Làng Quê Việt Nam Trong Truyện Ngắn Của Nam Cao Trước Cách Mạng ...

logo xemtailieu Xemtailieu Tải về Làng quê việt nam trong truyện ngắn của nam cao trước cách mạng tháng tám 1945
  • pdf
  • 91 trang
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN BỘ MÔN NGỮ VĂN & NGUYỄN THỊ YẾN THU MSSV: 6086287 LÀNG QUÊ VIỆT NAM TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945 Luận văn tốt nghiệp đại học Ngành Ngữ Văn Cán bộ hướng dẫn: HỒ THỊ XUÂN QUỲNH Cần Thơ, năm 2012 1 ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích nghiên cứu 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu PHẦN NỘI DUNG Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Vài nét về tác giả 1.1.1. Tiểu sử 1.1.2 Sự nghiệp sáng tác 1.1.3. Quan niệm sáng tác 1.2. Làng quê là mạch nguồn cảm xúc trong văn chương Việt Nam 1.2.1. Ca dao 1.2.2. Văn chương trung đại 1.2.3. Văn chương hiện đại Chương 2: NHỮNG BỨC KÝ HỌA VỀ LÀNG QUÊ VIỆT NAM TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 2.1. Cảnh quan làng quê trong truyện ngắn Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 2 2.2. Mối quan hệ giữa các tầng lớp người trong làng quê Việt Nam 2.2.1. Mối quan hệ giữa những người nông dân 2.2.2. Mối quan hệ giữa các thế lực, phe phái 2.2.3. Mối quan hệ giữa người nông dân với các thế lực thống trị trong xã hội làng xã Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 2.3. Đời sống của người nông dân ở làng quê Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 2.3.1. Người dân quê nghèo khổ, lam lũ 2.3.2. Người dân quê bế tắc cùng quẫn Chương 3: NHỮNG YẾU TỐ NGHỆ THUẬT KHẮC HỌA HÌNH ẢNH LÀNG QUÊ TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 3.1. Thời gian nghệ thuật 3.2. Không gian nghệ thuật 3.3. Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên 3.4. Nghệ thuật khắc họa tâm lý, tính cách của con người làng quê 3.4.1. Tâm lý nhân vật 3.4.2. Tính cách nhân vật 3.4.2.1. Khắc họa tính cách nhân vật thông qua hành động 3.4.2.2. Khắc họa tính cách nhân vật thông qua ngôn ngữ đối thoại 3.4.2.3. Khắc họa tính cách nhân vật thông qua độc thoại nội tâm 3.5. Chi tiết nghệ thuật PHẦN KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO 3 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Văn học luôn phản ánh đời sống, nhờ văn học mà bộ mặt nước ta qua từng thời kì đã hiện ra một cách chân thực và đầy đủ nhất. Những nhà văn hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945 đã có công rất lớn trong việc tái hiện một xã hội mà trong đó đầy rẫy những bất công tàn bạo vô nhân tính. Bên cạnh Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, … Nam Cao đã chứng tỏ được bản lĩnh của một ngòi bút đầy tài năng “Sáng tác của Nam Cao đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của thời gian, càng thử thách càng ngời sáng” [26; tr.210]. Có thể nói, Nam Cao là một nhà văn lớn đã góp phần làm vẻ vang trào lưu văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 -1945. Đến với sáng tác của ông, độc giả nghĩ ngay đến hai mảng đề tài quen thuộc: đề tài về người nông dân và trí thức tiểu tư sản. Những trang viết của Nam Cao đã tái hiện một cách chân thực và sinh động hình ảnh đói nghèo, lam lũ, bần cùng, tha hóa của những người nông dân cùng bi kịch tinh thần luôn giày xéo trong tâm hồn của tầng lớp trí thức nghèo trước Cách mạng tháng Tám 1945. Hai mảng đề tài này đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, nhận định đánh giá của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Trong những sáng tác của Nam Cao, người viết nhận thấy rằng