Làm Thế Nào để Tìm Ra đề Tài Nghiên Cứu? (Phần 3) | RCES

IDEA 3Trong số nhiều lí do dẫn đến tình trạng các nhóm nghiên cứu sinh viên không tìm được đề tài ở phần 1, cộng đồng RCES đã đề cập tới lí do các nhóm nghiên cứu càng đi sâu vào nghiên cứu thì càng thấy đề tài không khả thi. Trong trường hợp này, việc nhóm nghiên cứu quyết định quá vội vàng một đề tài mà chưa có sự tìm hiểu kĩ lưỡng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Vậy đâu là những tiêu chí mà các nhóm nghiên cứu cần chú ý khi lựa chọn 1 đề tài?

(Bài viết này có tham khảo một số nội dung đã được TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN chia sẻ tại chương trình R Talk 1 trong dự án I Research mùa thứ 2)

1. Tính khoa học

Đây có thể được coi là tiêu chí cơ bản nhất khi lựa chọn một đề tài NCKH. Tính khoa học ở một đề tài NCKH được thể hiện bằng việc đề tài phải được gắn với khung khổ lí thuyết và có cơ sở lí luận rõ ràng. Trong mỗi công trình nghiên cứu đều bắt buộc có 1 chương cơ sở lí luận. Chương này sẽ đề cập tất cả các nội dung về mặt lí thuyết của các nội dung cần thiết và liên quan đến đề tài.

Mục đích của chương này là xây dựng được một cơ sở lí luận vững chắc cho đề tài và lấy nội dung làm cơ sở cho các chương tiếp theo (xây dựng giả thuyết, mô hình, giải thích kết quả, đề xuất giải pháp, …) để đảm bảo các phần trong công trình nghiên cứu có sự logic, liền mạch, khoa học và thuyết phục. Vì vậy, một công trình được coi là một nghiên cứu khoa học phải đảm bảo xây dựng được một cơ sở lí luận vững chắc. Nếu đề tài của nhóm bạn không đáp ứng được yêu cầu này (không tìm được khung cơ sở lí luận liên quan) thì cần xem xét lại trước khi chốt đề tài để nghiên cứu sâu.

Trong trường hợp đề tài của nhóm bạn chưa được nghiên cứu tại Việt Nam, nhóm bạn cần đảm bảo tìm được các tài liệu nghiên cứu nước ngoài có cơ sở lí luận liên quan đến đề tài. Điều này rất phổ biến hiện nay khi sinh viên chúng ta đang sử dụng ngôn ngữ toàn cầu để hòa nhập với cả thế giới trong tất cả các lĩnh vực, chứ không chỉ trong hoạt động NCKH.

2. Tính mới

Một công trình nghiên cứu khoa học bắt buộc phải đảm bảo yêu cầu này vì nghiên cứu khoa học chính là hành trình đi trả lời những câu hỏi và tìm ra những điều mới. Vì vậy, một sản phẩm nghiên cứu được thực hiện sau một công trình khác nhưng không có điểm gì mới thì không được coi là một sản phẩm NCKH. Tính mới của một đề tài được thể hiện như thế nào?

label icon 4 Đề tài mới: Việc lựa chọn một đề tài mới (trong phạm vi lãnh thổ nhất định) mà chưa có (có ít) người thực hiện thể hiện rất rõ nét tính mới của đề tài bởi khi tiến hành một nghiên cứu mới, chắc chắn những kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là những kết quả nghiên cứu đầu tiên (trong phạm vi lãnh thổ nhất định). Đặc biệt, sản phẩm nghiên cứu những đề tài này thường được đánh giá cao cao vì giá trị của nghiên cứu mang lại nhiều hơn so với các sản phẩm nghiên cứu về một đề tài cũ. Kết quả tại các giải thưởng uy tín trong lĩnh vực NCKH dành cho sinh viên tại Việt Nam cũng cho thấy các đề tài đạt giải cao đều là những đề tài rất mới và chưa có nhiều nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam.

label icon 4 Công cụ, kĩ thuật và tiến trình nghiên cứu mới: Nghiên cứu khoa học đòi hỏi tính mới rất cao, không chỉ là ở đề tài mà còn ở công cụ, kĩ thuật phục vụ nghiên cứu và tiến trình nghiên cứu mới. Việc người nghiên cứu cập nhật được những công cụ mới, kĩ thuật mới, tiến trình nghiên cứu mới để nghiên cứu cũng được đánh giá cao vì nó mang lại kết quả nghiên cứu chính xác hơn và giúp cho các nghiên cứu sau được học hỏi cách thức thực hiện nghiên cứu tốt hơn.

