Làng Nghề đan Cỏ Tế Lưu Thượng - Thế Giới Di Sản
Có thể bạn quan tâm
Nghề 400 năm tuổi
Mặc dầu cây cỏ tế xuất hiện sớm tại Lưu Thượng nhưng ban đầu nó chỉ là nguyên liệu để làm các đồ gia dụng, mỹ nghệ đơn giản. Người Lưu Thượng cũng chủ yếu làm nghề chẻ cỏ tế để bán tại địa phương và một số huyện, tỉnh lân cận, phục vụ cho nghề đan cỏ tế và làm nguyên liệu cho một số mặt hàng như nón, các loại rổ, rá, giỏ đựng cua, cá. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, cỏ tế đã dần khẳng định được vị thế của mình, trở thành nhân tố quan trọng cho sự hình thành và phát triển của một nghề truyền thống mà đem lại hiệu quả kinh tế cao: Nghề đan cỏ tế. Lệ làng xưa, nghề đan cỏ tế không được truyền ra khỏi làng, thậm chí con gái đi lấy chồng cũng phải trả lại nghề cho cha. Do nghề chỉ được truyền trong làng nên phạm vi sản xuất rất nhỏ lẻ, sản phẩm cũng rất đơn giản. Người dân trong làng chủ yếu sơ chế cây cỏ tế (guột) thành nguyên liệu thô cung cấp cho các làng xung quanh đan nong nia, rổ rá, làm nón...
Người dân Lưu Thượng truyền lại cho nhau rằng, Lưu Thượng vốn là một làng nghề cổ có lịch sử hơn 400 năm. Tương truyền rằng, những năm đầu thế kỷ 17, làng có tên là Gầu Tế, dân cư thưa thớt, đất đai hoang hóa mọc đầy cỏ dại. Cách đây hơn 300 năm bà Nguyễn Thảo Lâm đem nghề guột tế về cho làng. Dân làng đã học theo và rồi đời này truyền cho đời khác, để đến hôm nay, người Lưu Thượng vẫn tự hào vì có những sản phẩm “made in Vietnam” do chính tay mình sản xuất. Để ghi nhớ công ơn của bà, dân làng Lưu Thượng đã tôn bà làm Tổ nghề với cái tên là Nguyễn Thảo Lâm và thờ phụng bà tại đình làng để quanh năm hương khói. Hàng năm vào ngày 16-10 Âm lịch dân làng tổ chức giỗ tổ làng nghề. Nhớ ngày ấy người dân Lưu Thượng sống trên mọi miền đất nước đều về thắp hương tỏ lòng tôn kính người đã đem lại sự phồn thịnh cho quê hương.
Nằm cách Hà Nội chừng 40 km, làng Lưu Thượng, xã Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề đan cỏ tế có lịch sử hơn 400 năm. (Ảnh: vnexpress.net)
Về cơ bản, nghề đan cỏ tế giống nghề đan lát mây tre. Tuy nhiên, cỏ tế lại có những ưu thế mà sợi mây, nan tre không có được, đó là sự nổi bật về màu sắc tự nhiên (màu đỏ nâu rất đẹp). Hơn nữa, cỏ tế rất mềm mại, dẻo dai nên dễ cho việc tạo dáng và đặc biệt là có độ bền cao. Để có được một sản phẩm cỏ tế vừa đẹp, vừa bền, người thợ thủ công phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Các loại cỏ tế sau khi mua về sẽ được phân loại rồi phải phơi ít nhất 3 nắng to liên tục mới đạt chất lượng cả về độ bền và màu sắc. Tiếp theo, người thợ để nguyên hoặc chẻ cây cỏ tế ra làm 2, 3 hay 4 phần tùy thuộc vào việc dùng để sản xuất loại hàng hóa nào. Sau đó, cỏ tế được dùng để đan và tạo hình cho sản phẩm. Các loại cỏ tế được đan phải có cùng màu sắc, độ dẻo dai để tạo sự đồng đều. Sản phẩm sau khi tạo hình được hun qua diêm sinh, rồi nhúng qua dầu keo để màu sắc được bền và tươi tắn hơn. Nhúng dầu keo xong, người thợ sẽ phơi hoặc sấy khô sản phẩm rồi tiếp tục nhúng dầu lần thứ hai hoặc lần thứ 3 tùy theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm.
Đa dạng hóa sản phẩm hướng đến thị trường ngoài nước
Cũng như bất kỳ một làng nghề cổ nào ở Việt Nam, sự phát triển của Lưu Thượng cũng giống như một bản nhạc có đủ nốt thăng, nốt trầm. Nghề đan cỏ tế chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng từ năm 1990 trở lại đây, khi thị trường Việt Nam được mở cửa và nhiều doanh nghiệp, khách nước ngoài biết đến các sản phẩm của làng nghề Lưu Thượng.
