Làng Gốm Thanh Hà (hội An) Thế Kỷ Xvii – Xviii

Làng gốm Thanh Hà là tên gọi một làng nghề làm gốm ở làng Thanh Hà xưa, nằm cách trung tâm đô thị cổ Hội An khoảng 3km về phía tây. Nghề gốm ở làng Thanh Hà là một trong những nghề truyền thống có lịch sử lâu đời không chỉ đối với vùng Hội An mà cả vùng Quảng Nam. Dưới thời trung đại, sự phát triển của làng gốm Thanh Hà và cảng thị Hội An luôn gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau.

Gốm Thanh Hà Gốm Thanh Hà Từ cuối thế kỷ XVI, cảng thị Hội An bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Hội An lúc này không chỉ là trạm trung chuyển trên con đường mậu dịch hàng hải quốc tế mà đồng thời là cảng ngoại thương cũng như nội thương quan trọng của cả Đàng Trong. Sự phồn thịnh của cảng thị Hội An không những là nguyên nhân đưa đến sự phát triển về mặt thương mại của Quảng Nam mà còn là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển về mặt tiểu công nghệ, hình thành thêm nhiều ngành nghề mới hoặc cải tiến những ngành nghề sẵn có để phục vụ nhu cầu cảng thị. Nghề gốm Thanh Hà ra đời khoảng giữa thế kỷ XVI như một nghề phụ hỗ trợ nông nghiệp đến lúc này có cơ hội phát triển, trở thành ngành nghề chính của cư dân sống tại làng Thanh Hà.

Cảng thị phát triển, sự nhập cư mạnh mẽ của người nước ngoài cùng những chính sách ưu đãi của các chúa Nguyễn như lập phố buôn bán, lập thương điếm ở cảng thị đòi hỏi những nhu cầu tiêu dùng lớn. Hàng loạt các hoạt động liên quan đến dịch vụ đã ra đời để phục vụ cho nhu cầu của thị dân. Khu lò gốm Thanh Hà lúc này là một trong những địa điểm cung cấp đồ gia dụng phục vụ nhu cầu cuộc sống của cư dân cảng thị.Kết quả khai quật khảo cổ học ở Hội An đã góp phần chứng minh thế kỷ XVII-XVIII, đồ sành miền Trung trong đó có sản phẩn gốm Thanh Hà được tiêu dùng rộng rãi.Tại di tích Bàu Đà (xã Cẩm Thanh) - một địa điểm giao thương quan trọng dưới thời Champa sau đó được người Việt kế thừa và phát triển trong các thế kỷ XVI-XVIII tìm thấy mảnh nắp gốm có nguồn gốc từ lò Thanh Hà. Tại di tích đình Cẩm Phô (phường Cẩm Phô), ngoài hiện vật gốm sứ nguồn gốc Trung Quốc có niên đại cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVII, gốm Hizen Nhật Bản còn thu được khá nhiều hiện vật gốm sứ Việt Nam như chum, bình thân dài, chậu, bát,… được sản xuất tại Trung bộ Việt Nam như Mỹ Xuyên (Huế), Thanh Hà (Hội An). Những đồ gốm này thường được dùng làm đồ cất trữ, nồi đun nấu, chậu rửa. Tại di tích Thanh Chiếm (phường Thanh Hà, Hội An), kết quả khai quật ngoài đồ gốm sứ Trung Quốc niên đại khoảng đầu thế kỷ XVII, đồ sứ Hizen Nhật Bản nửa sau thế kỷ XVII còn tìm thấy những bình thân dài thuộc gốm Việt Nam với phần vai bình trang trí hoa văn lượn sóng. Trên cơ sở phân tích chất đất, hình dáng một số hiện vật thu được tại Hội An, Mỹ Xuyên (Huế), Phước Lý (Quảng Trị), Mỹ Cương (Quảng Bình) và dựa vào phương pháp phân loại theo nhóm(1) cho thấy một số hiện vật như chậu nhỏ, bình không có lò gốm nào tương ứng nhưng khu vực tiêu thụ lại có những di vật của di tích đình Cẩm Phô, Thanh Chiếm. Mặc dù tại Thanh Hà chưa tìm thấy dấu vết lò nung gốm nhưng theo tư liệu lịch sử thì khu vực Thanh Chiếm là địa điểm đầu tiên được chọn làm nơi sản xuất gốm và tại địa điểm này cũng tìm được loại bình thân dài có hoa văn lượn sóng ở vai bình. Như vậy khả năng khu vực Thanh Hà (Hội An) thế kỷ XVII là nơi sản xuất những sản phẩm bình thân dài, chậu đáy bằng(2). Những chiếc bình thân dài dùng để đựng nước mắm, rượu, đường,..;

