Làm Thế Nào Khi Niệm Phật Bị Vọng Tưởng, Tán Loạn

Làm thế nào khi niệm Phật bị vọng tưởng là câu hỏi của hầu hết Phật tử niệm Phật cầu vãng sanh. Hiếm người biết rằng, vọng tưởng tán loạn chẳng ảnh hưởng gì đến việc Vãng sanh của ta cả! Bởi thế Pháp Nhiên Thượng Nhân bảo: “Đã sanh về cõi dục giới tán địa này, tâm ai chẳng có vọng tưởng, chẳng bị tán loạn. Nếu bảo bỏ tâm tán loạn niệm Phật mới được vãng sanh thì quả là vô lý.”

  • Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • Sự Thật về Đồng bóng
  • Sự thật về hạn Tam Tai.
  • Cách giúp đỡ những người bị Ma nhập.
  • Niệm Phật A Di Đà được cảm ứng.
Niệm Phật bị vọng tưởng Niệm Phật bị vọng tưởng phải làm sao?

Niệm Phật Bị Vọng Tưởng Tán Loạn

Xưa có người hỏi Pháp Nhiên Thượng Nhân (Tổ Tịnh Độ tông Nhật Bản): “Con tuy niệm Phật nhưng tâm cứ tán loạn, vậy phải làm sao?”. Ngài trả lời: “Đã sanh vào cõi Dục giới tán địa này, thì tâm ai cũng bị tán loạn cả. Tương tự như đã sanh làm người thì ai cũng có mắt, mũi…Nếu bảo rằng, phải bỏ tâm tán loạn mới được vãng sanh thì thật vô lý.

Người niệm Phật bị vọng tưởng, tâm tán loạn mà vẫn được vãng sanh mới nói lên sự thù thắng của Bổn nguyện tiếp dẫn. Tâm tuy tán loạn nhưng nương vào năng lực đại nguyện của đức A Di Đà nhất định vẫn được vãng sanh.

Đức Phật A-di-đà đã lựa chọn pháp Niệm Phật làm Bổn nguyện thù thắng; bởi lẽ, có năng lực khiến hết thảy chúng sanh được bình đẳng vãng sanh về Báo độ Cực lạc một cách dễ dàng, không phân biệt dù là hạng ngu si ti tiện không biết một chữ, bất cứ người nào cũng có thể toại nguyện. Chính thế, Niệm Phật Bổn nguyện vừa thù thắng vừa giản dị.

*

Tôi cũng đôi lần hỏi các Thầy câu này, và câu trả lời luôn nhận được là: “Các Thầy cũng vậy, không có chi khác”. Những người chân thật tu hành luôn khiêm tốn như thế đó. Tâm phàm phu chúng ta làm sao mà không tán loạn được. Lại cuộc sống bộn bề mưu sinh, cơm, áo, gạo, tiền. Chúng ta không buông bỏ hết thảy để niệm Phật được. Vậy nên cứ tranh thủ lúc nào nhớ ra thì niệm, quan tâm chi đến tán loạn hay không.

Niệm sáu chữ hồng danh là việc của ta, còn tiếp dẫn vãng sinh là việc của đức Phật A Di Đà. Ngài không bao giờ nói dối cũng không bao giờ Nguyện dối chúng sanh. Chỉ tin chắc điều bình dị này là đủ, nào cao xa chi để phải hướng ngoại tìm cầu?!

Niệm Phật bị vọng tưởng chẳng ảnh hưởng gì đến việc vãng sanh!

Thật đấy, Tổ Ấn Quang bảo: “Trừ phi bậc Thánh nhân xuất thế, không ai niệm Phật mà không bị vọng tưởng cả”. Đặc biệt trong thời mạt sâu này, chúng sanh nghiệp nặng tâm tạp, lại không có Thiện Tri Thức để tựa nương, người niệm Phật định tâm cực hiếm.

Kinh Niệm Phật Ba La Mật, Như Lai dạy: “Muốn được vãng sanh Cực Lạc chỉ cần xưng danh hiệu Phật là đủ. Vì Danh Hiệu chính là biểu tướng của Pháp Thân Phật vậy. Và người niệm Phật khỏi phải kiêm thêm bất cứ môn tu nào nữa. Vì ngay nơi danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật luôn luôn chứa đựng vô lượng vô biên công đức, vô lượng vô biên diệu dụng, vô lượng vô biên quang minh, tướng hảo, uy lực…không thể nghĩ bàn”.

Lại bảo: “Tin rằng Bản nguyện của Phật A Di Đà là chân thật, rốt ráo, là tối thắng. Và ngài không hề bỏ sót một chúng sanh nào cả, dù kẻ ấy phạm vào ngũ nghịch, thập ác…”.

