Làm Thế Nào để Vượt Qua Nỗi Nhớ Nhà? - Viva-Mundo

Chắc hẳn những ai từng sống xa nhà đều trải qua nỗi nhớ gia đình và bạn bè, nhất là sinh viên trong quãng thời gian du học. Đặt chân đến một đất nước xa lạ để bắt đầu hành trình mới có nghĩa là bạn phải hoàn toàn “tự thân vận động” chứ không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Nhưng một vài lời khuyên dưới đây sẽ là cứu cánh giúp bạn dễ dàng hoà nhập môi trường mới hơn nhiều đấy!

 

Trước tiên hãy cùng tìm hiểu cảm xúc thường gặp của nỗi nhớ nhà

              Hoài niệm: thường so sánh tâm trạng và hoàn cảnh hiện tại với những ký ức tốt đẹp của bạn trong quá khứ

              Bất an: luôn rơi vào trạng thái lo lắng cực độ, bị tác động bởi suy nghĩ tiêu cực và khó tập trung vào một việc nào đó

              Tính khí thất thường: chế độ ăn uống không hợp lý, khó hoà đồng và có xu hướng cô lập bản thân

              Trầm cảm: cảm thấy tuyệt vọng, không thể mở lòng, gặp trở ngại trong công việc và học tập, sợ hãi khi tiếp xúc với mọi người

Nhớ nhà thường mang đến cho du học sinh cảm giác “xa nghìn trùng” với quê nhà – nơi quá đỗi quen thuộc với bạn, đó còn là khi bạn thấy bất lực vì không một ai bên mình trong hoàn cảnh khó khăn. Dù vậy cũng đừng quên rằng nỗi cô đơn này sẽ không tồn tại mãi.

Nói cách khác nó còn tuỳ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Thật không dễ dàng gì từ bỏ những thói quen, sự thoải mái để thích nghi với một lối sống, nền văn hoá mới, nhưng một khi bạn tự nhủ với bản thân rằng đây chỉ là cảm xúc thoáng qua và không đáng có trong thời điểm này thì bạn sẽ dần điều tiết được tâm trạng và hoà nhập một cách nhanh chóng.

 

Nhưng làm sao thay chuyển cảm xúc?

Có hai cách hoàn toàn trái ngược nhau để “đối phó” với nỗi nhớ nhà. Một là cố gắng sống chung với nó, cách còn lại là gạt nó ra khỏi bạn. Loại bỏ những cô đơn ra khỏi con người bạn và không để nỗi nhớ lấn át cảm xúc. Mỗi người đều có “phương thức trị liệu” nỗi nhớ nhà khác nhau, nhưng bạn hãy nhớ rằng: chỉ khi dám đương đầu với nó, thì bạn mới có thể hoàn toàn tận hưởng quãng đời du học tuyệt vời của mình.

 

Và sau đó…

  1. Hãy ra khỏi nhà và làm một việc nào đó. Bất cứ việc gì bạn muốn. Hãy để thời gian rảnh rỗi lấp đầy bởi những sở thích cá nhân. Chắc chắn là bạn chỉ càng nhớ nhà hơn khi  suốt ngày nằm ì trong phòng và không buồn làm gì cả.
  2.  Nếu bạn chưa nghĩ ra việc để làm thì tìm một thứ bạn thích thú ngay và luôn. Đắm mình vào nền văn hoá mới, ngoài kia có vô số lễ hội và hoạt động địa phương để bạn tham gia đấy. Hãy đảm bảo bạn tìm ra được một trò tiêu khiển cho mình.
  3. Bước khỏi vùng an toàn và tận hưởng bản sắc văn hoá xung quanh bạn. Điều bạn cần là “sống từng khoảnh khắc” vì thời gian du học trôi qua nhanh hơn bạn nghĩ đấy; nắm bắt mọi cơ hội đến với bạn và không để “chết” một giây phút nào cả.
  4. Hãy kiên cường. Mở lòng với mọi người và cho họ biết cảm giác của bạn. Luôn  giữ liên lạc với bạn bè, đặc biệt là những người có chung nỗi nhớ nhà với bạn. Nếu có thời gian, bạn nên viết vài dòng nhật ký để “giải phóng” suy nghĩ trong đầu, rồi bạn sẽ ngạc nhiên những gì điều đó mang lại đấy.
  5. Phát huy óc sáng tạo của mình. Nếu bạn thấy “rối chữ” khi viết nhật ký thì…hãy trổ tài hội hoạ, viết một câu chuyện ngắn, tạo ra thứ gì đó mới toanh hay thư giãn bằng một điệu nhảy. Quan trọng là bạn phải luôn có một việc yêu thích để làm và không cảm thấy quá áp lực khi mọi thứ không mấy suôn sẻ. “Xốc” lại tinh thần và thử lại lần nữa nào!
  6. Học một ngôn ngữ mới. Rào cảo giao tiếp lớn nhất chính là bất đồng ngôn ngữ. Và tất nhiên học một thứ ngôn ngữ mới không đơn giản chút nào, tuy vậy, khi xung quanh là người bản xứ thì bạn sẽ dễ tiến bộ hơn rất nhiều. Đừng ngại khi mắc lỗi, họ sẽ vui lòng sửa chửa lại cho bạn ngay thôi.
  7. Chăm chỉ rèn luyện thể chất. Tập thể dục giúp con người cảm thấy vui tươi hơn bằng cách điều tiết “hóc môn hạnh phúc” (endorphin). Điều này có thể giúp bạn chống trầm cảm và lo âu.
  8. Biến nơi mình ở thành “quê nhà”. Nghe một bản nhạc bạn yêu thích, hay trang trí lại căn phòng để bạn cảm thấy như mình đang ở nhà. Sau đó nhấc máy lên và tâm sự với gia đình và bạn bè. Bạn có thể dùng chút thời gian của mình để nhớ về năm tháng xưa nhưng tránh để bị cuốn vào kỉ niệm. Bạn cần lưu ý cách này cũng không hoàn toàn hiệu quả đâu đấy.
  9. Học cách kiên nhẫn. Sinh sống tại một nơi mới là điều không hề dễ dàng và việc thích nghi còn khó hơn nữa. Nhưng rồi đâu sẽ vào đấy. Đừng quên rằng cuộc sống sẽ lại như xưa khi bạn “hồi hương” nên đừng quá bận tâm về những đổi thay. Lúc bạn trở về quê nhà, những người quanh bạn vẫn như vậy, bạn vẫn có thể tụ tập vui chơi. Chỉ có một điều duy nhất thay đổi; đó là con người bạn – một người trưởng thành hơn bao giờ hết qua những trải nghiệm thời du học sinh. Bạn cần ghi nhớ rằng cơ hội được học tập ở một đất nước mới không đến nhiều lần trong đời. Quẳng bớt gánh lo và tận hưởng cuộc sống đi nhé.
  10. Điều cuối cùng, hãy nhớ đến lý do tại sao bạn lại quyết định du học.

Từ khóa » Cách Vơi đi Nỗi Nhớ Nhà