chậu đáy bằng để rửa bát đĩa, nồi đáy tròn để nấu thức ăn. Một số sản phẩm của làng gốm Thanh Hà được sản xuất ở những thế kỷ này hiện nay vẫn còn được duy trì. Đó là loại bát cỡ lớn dùng làm chậu rửa mà người ta gọi chậu đáy bằng và các loại nồi dùng đun nấu có kích cỡ trung bình, đáy thấp, thân phình, trong đất lẫn nhiều hạt cát màu trắng. Loại nồi này hiện nay ở Thanh Hà dùng để nấu cơm, kho cá hoặc làm chậu đựng than nướng thịt và trong thành phần đất sét cũng được pha thêm cát. Điều này cho thấy có một sự kế tục về loại hình sản phẩm gốm Thanh Hà từ thế kỷ XVII đến nay.

Không chỉ cung cấp các đồ gia dụng phục vụ cư dân thành thị mà làng gốm Thanh Hà còn gián tiếp đưa đến sự phát triển mạnh mẽ các hoạt động xuất khẩu tại cảng thị Hội An khi cung cấp các dụng cụ dùng để chứa đựng nguồn hàng xuất khẩu. Kết quả khai quật khảo cổ tại Nhật Bản đã chứng minh có một số lượng lớn bình chứa được chất lên từ cảng Hội An để đưa tới Nhật Bản. Trong những di vật khai quật được tại thành phố Nagasaki đã được phân loại thì loại bình thân dài có hoa văn lượn sóng trang trí ở vai bình không được sản xuất ở các lò gốm Mỹ Cương, Mỹ Xuyên, Phước Tích, Phước Lý nhưng lại là đồ gốm chủ yếu trong số những đồ gốm Trung bộ Việt Nam thế kỷ XVII khai quật được ở Hội An(3).Ở Nhật Bản sau thời kỳ tỏa quốc, những hàng hóa được ghi nhận với đơn vị là “vại” trên những chuyến tàu từ Quảng Nam tới Nagasaki có những mặt hàng như trầm hương, mật ong, sơn đen, đường, mật, dầu cá voi và loại bình thân dài khả năng được sử dụng để đựng các mặt hàng này. Không riêng gì các thuyền Châu Ấn của Nhật, những thuyền Hà Lan, thuyền Trung Quốc có thể cũng dùng hiện vật này như một đồ đựng sản vật miền Trung Việt Nam để chất lên từ tàu Hội An(4). Loại bình chứa thân dài này có thể được xem là sản phẩm đặc trưng của làng gốm Thanh Hà giai đoạn này. Những bình chứa bằng sành đựng chất lỏng khá tốt, vừa đảm bảo được mùi vị cũng như độ tinh khiết của hàng hóa. Trong những chuyến hàng dài ngày, các thương lái rất chú ý đến chất lượng sản phẩm sau quá trình vận chuyển. Vì vậy mà những bình chứa bằng sành có thể đáp ứng được yêu cầu. Không chỉ người sản xuất mà cả thương lái đều có nhu cầu sử dụng mặt hàng này lớn, điều này đã tạo điều kiện để lò gốm Thanh Hà phát triển loại hình sản phẩm để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Lò gốm Thanh Hà rất gần khu cảng thị nên cả người sản xuất lẫn thương lái đều thuận tiện khi đặt mua những sản phẩm phục vụ nhu cầu của mình. Hơn nữa chất lượng gốm Thanh Hà tốt không thua gì nơi khác. Nhà nước thu lợi từ nguồn thuế xuất khẩu, người sản xuất thu lợi từ việc bán sản phẩm và thợ gốm Thanh Hà thu lợi từ việc bán các đồ đựng cho thương lái và người sản xuất. Như vậy sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu ở cảng thị Hội An đã đem lại nguồn lợi lớn không những cho chính quyền và cả người dân, trong đó các lò gốm Thanh Hà là nhân tố ảnh hưởng gián tiếp.