Niệm Phật bị vọng tưởng cứ kệ nó

Một đôi lần tôi hỏi các Thầy:

“Con niệm Phật bị vọng tưởng, phải làm sao?”

Trả lời:

“Mặc kệ nó, cứ cắm đầu mà niệm, một thời gian, vọng tưởng tự hết”

Lại hỏi:

“Vọng tưởng có ảnh hưởng gì đến vãng sanh không?”

Trả lời:

“Không, vì Đức A Di Đà có nguyện tiếp dẫn người niệm Phật. Ngài chỉ yêu cầu niệm danh hiệu của Ngài, nào có yêu cầu gì khác đâu?”

Lại hỏi:

“Nếu thành Phật, để cứu độ hết thảy chúng sinh. Thầy dạy cách thực hành khó hay dễ?”.

Trả lời: “Dễ!”.

Lại hỏi:

“Cách dễ nhất là gì?”.

Trả lời:

“Niệm Phật!”…

Chao ôi, bi tâm đến thế này là cùng cực rồi chứ còn chi nữa? Phật dạy: “Y Pháp bất y Nhân”. Kinh dạy thế nào ta cứ y theo mà thực hành, ngó đông chạy tây, hướng ngoại tìm cầu để mà chi, lời từ kim khẩu của Thế Tôn ta không tin thì còn tin ai nữa? Ngài dạy niệm Phật được vãng sanh thì ta cứ tin sâu mà niệm thôi. Dù khi niệm Phật bị vọng tưởng thì cũng kệ nó, quan tâm làm gì. Ai niệm Phật mà chẳng bị vọng tưởng. Và vọng tưởng cũng nào có ảnh hưởng gì đến việc Vãng sanh của ta đâu?

Niệm Phật bị vọng tưởng – Đừng Lo!

Pháp Nhiên Thượng Nhân dạy: “Không cần để ý đến vọng niệm này nọ, không cần để ý đến tâm tán loạn không thanh tịnh, mà chỉ chuyên cần xưng niệm danh hiệu Phật. Nếu thường xưng niệm danh hiệu thì nhờ công đức của danh hiệu Phật mà vọng niệm tự dừng, tán loạn tự an. Ba Nghiệp ThânKhẩu-Ý tự điều hòa, tâm nguyện tự phát. Do thế:

  • Khi tâm nguyện sanh yếu cũng Nam mô A-di-đà Phật.
  • Khi tâm tán loạn nhiều cũng Nam mô A-di-đà Phật.
  • Khi vọng niệm sanh khởi cũng Nam mô A-di-đà Phật.
  • Khi thiện tâm phát khởi cũng Nam mô A-di-đà Phật.
  • Khi tâm bất tịnh cũng Nam mô A-di-đà Phật.
  • Khi tâm thanh tịnh cũng Nam mô A-di-đà Phật.
  • Khi Ba tâm còn yếu kém cũng Nam mô A-di-đà Phật.
  • Khi Ba tâm đã đầy đủ cũng Nam mô A-di-đà Phật.
  • Khi Ba tâm hiện khởi cũng Nam mô A-di-đà Phật.
  • Khi Ba tâm thành tựu cũng Nam mô A-di-đà Phật.

Đây là những phương tiện để nhất định được vãng sanh, mong hành giả ghi khắc vào tâm can, xin chớ lãng quên!!!”

*

Nhất Biến Thượng Nhân (Sơ Tổ Tịnh Độ Tông Nhật Bản) Sau khi được đức Phật A-di-đà khai thị, Ngài liền đọc kỹ lại quyển Quán Kinh Sớ của Đại sư Thiện Đạo và phát giác ra rằng, không một chữ nào, không một câu nào là không phải công đức của Nam mô A-di-đà Phật, bắt đầu từ “Phần Huyền Nghĩa” với tiêu đề Tiên Khuyến Đại Chúng Phát Nguyện Quy Tam Bảo (Trước tiên khuyến khích đại chúng phát nguyện quy y Tam Bảo) đã là Nam mô A-di-đà Phật; kế tiếp cho đến phần cuối cùng, thì chữ nào, câu nào cũng đều là danh hiệu A-di-đà Phật.

Từ sự kiện khuyến khích mọi người nhất tâm nương tựa đức Phật A-di-đà như thế, là để họ thuần nhất xưng niệm danh hiệu Ngài nhằm xả bỏ những quán niệm vọng động của tâm, nghĩa là, xả bỏ những tư duy về thiện – ác, tịnh – uế; xả bỏ những chấp trước về tin- nghi, mê – ngộ; xả bỏ các sự phân biệt Tăng – tục, trí – ngu. Tất cả những quán niệm của tâm đều xả bỏ, chỉ duy nhất trú tâm vào một câu Nam mô A-di-đà Phật.

