Lâm Tặc Dùng Dây Cáp Kéo Gỗ Qua Vách Núi Dựng đứng - Báo Tuổi Trẻ

Lực lượng chức năng xem xét dấu vết và hướng đi của lâm tặc tại hiện trường vụ phá rừng - Ảnh: Nguyễn Nam

Để vào khu vực rừng bị lâm tặc chặt phá, đoàn kiểm tra phải dùng xe Win chuyên dụng đi rừng, băng hơn 10km từ đường lớn vào bìa rừng. Từ bìa rừng đoàn tiếp tục đi khoảng 3km qua các đoạn đường rừng núi quanh co, sau đó tiếp tục đi bộ khoảng 1 giờ, băng qua nhiều con suối và đồi mới tiếp cận được khu vực này.

Theo báo cáo tại chỗ của lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy (đơn vị quản lý khu vực rừng bị phá), lực lượng chức năng đã phát hiện rừng bị tàn phá ngày 5-11. Sau đó, lực lượng bảo vệ rừng đã liên tiếp báo cáo sự việc lên cấp trên để tiến hành các biện pháp ngăn chặn.

Hạt kiểm lâm huyện Bắc Bình cũng đã triển khai kế hoạch truy quét lâm tặc, ngăn chặn vụ việc.

Tại hiện trường vụ phá rừng, nhiều cây bằng lăng bị đốn hạ, cưa thành khối nhưng lâm tặc không thể lấy đi do lực lượng chức năng đã ngăn chặn kịp thời. Theo thống kê sơ bộ toàn bộ số gỗ bằng lăng trên được cưa thành 60m3, lâm tặc đã chuyển đi 25m3 rồi “bỏ của chạy lấy người” để lại hiện trường 35m3.

Do đây là khu vực hẻo lánh, có vách núi dựng đứng, giáp ranh giữa tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng nên lâm tặc đã rất kỳ công mới chuyển được gỗ đi. Gỗ cưa thành khối xong kéo dây cáp lên vách núi dựng đứng để đưa sang bên kia núi. Tiếp đó xe cải tiến có gắn bánh xích chở gỗ đi.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ được một khối lượng lớn dây cáp.

Lần theo dấu vết của lâm tặc, cơ quan chức năng xác định gỗ được đưa đi theo con đường cũ đã hình thành từ nhiều năm qua. Khu vực khai thác trái phép thuộc tỉnh Bình Thuận nhưng sau đó được đưa nhanh qua địa phận tỉnh Lâm Đồng. Hoạt động khai thác gỗ trên chủ yếu diễn ra vào ban đêm, lâm tặc thắp đèn phá rừng xẻ gỗ và luôn dò chừng bước đi của lực lượng chức năng.

Một số khối gỗ đã được các cán bộ giữ rừng tổ chức cưa lên tạo thành dấu vết nhằm ngăn chặn lâm tặc vận chuyển ra khỏi rừng đem đi tiêu thụ. Vì vậy sau đó lâm tặc không dám quay lại hiện trường.

Theo nhiều cán bộ kiểm lâm và bảo vệ rừng, hiện cơ quan chức năng không thể đem tang vật ra khỏi rừng do địa hình quá hiểm trở và không có phương tiện phù hợp. Còn phía lâm tặc được “trang bị” hiện đại hơn khi có xe cải tiến, dùng cách kéo gỗ bằng dây cáp lên vách núi.

Các nhóm lâm tặc hoạt động theo kiểu rình rập, chờ lực lượng chức năng rút là tiếp tục khai thác vào ban đêm và sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng. Trong quá trình truy quét lâm tặc, cơ quan chức năng cũng đã bắt giữ được nhiều xe bò.

Tại khu vực rừng bị tàn phá hiện có nhiều cây gỗ bằng lăng loại lớn. Ông Phan Văn Minh, trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, cho biết vụ phá rừng đã được phát hiện và tổ chức ngăn chặn kịp thời. Nếu không làm nhanh lâm tặc đã tấu tán được tang vật, số gỗ bằng lăng tại khu vực rừng còn lại sẽ rất khó tồn tại.

Hiện cơ quan này đã gửi báo cáo cho Sở NN&PTNT Bình Thuận, Ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng huyện Bắc Bình để xin ý kiến chỉ đạo xử lý tiếp theo.

Sau ngày kiểm tra 17-12, các cơ quan chức năng của huyện Bắc Bình sẽ củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án phá rừng trên để điều tra làm rõ.

Vụ phá rừng được pháp hiện ngày 5-11. Sau đó các cơ quan chức năng của huyện Bắc Bình đã tổ chức truy quét, ngăn chặn - Ảnh: Nguyễn Nam
Lực lượng chức năng đo đếm số gỗ đã được cưa xẻ thành khối còn bỏ lại tại hiện trường - Ảnh: Nguyễn Nam
Gỗ rừng bị lâm tặc cưa hạ - Ảnh: Nguyễn Nam
Những cây gỗ lớn được cửa xẻ thành khối - Ảnh: Nguyễn Nam
Một cây gỗ rừng loại lớn bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc - Ảnh: Nguyễn Nam
Lực lượng chức năng đã ngăn chặn không cho phạm vi phá rồng được mở rộng - Ảnh: Nguyễn Nam
Dây cáp loại lớn do lâm tặc bỏ lại hiện trường - Ảnh: Nguyễn Nam

Từ khóa » đi Kéo Gỗ