Trước đây người ta chỉ lấy phần ruột của cây cỏ tế tách thành những sợi nho gọi là guột, dùng để nức rổ, rá, khâu nón... còn phần vỏ cứng bên ngoài chỉ để đun bếp... Vào thập kỷ 80 người dân Lưu Thượng đã sử dụng phần ngoài của cây cỏ tế này để đan lát một số dụng cụ sinh hoạt như làn, được gọi là mặt hàng cao cấp nhất của làng nghề guột tế. Những chiếc làn được đan xinh xắn đã đủ kích cỡ, bên ngoài được quang lớp dầu bóng, làm cho sản phẩm đẹp, bền. Thời kỳ đồ nhựa còn hiếm và đắt nên những chiếc làn này được bán chạy và bán rộng rãi trên thị trường các tỉnh miền Bắc.
Sang đến thập kỷ cuối của thế kỷ 20, người thợ làng nghề Lưu Thượng tiến lên làm nhiều mặt hàng hơn, như những con giống, lẵng hoa, xà bông, valy đủ kiểu, đủ loại trông rất đẹp mắt. Những mặt hàng đan từ nguyên liệu chính là cỏ tế được đưa ra nước ngoài giới thiệu, chào hàng và được nhiều nước ưa chuộng, ký hợp đồng mua với khối lượng khá lớn: từ đó các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu của Trung ương, của tỉnh về Lưu Thượng ký hợp đồng thu mua hàng ngày càng nhiều.
Về thăm Lưu Thượng bất kỳ thời điểm nào trong tuần, du khách đều dễ dàng bắt gặp những hình ảnh chuốt cỏ bình dị của các bậc cao niên. (Ảnh: vnexpress.net)
Trong mấy năm trở lại đây, nghề thủ công ở Lưu Thượng phát triển mạnh tạo cho làng xóm đổi thay, nhiều gia đình trở nên giàu có. Ở Lưu Thượng có 334 hộ thì có 320 hộ làm hàng thủ công, thu hút mọi người tham gia không chỉ có lao động ở trong làng mà hàng trăm lao động ở xã bạn, huyện bạn đến đây làm thuê. Hàng đan xong đều được sấy, hun, quang dầu nên không bị mối mọt, mốc và bóng đẹp. Nghề truyền thống đan hàng tế không chỉ bó hẹp trong làng Lưu Thượng mà đã lan sang 6 làng trong xã và nhiều địa phương ở xã bạn, huyện bạn. Ngoài Lưu Thượng, xã Phú Túc còn có 7 thôn nữa tham gia làm hàng guột tế. Cả xã có 1.846 hộ thì có 1.330 hộ làm nghề thủ công. Các thôn Trình Viên, Đường Làng, Phú Túc, Tư Sản, Lưu Động, Lưu Xá, Hoàng Xá đều có 50-80% số hộ làm nghề đan guột tế.
Bằng sự tìm tòi, sáng tạo, những người thợ Phú Túc còn kết hợp cỏ tế với các nguyên liệu khác như cói, bẹ ngô, mây, tre, bèo, bẹ chuối, cỏ lăn... để tạo ra 8 loại sản phẩm với hơn 2.000 mẫu mã. Điều đáng nói là nghề đan cỏ tế của Phú Túc hôm nay đã được chuyên môn hóa đến từng công đoạn và được tổ chức khoa học, hợp lý. Nhờ đó sản phẩm tạo ra đạt đến trình độ tinh xảo và ngày càng vươn xa ra châu lục và thế giới như khối EU, Đông Âu, Nhật Bản, Canada.
Du lịch làng nghề
Theo tuyến Quốc lộ 21B đến Quán Tròn rẽ trái theo Tỉnh lộ 73, theo tấm biển đề du lịch làng nghề mây, tre, giang đan, guột tế Phú Túc sẽ dẫn ta đến với một điểm tham quan du lịch độc đáo. Bên những con đường được trải bê tông, trải nhựa hay lát gạch sạch, đẹp theo dọc địa phận xã, men theo rìa làng, dọc các thôn, xóm đã bắt gặp một không khí lao động hăng say sôi nổi. Từng dãy hàng guột tế, mây, tre, giang đan đang phơi ven đường, trong sân nhà. Trong kho, xưởng của những tổ hợp, doanh nghiệp lớn nơi những người thợ trong những công đoạn hoàn thiện sản phẩm: Khò đốt, phơi khô, chỉnh sửa, phun sơn, đóng gói... đang chất cao thêm những thùng thành phẩm chờ ngày tiêu thụ. Những con người khéo léo của đất nghề từ các em nhỏ tới các bậc cao niên, rồi những bà, những cô, những cậu... đang thoăn thoắt tay buộc, tay đan làm nên những món hàng độc đáo.
