Làng LAI XÁ
Có thể bạn quan tâm
Làng LAI XÁ nay thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, nằm bên quốc lộ 32, cách trung tâm Hà Nội chừng 15km về phía Tây. Lai Xá là vùng đất cổ được khai phá từ rất sớm. Tại khu vực Vườn Chuối, các nhà khảo cổ đã tìm được các di vật thuộc sơ kỳ đồ đồng có niên đại cách nay 4 đến 3000 năm.
Năm 40 – 43, đất Lai Xá đã có người đến lập nghiệp. Họ là các nghĩa binh của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng hoặc bị thương hoặc do già yếu không muốn về quê cũ đến đây khai đất mở làng. Xóm Dộc được hình thành đầu tiên. Ngày ấy, xóm Dộc còn là đầm lầy, lau sậy hoang vu nhưng lại rất thuận tiện cho việc kiếm cá, bẫy chim. Cá mè ao Dộc là loại cá ngon có tiếng được kể trong câu ca của Lai Xá: “Khoai lang đình Lỗ, đỗ bờ De, cá mè ao Dộc”. Thấy đây là đất lành, người các nơi lục tục đến sinh cơ lập nghiệp, làng xóm hình thành. Ngoài xóm Dộc đã có thêm xóm Đầu Đông. Vào thế kỷ IV – V làng có tên nôm Kẻ Sai, đầu thế kỷ IX làng có tên gọi Lai Xá.
Trong lịch sử, Lai Xá nằm ở vị trí quân sự hiểm yếu, tiến thoái đều thuận lợi. Năm Đinh Mùi (767) Phùng Hưng cùng các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh… chia làm 5 đạo quân bao vây phủ thành đô hộ. Đạo quân chính do Bố Cái Đại Vương chỉ huy đã dừng chân tại Vườn Chuối, Đình Lỗ của Lai Xá để luyện binh trước khi đánh vào thành Tống Bình. Ngày nay, ở giữa làng Lai Xá có đình Nội thờ Phùng Hưng, tương truyền là nơi ông đóng bản doanh và trên cánh đồng làng còn địa danh đấu đong quân (theo Đặng Tích trong “Đất và người Lai Xá”, soạn năm 1999).
Lai Xá còn là nơi dừng chân của An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ đức Trần Hưng Đạo. Sử cũ chép, tháng Giêng năm Đinh Dậu (1237), vì quyền lợi của hoàng tộc, Trần Thủ Độ bắt công chúa Thuận Thiên (chị ruột hoàng hậu Chiêu Thánh) đang là vợ của Trần Liễu, có mang ba tháng làm vợ vua Thái Tông Trần Cảnh. Do Chiêu Thánh chưa có con, mà Thuận Thiên thì đã có thai, nên Trần Thủ Độ chủ trương việc này, vì thế mà Trần Liễu nổi loạn. Trần Liễu cho quân đến Lai Xá, lập đồn trại ở đầu làng để chống lại Thái sư Trần Thủ Độ. Trong một trận chiến, giữa lúc lâm nguy, Trần Liễu đã giả làm nhà sư ngồi gõ mõ, tụng kinh trước tam bảo ngôi chùa làng tên chữ là Bảo Liên (sau đổi là Bảo Tháp) cầu sự che chở của đức Phật. Cuộc chiến dai dẳng không phân thắng bại, cuối cùng, Trần Liễu được đền bù một “ấp thang mộc” ở Chí Linh, Hải Dương và trở thành An Sinh Vương thì việc mới yên.
