Làng Nành Xưa, Ninh Hiệp Nay - Báo Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
Ði trên con đường lát gạch nghiêng của đất làng Nành hôm nay, ngắm những nếp nhà cổ lọt thỏm giữa các ngôi nhà cao tầng mới mọc lên san sát, lại nhớ tới chuyện kể về sự tích sông Thiên Ðức, về chùa Pháp Vân - tương truyền được xây dựng từ thời Lý, còn được gọi là chùa Nành, hoặc theo cách gọi dân gian là chùa Cả,... lòng bồi hồi hướng về quá khứ. Trước khi về thăm làng Nành, tôi đã đọc một số tài liệu về vùng đất này, được biết: Ninh Hiệp có tên cũ là làng Nành, tổng Nành - nằm bên bờ sông Ðuống, xưa thuộc xứ Ðông Ngàn, Kinh Bắc. Ngày nay người ta chỉ biết đến Nành gắn bó với nghề buôn bán nhưng mấy ai biết Nành đã có Trường Hán học do Hoàng hậu Nguyễn Thị Huyền, vợ Vua Lê Hiển Tông, người Nành khởi lập. Bà đã cung tiến căn nhà khách làm lớp học, hiến 10 mẫu ruộng cho làng làm học điền để tạo vốn cho trường hoạt động. Từ thời Lê Trung Hưng đến nay, Nành đã có năm tiến sĩ, sáu quận công, hai hoàng hậu và nhiều văn quan, võ tướng. Thời Nguyễn đã có người Nành làm đến chức Chánh Ngự Y và Phó Ngự Y trong triều. Ninh Hiệp hiện nay, còn được biết đến nơi có đền thờ Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền. Theo sử sách còn lưu lại thì khi nhà Nguyễn trả thù nhà Tây Sơn, Hoàng hậu Ngọc Hân (là con gái Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền và hai con bị sát hại ở Huế. Năm 1804, bà Nguyễn Thị Huyền khi ấy đang sống ở Phù Ninh thuê người vào Huế, đem hài cốt của ba mẹ con Ngọc Hân về làng. Sau được an táng di hài ba mẹ con tại bãi cây Ðại hay bãi Ðầu voi ở làng Nành (Ninh Hiệp). Bà Nguyễn Thị Huyền không có con trai nên chuyển Dinh Thiết Lâm làm đền thờ (thờ cả bà và Ngọc Hân). Khoảng từ thời Minh Mạng sang đời Thiệu Trị (1841) có người trong làng tố giác việc thờ cúng này. Vua Thiệu Trị ban sắc, bắt phá hủy đền thờ ở Dinh Thiết Lâm. Mộ ba mẹ con bị quật đào, đổ hài cốt xuống sông, nơi này sau lập đền Ghềnh thờ Ngọc Hân cùng các con. Một thời gian sau, nhân dân trong làng bí mật đắp lại một nấm mộ chính nơi Ngọc Hân cùng hai con nhỏ từng được an táng.
Có một bề dày lịch sử văn hóa, nên dù ở Ninh Hiệp hiện giờ đường làng, ngõ xóm đã khang trang hơn, nhưng vẫn không mất đi vẻ cổ kính đã có từ ngàn xưa. Vốn được coi là trung tâm mua bán vải vóc, nhưng Ninh Hiệp còn được biết đến là một trong những điểm trung chuyển thuốc đông y lớn nhất, nhì miền bắc với nghề làm thuốc hình thành từ lâu đời ở thôn 8. Thôn 8 chuyên làm thuốc, và công việc, cuộc sống ở thôn này dường như không bị cái không khí náo nhiệt của các thôn buôn bán vải trong xã "cuốn đi". Người dân trong thôn trồng, chế biến, thái thuốc khéo, đẹp và nhanh, lại có bí quyết sấy riêng để thuốc không bị mốc. Với thôn 8, hầu như nhà nào cũng là một xưởng dược liệu. Trong nhà, ngoài ngõ đâu đâu cũng thấy hương vị đặc trưng của đông dược, sân nhà, lối đi đều được tận dụng phơi thuốc. Hương thơm của thuốc bắc, hạt sen khiến du khách đến đây thấy sảng khoái, nhẹ nhõm lạ thường. Theo bác Lâm Ðình Chất, 70 tuổi, nguyên Chủ tịch MTTQ xã Ninh Hiệp, thì có một thời người dân nơi đây không chỉ chế biến đông dược mà còn tự tay trồng và nhân rộng nhiều loại cây thuốc, bài thuốc tại địa phương. Qua học hỏi, cùng kinh nghiệm từ thực tế, họ đã điều chế ra các bài thuốc hay, chuyển ra bán ở phố Lãn Ông (Hà Nội), TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác. Giờ đất chật người đông, bà con không có điều kiện trồng nhiều cây thuốc nữa, nguyên liệu chủ yếu được thu mua từ các tỉnh phía bắc. Theo nghề thuốc đã nhiều năm, từ đời ông cha để lại, chị Nguyễn Thị Thi ở thôn 8 cho biết, thuốc là một nghề hướng thiện, lấy công làm lãi, nên dù thời nào thì vẫn sống được, cái tâm cùng lòng yêu nghề, và sự tần tảo đã giúp kinh tế gia đình ổn định hơn.
