Làng Nghề đồ Gỗ "tỷ Phú" Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) - Thư Viện Gỗ
Có thể bạn quan tâm
Nói đến làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ chất lượng và nổi tiếng tại Việt Nam, không thể không nhắc đến cái tên Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Làng nghề này đặc biệt nổi tiếng với những sản phẩm mộc thủ công, những nội thất phỏng cổ gỗ tự nhiên chạm đục hoa văn tinh tế, bắt mắt, thu hút mọi ánh nhìn.
Nội dung chính
- 1 Làng nghề Đồ Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ ở đâu?
- 2 Làng nghề Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ ra đời từ bao giờ?
- 3 Sự phát triển của làng nghề
- 4 Nguyên liệu và chuỗi cung ứng gỗ cho làng Đồng Kỵ
- 5 Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ đặc trưng
- 6 Làng nghề Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ ngày nay
Làng nghề Đồ Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ ở đâu?
Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 25km về hướng Đông Bắc, làng nghề Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ thuộc phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Tồn tại và phát triển được hơn 300 năm, làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ được biết đến là “thương hiệu đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp” lâu đời và nổi tiếng nhất tại thị trường Việt Nam.
Những sản phẩm đồ gỗ tại Đồng Kỵ không chỉ được sản xuất để phục vụ nhu cầu của khách hàng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới và được khách hàng đánh giá cao về cả chất lượng cũng như kiểu dáng.
Làng nghề Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ ra đời từ bao giờ?
Từng được biết đến với cái tên làng Cời, làng Nhân Hậu nhưng do phạm quốc huý nên làng Nhân Hậu phải đổi thành Đồng Chu rồi sau đó là Đồng Kỵ như ngày nay. Nghề mộc là nghề truyền thống của người dân nơi đây.
Nghề mộc của Đồng Kỵ có từ bao giờ thì hầu như người dân không nhớ rõ, còn các nguồn sử xưa không thấy nói làng có nghề mộc mỹ nghệ. Nhưng chứng tích cũ lưu lại ở ngôi đình cổ hơn 300 năm tuổi làm từ gỗ với những đường nét chạm khắc rất tinh xảo do những người thợ mộc của làng đã tham gia tạo dựng, đã cho thấy tay nghề mộc của người dân trong làng đã có từ khá lâu.
Trước năm 1975, dân làng Cời chủ yếu là đi đóng thuê giường, tủ, bàn, ghế…cho các vùng. Năm 1975, đất nước được thống nhất, hoà bình được lập ở cả hai miền nam bắc. Giao thương hai miền nối lại, người dân làng Cời được tiếp cận với thị trường miền Nam thông qua nhà buôn Hà Nội. Thấy nhu cầu về đồ gỗ cổ của người dân ở đây rất lớn nên người dân đã bảo nhau thu gom, mua lại đồ gỗ cổ ở các nơi rồi chở vào bán ở miền Nam.
Khi nguồn hàng đồ gỗ cổ dần cạn, người dân làng Cời với tay nghề mộc khéo léo vốn có đã nghĩ ra cách làm đồ gỗ phỏng cổ y như thật. Đáng mừng là các sản phẩm này lại được đón nhận cao của thị trường cả nước, đặc biệt là miền Nam.
Khách hàng khi thấy sản phẩm tinh xảo do bàn tay người Đồng Kỵ làm ra, ai nấy cũng đều ưng ý và trả với giá cao. Bắt đầu từ đó, nghề mộc của làng Đồng Kỵ bước vào một giai đoạn phát triển rực rỡ, một thời đại “hoàng kim”.
Sự phát triển của làng nghề
Vào những năm 1986 gặp luồng gió đổi mới nền kinh tế thị trường đã tạo đà cho số đồ gỗ chạm khắc từ Đồng Kỵ được tràn vào TP Hồ Chí Minh rồi chuyển đi Lào, hay Campuchia. Nghề Mộc của Đồng Kỵ không còn là nghề mộc thông dụng đơn thuần mà đã phát triển thành mặt hàng mỹ nghệ cao cấp với những đồ phỏng cổ như sập gụ, tủ chè, các đồ thờ có khảm trai khảm đá … chất lượng cao thu hút được khách hàng từ nam ra bắc và các nước trong xung quanh.
