Làng An Để - Làng Di Sản - UBND Tỉnh Thái Bình

Đặc biệt, cũng trên chính mảnh đất anh hùng này một lần nữa vinh dự được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VAVNE) công nhận cây Trôm - Cây di sản Việt Nam. Cây kỳ lão và quý hiếm ở tỉnh Thái Bình, hội tụ những yếu tố cổ, kỳ, mỹ.

Theo chân các cụ cao tuổi, chúng tôi về làng An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình thăm và chiêm ngưỡng ngôi làng mà vẫn thường gọi là Làng Di sản - bởi có cây Di sản trường tồn hơn một nghìn năm để bảo vệ, che chở cho làng, cho thôn và nhân dân từ thời chiến đến thời bình.Giá trị về mặt lịch sử - văn hóaTheo truyền tích còn ghi chép lại: Làng An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là một trong những vùng đất cổ đồng bằng Bắc Bộ. Từ thời xa xưa thuộc Châu Hoàng, phủ Kiến Xương nằm trong dải đất Lạng Hương Mần được nhắc đến trong nhiều sử sách của Bảo tàng tỉnh Thái Bình. Thế kỷ thứ  VI,  Lý Bôn đã chọn làng An Để làm căn cứ địa xây dựng đồn lũy để đánh đuổi nhà Lương và sau đó lấy bà Đỗ Thị Khương, người làng An Để làm vợ. Năm 544 giặc tan, ông lên ngôi vua tự xưng là Lý Nam Đế đặt tên nước là Vạn Xuân và phong vợ là Linh nhân Hoàng Hậu Đỗ Thị Khương, bà trở thành vị Hoàng Phi đầu tiên của nước Nam. Trên mảnh đất này có miếu Hai Thôn đang thờ bà Đỗ Thị Khương.

Năm 1680, miếu Hai Thôn được đại tu với công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu ở Thái Bình. Miếu gồm 3 tòa, 11 gian. Trước sân xây cuốn thư cổ, cổng hoành mã. Hiện phía trước của hai tòa đều đánh bạo kép, ngưỡng kép, chấn phong thượng hạ, các mảng cánh gà hồi hiên chạm lộng 3 tầng rồng lửa. Tường sau, hồi tả, hồi hữu đều đắp đố lụa bằng gỗ lim. Các đồ tế khí đời Lê, các cổ khám rất lớn, những cỗ ngai đồ sộ chạm lộng 5 tầng đủ các đề tài trúc long, long cuốn, long ổ… Tất cả đều sơn son, thếp vàng. Đặc biệt, miếu còn lưu giữ bức tranh cổ được vẽ vào nửa cuối thế kỷ XVII miêu tả vua Tiền Lý Nam Đế và Hoàng hậu một cách sinh động.Quê hương thôn An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là quê hương của các vị danh khoa nổi tiếng đã ghi tên trong văn bia Quốc Tử Giám như cụ Đặng Nghiêm, đỗ đại khoa triều Lý, năm 1185. Cháu cụ Đặng Nghiêm là Đặng Diễn, đỗ đại khoa đời Trần, năm 1232. Hai ông cháu đỗ đại khoa, đều đỗ ở hàng cao, thứ 2 khoa chọn thi thư, thứ nhất Đệ nhị giáp khoa Thái học sinh; người đứng thứ 5, người đứng thứ 14 trong sách lịch sử khoa bảng. Thái học sỹ Đỗ Nguyên Chương là Triều liệt đại phu, Hàn lâm viện sỹ đời Trần Minh Tông, tên tuổi được khắc trong văn bia ở Quốc Tử Giám. Rồi Đỗ Duy Đê đỗ đầu kỳ thi Đình Nguyên thời vua Tự Đức, tên tuổi được khắc ở Quốc Tử Giám của triều đình ở Huế. 

Với dải đất Ngoại Lãng, cạnh làng An Để đã có hàng chục vị đại khoa tên tuổi sáng láng trong làng khoa bảng đất nước như: Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm và các tiến sỹ Trần Củng Uyên, Đỗ Oánh, Đỗ Hoàng, Doãn Khuê. Ngoài ra còn nhiều các vị thiền sư, danh tướng, văn thần tên tuổi lừng danh nhiều thời như: Đỗ Pháp Thuận, Đỗ Đô, Doãn Uẩn, Đốc Phước, Doãn Vị, Đào Bình… góp phần làm rạng danh cho nền văn hiến của địa phương cũng như nền văn hoá dân tộc. 

