Làm Thế Nào, Và Ai Cứu được Các Trường Cao đẳng Sư Phạm?

Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có một câu quan trọng nói đến tuyển sinh sư phạm: “Có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm”. Được biết, vào tháng 8/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về vấn đề chất lượng đào tạo tại hệ thống các trường, các ngành sư phạm và chất lượng tuyển sinh đầu vào của khối các trường sư phạm; đồng thời cũng cho một số ý kiến chỉ đạo, bước đầu giải quyết tình trạng này. Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng mà lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để đảm bảo quản lý tốt chất lượng tuyển sinh, đào tạo và đầu ra của các trường, các ngành sư phạm đó là việc quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng sư phạm trên cả nước. Cả nước hiện có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Đó là chưa kể các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có ngành đào tạo giáo viên.

Tiến sĩ Đặng Lộc Thọ cho rằng, chắc chắn tỷ lệ học sinh đạt học sinh giỏi chiếm tỷ lệ không cao và trong số này nhu cầu vào đại học sư phạm cũng sẽ không cao. (Ảnh: Thanh Sơn)
Tiến sĩ Đặng Lộc Thọ cho rằng, chắc chắn tỷ lệ học sinh đạt học sinh giỏi chiếm tỷ lệ không cao và trong số này nhu cầu vào đại học sư phạm cũng sẽ không cao. (Ảnh: Thanh Sơn)

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Trung ương chia sẻ:

“Hiện nay, chúng tôi đã có câu lạc bộ các trường cao đẳng sư phạm trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bao gồm 3 trường cao đẳng sư phạm trung ương và các trường cao đẳng sư phạm địa phương. Do không cùng một cơ quan quản lý nên thành viên trong câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn.

Bởi lẽ, các trường cao đẳng sư phạm trung ương thì do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý các ngành sư phạm, các ngành ngoài sư phạm lại do Bộ Lao động thương binh và xã hội quản lý. Còn khối các trường cao đẳng sư phạm địa phương thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và xã hội và cả chính quyền địa phương quản lý.

Làm thế nào, và ai cứu được các trường cao đẳng sư phạm? ảnh 2Học sinh giỏi, chắc gì các em đã muốn vào sư phạm?

Hơn nữa theo chủ trương hiện nay một số ngành không nhận giáo viên có trình độ cao đẳng.

“Vậy chúng tôi sẽ tồn tại thế nào?””, Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Trung ương đặt câu hỏi. Ngoài ra, đối với ngành đào tạo giáo viên, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định riêng về điều kiện tuyển sinh. Cụ thể, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên như sau: “Đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên”. Dự kiến, trước ngày 15/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; Tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên chính quy. Thông tư này được Bộ đưa ra lấy ý kiến vừa qua, hiện nay đang trong quá trình thẩm định. Về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Lộc Thọ cho rằng, chắc chắn tỷ lệ học sinh đạt học sinh giỏi chiếm tỷ lệ không cao và trong số này nhu cầu vào đại học sư phạm cũng sẽ không cao.

Nhưng ngành sư phạm đang khiến thí sinh hoang mang thì đại học mà các em còn không vào chứ nói gì đến cao đẳng. Chính điều này đang khiến nhiều trường chuyển hướng đi từ “sở trường” sang “sở đoản” tức là hiện nay đào tạo giáo viên mầm non đang có nhu cầu (tức là sẽ tuyển sinh được) và các trường cao đẳng sư phạm trung ương đang tồn tại được là nhờ nhu cầu này.

Làm thế nào, và ai cứu được các trường cao đẳng sư phạm? ảnh 3Nhiều văn bản của Bộ Giáo dục làm các trường cao đẳng sư phạm chao đảo

Nhưng cũng chính điều này làm cho các trường cao đẳng sư phạm địa phương cũng chuyển sang đào tạo giáo viên mầm non.

“Khi không đúng sở trường thì chất lượng sẽ thế nào?”, ông Thọ băn khoăn. “Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có cuộc khảo sát để nắm bắt tình hình chất lượng giáo viên đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục đào tạo đã cho thấy, đào tạo giáo viên mầm non có chỗ chưa đáp ứng vì giảng viên không đúng sở trường”, Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm trung ương tiết lộ. Ngoài ra, được biết, việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm sẽ được thực hiện theo hướng: các trường đại học có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trường sư phạm trọng điểm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm này. Toàn bộ chương trình đào tạo của các trường sư phạm sẽ được chuẩn hóa và sử dụng đồng bộ trong toàn hệ thống để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên ở các nơi được đồng nhất. Về vấn đề này, lãnh đạo nhiều trường cao đẳng sư phạm băn khoăn rằng, các trường cao đẳng sư phạm có nằm trong mạng lưới các trường sư phạm hay không? Từ đây, thầy Thọ nêu thực tế, năm 2015, trường Cao đẳng sư phạm Hà Nam được gắn biển phân hiệu của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ đó đến nay, việc sáp nhập vẫn đang trong quá trình tiến hành, do đó đến nay mô hình hoạt động của trường chưa rõ. Và trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 trên các phương tiện thông tin đại chúng có nêu rằng, trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam đã liên kết, đào tạo chui hàng nghìn sinh viên tại Hà Nội. Điều này cho thấy một bất cập rằng, trường Đại học sư phạm Hà Nội trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo còn trường Cao đẳng sư phạm Hà Nam trước đây trực đây trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam. Chính vì vậy, việc giải quyết sự hợp nhất về mô hình đào tạo đã và đang gặp nhiều khó khăn.

Làm thế nào, và ai cứu được các trường cao đẳng sư phạm? ảnh 4Thủ khoa không có việc làm, sao mơ đến chuyện “học sinh ưu tú vào ngành sư phạm”

Thử hỏi, trong thời gian trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang tiến hành các thủ tục xin phép mở phân hiệu tại Hà Nam, với cơ sở là Cao đẳng Sư phạm Hà Nam thì trường Cao đẳng sư phạm Hà Nam sẽ hoạt động chuyên môn như thế nào? Đội ngũ giảng viên của trường Cao đẳng sư phạm Hà Nam sẽ đi về đâu? Giả sử trường Đại học sư phạm Hà Nội có dự kiến biến địa điểm Hà Nam thành mô hình đào tạo thực hành trực thuộc Đại học sư phạm Hà Nội.

Vậy khi đó, trường Cao đẳng sư phạm Hà Nam sẽ tham gia trong vai trò nào? Kinh phí hoạt động ra sao?...

Tất cả những câu hỏi này đến nay vẫn chưa tìm được câu trả lời, thế nên mới xảy ra tình trạng không đơn vị nào giao chỉ tiêu tuyển sinh để Cao đẳng sư phạm Hà Nam hoạt động. Lúc này, thầy Thọ đặt vấn đề: “Không lẽ, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại giao chỉ tiêu cho Đại học sư phạm Hà Nội đào tạo cao đẳng thì không đúng vì thủ tục sáp nhập chưa được hoàn thành.

Nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam lúc này cũng không còn chức năng giao chỉ tiêu tuyển sinh cho trường nữa. Trường sẽ tuyển sinh như thế nào? Thế nên mới bị mang tiếng là “tuyển sinh chui””.

Thanh Sơn

Từ khóa » đặng Lộc Thọ