Ví dụ, trong một nghiên cứu trước về đề tài “Những tác động của hiệp định TPP đến ngành dệt may Việt Nam”, tác giả A đã chỉ ra được các ảnh hưởng mang tính định tính của hiệp định này vì tác giả dùng phương pháp nghiên cứu định tính. Tuy nhiên, tác giả B cũng thực hiện đề tài này sau đó, nhưng dùng phương pháp nghiên cứu định lượng và lượng hóa được mức độ ảnh hưởng của các kết quả mà tác giả A đã chỉ ra. Như vậy, trong trường hợp này, tính mới mà đề tài của tác giả B đã được thể hiện ra rất rõ khi sử dụng được phương pháp nghiên cứu mới, có tiến trình thực hiện mới và kết quả nghiên cứu mới (rõ ràng hơn) so với công trình của tác giả A.

de tai nghien cuu moi

Internet là công cụ đắc lực giúp bạn tìm ra những đề tài có tính mới

label icon 4 Khám phá ra những điều không ngờ tới (từ đó mở ra một hướng thay thế mà trước nay chưa ai từng thực hiện).

Tính mới trong trường hợp này được thể hiện ở việc tìm ra những điều mà những người nghiên cứu trước đây chưa từng nghĩ tới/tìm ra. Nếu bạn là người đầu tiên đưa ra một kết quả nghiên cứu khác với các kết quả trước đó về cùng 1 vấn đề và có lí giải thuyết phục, nghiên cứu của bạn sẽ mở ra một hướng mới mà trước đây những người nghiên cứu khác chưa từng thực hiện.

label icon 4 Sử dụng các dữ liệu mới (được thu thập mới): Việc sử dụng dữ liệu mới cũng thể hiện tính mới của đề tài, được thể hiện rất rõ với 2 loại nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng phổ biến:

Với các nghiên cứu liên quan đến kinh tế vĩ mô, việc thay mới các bộ dữ liệu cũ bằng các bộ dữ liệu mới giúp đưa ra những kết quả mới cập nhật thực tế hơn, giải thích được thực tế diễn ra đúng hơn và đưa ra dự báo cho tương lai tốt hơn.

Với các nghiên cứu mang tầm vi mô thường được nghiên cứu áp dụng phương pháp nghiên cứu tình huống (case study) với những đối tượng và phạm vi giới hạn nhất định. Vì vậy, việc nghiên cứu tình huống với những đối tượng mới và phạm vi mới – sử dụng dữ liệu mới để chạy mô hình cũng sẽ mang lại những kết quả mới; giúp đưa ra kết quả nghiên cứu và đưa ra đề xuất giải pháp thích hợp cho trường hợp được nghiên cứu.

label icon 4 Đem lại các kết quả mới đối với hệ thống nghiên cứu hiện có.

Tính mới trong trường hợp này được thể hiện bằng việc nghiên cứu có những đóng góp mới đến hệ thống nghiên cứu của đề tài hiện tại. Ví dụ các nghiên cứu về đề tài “Những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua sắm trực tuyến của sinh viên” được thực hiện tại Việt Nam đã tìm ra được tổng cộng 6 yếu tố; tuy nhiên một nghiên cứu sau này tìm ra được 5 yếu tố (trong đó có 2 yếu tố chưa từng được phát hiện ra). Như vậy, với nghiên cứu này, tác giả đã tìm ra được 2 yếu tố mới và có thể đưa ra những khuyến nghị mới cho các đơn vị kinh doanh trực tuyến với đối tượng mục tiêu là sinh viên.