dù viết về đề tài nào, nhìn chung nổi bật nhất vẫn là hình ảnh làng quê Việt Nam đầy đau thương, tang tóc trong đêm trường nô lệ. Với cảm quan hiện thực sâu sắc và tấm lòng tha thiết với làng quê Việt Nam, ông đã tái hiện một cách sinh động chân thực về nông thôn Việt Nam trong những năm 1930 – 1945 đầy đen tối, ngột ngạt, bế tắc. Chính vì thế, để hiểu rõ hơn về điều vừa trình bày, người viết chọn đề tài “Làng quê Việt Nam trong truyện ngắn của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám 1945” để làm đề tài luận văn tốt nghiệp cho mình. 2. Lịch sử vấn đề Nam Cao là một tài năng lớn, một nhà văn xuất sắc đã góp phần cách tân và hiện đại hóa nền văn xuôi quốc ngữ. Ông đóng một vai trò quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Cả cuộc đời Nam Cao là một quá trình phấn đấu không mệt mỏi cho một nhân cách cao đẹp – nhân cách trong cuộc đời và nhân cách trong sáng tạo nghệ thuật. 4 Qua khảo sát và tìm hiểu, người viết nhận thấy có rất nhiều công trình nghiên cứu cùng những nhận định về văn chương Nam Cao nhưng vấn đề về làng quê thì chưa được nghiên cứu một cách trực tiếp và toàn diện mà chỉ dừng lại ở những công trình nghiên cứu cùng những ý kiến có liên quan. Đầu tiên là quyển “Nam Cao đời văn và tác phẩm” do Hà Minh Đức biên soạn, nhà xuất bản Văn học 1997. Đây xem như là một công trình nghiên cứu giới thiệu về quá trình sáng tác đồng thời đưa ra những nhận định sơ bộ về nhà văn ưu tú Nam Cao. Trong quyển “Nam Cao đời văn và tác phẩm”, Hà Minh Đức nhận định: “Nam Cao đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc dựng lên chân thực hình ảnh người nông dân Việt Nam, phản ánh cuộc sống đau khổ, tăm tối của nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám”[5; tr.75 – 76]. Qua những trang viết của mình, Nam Cao đã phản ánh được tình hình tranh chấp giữa bọn cường hào hương lý. Tuy chưa có những giải pháp thiết thực nhưng tác giả có ưu điểm đáng ghi nhận là miêu tả được mối quan hệ giai cấp phức tạp ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, đồng thời nhà văn cũng thấy được những biểu hiện khác nhau của mỗi tầng lớp, mỗi giai cấp trong cuộc đấu tranh chung. Hà Minh Đức đã đưa ra cái nhìn bao quát: “Sống giữa những người nông dân, những người nghèo khổ biết bao cảnh tượng thương tâm đã để lại cho Nam Cao những ấn tượng sâu sắc, đã giúp Nam Cao có một cái nhìn chính xác vào bản chất cuộc sống ở nông thôn”[5; tr.15]. Không chỉ dừng lại ở việc miêu tả bức tranh quê và số phận con người, Nam cao còn gióng lên hồi chuông kêu cứu, tố cáo xã hội đương thời. Hà Minh Đức cho rằng: “Bằng cách thể hiện chân thực những cảnh đời tủi cực nghèo khổ nơi xóm thôn, Nam Cao đã đề cập được đến quá trình người nông dân bị bần cùng hóa, kết quả khốc hại của chế độ người bóc lột người, của một bộ máy thống trị vô cùng hà khắc. Và, bất cứ trong hoàn cảnh nào, các nhân vật và cuộc đời thực của họ trong sáng tác của Nam Cao đều có tác dụng tố cáo mạnh mẽ”. [5; tr.52]. Bên cạnh đó Hà Minh Đức còn khẳng định Nam Cao đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc dựng lên hình ảnh chân thực về người nông dân cũng như phản ánh rõ nét hoàn cảnh xã hội tăm tối của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng:“Tác phẩm của ông là tiếng kêu cứu thiết tha về tình cảnh, 5 Nam Cao đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc dựng lên chân thực hình ảnh người nông dân Việt Nam, phản ánh cuộc sống đau khổ, tăm tối của nông thôn Việt Nam trong những năm trước Cách mạng tháng Tám”[5;tr.76]. Thông qua những tác phẩm của mình, Nam