cao; do vậy khi nuôi trong bể hoặc ao đất phải đầu tư nhiều thiết bị (sục khí, máy bơm, dụng cụ đo môi trường…), đồng thời phải quản lý chặt môi trường nước.

Nên mua cá giống cỡ 5cm trở lên; không thả giống cỡ nhỏ, tỷ lệ sống thấp.

>> Liên hệ mua giống:

Tại miền Bắc: Phòng Di truyền, chọn giống – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; điện thoại 043 878 0614

Tại miền Nam: Trung tâm Giống thủy sản An Giang; điện thoại 076 224 0245

Trại giống Thủy sản Cồn Khương – Cần Thơ; điện thoại 0934 747 407

Từ khóa » Cá Chạch Lấu Giống Miền Bắc