Làm Sao để Bạn Biết Rằng Mình Thực Sự Bị Trầm Cảm, Hay Chỉ Là đang ...

Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo về tình trạng trầm cảm. Một người có thể có một hoặc nhiều dấu hiệu kết hợp, và nếu những dấu hiệu đó tồn tại thường xuyên, kéo dài nhiều hơn hai tuần, thì bạn, hoặc ai đó mà bạn quan tâm, thực sự cần nhờ bác sĩ tư vấn.

Làm sao để bạn biết rằng mình thực sự bị trầm cảm, hay chỉ là đang trong cơn buồn bã? ảnh 1

Luôn buồn bã, lo lắng, hoặc trống rỗng

Triệu chứng này trông giống như buồn bã nhưng nó kéo dài ngay cả khi những nguyên nhân gây ra sự buồn bã đó đã không còn tồn tại.

Thể hiện: Ánh mắt trống rỗng, mất hứng thú, không thể cảm thấy hoặc bộc lộ niềm vui hoặc các cảm xúc khác.

Thường thì người trầm cảm không hoàn toàn nhận thức được triệu chứng này. Bạn hãy tự hỏi chính mình, hoặc ai đó mà bạn thấy có triệu chứng, rằng: “Lần cuối cùng mình/ bạn cảm thấy vui vẻ là bao giờ?”.

Cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng, bơ vơ

Theo một cách vô cùng tiêu cực, người trầm cảm luôn cảm thấy rằng tất cả mọi chuyện đều hỏng bét và đó là lỗi của họ (thay vì là lỗi của tình huống hoặc của chính bệnh trầm cảm).

Thể hiện: Một người có triệu chứng này sẽ nói chuyện và hành động như thể họ chẳng có lựa chọn nào khác. Họ có thể cứ nghiền ngẫm những sai lầm trong quá khứ, cảm thấy tội lỗi và tự trách mình. Họ cũng thường nói những câu như: “Vô vọng rồi”, “Mình chẳng làm gì được cả”, “Mình chẳng có lựa chọn nào”, “Chẳng ai quan tâm cả”, “Giá như…”.

Làm sao để bạn biết rằng mình thực sự bị trầm cảm, hay chỉ là đang trong cơn buồn bã? ảnh 2

Khóc, khóc và khóc

Mà khóc rất bất ngờ, chẳng vì lý do gì rõ ràng. Khóc là việc bình thường, nhưng ngày nào cũng khóc lại là không bình thường (trừ các em bé).

Không phải người nào trầm cảm cũng khóc. Thực tế, một số người chẳng bao giờ khóc cả. Tuy nhiên, thường những người khóc nhiều thì bệnh trầm cảm lại ít nghiêm trọng hơn vì họ không kìm ném cảm xúc.

Bối rối, lo âu, không yên

Những người này dường như không thể nghỉ ngơi, dễ cáu kỉnh, giận dữ, lúc nào cũng như đầy năng lượng và không thể ngồi yên. Họ thích đi đi lại lại, quát tháo người khác… Bởi vì đối với một người trầm cảm, việc gì cũng có vẻ bị phóng đại, kể cả những rắc rối rất nhỏ hằng ngày.

Mệt mỏi, không có năng lượng

Những người trầm cảm mà không lo âu, bồn chồn, thì lại thường phải trải qua khía cạnh ngược lại: Chậm chạp, uể oải. Họ có thể cảm thấy như mình không còn năng lượng, rất hay mệt, không thích tập thể dục, phản ứng cũng rất chậm, không thích tham gia vào công việc gì cả.

Làm sao để bạn biết rằng mình thực sự bị trầm cảm, hay chỉ là đang trong cơn buồn bã? ảnh 3

Mất hứng thú với những hoạt động hoặc sở thích trước đây

Đây là một trong những dấu hiệu đơn độc dễ thấy nhất của bệnh trầm cảm. Khi đó, người bị trầm cảm không còn tìm thấy niềm vui trong những việc đã từng khiến họ thích thú (nấu ăn, đọc sách, vẽ, xem bóng đá…, bất kỳ việc gì). Họ có thể bắt đầu từ chối mọi lời mời, không thích ra ngoài, chẳng thích gặp ai.

