Lắng đọng Nhìn Lại Một Năm 2021 đặc Biệt

Nhìn lại một năm đặc biệt - Ảnh 1.

Đây là hình ảnh mà người dân TPHCM không bao giờ có thể quên.

Ấn tượng nhất với ông Nguyễn Như Thành, Chủ tịch UBND phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức, trong năm 2021 là mấy tháng liền TPHCM tiến hành giãn cách xã hội. Đó là giai đoạn quá dài với rất nhiều biến động, khó khăn. Tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng, tỉ lệ tử vong cao nên người dân được yêu cầu ở nhà.

"Đây là quyết định khó khăn với lãnh đạo TPHCM. Có những đêm đi làm về tôi nhìn các đoàn xe 45 chỗ liên tục chở người dân vào cách ly, điều trị tại hệ thống bệnh viện dã chiến mà vừa buồn, vừa lo, không biết khi nào Thành phố mới trở lại nhịp sống bình thường. Trong thời gian căng thẳng nhất đó, may mắn, TPHCM nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bộ ngành Trung ương, nhất là việc ưu tiên về nguồn vaccine để thành phố khẩn trương tiêm phòng cho dân", ông Thành chia sẻ.

Cũng theo ông Thành, nhìn lại đợt bùng phát dịch dữ dội vừa qua với những diễn biến khó lường, việc TPHCM đã làm rất tốt là xác định đúng phương hướng trong phòng chống dịch COVID-19 và tiến hành tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng về diễn tiến dịch bệnh cũng như cách phòng, chống để người dân dù ở nhà vẫn nắm đầy đủ các thông tin. Trong giai đoạn người dân chưa được tiêm vaccine, Thành phố từng ngày huy động toàn bộ lực lượng y tế cùng lực lượng tăng cường từ các nơi lập ra những bệnh viện dã chiến xử lý các ca nhiễm theo từng cấp độ. Nhờ sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y tế, nhiều ca nguy kịch được chữa khỏi, số F0 xuất viện ngày càng tăng.

Tết Nguyên đán diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đó, vậy nên, Chủ tịch UBND phường An Lợi Đông cho rằng điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức phòng, chống dịch dù có tiêm đủ 3 mũi vaccine. TPHCM vẫn đang làm rất tốt việc tuyên truyền để người dân nắm rõ những thông tin cần thiết cùng các diễn biến mới. Ông Thành cho biết thêm: "Quan trọng nhất vẫn là ý thức và sự hợp tác của người dân, đặc biệt là các dịp lễ hội như Tết Nguyên đán, khi mà người dân di chuyển, tiếp xúc nhiều. Điều tôi mong nhất là ai cũng tự giác phòng dịch, tuân thủ 5K".

Nhìn lại một năm đặc biệt - Ảnh 2.

Sự chung tay của các lực lượng trong cuộc chiến chống COVID-19 đã góp phần giúp TPHCM vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9/2021 được xem là giai đoạn cực kỳ khó khăn với TPHCM khi mà các lĩnh vực đều ngừng trệ, y tế thì quá tải ngay lúc nhu cầu được hỗ trợ, tiếp sức của người dân ngày càng cao. Giáo dục là lĩnh vực chịu nhiều xáo trộn trong năm qua, khi tất cả trường học đều đóng cửa, việc học trực tuyến kéo dài dẫn đến không ít bất cập. Ngồi nhâm nhi tách trà nóng tại phòng làm việc những ngày giáp tết, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Mai - Hiệu trưởng Trường TH, THCS, THPT Việt Mỹ xúc động khi nghĩ về những tháng ngày khó khăn, đau thương vì dịch bệnh xảy ra ở khắp nơi và đặc biệt là TPHCM, tâm điểm của cả nước.