Cho đến, khi cảm ân hoan hỷ cũng Nam mô A-di-đà Phật; khi xót thương bản thân, không cảm ân không hoan hỷ cũng Nam mô A-di-đà Phật; khi tàm quý sám hối cũng Nam mô A-di-đà Phật; khi rất xấu hổ cho bản thân, không tàm quý không sám hối cũng Nam mô A-di-đà Phật; khi tâm thanh tịnh cũng Nam mô A-di-đà Phật, khi tâm tán loạn cũng Nam mô A-di-đà Phật.

*

Không kể thiện – ác, tội – phước; không kể trí – ngu, mê – ngộ; không kể tịnh – uế, tin – nghi; không kể thời gian, nơi chốn, mọi công việc; không kể mười phương, ba đời, thanh thoát tự tại, tánh linh sáng suốt để mà xưng niệm danh hiệu.

Tuy nhiên, người nguyện sanh về thế giới ấy cần biết rõ: Danh hiệu tức tín tâm, tín tâm tức xưng danh hiệu, xưng danh hiệu tức vãng sanh. Trong danh hiệu vốn đầy đủ hết thảy công đức, còn hàng phàm phu hư vọng thì điều gì cũng không viên mãn, nên Đại sư Thiện Đạo bảo: “Dù phát tâm thanh tịnh cũng giống như vẽ trên nước”. Qua đây, chỉ có Niệm Phật là đầy đủ tất cả, Thiền sư Đạo Xước khai thị Niệm Phật sẽ có: “Hai lợi ích trước và sau, tức đời hiện tại và đời tương lai”.

Đại sư Thiện Đạo cũng nói: “Niệm Phật có Ba duyên” (Thân duyên, Cận duyên, Tăng thượng duyên); cũng bàn về: “Niệm Phật có Bốn đức” (Tán thán, Sám hối, Phát nguyện hồi hướng, Trang nghiêm Tịnh Độ); cũng tán thán: “Niệm Phật có Năm điều tốt đẹp” (Người hiền thiện, Người hiền thiện tuyệt diệu, Người hiền thiện bậc thượng thượng, Người hy hữu, Người tối thắng); và cũng xác minh sự lợi ích: “Niệm Phật có Năm Tăng thượng duyên” (Diệt tội, Hộ niệm, Thấy Phật, Thâu nhiếp vãng sanh, Chứng thật vãng sanh).

*

Do thế nên Quán Kinh Sớ kết luận rằng, cần phế bỏ Định thiện, phế bỏ Tán thiện, buông xả chấp thủ Căn cơ và Chánh pháp, độc nhất nêu lên ngọn cờ “Thuần nhất xưng niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà”; như thế, chính là hiển thị tín tâm hiện hữu ngay trong bản thân danh hiệu, nếu hiểu rõ “Chỉ thuần nhất xưng niệm, hẳn nhiên được vãng sanh”, tín tâm ắt hẳn hiện hữu trong sự xưng niệm này.

Nếu luận về ân nghĩa của đức Phật A-di-đà, cho dù nghiền nát thân xác thành cát bụi, cũng không mảy may báo đền được công đức ấy; huống hồ, hạng phàm phu không có ý niệm chân thật nghiền nát thân xác thành cát bụi để báo đền ân Phật, vậy phải làm sao?

– Đáp: Thuần nhất xưng niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà. Tức là, khi cảm ân báo đức, khi khen ngợi reo vui, khi buồn khổ khi hoan hỷ, khi thanh tịnh, khi vọng tưởng, khi ba suy nghĩ, khi trăm toan tính, ngàn câu vạn lời, đều Nam mô A-di-đà Phật, Nam mô A-di-đà Phật…, huống gì đã trình bày Căn cơ và Chánh pháp vốn là nhất thể…

Do vậy, khi Thượng nhân Nhất Biến vừa thể ngộ liền làm một bài ca để biểu đạt ý nghĩa này: “Người xưng niệm không có Phật, không có ta, Chỉ có âm thanh Nam mô A-di-đà Phật mà thôi”.

( Niệm Phật bị vọng tưởng – Theo Niệm Phật nhất định được vãng sanh)

Tuệ Tâm 2019.

5/5 - (5 bình chọn)
  • Share on Facebook
  • Tweet on Twitter
  • Share on LinkedIn

Từ khóa » Niệm Phật Tâm Tán Loạn