Làm Sao Thụ Thai Khi Kinh Nguyệt Không đều? - VnExpress Sức Khỏe

Kinh nguyệt không đều là tình trạng chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 36 ngày. Bên cạnh đó, nếu chu kỳ kinh giữa các tháng có sự thay đổi đáng kể như tháng này 23 ngày, tháng khác lại 35 ngày cũng được xem là không đều.

Một số nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có chu kỳ kinh giữa các tháng chênh lệch từ 5 ngày trở lên sẽ có khả năng vô sinh cao hơn những người bị lệch 1-2 ngày. Nếu tình trạng này vượt quá hai lần trong một năm, phụ nữ cần thăm khám để được chẩn đoán kịp thời.

Chu kỳ kinh nguyệt không đều gây khó xác định thời điểm rụng trứng.

Chu kỳ kinh nguyệt không đều gây khó xác định thời điểm rụng trứng.

Nguyên nhân kinh nguyệt không đều

Mất cân bằng nội tiết tố là nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn kinh nguyệt. Bên cạnh đó, kinh nguyệt không đều có thể do một số bệnh lý dưới đây:

Hiện tượng không rụng trứng

Là một rối loạn hormone của chu kỳ kinh nguyệt, trong đó trứng trưởng thành không thể rời khỏi buồng trứng. Trường hợp này cần có sự can thiệp y khoa để kích thích rụng trứng.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Bồng trứng đa nang ảnh hưởng tới 1/8 phụ nữ trong độ tuổi sinh nở. Đây cũng là yếu tố dẫn tới hiện tượng kinh nguyệt không đều. Phụ nữ bị PCOS cũng có nguy cơ sẩy thai cao hơn.

Bệnh lý tuyến giáp

Bất thường ở tuyến giáp cũng có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt. Một số biểu hiện bệnh tuyến giáp: rối loạn cân nặng, khó ngủ, mệt mỏi, lo lắng hoặc trầm cảm không rõ nguyên nhân.

Tăng prolactin máu

Prolactin là một loại hormone chịu trách nhiệm chính trong việc kích thích vú sản xuất sữa mẹ. Do đó, biểu hiện của tăng prolactin máu thường là kinh nguyệt không đều thậm chí không có kinh, có hiện tượng tiết sữa mặc dù không cho có thai hoặc cho con bú.

Các triệu chứng kháccó thể xảy ra bao gồm sưng hoặc mềm vú, tiết sữa mẹ từ núm vú hoặc đau rát khi quan hệ tình dục.

Suy buồng trứng sớm

Là tình trạng buồng trứng suy giảm chức năng hoạt động trước tuổi 40. Phụ nữ bị tình trạng suy buồng trứng sớm thường có kinh nguyệt không đều, một năm có kinh vài ba lần, hay bốc hoả, ra mồ hôi đêm, khô âm đạo, suy giảm ham muốn tình dục.

Điều trị kinh nguyệt không đều

Dùng thuốc hỗ trợ

Nếu nguyên nhân kinh nguyệt không đều là do không rụng trứng, bác sĩ có thể kê thuốc hỗ trợ sinh sản để giúp thúc đẩy quá trình rụng trứng. Ngay cả khi bệnh nhân đã rụng trứng, nhưng quá trình rụng trứng không đều hoặc xảy ra rất muộn trong chu kỳ hàng tháng, các phương pháp điều trị khả năng sinh sản sẽ được áp dụng.

Bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ sinh sản có tác dụng kích thích quá trình rụng trứng. Các thuốc này giúp nang trứng phát triển và điều trị rối loạn chức năng phóng noãn.

Nếu chu kỳ kinh nguyệt không đều là do suy buồng trứng nguyên phát, các lựa chọn điều trị khả năng sinh sản có thể bị hạn chế. Trong nhiều trường hợp, phụ nữ bị suy buồng trứng sớm sẽ phải thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) bằng trứng hiến tặng.

Thường xuyên "yêu"

Nữ giới có chu kỳ kinh nguyệt không đều khó xác định chính xác ngày rụng trứng. Do đó, việc quan hệ tình dục với tần suất nhiều hơn (3 - 4 lần/tuần) sẽ giúp các cặp vợ chồng không bỏ lỡ ngày rụng trứng.

Thay đổi lối sống

Ngoài sử dụng thuốc và tăng tần suất "yêu", thay đổi lối sống như giảm cân, nghỉ ngơi điều độ, tránh căng thẳng, mệt mỏi... cũng là cách giúp tăng khả năng thụ thai.

Phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều có thể sử dụng bộ test rụng trứng. Tuy nhiên, đôi khi test nhanh cũng cho kết quả "dương tính giả". Hiện tượng này hay xảy ra ở phụ nữ bị đa nang buồng trứng (PCOS).

Cách khác để ước tính thời điểm rụng trứng là lập biểu đồ nhiệt độ cơ thể (BBT) và dịch nhầy cổ tử cung hoặc siêu âm canh trứng. Phương pháp này có độ chính xác cao hơn.

Bảo Bảo (Theo Very well family)

Từ khóa » Chu Kỳ 23 Ngày