Cao đã thể hiện rõ một tấm lòng nhân đạo cao cả trước từng mảnh đời bất hạnh và một tình yêu tha thiết với làng quê. Chính vì thế Hà Minh Đức nhấn mạnh: “Nam Cao yêu trìu mến cái làng khổ sở của anh, anh yêu những bến đò hiền lành, những buổi sáng, buổi trưa của thôn quê Việt Nam. Mỗi khi nói đến cái ngốc dại quanh quẩn của những người đau khổ quằn quại, biết bao nhiêu xót xa độ lượng trong câu văn của anh” [5; tr.66]. Kế đến là cuốn “Nhà văn tư tưởng và phong cách” của Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà xuất bản Đại Học quốc gia Hà Nội năm 2001. Trong quyển này, Nguyễn Đăng Mạnh đã có sự so sánh khá tinh tế khi nhận ra sự khác biệt rất độc đáo của Nam Cao khi miêu tả bức tranh làng quê với các nhà văn hiện thực phê phán cùng thời “Khác với không khí đấu tranh sôi sục náo nhiệt trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan, nông thôn của Nam Cao có một cái gì vắng lặng xơ xác, hoang vu khiến người ta tưởng chừng như nghe thấy cả tiếng vặn mình mệt mỏi của những thớ gỗ trong cái kèo, cái cột, những buổi trưa hè [19; tr.213](Nửa đêm)”. Bức tranh nông thôn không chỉ xơ xác tiêu điều về cảnh vật mà cuộc sống của người nông dân cũng rơi vào đau thương, tang tóc “ở đây những gia đình nông thôn không mấy khi toàn vẹn. Cuộc sống đói nghèo và nạn cường hào đã bắt vợ chồng, mẹ con, anh em phải ly tán, người này đi phu Nam Kỳ, người kia đăng lính sang Tây, người nọ ngược rừng kiếm ăn, kẻ khác đã chết tự năm nào vì mất mùa, đói kém..Dưới những mái lều tranh, người nông dân của Nam Cao thường một hình, một bóng tự mình lại nói chuyện với mình, độc thoại nội tâm, triền miên, âm thầm buồn tủi”[19; tr.213]. Không dừng lại ở đó, Nguyễn Đăng Mạnh còn cho rằng, với bản lĩnh của một nhà văn có tài và cảm quan hiện thực sâu sắc Nam Cao đã phản ánh được tình trạng nông thôn nước ta trong những ngày đen tối dưới ách Pháp, Nhật: “Bằng trực cảm sâu sắc, Nam Cao đã phản ánh được tình trạng ở nông thôn nước ta trong những ngày cuối cùng của 6 chế độ thuộc địa dưới ách Pháp, Nhật: bị bòn rút vơ vét đến xơ xác, kiệt quệ và đang bị đẩy dần tới nạn đói khủng khiếp 1945”[19; tr.214]. Ở một khía cạnh khác Nguyễn Đăng Mạnh còn khẳng định, trong những trang viết về làng quê ấy còn thể hiện tấm nhân đạo của nhà văn trước số phận bất hạnh của con người: “Một đám cưới là một truyện cảm động. Chao ôi! Người nông dân ngày xưa thật cực khổ đủ đường. Đọc xong truyện cứ thấy đau xót đến ngẩn ngơ trước một cái làng quê tiêu điều xơ xác, có một đám cưới mà mặt người đưa dâu buồn như là đưa ma, nhà trai nhà gái chỉ vỏn vẹn có sáu người, kể cả đứa bé phải cõng, quần áo thì rách rưới lôi thôi, lầm lũi, dắt nhau đi vào một cái ngõ tre hun hút dưới bóng chiều, ảm đạm, giống như một gia đình bác xẩm…đi tìm chỗ ngủ”[19; tr.214]. Ngoài ra, để hoàn thành luận văn này không thể không kể đến quyển “Nam Cao – Về tác gia và tác phẩm”, nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 2007, tập hợp các bài giới thiệu, phê bình, bình luận và nghiên cứu của các nhà phê bình nghiên cứu, các nhà giảng dạy văn học, nhà văn được công bố trên các sách báo tạp chí về cuộc đời và văn nghiệp Nam Cao. Trong cuốn sách này, có những bài viết đề cập đến một vài khía cạnh về làng quê trong sáng tác của Nam Cao, đáng chú ý có thể kể đến bài viết của các tác giả sau: Trần Đăng Suyền trong bài “Thời gian và không gian nghệ thuật Nam Cao” có nhận định về sự khác biệt khi miêu tả về nông thôn của Nam Cao với các tác giả khác cùng thời: “Khác với làng Đông Xá huyên náo, nhộn nhịp tiếng trống thúc