Nhiều người thợ giỏi ở Phù Khê, Kim Thiều có bàn tay khéo léo nhưng hạn hẹp thị trường đành quay sang làm thuê cho Đồng Kỵ. Nhiều người thợ Đồng Kỵ giàu lên trông thấy, các đại lý hàng mỹ nghệ của Đồng Kỵ mọc lên khắp nơi ở mọi miền đất nước. Vươn xa hơn là sang tận Thái Lan, Trung Quốc, các nước Đông Âu, ASEAN và phương Tây.
Các công ty do người Đồng Kỵ đứng ra thành lập mọc lên ngay tại làng thu hút hàng nghìn thợ tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong và ngoài làng. Cả làng trở thành một công trường thủ công náo nhiệt. Đường làng ngõ xóm ngổn ngang bãi gỗ, ngổn ngang sản phẩm gỗ đang hoàn thiện. Ôtô, xe công nông, xe bagac… ầm ĩ, nhộn nhịp suốt ngày đêm, chở gỗ về chở thành phẩm ra đi. Những con đường xung quanh làng trở thành trung tâm mua bán dịch vụ và sản xuất sầm uất. Cả làng có tới 5-7 chợ họp suốt ngày cung cấp các nguyên liệu làm đồ mỹ nghệ. Sự hối hả tất bật ngược xuôi nhưng đầy tin tưởng ở cuộc sống mới thể hiện trên gương mặt của mỗi người trong làng.
Để nâng cao hiệu suất công việc người làng Đồng Kỵ không chỉ đi sâu vào chuyên môn hoá các công việc trong quy trình sản xuất mà còn biết tận dụng khả năng của việc cơ giới hoá trong nhiều công đoạn như cưa, dọc gỗ, tiện, bào , khoan dùng máy cưa tạo hình để cắt những hoạ tiết của loại mặt hàng được sản xuất với khối lượng lớn, số lượng nhiều. Việc đổi mới một số công nghệ trong quy trình sản xuất và chuyên môn hoá công việc trong một số công đoạn không chỉ đem đến năng suất cao mà còn giúp cho nghề mộc chạm trổ Đồng Kỵ có khả năng phục vụ tốt cho bạn hàng trong nước và quốc tế.
Dấu mốc quan trọng cho sự phát triển:
Năm 2005, Đồng Kỵ có hơn 15 nghìn nhân khẩu trong đó số lao động tham gia làm sản xuất kinh doanh gỗ chiếm hơn 95%. Có gần 200 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh về gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hình thành cụm công nghiệp nhỏ trên địa bàn, tạo điều kiện phát triển quy mô hơn cho cả vùng.
Vào những năm 2006-2008, khách hàng Trung Quốc đổ về Đồng Kỵ đặt rất nhiều hàng mà không quá khắt khe về chất lượng. Cả làng đổ xô đi làm gia công cho Trung Quốc vì dễ và thu tiền nhanh. Giai đoạn này mở ra một thời kì “nóng”, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 70%.
Năm 2008, một khoảng thời gian khá dài về sau, các sản phẩm của Đồng Kỵ bị chững lại bởi vướng mắc đầu ra do ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Khiến mọi sản phẩm của Đồng Kỵ giảm mất 50% giá trị. Tiếp đó, các lái buôn Trung Quốc đồng loạt bỏ hàng. Cả làng Đồng Kỵ rơi vào hoảng loạn, nhiều hộ sản xuất rơi vào cảnh nợ nần.
Giai đoạn này như lời cảnh tỉnh, giúp các doanh nghiệp làng nghề nhìn nhận lại phương hướng sản xuất của mình. Sau đó đã có sự chuyển hướng sản xuất của nhiều đơn vị quanh vùng, thay vì sản xuất các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp từ các loại gỗ quý hiếm như Sưa, Trắc,… họ đã và đang chuyển sang các mặt hàng sử dụng các loại gỗ phổ biến hơn cho nhu cầu tiêu thụ trong nước như Hương, Gụ,… và đã có sự thử nghiệm dòng sản phẩm với các loại gỗ cứng nhập khẩu như Sồi, Tần bì.