Ngày 15 tháng 2 năm Giáp Tuất (1274) An Sinh Vương về thăm Lai Xá vào đúng lúc làng đang xảy nạn dịch lớn. Đau xót trước thảm họa này, Trần Liễu đã ăn chay niệm Phật tại chùa Bảo Liên cầu cho dân tai qua nạn khỏi. Không sợ hiểm nguy, ông còn để Lã thái hậu và cung phi Nguyệt Nương vào ở giữa làng để động viên an ủi dân, đem tiền của cứu giúp người nghèo khó, lại tâu với triều đình cho dân Lai Xá được miễn tạp dịch và được làm dân hộ nhi. Năm Kỷ Mão (1279), ngay sau ngày mất, dân Lai Xá xây dựng Đình Quán làm hành cung nhất sở (nơi tế lễ) và tôn An Sinh Vương Trần Liễu làm Thành hoàng làng. Hằng năm, làng lấy ngày 15 tháng 2, kỷ niệm ngày An Sinh Vương về Lai Xá làm ngày hội làng. Trong đoàn rước có kiệu đức thánh Ông, kiệu đức thánh Bà và đặc biệt có kiệu cỗ. Cỗ dâng lên vị thành hoàng làng chỉ toàn là cỗ chay, vì sinh thời, có thời gian An Sinh Vương tu luyện ở chùa Lai Xá. Cỗ chay gồm bánh bỏng, chè lam, chè kho, nem thính, bánh trôi, bánh dày, bánh tẻ, bánh mật, cơm nắm… Mỗi loại bánh một cách pha chế, một kiểu dáng. Năm 1990 đình thờ An Sinh Vương đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng. Từ năm này, hội làng Lai Xá cũng đã được khôi phục theo thức xưa.
….. BỘ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN HUYÊN
Trong học hành khoa cử, Lai Xá là quê nhà bác học Nguyễn Văn Huyên. Ông đậu Cử nhân văn chương (1929), Cử nhân luật (1931) và Tiến sĩ văn khoa (1934) tại Pháp. Năm 1935, ông về nước vừa giảng dạy vừa nghiên cứu tại Trường Bưởi. Tháng 6-1941, ông được mời làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội và thường trực Hội Nghiên cứu khoa học Đông Dương.Trong khoảng 10 năm, Nguyễn Văn Huyên đã cho in 46 công trình khoa học về văn hóa văn minh Việt Nam với gần 2.000 trang in bằng tiếng Pháp. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được Bác Hồ giao phó nhiều trọng trách: Tổng Giám đốc Đại học vụ kiêm Giám đốc Viễn Đông Bác Cổ. Từ tháng 11-1946 đến lúc qua đời tháng 10-1975, ông đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giáo dục … (sơ lược) ….. Lai Xá còn là quê của một gia đình họ Nguyễn có ba anh em ruột đều là nhà khoa học hàng đầu thế giới: Nguyễn Quang Riệu, Nguyễn Quang Quyền và Nguyễn Quý Đạo. GS.TS Nguyễn Quang Riệu là Giám đốc Đài Thiên văn Muedon Paris, một trong những chuyên gia đầu ngành của thế giới về chiếu xạ Maser, ngành khoa học mũi nhọn của thế giới đương đại. Năm 1973, ông được nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp về việc tìm ra vụ nổ “Xích nuýt X3” trong chùm sao Thiên Nga cách trái đất 30.000 năm ánh sáng. Em ông là GS.BS Nguyễn Quang Quyền, Chủ tịch Hội Hình thái học Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Quang Quyền là nhà khoa học nổi tiếng về nhiều mặt. Những công trình của ông về nhân chủng, nhân trắc học đã đưa ông vào hàng ngũ những nhà nhân chủng học thế giới và là giáo sư đầu ngành ở Việt Nam. Người em út là GS.TS Nguyễn Quý Đạo, một nhà vật lý nổi tiếng ở Pháp, hiện là giáo sư của Trường Đại học Central Paris, đồng thời là Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp. Hơn 300 công trình của ông đã công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế và đã được tặng giải nhất của “Hội những nhà khoa học Pháp”. GS Nguyễn Quý Đạo đã cùng bạn bè, đồng nghiệp và các cơ quan của Pháp giúp đỡ thành lập Trung tâm Dịch vụ phân tích hóa học rất hiện đại đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh với tổng chi phí tới gần một triệu rưỡi đô la ……
LÀNG NGHỀ ẢNH
Ngôi làng này có 5 xóm nhỏ và một con phố mang tên Phố Lai. Với chiều dài chưa đầy 1km, con phố tập trung nhiều hiệu ảnh nhất làng (6 hiệu ảnh và 1 lab). Theo thống kê, số lao động trong thôn làm nghề chụp ảnh chiếm tới 40%.