sưu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, nông thôn trong tác phẩm của Nam Cao có cái vẻ vắng lặng hoang vu của một vùng quê xác xơ vì nghèo đói. Một cái làng quê u tịch đôi khi chết lặng vì cái nắng trưa gay gắt của mùa hè, xao xác vào những ngày thu, tả tơi vào mùa mưa bão, quạnh vắng vào những đêm trăng”[15; tr.30]. Bên cạnh đó, tác giả cho rằng làng quê luôn chiếm một vị trí quan trọng trong sáng tác của ông: “thường xuyên hơn cả, ta bắt gặp trong sáng tác của Nam Cao cái làng Vũ Đại (chính là làng Đại Hoàng quê hương ông) [26; tr.471], và làng quê ấy hiện ra với những hình ảnh xơ xác tiêu điều đến thảm hại “những mái lá xác xơ trông tiều tụy như những cái nón rách trên ráy những người ăn mày ngồi xúm xít với nhau, ngủ gục cho đỡ lạnh”. [26; tr.471]. 7 Trần Đăng Suyền còn chỉ ra không gian sáng tác chủ yếu của Nam Cao vẫn là ở làng quê với những ngôi nhà xác xơ và những con đường quạnh vắng “Không gian sáng tác của Nam Cao trước hết là vùng nông thôn, những căn nhà nơi thôn dã, những con đường làng…trong những mối liên hệ của thời gian và không gian, làng quê, ngôi nhà, con đường hóa ra là cơ bản và quan trọng nhất: tất cả những mối liên hệ còn lại hoặc bị chúng cuốn hút, hoặc là trở thành thứ yếu trong thế giới nghệ thuật của nhà văn”[26; tr.470]. Thang Ngọc Pho và Trần Quang Vinh trong bài “Làng Đại Hoàng và sáng tác của Nam Cao” có lí giải việc hình ảnh làng quê xuất hiện nhiều trong truyện ngắn của Nam Cao là do sự gắn bó và tình yêu sâu nặng của nhà văn dành cho nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình: “Nam Cao gắn bó và có vốn sống phong phú về quê hương cho nên làng Đại Hoàng đã đi vào tác phẩm của ông. Chất liệu để xây dựng tác phẩm là cảnh vật, cuộc sống và con người Đại Hoàng cả mặt tốt và mặt xấu”[26; tr.648]. Khi đọc truyện ngắn về đề tài nông dân ta sẽ thấy một cách chân thực đầy đủ về chân dung làng Đại Hoàng. Có điều ông chỉ sử dụng cảnh vật, cuộc sống và từng con người với tư cách là chất liệu để xây dựng hình tượng chứ không sao chép y nguyên. Đó là một yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của ông. Trong bài “Nam Cao (1915- 1951)” Hà Văn Đức có viết “Từ Nghèo đến Một đám cưới, Lão Hạc, Quái dị…chúng ta đều bắt gặp một bối cảnh chung: nông thôn xơ xác tiêu điều “Nhà cửa lưa thưa. Toàn những nhà tre úp xúp giữa những khu vườn rộng nhưng xấu lắm: mía đốt như lau hoặc khẳng khiu như chân gà, chuối lè tè như những cây rau diếp ngỗng, dĩ chỉ đến cây khoai, cây ráy cũng không lên được, người xấu và rách rưới. Cái số trẻ con bụng ỏng mắt toét ngoài đường sẵn lắm [26; tr.73](Quái dị)”. Không cầu kì, trau chuốt từng câu chữ, văn Nam Cao rất gần gũi, dễ hiểu. Đọc văn Nam Cao ta như đang thấy trước mắt bức tranh thôn quê nghèo nàn với những cảnh đời bi đát, quằn quại trước cái nghèo. Khi viết về làng quê, Nam Cao tỏ vẻ rất lạnh lùng, khách quan, ông không thể hiện trực tiếp tình yêu của mình đối với làng quê nhưng sâu thẳm trong từng trang viết Nam Cao là tiếng lòng thổn thức, thiết tha với quê hương với từng mảnh đời bất hạnh. Chính vì 8 lẽ đó, Hà Văn Đức khẳng định “Tấm lòng yêu thương nhân đạo và sự hiểu biết sâu sắc về con người, đời sống ở thôn quê đã giúp Nam Cao xây dựng được những hình tượng nông dân sinh động. Từ một làng quê heo hút của mình, nhà văn đã mở rộng ra cả một thực trạng nông thôn đang trong thời kì lột xác[26; tr.73]. Khi đọc tác phẩm của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng chúng ta từng bắt gặp những con người bị dồn đẩy đến chân tường và đã chứng kiến không ít