Lan Hoàng Thảo Kèn: Nhận Biết, Phân Loại Và Cách Trồng đúng Cách

Hoàng thảo kèn mang đúng nghĩa là nàng công chúa xinh đẹp nhưng lại đỏng đảnh khó ưa. Có những loại hoàng thảo kèn bán theo cân, có loại bán theo thân, có những loại bán theo bảng và giá cũng rất khác nhau. Vậy cách nhận biết hoàng thảo kèn thế nào là chuẩn, thuần hóa lan kèn ra sao, cùng chăm lan chúng tôi tìm hiểu nhé!

Nguồn gốc của cây lan hoàng thảo kèn

Lan hoàng thảo kèn ( Dendrobium Lituiflorum) là loài lan thuộc họ hoàng thảo, sống bám trên cây trong rừng có độ cao từ 300-1600m so với mực nước biển. Cây phát triển trong điều kiện nhiệt độ mát đến ấm, có khả năng chịu lạnh tốt đến 1-2 độ C, ưa nắng trung bình và không thích nắng trực tiếp.

Lan hoàng thảo kèn khá dễ nhận biết với phần lưỡi ống tròn trịa
Lan hoàng thảo kèn khá dễ nhận biết với phần lưỡi ống tròn trịa

Lan kèn phân bố chủ yếu ở khu vực rừng tự nhiên từ Nam Á đến Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Cây mọc nhiều nhất ở các tỉnh miền Bắc như Lai Châu, Sơn La…và ở tỉnh Kon Tum. Trong đó hoàng thảo kèn Lai Châu là nổi tiếng cho khuôn bông đẹp, màu sắc sặc sỡ nhất và có giá trị nhất.

Lan hoàng thảo kèn hiện nay được phân loại theo nguồn gốc của cây. Bởi lẽ tùy vào vùng miền mà lan hoàng thảo kèn lại có khuôn bông, màu sắc đậm nhạt khác nhau. Đẹp và quý nhất là hoàng thảo kèn Lai Châu, sau đó đến các cây lan kèn rừng ở vị trí địa lý khác, và cuối cùng là lan kèn Tàu. Cách đây chừng 2 năm ( 2018-2019 ) hoàng thảo kèn Tàu được du nhập vào Việt Nam rất nhiều với giá rất rẻ, bán theo cân, thân dài, sai hoa nhưng màu hoa không được sặc sỡ và lưỡi không được tròn xuất sắc như kèn Lai Châu.

Cách nhận biết lan hoàng thảo kèn

Lan hoàng thảo kèn có thân dài từ 50-80cm, thân hình trụ, căng tròn, nhẵn bóng, thon nhọn về phía đuôi. Đường kính thân từ 0,5-1cm, tùy thuộc vào điều kiện môi trường sống. Thân cây có màu xanh cốm, có ít những vết sọc trắng mờ,cổ lá thường có khấc màu xanh trắng. 

Lá cây lan kèn khá hẹp, thuôn dài, mọc đối so le nhau và cách nhau từ 1-3 cm. Kích thước lá dài 8-10cm và rộng khoảng 2-3 cm. Lá cây có màu xanh đậm, xanh nhạt hoặc ngả vàng tùy thuộc vào điều kiện môi trường sống của nó.  Thông thường cây lan sẽ rụng lá vào cuối thu, đầu đông.

Hoàng thảo kèn là loài lan có bộ rễ chùm, phát triển từ mùa xuân đến cuối thu. Mùa đông bộ rễ hầu như không phát triển. Đầu rễ thường có màu xanh tím hoặc xanh trắng, thân rễ có màu trắng ngà, ít khi có màu khác.

Hoàng thảo kèn rất sai hoa, thường hoa sẽ nở dọc ⅓ cho đến ⅔ thân cây. Các bông hoa mọc từ các mắt ngủ dọc thân cây, mỗi mắt thường có từ 1 đến 3 bông hoa. Kích thước mỗi bông chừng 4-5 cm.

Hoàng thảo kèn ưa thời tiết lạnh, ôn đới nên thường ở các vùng khí hậu mát mẻ sẽ nở hoa trước, khoảng chừng tháng 3-4 dương lịch. Ở khu vực đồng bằng có khí hậu nóng hơn sẽ cho hoa vào khoảng tháng 5- tháng 6.

Hoàng thảo kèn có mùi hương đặc trưng, quyến rũ hấp dẫn người chiêm ngưỡng. Cây cho hoa bền từ 7-15 ngày tùy vào thời tiết nóng ẩm hay se lạnh.

Cách trồng hoàng thảo kèn

Lan hoàng thảo kèn tuy đẹp nhưng lại không phải loại dễ trồng, ngoại trừ hàng kèn Tàu. Bạn có thể trồng lan hoàng thảo kèn vào chậu hoặc trồng với giá thể gỗ lũa, dớn đĩa, dớn bảng đều được

Trồng hoàng thảo kèn vào chậu

Cách trồng lan kèn vào chậu đơn giản
Cách trồng lan kèn vào chậu đơn giản

Bước 1: Xử lý giống

Bạn cần chọn giống cây khỏe mạnh, thân to mập mạp, không có dấu hiệu mầm bệnh. Tiến hành cắt bỏ lá dập, rễ thối và bôi keo liền sẹo cho cây. Bạn có thể dùng superthrive hoặc vitamin B1 để kích thích cây lan mọc rễ.