Cũng trong giai đoạn này đã có sự định hướng lại thị trường xuất khẩu mới cho Việt Nam, hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, giúp đảm bảo lượng tiêu thụ ổn định về sau. Thị trường được nhắm đến là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… và các nước Châu Âu.
Sau khủng hoảng kinh tế, thị trường đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ “nóng” trờ lại, sôi động lại trở về với làng quê này suốt giai đoạn 2010 – 2015. Nguyên nhân được cho là nguồn tiêu thụ Trung Quốc lại trở nên tấp nập và mẫu mã sản phẩm đã có sự cải tiến phù hợp hơn với cả mặt hàng trong nước và xuất khẩu.
Tháng 3/2011 hiệp hội làng nghề sản xuất kinh doanh gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ được thành lập với khoảng hơn 200 thành viên. Chủ yếu là các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, chỉ có 5% số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tham gia. Hiệp hội thành lập tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ phát triển hơn, đồng thời tìm đầu ra cho sản phẩm một cách bài bản hơn.
Cho đến năm 2019, số liệu thống kê cho thấy làng nghề Đồng Kỵ có tới 3.500 hộ gia đình trong đó 3.000 hộ tham gia nghề gỗ từ buôn bán, vận chuyển, chế biến đến cung ứng gỗ nguyên liệu trong làng nghề. Nghề gỗ của Đồng Kỵ vẫn đóng góp 90% tổng thu nhập của người dân.
Nguyên nhân đảm bảo duy trì được làng nghề trong nhiều năm được những doanh nghiệp ở đây chia sẻ:
1. Do người dân Đồng Kỵ sáng tạo với các mẫu mã, thích ứng thị trường để đảm bảo duy trì được làng nghề.
2. Do nhu cầu của thị trường, người dân Đồng Kỵ cũng luôn rất nhạy bén về công nghệ sản xuất, dây truyền sản xuất để đảm bảo thích ứng với yêu cầu thực tế của từng thời kỳ.
3. Do đất chặt người đông, nhân dân phải đi làm ăn xa, sự nắm bắt thị hiếu vùng miền một cách tổng quan giúp các sản phẩm nơi đây dễ tiếp cận hơn với thị trường ngoại tỉnh.
Những lợi ích kinh tế xã hội làng nghề mang lại
Sự phát triển làng nghề trong những năm vừa qua đã giải quyết được việc làm cho người dân trong vùng và cả những vùng lân cận. Theo thống kê thì số người lao động từ ngoài làng vào chiếm khoảng một phần ba. Chủ yếu họ tham gia vào công đoạn tinh chế sản phẩm: đánh giấy giáp, phun sơn, đánh vecni…. Trung bình thu nhập của thợ giỏi là: 200.000 – 300.000đ/ngày. Thu nhập của những người làm công khoảng 100.000 – 150.000 đ/ngày. Việc giải quyết được vấn đề việc làm đem lại thu nhập cho người dân là những lợi ích thiết thực mà ngành thủ công mang lại.
Mức thu nhập của người dân trong làng ngày càng tăng theo xu hướng phát triển của làng nghề. Số hộ giàu tăng lên nhanh chóng, đời sống người dân được nâng cấp, hầu hết các gia đình đều có ti vi, đài, điện… và khá nhiều hộ đã mua được cả ô tô,… nhà cửa khang trang, đẹp đẽ…
So với các làng lân cận xung quanh vùng thì làng nghề Đồng Kỵ được đánh giá là “làng nghề giàu có”. Cái tên “làng tỷ phú” cũng có giai đoạn được gắn với làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ này. Thời kỳ đỉnh cao, làng Đồng Kỵ có tới 400 -500 tỷ phú.
