“Làm Nghề Dịch Vụ Biển, Cần Thật Thà Và Luôn Thân Thiện” - Báo Hà Tĩnh

lam nghe dich vu bien can that tha va luon than thien

Sản phẩm tươi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí hàng đầu của nhà hàng gia đình ông Tô Đức Vọng ở tổ dân phố Trần Phú, thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Gần 14 năm nhen nhóm, gây dựng, từ một quán ăn nhỏ, gia đình ông Vọng đã có một cửa hàng ăn khá đắt khách nằm ở vị trí trung tâm. Mỗi năm có 4 tháng trong mùa du lịch biển, nhà hàng có 7 lao động, doanh thu mỗi tháng hơn 100 triệu đồng, trong đó, lợi nhuận đạt khoảng 30%. Nghề dịch vụ đã giúp vợ chồng ông nuôi 3 đứa con ăn học và tích lũy được vốn liếng, dần mở rộng quy mô, đa dạng hóa các hình thức dịch vụ để nâng cao thu nhập.

“Gắn bó với nghề, tôi đúc rút ra rằng, mình giữ chân được khách hàng, phát triển là nhờ biết làm ăn chân chính, thật thà và luôn thân thiện, làm hài lòng du khách” - ông Vọng nói và kể cho chúng tôi nghe nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

“10 năm trước, đêm đã khuya, vợ chồng tôi chuẩn bị đóng cửa nhà hàng thì có 3 cặp vợ chồng du khách từ Hà Nội đến. Lúc đó, các phòng nghỉ đã hết sạch nên họ lúng túng không biết tìm nơi nào để nán lại Thiên Cầm. Tôi liền mời họ về nhà nghỉ tạm trong lúc chờ phòng nghỉ có chỗ trống. 1 đêm, 1 ngày nghỉ tại gia để thăm thú, tắm biển, ngắm cảnh, thưởng thức hải sản, họ rất thích thú khi hòa mình vào cuộc sống, sinh hoạt của gia đình vùng biển như chúng tôi. Kỳ nghỉ đó, chúng tôi đã không thu họ đồng tiền dịch vụ phòng ở nào. Kể từ đó, những du khách này gắn bó với gia đình tôi như người thân. Hầu như năm nào họ cũng về Thiên Cầm tắm biển; nhiều mối khách ngoại tỉnh mới cứ thế nhân lên nhờ có sự kết nối của những người bạn ấy”.

Thành công và kinh nghiệm trong nghề được ông Vọng chia sẻ, tuyên truyền đến các hộ kinh doanh nói chung, nhất là bà con trong tổ dân phố Trần Phú. Với trách nhiệm của một tổ trưởng tổ dân phố, ông đã vận động hàng chục hộ mạnh dạn tham gia kinh doanh dịch vụ ở khu du lịch biển. Không ít hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đã được ông Vọng cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn.

Đến nay, toàn thôn có hơn 30 hộ kinh doanh dịch vụ với nhiều loại hình, trong đó, nhà hàng ăn uống chiếm số lượng lớn nhất, còn lại là bán hàng vặt, lái xe điện, quán nước… Điển hình là bà Nguyễn Thị Quý - hộ có điều kiện kinh tế khó khăn không làm được dịch vụ lớn, ông Vọng cho gia đình vay vốn sắm chiếc xe đẩy bán hàng vặt phục vụ du khách. Mỗi tháng, vào mùa du lịch biển, gia đình bà đã có thêm nguồn thu hơn 5 triệu đồng để trang trải cuộc sống.

lam nghe dich vu bien can that tha va luon than thien

Hiện nay, tại khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, có 65 hộ đầu tư kinh doanh nhà hàng.

Ông Vọng cũng là người đi đầu trong xây dựng môi trường kinh doanh chung ở khu du lịch. Trưởng BQL Khu du lịch Thiên Cầm Hoàng Xuân Hướng cho biết, ông Vọng thường tuyên truyền, kêu gọi các hộ kinh doanh dọn dẹp sạch hàng quán, bảo vệ môi trường kinh doanh chung. Dăm năm trước, thực hiện chủ trương niêm yết giá, ông tiên phong áp dụng và tích cực vận động nhiều nhà hàng cùng chấp hành nghiêm để tạo sự minh bạch, chuyên nghiệp trong kinh doanh ở khu du lịch biển.

Tiến thêm một bước trong nghề dịch vụ, ông Vọng và một số hộ dân trong tổ dân phố đang xây nhà nghỉ, hướng tới hình thức du lịch homestay. Trong bước đi mới, ông đang cố gắng để bản thân và những thành viên trong gia đình có thể chuyên nghiệp, tự tin hơn trong các kỹ năng giao tiếp, phục vụ khách hàng.

“Tôi mong các hộ làm nghề dịch vụ biển ở Thiên Cầm được tham gia tập huấn thường xuyên, bài bản hơn, đồng thời, được ràng buộc trong một quy chế quản lý bài bản để vừa phát triển nghề bền vững cho gia đình mình, vừa góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về con người ở vùng du lịch biển nổi tiếng trong cả nước” - ông Vọng chia sẻ.

Từ khóa » Dịch Vụ Gần Biển