Làng Nghề Nón Lá - UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế

Trên đất nước Việt Nam chúng ta hầu như ở địa phương nào cũng có nghề làm nón. Những chiếc nón được sản xuất ra với mục đích đội đầu che nắng che mưa, nhưng ở mỗi vùng miền lại có những đặc trưng riêng trong cách sản xuất nhưng có thể nói Huế là trung tâm sản xuất nón lá của cả nước. Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay, với rất nhiều làng nón nổi tiếng như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa... Ngày nay, các làng nghề nổi tiếng như Tây Hồ Xã Phú Hồ, Mỹ Lam xã Phú Mỹ huyện Phú vang, Phú Cam, Phước Vĩnh, Đốc Sơ, Triều Tây, Hương Sơ, TP Huế cho ra thị trường hàng triệu chiếc nón, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, mà còn là món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách bốn phương khi đến Huế.

Nón lá Huế, đặc biệt là nón bài thơ, nó không chỉ là chiếc nón đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Để có được chiếc nón ưng ý, các nghệ nhân làm nón Huế phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của người thợ. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến chằm hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản…Có lẽ vì thế mà nón Huế rất được nhiều du khách ưu chuộng. Du lịch phát triển mạnh ở Huế, nón lá trở thành mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc của Huế được du khách ưa chuộng. Rất nhiều du khách đã về tận các làng nón để được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón. Không ít người đã thực sự bất ngờ và thích thú khi được người thợ nón lưu ảnh, tên của mình trên chiếc nón bài thơ mang về làm kỷ niệm. Nón lá là sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào tháng 8/2010.

Từ khóa » Nón Lá Việt Nam Có Từ Bao Giờ