Kinh doanh vải hay chế biến thuốc trong thời buổi kinh tế thị trường, người và đất Ninh Hiệp vẫn giữ được nét văn hóa độc đáo riêng của mình. Ở đây có lớp học Hán - Nôm do một số "ông đồ" trong xã gây dựng để giúp các thế hệ sau biết cách đọc, dịch văn bản trong các thư tịch cổ. Một lớp học đặc biệt mà thầy giáo là những người đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Cứ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, cụ Hoàng Ðình Ðá (85 tuổi) lại đến Nhà văn hóa thôn 7 dạy chữ cho học trò. Không thu học phí, chẳng màng danh lợi, ngày ngày cụ cần mẫn truyền dạy cho những người yêu thích học chữ Hán - Nôm bằng niềm đam mê. Cụ Ðá cho biết: "Kiến thức ở lĩnh vực này vừa khó, vừa rộng, mặc dù sức khỏe đã giảm sút, nhưng tôi luôn cố gắng truyền vốn hiểu biết của mình cho con cháu. Tôi tiếp nối công việc của cụ Quýnh, cụ Hải, cụ Thực, cụ Kim, những người đầu tiên mở lớp, khơi dậy và phát triển truyền thống hiếu học ở Ninh Hiệp". Nhấp ngụm nước chè, cụ Ðá nói tiếp: "Ban đầu, mở lớp học để phục vụ người làm thuốc. Rồi "tiếng lành đồn xa", số người theo học ngày một đông. Họ từ Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Dương tựu về với nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau: từ sinh viên năm thứ nhất, thứ hai các trường đại học đến những học trò đặc biệt như cụ Minh, nhà ở Hà Nội năm nay ngoài 80 tuổi, theo học đã hơn mười năm nay". Ðến với lớp học là những người muốn trau dồi, tìm hiểu văn hóa đời xưa để lại, và cần tới sự kiên trì. Học viên Nguyễn Khắc Nghị chia sẻ: "Mấy đời nhà tôi đều làm thuốc, nên để lại khá nhiều bài thuốc quý, ghi chép bằng chữ cổ trong sổ sách. Nhờ sự chỉ dạy tận tâm của cụ Ðá, đến nay tôi đã đọc được một số bài thuốc gia truyền"...