Theo sử sách ghi lại, trong lần đi sứ sang Trung Quốc vào năm Ất Sửu (1865), cụ Đặng Huy Trứ (quê làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã được chứng kiến kỹ thuật nhiếp ảnh do người Anh đưa sang, đang được nhiều người ưa chuộng. Do rất thích thú với kỹ thuật nhiếp ảnh này, trong lần đi sứ tiếp theo (1867), cụ đã thuê một người Hoa mua sắm giúp dụng cụ, máy móc để học nhiếp ảnh. Về nước năm 1869, cụ Trứ mở hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam với tên gọi Cảm Hiếu Đường tại phố Thanh Hà, nay là ngõ Gạch, Hà Nội. Tuy nhiên, do chiến tranh, hiệu ảnh đã phải đóng cửa.
Cụ Đặng Huy Trứ là người đầu tiên đưa nghề ảnh vào nước ta . Và cụ Nguyễn Đình Khánh là người Việt Nam thứ hai tiếp nối và mở mang nghề ảnh
Năm 1890, dưới sự giúp đỡ của người chú ruột, cụ Nguyễn Đình Khánh (người làng Lai Xá) đã ra Hà Nội học nghề ảnh tại cửa hiệu Du Chương trên phố Hàng Bồ của người Hoa. Sau những tháng ngày vất vả học nghề, do nắm bắt được những bí quyết trong nghề nhiếp ảnh, năm 1892, cụ đã tự mở một cửa hiệu riêng lấy tên là Khánh Ký trên phố Hàng Da (Hà Nội).
Trong khi hành nghề ảnh, cụ Khánh còn tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Do phong trào này bị lộ, năm 1911, cụ Khánh đã trốn sang Pháp. Năm 1912, cụ mở hiệu ảnh ở Toulouse. Năm 1913, Raymond Poincaré đã đắc cử Tổng thống Pháp. Trong rất nhiều tay máy chụp ảnh tân Tổng thống lúc đăng quang có Khánh Ký và bức ảnh của ông đã được đánh giá là bức ảnh đẹp nhất và được đưa lên trang bìa một số báo, trong đó có bìa của tờ Illustration. Sau thành công đó, một cửa hiệu Khánh Ký khác được mở tại Paris.
Vào những năm 1916 – 1917, khi cụ Khánh Ký đang làm nghề ảnh tại Paris thì cũng là lúc cụ Nguyễn Ái Quốc hoạt động Cách mạng tại đây. Theo cuốn Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917 – 1923) (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2002), thời gian đầu sang Pháp, Bác được các cụ Khánh Ký, Phan Châu Trinh… trợ giúp về tài chính, nơi ở và cụ Khánh Ký đã truyền dạy cho Bác nghề ảnh để có tiền hoạt động Cách mạng.
Những năm tiếp theo, hiệu ảnh Khánh Ký đã có mặt ở Frankfurt (Đức), Quảng Châu (Trung Quốc). Sau khi về nước, cụ Khánh đã mở thêm hiệu ảnh ở một số nơi khác: Sài Gòn, Hải Phòng…
Không chỉ phát triển nghề nhiếp ảnh cho riêng mình, vào thời điểm này, cụ Khánh còn về quê truyền dạy nghề cho người dân làng Lai Xá. Do nắm bắt bí quyết nghề và biết sở hữu kỹ thuật chụp ảnh điêu luyện, các tay máy làng Lai Xá có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết mà độ bắt sáng vẫn đều, đẹp. Hiệu ảnh của người Lai Xá còn thể hiện “đẳng cấp” vượt trội so với các hiệu khác.