Cũng chính trên mảnh đất thiêng liêng này cách đây hơn một nghìn năm người Tàu đã trồng và yểm mộ, chôn nhiều báu vật và cây lâu năm đã có "tinh" nên rất linh thiêng, người dân trong làng thường ra miếu dưới gốc cây cầu bình an, sức khỏe và học hành cho gia đình và con cái được như ý.Tuổi đời cây TrômCây Trôm tên khoa học Sterculia foetida, thuộc họ thực vật (Sterculia). Cây Trôm có thân gỗ xốp thớ xoắn gần giống gỗ cây gạo nhưng không có gai, lá có hình giống như lá cây ngũ gia bì. Nở hoa vào mùa xuân có mùi hắc. Chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất 1,3m là 6.3m, có đường kính 2.m. Chiều cao cây 15m. Đường kính tán cây 15m, có nhiều rễ nổi u, nổi cục như hình con rồng uốn khúc. Cây một thân, đứng thẳng, dáng uy  nghi, cành lá tươi tốt hơn. Rễ cây Trôm kết thành một khối như chiếc áo giáp phủ gần kín bức trấn phong. Thân cây to và cành lá xum xuê, bóng cây vững chãi, bệ vệ tạo thành chiếc lọng khổng lồ che chở cho ngôi đền và làm bóng mát cho người dân nơi đây sau buổi trưa hè

Giá trị về tâm linhCây Trôm hiện nằm trên mảnh đất bìa làng, do gia đình ông Đỗ Đức Hữu, nguyên cán bộ lãnh đạo của Công ty Liên hiệp công trình giao thông 8, Bộ Giao thông Vận tải trông giữ, chăm sóc và bảo vệ. Theo 9 đời cụ tổ họ Đỗ  truyền lại khi về đây lập nghiệp đã có cây lạ này và qua nhiều đời, cây cổ thụ nghìn năm tuổi không cằn cỗi mà luôn xanh tốt. 

Ông  Đỗ Đức Hữu năm nay đã ngoài 70 - người trực tiếp chăm sóc cây kể lại: “Năm kháng chiến chống Pháp dưới gốc cây Trôm bà con thường đánh đống rạ dự trữ đồ nấu. Khi Pháp càn, đống rạ bị đốt, cây Trôm bị cháy trụi một nửa. Ngày đó, cả làng ai cũng tưởng cây sẽ chết, nhưng một thời gian sau cây lại xanh tốt và liền da như cũ, nhưng để lại những nốt hõm như người bị bỏng. Đặc biệt vào những đêm mưa tối trời, có một con rết to dài như con rắn bò ra từ gốc cây  về khu miếu Hai Thôn đến gần sáng lại bò về vị trí cũ. Cây Trôm do người Tàu trồng và yểm bùa và cây lâu năm đã có "tinh "nên rất linh thiêng nên người dân thường ra miếu cạnh gốc cây thắp hương cầu bình an, sức khỏe và học hành cho con cái đều được như ý. Chính sự linh thiêng và tâm linh văn hóa cùng với những giai thoại dân gian kì bí đã che chở và bảo vệ cho cây trường tồn với thời gian và được dân làng truyền nhau chăm sóc, giữ gìn.Đặc biệt, trong chiến tranh, cây hứng nhiều trận “mưa bom” nhưng vẫn sừng sững vươn lên. Bên cạnh gắn liền với các di tích lịch sử - khảo cổ, cây Trôm đã trở thành điểm chiêm bái linh thiêng của người dân thập phương, nhất là trong các kỳ lễ hội truyền thống tại địa phương.Cây Trôm như bùa hộ mệnhLà người hiểu biết và quý trọng giá trị của cây cổ, và cũng là người trực tiếp chăm sóc, ông Hữu đã hiến hơn 3 sào ruộng để xây bờ xung quanh, làm sân để  gốc cây không bị sạt lở và người dân có thể ngồi dưới gốc cây trò chuyện, nghỉ ngơi khi đi làm đồng và những ngày hè nóng bức. Gia đình ông Hữu đã lập lên miếu thờ để gia đình và nhân dân cầu nguyện, thắp hương thờ linh cây. Gia đình ông Hữu các con cái cháu chắt đều thành đạt đỗ đạt cao. 6 người cháu của ông đều được nhận học bổng du học nước ngoài và các trường nổi tiếng quốc gia. Nhiều người dân trong làng An Để cũng có nhiều con cháu thành đạt.Chính sự linh thiêng của cây Trôm và văn hóa tâm linh của địa phương cùng với những giai thoại dân gian kỳ bí đã che chở và bảo vệ cho cây trường tồn với thời gian và được dân làng truyền nhau chăm sóc, giữ gìn bảo vệ cây xanh, bảo vệ thiên nhiên và môi trường và đó chính là bảo vệ con người. 

Ai đó nói, cây cối như một người bạn của con người, cùng sinh và cùng lớn lên. Với cây Trôm làng An Để còn như một chứng nhân lịch sử, nó trở lên thiêng liêng với người dân sở tại.

Từ khóa » Ngôi Miếu Thiêng ở Thái Bình