Mức thu nhập dân cư tăng, đời sống người dân được cải thiện do vấn đề việc làm được giải quyết đã kéo theo một loạt các vấn đề khác được giải quyết. Tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc… thấp hơn so với các vùng khác. Trình độ văn hoá của trẻ em trong làng cũng tăng lên do được tạo điều kiện học tập từ gia đình.
Nguyên liệu và chuỗi cung ứng gỗ cho làng Đồng Kỵ
Nguyên liệu gỗ để sản xuất tại Đồng Kỵ chủ yếu sử dụng gỗ quý được khai thác từ rừng tự nhiên bao gồm các loại gỗ hương, trắc, gụ, cẩm lai, mun và gõ đỏ… Nhờ vào độ bền của những loại gỗ này, người nghệ nhân dễ dàng chế tác hơn. Những loại gỗ này còn có thể mang mùi gỗ đặc trưng mà rất nhiều người yêu thích.
Theo ước tính năm 2016, tổng lượng gỗ nguyên liệu sử dụng tại Đồng Kỵ khoảng 35 đến 40 ngàn m3 gỗ quy tròn, trong đó chủ yếu là gỗ hương, gụ và trắc chiếm 85%. Các loại gỗ cẩm lai, mun và gõ đỏ chiếm 15%. Gỗ có nguồn gốc từ Châu Phi, Lào và Campuchia trong đó tỷ lệ có nguồn gốc Châu Phi chiếm đa số (80%).
Thị trường Trung Quốc tiêu thụ chủ yếu là các các sản phẩm làm từ gỗ hương và gỗ trắc có nguồn gốc từ tiểu vùng Sông Mê Kông (như Việt Nam, Lào, Campuchia). Còn lại, các sản phẩm làm bằng gỗ nhập khẩu từ Châu Phi chủ yếu để phục vụ thị trường nội địa Việt Nam.
Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ đặc trưng
Nổi tiếng không chỉ ở thị trường trong nước mà còn cả thị trường nước ngoài. Những mặt hàng của làng nghề Đồng Kỵ đươc khách hàng yêu thích bởi 3 yếu tố cốt lõi đó là thương hiệu, chất lượng và đa dạng về mẫu mã sản phẩm. Được ưa chuộng bậc nhất của làng nghề này phải kể đến một số sản phẩm như sau:
– Tượng gỗ Đồng Kỵ:
– Đồ gỗ nội thất cao cấp như: bàn ghế, giường, tủ , sập, bàn thờ các loại
– Các loại tranh gỗ treo tường như: tranh tứ quý, tranh phong thủy, tranh tứ linh và rất nhiều loại tranh bằng gỗ các loại khác.
– Đồ gỗ trang trí như: đồng hồ cổ, cặp lộc bình cổ, khay nước bằng gỗ, giá ngà, khay trà cổ….
Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ được làm từ những đôi bàn tay khéo léo của người thợ có tâm với nghề. Những người thợ trong làng thế hệ trước truyền lại kinh nghiệm cho lớp thế hệ đi sau lưu giữ những tinh hoa của nghề truyền thống.
Đồ gỗ mỹ nghệ đồng kỵ có dấu ấn nghệ thuật chạm khắc trang trí theo mẫu mã truyền thống mà dân gian. Hình ảnh trang trí trên các sản phẩm được khai thác tự thế giới tự nhiên xã hội phong phú và đa dạng. Cũng có những đề tài được lập tứ, diễn hình từ nội dung dựa trên kho tàng truyện dân gian cổ tích, ca dao có xuất xứ từ Việt Nam hay Trung quốc.
Qua giá trị sử dụng, các sản phẩm còn cho thấy những ý nghĩa sâu sắc về nội dung mà nhưng nghệ nhân đã cô đúc hình ảnh con người Việt Nam từng vùng miền từng thời kỳ bàng các đường nét chạm khảm. Nhiều sản phẩm gắn với đời thường, lại có những sản phẩm gắn với ý nghĩa tâm linh tất cả đều tạo nên sự hứng khởi cuốn hút đến lạ lùng
Đặc biệt, các sản phẩm của làng nghề là đứa con tinh thần, là niềm đam mê của người thợ nên được chăm chút tỉ mỉ, chính xác đến từng chi tiết bằng những đường nét chạm khảm rất sắc nét cầu kỳ.