Vào những năm giữa thế kỷ 20, người làng Lai Xá đã thực sự vững vàng trong nghề nhiếp ảnh. Họ đã thành lập rất nhiều hiệu ảnh, không chỉ ở trong nước như: Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Lào Cai,… mà còn sang cả nước ngoài: Lào, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Pháp, Đức… Theo số liệu thống kê, ở Hà Nội có khoảng 40 hiệu ảnh, trong đó hiệu ảnh do người Lai Xá làm chủ chiếm 33 hiệu với những tên tuổi nổi tiếng như: Kim Lai, Mỹ Lai, Vạn Hoa, Thủ đô ảnh viện, Central, Aubella, Duy Tân…, ở Sài Gòn có khoảng 34 hiệu, trong đó có khoảng 27 hiệu là của người làng Lai Xá, nổi tiếng nhất là hiệu ảnh Thịnh Ký. Ở Hải Phòng 16 cửa hiệu, các tỉnh khác: Quảng Ninh, Nam Định…, mỗi nơi khoảng 4 hoặc 5 cửa hiệu. Đặc điểm chung của các hiệu ảnh này: lớn nhất, vị trí đẹp nhất và thường là đông khách nhất.
Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Khánh Ký có ý định trở về quê hương sinh sống. Nhưng chỉ ít lâu sau đó, ngày 31/5/1946 cụ đột ngột qua đời tại Paris ở tuổi 72. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đã đến viếng mộ cụ để tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ của cụ trong thời gian Người sống và hoạt động tại Pháp. Nối nghiệp cụ, nhiều người Lai Xá đã thành danh. Nhà nhiếp ảnh Vũ Đình Hồng chụp được nhiều tấm ảnh đẹp về Bác Hồ; Nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp là đạo diễn nhiều bộ phim truyện nổi tiếng; nhà quay phim tài liệu Nguyễn Văn Giá hy sinh tại chiến trường miền Nam.
Ông Đặng Tích người làng, hiện lưu giữ rất nhiều tư liệu và hình ảnh của cụ Nguyễn Đình Khánh và các chủ hiệu ảnh người làng Lai Xá kể rằng: “Từ sau năm 1892 trở đi, người dân Lai Xá nối tiếp nhau mở các hiệu ảnh hầu khắp các tỉnh, thành trên dọc dài đất nước, từ Lào Cai đến Bến Tre. Khoảng giữa thế kỷ XX là thời kỳ các hiệu ảnh Lai Xá phát triển mạnh mẽ nhất, cả nước có tới 150 hiệu và khoảng 2.000 người làng làm ảnh. Đặc biệt những hiệu ảnh của người Lai Xá thường được đính kèm chữ “Ký” hoặc “Lai” như: An Ký, Thịnh Ký, Thiện Ký… hay Phúc Lai, Mỹ Lai, Đan Lai…”.
Đặc trưng ảnh chân dung của Khánh Ký thường được chụp toàn thân, hai tay đặt lên đầu gối, rõ cả mười đầu ngón tay, ngón chân. Kiểu chụp này còn phổ biến đến cuối thế kỷ XX. Với nét riêng của nghề ảnh, người làng Lai Xá phải đi tứ tán tới các tỉnh, thành xa xôi để hành nghề. Cho nên mãi tới ngày 26/1/2000, những cựu thợ ảnh Lai Xá mới tập hợp, họp bàn và bầu ra một Ban Làng nghề, cụ Nguyễn Doãn Ứng (nguyên chủ hiệu ảnh Kim Lai) được cử làm Chủ tịch. Suốt từ đó đến nay, bằng tình yêu quê hương và ý thức trách nhiệm, Ban làng nghề cùng người Lai Xá đã đồng tâm hiệp lực giữ lửa nghề và đã đạt được những thành quả đáng nhớ, đáng tự hào. …
Hiệu LUMINOR PHOTO của ông Nguyễn Văn Chành sinh năm 1911(1907?)
Ông sinh tại làng nhưng ra học Hà Nội. Cụ Nguyễn Văn Học, bố ông Chành, chỉ cho ông học đến certiphica, lớp 4 . Bảo phải đi làm mặc dù ông thông minh, tuần nào cũng là học sinh giỏi, được đại diện được kéo cờ ở sân trường. Sở dĩ cụ Học không cho ông Chành học tiếp vì sợ học ra lại phục vụ Tây. Cụ Học là người yêu nước, có giao lưu với cụ Phan Bội Châu, cho cụ Phan trú ở nhà thờ tổ họ Nguyễn gần 2 năm, khi Pháp truy lùng. Ban ngày cụ trốn trong phòng, tối mới ra đàm đạo. Khi ấy ông Chành còn rất nhỏ, thấy có một ông khăn xếp, áo the thậm thụt ở nhà thờ. Sau này khi lộ di chuyển rồi mới biết là cụ Phan. Con gái ông Chành là NSND Bạch Diệp trốn đi làm cách mạng từ tiền khởi nghĩa, ông không phản đối.