những số phận éo le. Nhưng đến Nam Cao, cảnh nghèo đã thấm thía qua từng trang sách, và người đọc cứ day dứt không nguôi về bi kịch của con người bị đẩy đến tận đáy sâu thẳm của xã hội. Phong Lê trong bài “Nam Cao - nhìn từ cuối thế kỉ” có nhận định: “Nam Cao không viết gì khác ngoài cái làng Vũ Đại quê ông. Nhưng rồi tất cả các làng quê Việt Nam tiền Cách mạng đều được thu nhỏ vào đấy, với sự lưu cữu, sự xếp lớp nhiều tầng các mặt tốt xấu, vừa trái ngược nhau vừa bổ sung cho nhau những chuyện no đói và sống chết. Ma chay và cưới xin. Xó bếp và chốn đình trung. Mua danh và đi làm mõ;… Nhưng oái oăm thay, và cũng thú vị thay, cho đến hôm nay, cái tên làng Vũ Đại vẫn chưa chịu lùi hẳn vào trong quên lãng”[26; tr.168 – 169]. Không những không rơi vào quên lãng mà làng Vũ Đại còn là biểu trưng của nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám năm 1945 “Vũ Đại không chỉ gói gọn một đơn vị làng với những ao chuôm, những lũy tre xanh, những vườn chuối, giàn trầu quen thuộc mà còn là sự biểu hiện chung cho sự phong bế, trì trệ, nhếch nhác của bất cứ một quần thể cư dân nào cả nông thôn và thành thị”[26; tr.168- 169]. Truyện ngắn viết về làng quê của nhà văn có sức khái quát rất cao. Làng quê xơ xác tiêu điều, số phận bất hạnh, cùng cực ấy không chỉ bó hẹp trong làng Vũ Đại mà đã trở thành điển hình cho làng quê Việt Nam trong đêm trường nô lệ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong bài “Tầm quan trọng của hoàn cảnh trong tác phẩm của Nam Cao”, Hà Minh Đức đã nêu lên tính chất khái quát về làng quê trong sáng tác Nam Cao “Từ một xóm quê nghèo, một cuộc đời cay đắng vì chuyện cơm áo, cảnh mỏi mòn của một trí thức nghèo…Tất cả đều có thể từ đó khái quát lên bức tranh xã hội”[26;tr. 140] 9 Nguyễn Minh Châu trong bài “Nam Cao” đã khẳng định sức mạnh tố cáo, tiếng kêu cứu tha thiết của nhà văn trong từng trang viết về làng quê: “Những trang viết của ông như tiếng kêu cứu của chính cái làng quê Đại Hoàng của ông. Những xóm làng và cánh đồng rung lên trong tiếng xích xe tăng, ngập chìm trong khói lửa”. [26; tr.159]. Nhìn chung từ trước đến nay đã có rất nhiều bài viết, nhiều quyển sách nghiên cứu tìm hiểu về làng quê trong sáng tác của Nam Cao, nhưng các bài viết, công trình nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc nhận định hay đánh giá chung về một khía cạnh của làng quê chứ chưa đặt vấn đề trở thành một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh. Vì vậy, người viết chọn đề tài “Làng quê Việt Nam trong truyện ngắn của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám 1945”. Với đề tài này, người viết sẽ tham khảo một số ý kiến, bài nghiên cứu có liên quan cùng với vốn kiến thức mà mình có được để có thể tập trung đi sâu vào tìm hiểu, khám phá, làm rõ vấn đề và đưa vấn đề trở thành một bài nghiên cứu hoàn chỉnh, trọn vẹn có hệ thống. 3. Mục đích yêu cầu Từ xưa đến nay, làng quê luôn là một đề tài quen thuộc trong nền văn chương Việt Nam nói chung. Từ những vần thơ ngọt ngào, tha thiết tình quê của thi sĩ Nguyễn Bính đến những trang văn sâu lắng, đậm đà của Thạch Lam, những tiếng thét căm hờn về làng quê tiêu điều xơ xác trong sáng tác của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… đã toát lên được bức tranh làng quê Việt Nam mộc mạc, gần gũi hiền hòa mà cũng đầy đau thương, tang tóc. Với đề tài này, mục đích đầu tiên mà người viết hướng tới đó là tìm hiểu, đánh giá và làm sáng tỏ được nét nổi bật, độc đáo trong những truyện ngắn viết về làng quê của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám 1945. Qua đó, người viết có thể thấy được nét riêng trong cái nhìn về làng quê của Nam Cao so với các nhà văn khác cùng thời. Từ đó có thể hiểu rõ hơn về bức tranh làng quê Việt Nam với những số phận, tình cảm của người nông dân Bắc Bộ nói riêng cũng như người nông dân Việt Nam nói chung trong những năm tháng đen tối bế tắc trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngoài ra, nghiên cứu đề tài này còn giúp người viết vun bồi kiến thức cho bản thân và làm hành trang quý báu cho việc học tập, nghiên cứu và giảng dạy sau này. 10 4. Phạm vi đề tài Đề tài nghiên cứu về “Làng quê Việt Nam trong truyện ngắn của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám 1945”, do vậy phạm vi nghiên cứu chủ yếu tập trung ở phần “làng quê Việt Nam” trong những truyện ngắn của Nam Cao trước cách mạng tháng Tám 1945. Cụ thể ở những truyện ngắn tiêu biểu như: Lão Hạc, Nghèo, Chí Phèo, Một đám cưới, Quái dị, Một bữa no, Nửa đêm, Lang Rận.….Bên cạnh đó, người viết còn tập hợp, tham khảo những tài liệu, những công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài của mình để có được cái nhìn tổng quát hơn. 5. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện đề tài này, người viết cần phải kết hợp rất nhiều thao tác khác nhau. Trước tiên, người viết đã tập hợp và chọn lọc những tài liệu có liên quan đến đề tài. Song song đó, người viết đã chọn lọc một số truyện ngắn tiêu biểu nhất để phân tích, nhìn nhận, đánh giá làm nổi bật được phương diện làng quê trong sáng tác của Nam Cao. Đồng thời người viết đã sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu với một số tác phẩm khác cùng giai đoạn để làm nổi bật được điểm khác biệt và cái hay, nét đặc sắc trong những truyện ngắn viết về làng quê của Nam Cao trước cách mạng tháng Tám 1945. Bên cạnh đó, trong quá trình khảo sát và nghiên cứu người viết còn sử dụng kết hợp nhiều phương pháp như: tổng hợp, liệt kê… và các thao tác chứng minh, phân tích, đánh giá...nhằm làm sáng tỏ các vấn đề đặt ra trong bài viết này. 11 PHẦN NỘI DUNG Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Vài nét về tác giả 1.1.1. Tiểu sử Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri sinh ngày 29 tháng 10 năm 1915 trong một gia đình trung nông tại làng Đại Hoàng thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Bút danh Nam Cao do ghép hai chữ đầu tên huyện và tổng mà thành. Cha là Trần Hữu Huệ, sinh năm 1895 làm nghề trạm trổ và bốc thuốc bắc. Sau cha ông trở thành chủ một hiệu đồ gỗ ở Hàng Đàn, thành phố Nam Định, sau đó vì thua lỗ nên cửa hàng vỡ, lại trở về nghề làm ruộng. Mẹ là Trần Thị Minh, sinh năm 1897 làm vườn làm ruộng và dệt vải. Nam Cao là con trai cả trong một gia đình đông anh em, có bốn em trai và ba em gái. Gia đình Nam Cao sống khá chật vật, trong số anh em chỉ có một mình Nam Cao được đi học. Năm 1922 ông học tại trường tư ở làng, sau đó theo học bậc Tiểu học và Thành chung ở thành phố Nam Định. Năm 1934, Nam Cao thi trượt thành chung. Đầu năm 1935, Nam Cao từ Nam Định trở về quê để chữa bệnh. Ngày 2 tháng 10 năm 1935 Nam Cao lập gia đình với bà Trần Thị Sen khi anh mới mười tám tuổi. Khi vừa cưới vợ xong được một tháng thì Nam Cao lên Nam Định đi tàu vào Sài Gòn sống và làm việc cho một người cậu là ông Ba Lễ, chủ một cơ sở may đồ Tây cho Pháp. Trong những năm tháng sống ở Sài Gòn, Nam Cao phải lăn lộn kiếm sống, ngoài việc làm chính ông còn làm rất nhiều nghề khác như: chích thuốc ở nhà thương, sống chung với phu phen thợ thuyền. Chính những năm tháng lao động đầy cực khổ này đã giúp cho nhà văn nhìn thấy và hiểu hết được đời sống khổ cực bị đọa đày cả về vật chất lẫn tinh thần của những người lao động mà đặc biệt là tầng lớp tiểu tư sản và tầng lớp nông dân lao động nghèo. 