Khó tập trung, không nhớ được các chi tiết, khó quyết định

“Nghĩ lộn xộn” thường là dấu hiệu rất rõ ràng đối với cả người trầm cảm và gia đình/bạn bè của họ. Họ thường xuyên quên các cuộc hẹn hoặc việc phải làm, ghi nhầm mọi thứ, để đồ vật sai chỗ, quên tên nhiều người, không thích lập kế hoạch, hay trì hoãn và ỷ lại. Nếu phải đọc cái gì thì họ cũng đọc rất lâu (vì khó tập trung).

Ngủ quá nhiều hoặc không đủ

Rối loạn giấc ngủ và trầm cảm là hai người bạn song hành. Ở một số người, trầm cảm khiến họ không ngủ được hoặc ngủ không ngon, trong khi những người khác lại ở thái cực đối lập: Tất cả những gì họ muốn làm chỉ là ngủ. Vậy bạn hãy chú ý khi mình hoặc người khác bỗng thay đổi thói quen đi ngủ: Thức khuya hoặc đi ngủ sớm hơn hẳn bình thường, không thể dậy đúng giờ, than phiền rằng ngủ không ngon, ngủ quá nhiều vào ban ngày… Trầm cảm thực ra là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề về giấc ngủ, một phần vì nó làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học tự nhiên của chúng ta.

Làm sao để bạn biết rằng mình thực sự bị trầm cảm, hay chỉ là đang trong cơn buồn bã? ảnh 4

Ăn không ngon hoặc ăn vô độ

Một lần nữa, triệu chứng có xu hướng hoặc ở thái cực này, hoặc ở thái cực khác: Người bị trầm cảm có thể không còn hứng thú ăn uống, hoặc lại rơi vào vòng luẩn quẩn cứ ăn liên tục, lung tung theo cảm xúc. Những biểu hiện đáng lo: Bỏ bữa, đột nhiên trở nên kén chọn thức ăn, mất hứng thú với những món trước đây rất thích, ăn vặt mà chẳng biết tại sao, nôn sau khi ăn, tăng hoặc giảm cân bất thường…

Có suy nghĩ đến chết chóc hoặc tự tử

Trầm cảm là một trong những tình trạng liên quan nhiều nhất đến các vụ tự tử. Bởi với một người trầm cảm, thì tự tử có vẻ là một cách thật sự… hợp lý để kết thúc những đau đớn và chịu đựng. 90% số người tự tử là bị trầm cảm, theo Học viện Sức khỏe Tinh thần của Mỹ. Ý định tự tử của người bị trầm cảm có thể được thể hiện trực tiếp, kiểu như: “Giá như mình chết đi thì hơn”, hoặc “Mình chỉ muốn chết thôi”, hoặc “Mình muốn kết thúc tất cả”. Hoặc nó cũng có thể được nói đến một cách gián tiếp: “Ai cũng sẽ thấy nhẹ nhõm hơn nếu không có mình”, “Mình không chịu nổi nữa”, “Mình ước giá như mọi chuyện đều chấm hết”, “Rồi mình sẽ chẳng có mặt ở đây nữa đâu”…

Làm sao để bạn biết rằng mình thực sự bị trầm cảm, hay chỉ là đang trong cơn buồn bã? ảnh 5

Đây là một tình trạng rất nghiêm trọng. Nếu bạn nghĩ có ai đó mà bạn biết định tự tử, thì đừng để họ một mình. Thay vì nhảy bổ vào hỏi: “Cậu đang nghĩ đến chuyện tự tử đấy à?”, hãy hỏi một loạt câu hỏi mà dựa vào đó bạn có thể hiểu được suy nghĩ của họ: Cậu đang cảm thấy thế nào? Cậu cảm thấy suy sụp sao? Hay cảm thấy tuyệt vọng vì chuyện gì? Cậu nghĩ rằng cuộc sống không đáng sống sao?... Để cho một người được nói về những gì mình đang cảm thấy sẽ giúp giảm nguy cơ thực hiện kế hoạch tự tử của họ.

Bạn biết không, nhận biết được bệnh trầm cảm và được điều trị đúng cách bởi các bác sĩ là một việc vô giá, vì nó có thể giúp bạn, hoặc người thân yêu của bạn, tránh được rất nhiều hậu quả tồi tệ. Và dù gì đi nữa, thì hầu hết các ca bệnh trầm cảm, kể cả những ca nghiêm trọng nhất, đều đáp ứng tốt với việc điều trị, thật đấy!

TEAMIRI

Từ khóa » Khóc Trong Lòng Là Gì