Bố cho lên học nghề ông Phúc Lai Sơn Tây. Học xong, cho đi Hải Phòng mở hiệu ảnh. Hai anh em ông Phúc Lai và ông Chành hợp tác nhau, cùng hùn vốn mở hiệu ảnh. Một thời gian hiệu ảnh thua lỗ. Ông Phúc Lai bảo giải tán. Ông Chành mua lại cổ phần, rồi vay thêm tiền ở Ngân hàng, mở hiệu ảnh ở phố Tây, gần chợ Cố đạo. Đó là Hiệu Luminor Photo rất nổi tiếng ở Hải phòng.
Ảnh của hiệu ảnh Luminor Photo nổi trội hơn các hiệu ảnh khác là chụp ảnh nghệ thuật. Ông Chành chuyên chụp chụp chân dung và phóng sự. Ông có cách kinh doanh riêng: chụp ảnh ở Sa pa có thể lấy ảnh Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng ở đâu/lúc nào cũng được. Chụp chân dung chủ yếu cho khách Tây. Ông hình thành chuỗi cửa hiệu ở 4 tỉnh Lao Cai (Sapa), Lạng Sơn, Hai Phong và Hà Nội. Tất cả 4 hiệu mang cùng tên, cùng phong cách, cùng bao bì, cùng hoá đơn… Hoá đơn có chữ Luminor Photo in chìm ở giữa. Luminor Photo có điều đặc biệt lấy giá đắt, chất lượng cao. Các nơi chụp chân dung giá chỉ 3 đồng. Hiệu Luminor Photo có giá 30 đồng. Khách cầm ảnh không chê được điểm gì … (!) _________
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay Lai Xá là làng quê giàu và đẹp ở phía Tây Thủ đô. Lai Xá có cổng làng cổ kính ở phía Tây và phía Đông làng, có đình Nội thờ Phùng Hưng, có đình Quán thờ An Sinh Vương và chùa Bảo Tháp là một danh lam của xứ Đoài. Những nét xưa của Lai Xá còn giữ được lâu nay đã trở thành “trường quay” một số bộ phim truyện được người xem yêu thích .
Nguồn: Hoàng Giang sưu tầm và tập hợp
MenuTừ khóa » Hội Làng Lai Xá
-
Lễ Hội Làng Lai Xá Năm 2015 - YouTube
-
Lễ Hội Làng Lai Xá Năm 2010 - YouTube
-
Lai Xá - Làng Chụp ảnh đầu Tiên ở Việt Nam Mở Bảo Tàng
-
Hoạt động Của Các Xã - Thị Trấn - UBND Huyện Hoài Đức
-
Lai Xá, Làng Nghề, đất Học - Hànộimới
-
Làng Nhiếp ảnh Lai Xá | Du Lịch Hoài Đức | Dulich24
-
Hà Tây - Làng Nhiếp ảnh Lai Xá - .vn
-
Làng Nhiếp ảnh Lai Xá Và ông Tổ Nguyễn Đình Khánh
-
Người Làng Lai Kể Chuyện - Báo Quân đội Nhân Dân
-
Hà Nội: Làng Nghề Nhiếp ảnh Lai Xá, Hoài Đức Kỷ Niệm 130 Năm ...
-
Kỷ Niệm 130 Năm Làng Nghề Truyền Thống Nhiếp ảnh Lai Xá
-
Huyện Hoài Đức: Kỷ Niệm 130 Làng Nghề Nhiếp ảnh Lai Xá
-
Kỷ Niệm 130 Năm Thành Lập Làng Nghề Nhiếp ảnh Truyền Thống Lai Xá