Làm Sao để Chiếc Nón Lá Việt Sống Mãi Với Người Việt?

Làm sao để chiếc nón lá Việt sống mãi với người Việt? - Ảnh 1.

Một tác phẩm sắp đặt bằng nón lá trên biển Lăng Cô (Huế) - Ảnh: VĂN THANH

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến các chuyên gia.

* Nhà nghiên cứu Trịnh Bách:

Chiếc nón luôn tạo ra sự kiện thời trang

Ở thời của cha ông chúng ta ngày xưa, khi người Việt sống đằm sâu trong văn hóa Việt, các loại nón lá như nón cổ châu, nón sơn, nón quang… rất đẹp đẽ, huy hoàng. Còn từ khi người Việt bắt đầu "Âu hóa", những gì còn rơi rớt lại của chiếc nón lá chỉ còn là một phụ trang, được làm ra một cách đơn sơ, có thể nói là rẻ tiền.

Hiện nay ở các miền thôn quê trong cả nước, chiếc nón lá vẫn là vật đội đầu tiện dụng và phổ thông nhất.

Còn về thời trang, nón lá không thể hợp với Âu phục được. Hai phong cách thời trang quá cách biệt. Nhưng nếu một người, nam hay nữ, mặc áo dài đúng cách mà đội thêm chiếc nón vào có thể sẽ là một sự kiện thời trang, nhất là nếu người đó là một nhân vật nổi tiếng.

Hay nếu một nhân vật Âu - Mỹ nổi tiếng mà mặc bộ đồ soirée nữ hay veston nam mà đội nón lá, dù có thể là khó nhìn, cũng trở thành một sự kiện thời trang.

Làm sao để chiếc nón lá Việt sống mãi với người Việt? - Ảnh 2.

Nón lá trên sàn diễn thời trang tại Huế - Ảnh: PHẠM VĂN TÝ

Làm sao để chiếc nón lá Việt sống mãi với người Việt? - Ảnh 3.

Du khách rất thích thú với chiếc nón Huế - Ảnh: PHẠM VĂN TÝ

* TS Trần Đình Hằng (phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật VN tại Huế):

Nón hóa thân trong nghệ thuật đương đại

Trang phục nói chung, và các trang phục che đội nói riêng, là chủ đề hấp dẫn khi tìm hiểu các vùng văn hóa, bởi tùy điều kiện địa lý tự nhiên, đặc tính văn hóa mà con người thể hiện những sắc thái che đội đặc thù.

Trong đó, nón lá là hình thái trang phục phổ biến, nhất là ở xứ sở nhiệt đới ẩm, con người đã biết chọn lựa thích ứng những chất liệu từ tự nhiên để làm nên trang phục che đội, cộng thêm chức năng trang sức cùng nhiều giá trị, định chế xã hội tương ứng.

Khi nhu cầu che đội bằng nón không còn phổ biến thì việc duy trì, phát triển nghề nón lá gặp nhiều khó khăn.

Thế nhưng, với nón Huế chẳng hạn, giá trị biểu tượng của xứ sở này đã thổi hồn cho nón lá trở thành món quà lưu niệm, kỷ vật chất chứa hình bóng và tình yêu quê hương, đã vượt lên chức năng sử dụng thông thường.

Gắn liền xu hướng tìm về cội nguồn, về với thiên nhiên, nón lá hội đủ chức năng che đội - trang điểm - trang phục, nhất là đối với người phụ nữ cũng như trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng, sẽ được thổi thêm sức sống.

Thêm vào đó, nón lá lại càng có thêm khả năng đặc biệt để hóa thân trong đời sống nghệ thuật đương đại, gắn liền với trang trí, thiết kế cảnh quan nội ngoại thất, lễ nghi khánh tiết, sân khấu...

Làm sao để chiếc nón lá Việt sống mãi với người Việt? - Ảnh 4.

Tôn vinh chiếc nón và nghề nón tại Festival Nghề truyền thống Huế năm 2005 - Ảnh: TRƯƠNG VỮNG

Làm sao để chiếc nón lá Việt sống mãi với người Việt? - Ảnh 5.

Áo dài và nón lá tại Lễ hội áo dài, Huế - 2017 - Ảnh: MINH TỰ

Sự biến đổi tất yếu

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, chiếc nón lá đẹp, phù hợp với người phụ nữ Việt, nhưng nón lá dần biến mất khỏi đời sống hiện đại là dễ hiểu: thoạt tiên là do thay đổi tốc độ giao thông, sau đó do sự thay đổi của trang phục, thân phận phụ nữ.

Phụ nữ xưa chỉ làm nội trợ; trừ nữ nông thôn gồng gánh, phụ nữ đi lại thong thả, duyên dáng, nón lá góp phần làm đẹp thêm nét duyên dáng ấy.

Nay phụ nữ làm mọi việc như đàn ông, cũng cần nhanh và gọn gàng hơn. "Phục trang luôn thay đổi theo thời gian, theo sự đổi thay của thân phận, chức phận, công việc, quan niệm của người mang trang phục, cuối cùng mới là thẩm mỹ" - ông Thượng phân tích. (THIÊN ĐIỂU)

Thăng trầm chiếc nón Việt Thăng trầm chiếc nón Việt

TTO - Nón lá cùng áo dài đã tạo thành bộ trang phục biểu trưng của người Việt. Áo dài nam nơi công sở vừa thử nghiệm ở Huế vẫn còn gặp trắc trở, nhưng áo dài lâu nay đã thăng hoa ở vị trí đầu bảng thời trang Việt. Còn chiếc nón Việt ở đâu bây giờ?

Từ khóa » Nón Lá Xưa Và Nay