Nếu cây đã rụng lá và đang chờ mọc cây con, bộ rễ không phát triển nữa thì bạn có thể cắt cụt bộ rễ cho cây phát triển tốt hơn.

Bước 2: Xử lý giá thể

Hoàng thảo kèn khá khó tính, vì vậy giá thể xử lý cần phải kỹ trước khi trồng.

Bạn có thể tham khảo cách xử lý giá thể trồng lan tại đây: Cách xử lý giá thể cho lan

Bước 3: Trồng cây vào chậu

Bạn sử dụng giá thể đã xử lý cho cây, đổ chừng ¾ chậu rồi đặt gốc lên, sau đó rải tiếp một lớp giá thể mỏng xung quanh cây. 

Bạn lưu ý cần phải cố định gốc cây lan để cây phát triển ổn định nhất.

Và đặc biệt hoàng thảo kèn rất ưa thoáng gốc, tuyệt đối bạn không được để lấp gốc để cây phát triển bình thường.

Cách trồng lan hoàng thảo kèn vào giá thể khác

Đối với các loại giá thể khác, bạn cần làm dây treo cố định trước khi ghép cây. Lưu ý là khi treo lên thì giá thể không được quay tròn trong gió. Khi trồng lan thì cố định hướng chậu là là cực kì cần thiết không thể bỏ qua.

Cách trồng lan hoàng thảo kèn không hề quá khó
Cách trồng lan hoàng thảo kèn không hề quá khó

Cố định cây lan vào giá thể, nếu giá thể khó giữ ẩm như gỗ lũa bạn có thể lót một lớp dớn cực mỏng bên dưới gốc cây. Sử dụng dây đồng bọc nhựa hay dây thít nhựa để cố định cây. Nếu ghép vào dớn đĩa bạn có thể hướng cây phát triển lên trên. Với giá thể gỗ, lũa bạn có thể hướng cho cây lan xuống dưới đều được.

Bạn có thể phải cố định cả phần thân cây bởi lúc này bộ rễ chưa có, thân cây khá nặng tránh hiện tượng lay gốc không chắc chắn.

Sau khi các bạn trồng cây thì không nên tưới luôn, hãy để ngày hôm sau dùng bình tưới phun sương xịt giữ ẩm cho cây, mỗi ngày 1 lần vào cuối giờ chiều.

Chăm sóc lan hoàng thảo kèn như thế nào cho chuẩn nhất?

Độ ẩm:

Lan hoàng thảo kèn là loại lan ưa khô thoáng gốc, độ ẩm vừa phải. Chính vì lý do đó nên bạn cần chọn giá thể phù hợp cho cây, không nên dùng giá thể giữ ẩm quá tốt hoặc phải tính đến phường án trộn giá thể cho cây.

Tùy thuộc vào chu kỳ sinh trưởng của cây và điều kiện tiểu khí hậu mà chúng ta căn chỉnh chế độ nước tưới cho phù hợp. Vào mùa xuân đến mùa thu có thể tưới 1-2 lần/ ngày. Mùa đông bạn chỉ cần xịt phun sương giữ ẩm cho cây 2-3 lần/ tuần.

Chế độ ánh sáng

Cách chăm sóc hoàng thảo kèn
Cách chăm sóc hoàng thảo kèn

Hoàng thảo kèn khá ưa sáng, khoảng 50-60% dưới 1 lớp lưới che là ổn. Ở thời gian đầu cây mới trồng thì chưa cần ánh sáng quá nhiều. Khi cây đã lớn, bộ rễ phát triển thì bạn cần cho cây ăn nắng nhiều hơn.

Nếu không đủ sáng cây sẽ còi cọc, kém sức sống; ngược lại nếu thừa nắng cây sẽ mập, ngắn và ngọn không phát triển. Do vậy, bạn cần theo dõi liên tục để điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp nhất.

Chế độ phân bón

Hoàng thảo kèn khá nhạy cảm với phân bón hóa học. Do vậy, bạn cần sử dụng phân bón hữu cơ cho cây hoặc nếu dùng NPK tổng hợp thì cần phải dùng liều lượng nhỏ.

Hoàng thảo kèn dễ nhiễm một số bệnh như đốm lá, thán thư, thối nhũn trong mùa hè. Bạn cần để ý để xử lý kịp thời hạn chế tối đa mầm bệnh tấn công cây lan.

Trên đây là toàn bộ cách trồng lan hoàng thảo kèn. Chìa khóa để trồng cây chính là giá thể vừa ẩm, thoáng gốc, thoát nước tốt, ánh sáng vừa phải và thoáng gió. Chúc các bạn thành công!

Xem thêm:

  • Hướng dẫn cách trồng lan giả hạc đơn giản không phải ai cũng biết
  • Nhận biết và cách trồng lan ý ngọc
4.2/5 - (4 votes)

Từ khóa » Hình ảnh Hoa Lan Kèn Lai Châu