Ở Ninh Hiệp, một trong những điều gây ấn tượng mạnh đối với tôi, là hầu như nhà nào cũng có chậu cây cảnh đẹp bày ở góc nhà, để vườn hay đặt trên ban công. Hội Sinh vật cảnh xã Ninh Hiệp thành lập từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, giờ có hơn 100 hội viên, đã từng đoạt nhiều giải cao tại các cuộc triển lãm ở thành phố và địa phương. Trong một lần Ninh Hiệp tham gia Hội chợ sinh vật cảnh tại Triển lãm Giảng Võ, sau khi xem cây cảnh của xã, cố nghệ sĩ Tào Mạt đã xuất khẩu thành thơ: Thăng Long thành bắc hướng Tiên Sơn - Ninh Hiệp chân truyền tối cổ thôn - Vô ích thảo hoa thành bảo vật - Nhân hiền tục mỹ Việt Nam hồn (đại ý là: Cây cỏ tầm thường vào tay những người biết chơi thành thứ hiếm). Cụ Nguyễn Ngọc Cung, 79 tuổi, một trong bảy người đầu tiên sáng lập Hội Sinh vật cảnh bộc bạch: "Cây cảnh không chỉ là thú chơi tao nhã, mà còn có giá trị là cây thuốc. Chơi cây cảnh giúp tâm hồn con người hướng tới chân - thiện - mỹ". Say mê, tâm huyết với văn hóa sinh vật cảnh, cụ Cung mong ước rồi đây cây cảnh sẽ ngày càng phát triển, giúp làm xanh tươi cuộc đời. Cùng với tôi đi tham quan một số khu sinh vật cảnh, anh Nguyễn Khắc Gia, thành viên tích cực của hội bảo rằng: "Cây cảnh với tôi như là cơm ăn, nước uống. Ðể tạo nên một tác phẩm giàu tính nghệ thuật, có sức sống, mang triết lý riêng của người chơi, cần phải say mê và dành nhiều tâm huyết". Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển, giao lưu rộng rãi giữa các địa phương, sinh vật cảnh đã trở thành một nghề giàu tiềm năng, đem lại thu nhập cao. Quả thật, giữa sự sôi động của cuộc sống hôm nay, chiêm ngưỡng và thưởng thức cây cảnh nghệ thuật, mỗi người như đã có được một khoảng lặng chứa đựng giá trị thẩm mỹ, giàu tính văn hóa, giúp mang lại phút thư thái, bình an cho tâm hồn.
Nói tới Ninh Hiệp, không thể không kể tới sự sầm uất, nhộn nhịp của khu chợ vải nổi tiếng ít nơi nào có được. Mới vào hè mà ngay từ buổi sáng, chợ vải Ninh Hiệp đã tấp nập người gánh kẻ thồ, kẻ bán người mua... Khung cảnh ấy còn kéo dài đến tận buổi chiều. Ðủ các mặt hàng vải vóc, quần áo, chăn màn, đa dạng về chất liệu và sắc mầu. Chị Phương, nhà ở Khương Thượng (Hà Nội), một khách hàng mua vải, vừa cười, vừa nói với tôi: "Ngày cuối tuần tôi thường sang đây mua vải vì hàng hóa, mẫu mã phong phú, đa dạng, giá cả hợp lý, thái độ người bán hàng nhã nhặn, ít khi nói thách bởi phần lớn họ là những người dân quê thuần phác, không chèo kéo, nói thách như ở nhiều nơi khác. Ðược chọn vải vừa ý, lại mua bán thuận lợi, đi xa một tý cũng được".
Sau hàng chục năm, nghề kinh doanh vải đã góp phần làm cho cuộc sống của nhiều gia đình ở Ninh Hiệp ngày càng khấm khá. Cuộc sống khấm khá ấy còn đến từ cây thuốc, từ dược liệu, từ những hàng cây cảnh như là biểu hiện của thú chơi văn hóa, giúp đem lại sự thư thái tâm hồn trước nhịp sống hối hả của thời đại.
Từ khóa » Hội Làng Ninh Hiệp
-
Lễ Hội Làng Nành (Ninh Hiệp) Cuối Tuần - ảnh đây
-
Tưng Bừng Lễ Hội Thượng Võ Hội Làng Ninh Hiệp
-
NỮ VẬT NAM HỘI LÀNG NINH HIỆP 2019 Bản đủ Từ Đầu đến Cuối VN
-
Hội Làng Ninh Hiệp - Facebook
-
Chùa Nành – Wikipedia Tiếng Việt
-
Lễ Hội Truyền Thống Hội Chùa Nành - Xã Ninh Hiệp - Gia Lâm - Hà Nội.
-
Lễ Hội Làng Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội: Sáng Chế Truyền Thống ...
-
Choáng Ngợp Trước Hàng Loạt Lâu đài Lộng Lẫy ở Ngôi Làng Giàu Có ...
-
Tag: Chung Kết Hội Làng Ninh Hiệp - Dân Việt
-
Nếp Làng Ninh Hiệp
-
Hội Chùa Nành
-
Làng Nghề Ninh Hiệp Sinh 4 Vợ Vua
-
Thuốc đông Y Ninh Hiệp (Hà Nội): Chữa Bệnh Hay Thêm Bệnh?