Bà Mai cho biết sẽ không thể nào quên được những ngày giãn cách xã hội, theo lời kêu gọi của Chính phủ "Ai ở đâu ở yên đó". Học sinh lớp 9 và 12 của năm học 2020-2021 phải luyện thi online đến ngày thi. Năm học mới 2021-2022 bắt đầu thì phải học trên máy tính/điện thoại mà không được đến trường gặp gỡ thầy cô, bạn bè. Trong giai đoạn cả Thành phố căng mình chống dịch, bà Mai thấu cảm sự vất vả và hy sinh thầm lặng của chính quyền, địa phương, nhất là đội ngũ y tế luôn sát cánh cùng người chẳng may bị nhiễm COVID-19. Nhờ sự nhạy bén và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự linh hoạt của TPHCM mà công tác đối phó với dịch bệnh sớm đạt hiệu quả cao.

Thời điểm dịch căng thẳng cũng là lúc mọi người đoàn kết, sẻ chia nhiều nhất. Những chuyến xe "0 đồng", chuyến xe nghĩa tình đều đặn lăn bánh chở sự yêu thương, san sẻ tình cảm đến với những gia đình khó khăn. Những cây ATM gạo được đặt ở nhiều nơi hay những cây ATM oxy luôn túc trực sẵn sàng sẻ chia bất cứ lúc nào. Rồi hình ảnh các anh bộ đội tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân, những xe bánh mì miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật… là những điều đầy tính nhân văn và lan tỏa tình người. Đặc biệt, hàng chục ngàn bác sĩ, nhân viên y tế từ các nơi đã được điều vào miền Nam, tập trung cho TPHCM để tiếp lửa trong "cuộc chiến" cam go này. Vừa ngơi tay khi "tâm dịch" ngưng giãn cách, các bác sĩ chống dịch tại TPHCM lại lên đường chi viện cho những tỉnh, thành phố khác đang bùng dịch.

Điều đáng mừng là đội ngũ giáo viên và học sinh tại TPHCM sớm được tiêm vaccine theo quy định và đã có thể quay lại trường học sau rất nhiều tháng ở nhà tránh dịch. "Sắp tới, trẻ nhỏ tiếp tục được tiêm phòng để trở lại trường, tôi thấy mừng vì điều đó. Trong không khí xuân về, cho tôi được gửi lời biết ơn sâu sắc đến Chính phủ, Nhà nước, lãnh đạo TPHCM và các mạnh thường quân… đã dang tay giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ, để mang lại những điều tốt đẹp như hiện nay - Sự khởi sắc của nước nhà trước thềm năm mới - An khang thịnh vượng - Cư lạc thái hòa và tôi tin dịch bệnh sẽ được khống chế, dập tắt và sự thơm thảo của những tấm lòng sẽ luôn được lan tỏa", bà Mai nói.

Nhìn lại một năm đặc biệt - Ảnh 3.

Hiên nay, mặc dù số ca nhiễm đã giảm xuống mức thấp, cả TPHCM đã là vùng “xanh” nhưng Thành phố vẫn đang đẩy nhanh phủ vaccine mũi 3 để tăng khả năng miễn dịch cộng đồng.

Năm 2021 được nhiều người gọi là năm "chống dịch" trên khắp cả nước, ảnh hưởng nặng nề nhất là TPHCM. Đây cũng là năm đầu tiên Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Y sinh - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trở thành bác sĩ. Đó là những ngày tháng Thanh cùng đồng nghiệp, sinh viên và các tình nguyện viên cùng Thành phố chống dịch với vai trò Phó Chỉ huy Trung tâm cấp cứu 115 dã chiến, nơi mỗi ngày nhận vài ngàn cuộc gọi "cầu cứu" của bệnh nhân COVID-19 từ các quận, huyện.