Không chỉ có thế nét độc đáo của sản phẩm gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ còn là sự kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống và hiện đại nên rất phù hợp với xu hướng tiêu dùng và nhu cầu thẩm mỹ của khách hàng hiện nay.
Làng nghề Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ ngày nay
Sự phát triển “nóng” của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ kéo dài đến những năm 2015 thì bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt. Nguyên nhân do hàng hóa sản xuất ra nhiều song đầu ra hạn chế, thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc nay lại tụt dốc thê thảm; lượng khách mua ngày một ít đi. Mặc dù đã có những doanh nghiệp tìm được đường ra các thị trường Âu Mỹ nhưng do điều kiện kỹ thuật chưa đủ đáp ứng, cộng với khí hậu thời tiết khác biệt hai bên làm các sản phẩm Đồng Kỵ vẫn chưa được mở rộng hơn ở các thị trường này.
Đặc biệt từ cuối năm 2019 đến nay, do có sự tác động mạnh của tình hình dịch Covid-19, sự khó khăn chung của các nên kinh tế làm sức mua giảm mạnh, đầu ra đã khó nay còn khó hơn. Đã có không ít cửa hàng phải đóng cửa, nhà nào còn mở thì cũng đìu hiu, vắng vẻ, khách xem hàng đã ít, khách mua hàng lại càng ít hơn.
Trước tình trạng đìu hiu ở làng nghề Đồng Kỵ, lại cần có một cuộc cải tổ mới cho toàn ngành sản xuất nơi đây. Các mẫu mã, loại hình sản phẩm lại phải có sự thay đổi phù hợp hơn. Chủng loại gỗ làm sao để có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để thuận lợi cho khách hành kiểm chứng chất lượng sản phẩm. Ngoài ra việc thay đổi tư duy, cải thiện công nghệ máy móc là rất quan trọng trong thời điểm này.
Giải được bài toán thị trường, đồ gỗ Đồng Kỵ sẽ trở lại được thời kỳ phát triển đỉnh cao, giữ vững được danh hiệu “làng tỷ phú” nức tiếng từ trước đến nay.
Từ khóa » đồ Gỗ Làng đồng Kỵ Bắc Ninh
-
Làng Nghề Truyền Thống đồ Gỗ Mỹ Nghệ Đồng Kỵ - Bắc Ninh
-
Khám Phá "đại Công Xưởng" Gỗ ở Làng Nghề Truyền Thống Đồng Kỵ
-
Làng Đồng Kỵ 'vàng Son' Một Thời Giờ Ra Sao?
-
Bắc Ninh: Nổi Tiếng Làng Nghề Gỗ Mỹ Nghệ Đồng Kỵ
-
Đồ Gỗ Đồng Kỵ Bắc Ninh - Home | Facebook
-
Bắc Ninh: Làng Nghề Gỗ Mỹ Nghệ Đồng Kỵ
-
Đồ Gỗ đồng Kỵ, Đồ Gỗ Mỹ Nghệ Đồng Kỵ, Từ Sơn Bắc Ninh
-
Làng Nghề Gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh): Chủ động Hội Nhập Và Phát Triển
-
Làng Nghề đồ Gỗ Mỹ Nghệ Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh - Top Nội Thất
-
ĐỒ GỖ ĐỒNG KỴ: TẬP MỚI - KHÁM PHÁ KHU TRƯNG BÀY CÁC ...
-
Phát Huy Giá Trị Truyền Thống Làng Nghề Đồ Gỗ Đồng Kỵ - YouTube
-
Giới Thiệu – Đồ Gỗ Hoàng Vân - Dogohoangvan
-
Top 5 Thương Hiệu Làng Nghề Truyền Thống Hoạt động Và Phát Triển ...