Sự phát triển mạnh mẽ của đô thị thương cảng Hội An, bộ mặt đô thị được hình thành, những công trình dân dụng cũng như tôn giáo được xây dựng đã tạo điều kiện để lò gốm Thanh Hà bên cạnh việc sản xuất những đồ gia dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cư dân địa phương và đồ đựng phục vụ nhu cầu xuất khẩu một số mặt hàng nông sản còn sản xuất cả vật liệu xây dựng để phục vụ nhu cầu xây dựng đô thị. Rất nhiều những ghi chép của các thương nhân nước ngoài mô tả đô thị Hội An thời bấy giờ là một thành phố, nhà cửa san sát và được xây bằng tường gạch, mái lợp ngói(5). Những công trình tôn giáo hiện còn ở khu phố cổ như Quan Công miếu, hội quán Phúc Kiến cũng ghi nhận được xây dựng trong thời kỳ này. Vậy một phần những vật liệu xây dựng này có thể bắt nguồn từ lò gốm Thanh Hà. Bởi đến đầu thế kỷ XIX (năm 1803), để chuẩn bị cho việc xây miếu, điện, vua Gia Long đã lệnh cho “các địa phương đều chở vật liệu đá, gỗsản ở địa phương đến nộp”. Theo đó, “... Quảng Nam thì gạch ngói...”(6). Chính điều này góp phần khẳng định trong các thế kỷ XVII-XVIII, nghề làm gạch, ngói ở Quảng Nam đã được định hình và phát triển, trong đó Thanh Hà vốn nằm gần cảng thị Hội An khả năng đã trở thành vùng chuyên canh sản xuất các sản phẩm gạch, ngói phục vụ nhu cầu xây dựng của cảng thị, góp phần tạo nên diện mạo đô thị thời trung đại.

Có thể nói, sự phát triển của làng gốm Thanh Hà thế kỷ XVII-XVIII đi liền với sự thịnh vượng của đô thị thương cảng Hội An. Làng gốm Thanh Hà phát triển một phần xuất phát từ nhu cầu của cảng thị Hội An, ngược lại chính sự phát triển của làng gốm làm cho thương cảng ngày càng thịnh vượng. Làng gốm Thanh Hà là một phần cấu trúc không gian của đô thị thương cảng Hội An. Sự phân bố của làng nghề đóng vai trò quan trọng trong việc lý giải cấu trúc không gian thời kỳ thương cảng Hội An phát triển thịnh vượng. Với thương cảng Hội An, làng gốm Thanh Hà là nơi chuyên sản xuất các đồ đựng phục vụ cuộc sống của người dân thành thị tại cảng mậu dịch thế kỷ XVII-XVIII, đồng thời còn là làng nghề kiểu thành thị được hình thành nhằm sản xuất các dụng cụ sinh hoạt phục vụ đời sống người dân tại khu vực dân cư nước ngoài, dinh trấn Quảng Nam và cả căn cứ thủy quân của chúa Nguyễn(7). Trên trục không gian từ khu căn cứ hành chính của chúa Nguyễn (dinh trấn Thanh Chiêm), qua làng gốm Thanh Hà đến cảng thị Hội An và tiếp đó là căn cứ thủy quân của chúa Nguyễn, tất cả tạo thành khu phức hợp kinh tế, chính trị, quân sự của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Làng nghề gốm Thanh Hà ra đời và chịu tác động mạnh mẽ dưới sự thịnh vượng của thương cảng Hội An nhưng cũng góp phần làm nên sự thịnh vượng đó.

Chú thích:

(1) Xem thêm Kikuchi Seiichi (2005), “Phân tích đặc tính của đồ sành miền Trung Việt Nam và khảo sát khảo cổ học”, Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 442-456.

(2),(3),(7) Kikuchi Seiichi (2010), Nghiên cứu đô thị cổ Hội An từ quan điểm khảo cổ học lịch sử, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

(4)Viện nghiên cứu văn hóa quốc tế - Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (2006), Kiến trúc phố cổ Hội An Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr.53.

(5) Trần Ánh (2005), Nhà gỗ Hội An - Những giá trị và giải pháp bảo tồn, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, Hội An, tr.32.

(6) Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục (Viện Sử học phiên dịch), tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.552.

Từ khóa » Thông Tin Về Làng Gốm Thanh Hà