3. Tính khả thi

Nhắc tới tiêu chí này, chắc hẳn bạn đã thấy được tầm quan trọng của nó. Nếu đề tài không khả thi, chắc chắn nhóm nghiên cứu sẽ phải chuyển sang một đề tài nghiên cứu khác để tránh lãng phí thời gian cho 1 đề tài khó có thể thực hiện được. Vậy những đề tài nào khó có thể thực hiện được?

label icon 4 Không tiếp cận được nguồn tài liệu có cơ sở lí luận liên quan: Điều này có nghĩa là đề tài không đảm bảo được tính khoa học (đã được trình bày ở phần 1 phía trên), vì vậy không khả thi để thực hiện.

label icon 4 Không tiếp cận được nguồn dữ liệu muốn thu thập: Với các nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế bắt buộc phải có các nguồn dữ liệu dạng số để tăng tính thuyết phục cho kết quả nghiên cứu (với nghiên cứu định tính) và để phục vụ chạy mô hình nghiên cứu (với nghiên cứu định lượng). Vì vậy, nếu đề tài của nhóm bạn không có khả năng tiếp cận nguồn dữ liệu dạng số thì tính khả thi của đề tài sẽ ở mức rất thấp.

Các nhóm nghiên cứu cần hết sức chú ý về vấn đề này, để tránh lãng phí thời gian vào nghiên cứu cơ sở lí luận rồi sau đó mới thấy đề tài của mình không thể thực hiện được. Các trường hợp phổ biến thường rơi vào trường hợp này là các nghiên cứu cần sử dụng dữ liệu vĩ mô nhưng các nguồn dữ liệu này lại không được công bố công khai; hoặc các nghiên cứu cần thu thập dữ liệu thông quá hình thức khảo sát nhưng đối tượng được khảo sát lại không có khả năng tiếp cận/hoặc khả năng tiếp cận để lấy dữ liệu rất thấp (ví dụ thực hiện khảo sát với các CEO của các tập đoàn kinh doanh sản phẩm tiêu dùng nhanh tại Việt Nam; khảo sát quản lí cấp trung các doanh nghiệp vừa tại Việt Nam, khảo sát cán bộ cấp thành phố tại miền Bắc … là những khảo sát rất khó để thực hiện).

de tai nghien cuu kha thi

Tính khả thi của đề tài đóng vai trò quyết định khả năng một đề tài nghiên cứu có thể được hoàn thành hay không

label icon 4 Không có người hướng dẫn phù hợp

Nếu nhóm nghiên cứu thực hiện các nghiên cứu sử dụng mô hình quá phức tạp hay đề tài vượt quá tầm mà không có người hướng dẫn cũng sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi của đề tài. Vì vậy, nếu nhóm nghiên cứu quyết định làm một nghiên cứu đòi hỏi một số yêu cầu cao như trên thì nên có giảng viên đúng chuyên môn hướng dẫn trong quá trình thực hiện. Vai trò của giảng viên hướng dẫn chính là việc định hướng và hướng dẫn sinh viên trong quá trình thực hiện nghiên cứu. Nhiều trường hợp sinh viên chọn đề tài quá sức mà không tích cực giao tiếp với GVHD hoặc GVHD lại không mạnh về vấn đề nghiên cứu đó dẫn đến nhóm nghiên cứu bắt buộc phải thay đổi đề tài dù cho đã dồn không ít công sức. Vì vậy, các nhóm nghiên cứu nên khai thác tốt nguồn lực từ GVHD của mình và phải rất chủ động trong việc liên hệ các nguồn khác nếu cần hỗ trợ để thực hiện được công trình NCKH hiệu quả nhất.

4. Tính hấp dẫn

Đây cũng là tiêu chí quan trọng quyết định đến thành công của nghiên cứu. Chỉ khi thực sự làm điều mình thích thì chúng ta mới phát huy được tối đa tiềm năng trong mình và hoàn thành với chất lượng cao nhất. Chính vì vậy, các nhóm nghiên cứu hãy chủ động tìm tòi để lựa chọn được đề tài mình thực sự thích thú và muốn theo đuổi trên hành trình NCKH trong năm học này. Hãy bắt đầu bằng việc xác định lĩnh vực mình quan tâm và thu hẹp đề tài rộng để tìm ra đề tài nghiên cứu. Bạn có thể xem nội dung chi tiết về cách để tìm ra đề tài nghiên cứu trong phần 2 của loạt bài tại đây.

Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học (RCES)

Từ khóa » Các đề Tài Nckh