Một sức sống làng quê mới hiện ra trước mắt du khách là những con đường làng đều đã được cứng hóa, những ngôi nhà cao tầng, nhà mái bằng hiện đại đua nhau mọc lên. Khu trung tâm xã cũng là khu phố chợ Lưu Thượng chính là tâm điểm của chuyến tham quan, nơi tập trung khoảng 15 tổ hợp lớn. Những tên tuổi doanh nghiệp: Phú Ngọc, Phú Tuấn, Hiền Lương, Hồng Kỳ, Thành Công... đã vang tiếng khắp vùng và trở thành những đầu mối giao lưu quảng bá sản phẩm của cả làng đồng thời còn giúp mang nghề, mang việc làm và thu nhập cho cả các xã lân cận trong vùng chính là những địa chỉ đầu tiên ghé thăm của du khách.
Những sản phẩm hoàn thiện được đem phơi dưới cái nắng vàng rực rỡ của miền bắc. (Ảnh: vnexpress.net)
Tại bất cứ một tổ hợp nào ta đều nhận được sự thân thiện, hiếu khách của những người chủ năng động. Thăm gian trưng bày giới thiệu hàng nghìn mẫu sản phẩm với đủ loại mẫu mã được sản xuất từ nguyên liệu mới, lạ như: Cỏ tế, mây, tre, giang, cói, cây bèo tây, dây rừng, bẹ ngô... Nào những con giống, những lẵng đựng hoa quả, khay, hộp đựng quần áo, tráp đựng son phấn, hàng lưu niệm... được để thô mộc mang nhưng nét giản dị quê hương hoặc dùng sơn, dầu bóng thổi những nét hiện đại, đẹp đẽ đều có những sức thu hút đầy sống động. Khách ghé thăm một ngôi nhà dân bất kỳ trong làng sẽ được tận mắt chứng kiến một không khí lao động rất đặc trưng của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Giữa ngôi nhà đang chất đầy những nguyên phụ liệu, những sản phẩm chờ ngày tiêu thụ, người lao động miệt mài công việc từ vót, chẻ những thanh tre, giang, mây, cỏ tế; người thoăn thoắt tay đan, tạo nên những sản phẩm độc đáo. Cả gia đình quây quần lao động giữa một không khí đầm ấm, vui vẻ và sẵn sàng hướng dẫn giới thiệu với du khách thử tay uốn lạt, đan một món hàng độc đáo nào đó để mang về làm quà, ghi lại dấu ấn một chuyến đi lý thú. Kết thúc nửa ngày tham quan làng nghề, ta có thể ghé thăm phiên chợ quê mộc mạc, thăm các đình làng nơi thờ bà tổ của nghề, ngôi chùa nhỏ ven làng.
Với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự năng động của những chủ doanh nghiệp, sự cần cù, bàn tay khéo léo của người lao động, tin rằng làng nghề cổ truyền Lưu Thượng sẽ phát huy mọi tiềm năng cả về nhân lực và vật lực, khẳng định thương hiệu của mình ở cả thị trường trong nước và quốc tế...
Thanh Huyền
Từ khóa » Trồng Cây Guột
-
Cây Guột Là Cây Gì? Làm Giàu Từ Cây Guột
-
Cỏ Tế (cỏ Guột Cứng) Là Cây Gì? Có ứng Dụng Ra ... - Phụ Kiện Nhà Đẹp
-
Giá Trị Kinh Tế Của Cây Guột - BambuBuild
-
Guột Là Cây Gì? Tác Dụng Của Cây Guột Trong Y Dược?
-
Sản Xuất “vàng đen” Từ Cây Mọc Hoang - Khoa Học đời Sống
-
Rau Rừng - Chồi Lá Non Từ Cây Guột Làm Rau ăn. Cây ... - Facebook
-
Loài Cây Họ Dương Xỉ Mọc Hoang Bạt Ngàn Trên Các Ngọn đồi Trơ Trọc ...
-
Cây Dược Liệu Cây Guột Cứng, Vọt, Cỏ đế, Ràng Ràng
-
Làng Nghề đan Guột - 1000 Years Thang Long (VietNamPlus)
-
Làm Giàu Từ Trồng Cây ăn Quả, Nuôi Ong Lấy Mật
-
Cỏ Tế (cỏ Guột Cứng) Là Cây Gì? Có ứng Dụng Ra ... - LIVESHAREWIKI
-
Guột Cứng, Cây Guột Cứng, Vọt, Cỏ Đế, Ràng Ràng, Dương Xỉ ...