Suốt mấy tháng liền xa nhà, công việc lúc nào cũng căng thẳng, nhiều lúc bác sĩ Nguyệt Thanh nghĩ mình không thể vượt qua những áp lực đang bủa vây cùng bao khó khăn trong điều kiện sinh hoạt. Day dứt nhất vẫn là nỗi nhớ nhà khi đi ngang gặp ba mẹ chỉ biết đứng từ xa với bộ bảo hộ bít bùng, hỏi thăm vài câu qua điện thoại rồi lên xe về đơn vị tiếp tục phần việc được giao. "Nhưng sau đó là sự trưởng thành trong suy nghĩ, trong cách làm, là niềm vui vỡ òa khi ngày đầu tiên nhìn thấy Thành phố mình hết giãn cách. Từ đó, tôi biết sống trân quý từng phút giây, quan tâm những người bên cạnh, biết cho đi để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Bản thân cảm thấy rất vui khi tự bản thân gây quỹ để gửi tặng 336 phần quà cho trẻ em mồ côi do COVID-19. Đó sẽ là một dự án tôi sẽ cố gắng thực hiện và hoàn thiện qua từng năm", bác sĩ Nguyệt Thanh chia sẻ.

Trước đó, khi dịch bùng phát tại TPHCM, Nguyệt Thanh cũng đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ và cùng người thân nấu từng suất cơm gửi vào các bệnh viện để chung tay với lực lượng tuyến đầu chống dịch. Rồi Thanh nhận nhiệm vụ, đi suốt mấy tháng liền. Đến ngày được trở về nhà, nữ bác sĩ trẻ hạnh phúc vô cùng vì biết rằng TPHCM đang dần ổn định trở lại sau mấy tháng liền oằn mình với dịch COVID-19. Bác sĩ Nguyệt Thanh nói thêm về những mong muốn trước thềm năm mới: "Là một người trẻ cùng vượt qua những khó khăn của TPHCM, tôi mong muốn Thành phố quan tâm nhiều hơn nữa, có những chính sách xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trẻ, tin tưởng và giao những vị trí quan trọng cho thanh niên. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức lấy ý kiến từ những công dân trẻ tiêu biểu, để họ được góp phần vào việc xây dựng và kiến thiết đất nước. Từ đợt dịch này, tôi nghĩ rằng Thành phố cần sớm tập trung củng cố hệ thống y tế công, đầu tư khoa học - kỹ thuật trong y tế, tăng cường hợp tác lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tôi mong Thành phố bình an và mọi lĩnh vực sớm được phục hồi".

Nhìn lại một năm đặc biệt - Ảnh 4.

Nhìn lại một năm đầy biến cố, ai cũng mong TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung sớm đẩy lùi được dịch bệnh.

Trải qua một năm đầy biến cố, nghĩ lại ngày cả nhà nhiễm COVID-19 phải vào bệnh viện dã chiến điều trị, chị Nguyễn Thị Phương (quận Bình Thạnh) vẫn nhớ như in từng chi tiết. Chính những ngày ở bệnh viện dã chiến, chị Phương thấu hiểu, đồng cảm hơn với áp lực mà đội ngũ y tế cùng các bộ phận hỗ trợ phòng chống dịch đang nếm trải mỗi ngày. Và chị thấy cảm động vô cùng khi nhận về quá nhiều sự giúp sức, động viên của những người trước đó chưa từng gặp gỡ.

"Vào bệnh viện mới thấy mọi thứ quá tải nhưng đội ngũ y tế luôn hết lòng vì người dân, thương lắm. Họ hỗ trợ chúng tôi tốt nhất có thể và luôn động viên tinh thần. Gia đình tôi 5 người F0, may mắn khỏe mạnh trở lại sau hai tuần điều trị. Nhìn lại một năm đã qua, tôi thầm cảm ơn đội ngũ y tế, cảm ơn những chính sách thiết thực của Chính phủ, của TPHCM giúp người dân an tâm ở nhà phòng chống dịch. Năm mới, chỉ mong dịch bệnh chóng hết để mọi thứ quay về như trước kia", chị Phương cho hay./.

Khởi Minh

Từ khóa » Hình ảnh Tphcm Thời Covid