12 Đến năm 1938, Nam Cao bị ốm nặng do bệnh tim và tê thấp nên ông từ Sài Gòn trở ra Bắc. Đứng trước bao chông gai và trở ngại của cuộc sống nhưng bằng sự kiên cường và lòng quyết tâm đã tiếp thêm sức mạnh cho Nam Cao, ông tự học và ôn lại vốn học cũ kết quả là thi đỗ bằng Thành chung. Sau đó, Nam Cao xin làm công chức nhưng vì sức khỏe yếu nên không được nhận vào làm. Và lúc này ông xin vào làm dạy học trong trường tư thục Công Thanh. Chính môi trường dạy học nhiều vất vả của một thầy giáo trường tư nên Nam Cao đã phần nào hiểu rõ hơn về thân phận của những người trí thức tiểu tư sản nghèo dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. Năm 1940, khi phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, Nam Cao buộc thôi dạy vì lúc này trường Công Thanh bị chúng lấy để làm chuồng ngựa. Năm 1943, Nam Cao tiếp thu được đường lối đúng đắn của Đảng cộng sản Đông Dương qua Đề cương văn hóa 1943, cùng với sự giới thiệu của Tô Hoài, tháng 4 năm 1943 Nam Cao tham gia vào hội Văn Hóa cứu quốc bí mật cùng với Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi….Cũng từ đó, Nam Cao đã xác định được quan điểm và lập trường tư tưởng của mình trong sáng tác gắn liền với “nghệ thuật vị nhân sinh”. Tháng 8 năm 1945, Nam Cao tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân và được bầu làm chủ tịch xã. Năm 1946 Nam Cao được điều động công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tại Hà Nội, Thư ký tòa soạn tạp chí Tiên phong của Hội. Năm 1947 ông lên Việt Bắc, những năm kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ chính là lúc Nam Cao sống và chiến đấu hết mình vì quê hương đất nước. Cuối năm 1947, Nam Cao được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, đây là niềm vinh dự và niềm vui lớn nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Nam Cao. Tháng 11 năm 1951, trên đường vào công tác vùng địch hậu khu Ba, Nam Cao và đoàn công tác bị một toán địch phục kích. Ngày 30 tháng 11 năm 1951 Nam Cao đã anh dũng hi sinh ở Mưỡu Giáp, Hoàng Đan, tỉnh Ninh Bình. Nam Cao ngã xuống giữa lúc ông đang ấp ủ cuốn tiểu thuyết lớn về quê hương. Chuyến đi đó nhà văn lấy tư liệu để 13 hoàn chỉnh tác phẩm Làng nhưng ông đã không kịp thực hiện được hoài bão và khát vọng của cuộc đời mình. Sự ra đi của Nam Cao đã để lại một khoảng trống không gì bù đắp nổi, đó là một sự mất mát lớn lao cho văn học hiện đại nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung. 1.1.2. Sự nghiệp sáng tác Nam Cao qua đời cách đây gần nửa thế kỷ. Ông để lại cho độc giả một khối lượng tác phẩm không lớn với khoảng 100 tác phẩm, trong đó có 60 truyện ngắn và 2 tập truyện dài Sống mòn và Truyện người hàng xóm nhưng những tác phẩm của ông có giá trị rất cao. Nam Cao sáng tác ở cả hai thời kì trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945. 1.1.2.1. Thời kì trước Cách mạng tháng Tám Nam Cao bước vào văn đàn hiện thực phê phán từ năm 1936, đây là khoảng thời gian diễn ra quá trình đấu tranh dằn vặt để lựa chọn quan điểm, khuynh hướng sáng tác cho riêng mình. Đây cũng là thời kì mà nhà văn Nam Cao đang phiêu bạt nơi đất khách quê người. Ở Sài Gòn, Nam Cao vừa làm đủ nghề để kiếm sống, vừa viết báo cho Kịch Bóng ở Sài Gòn, Ích Hữu, Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay. Nội dung của những tác phẩm thời kì này xoáy sâu vào cuộc đời của những con người sống bằng nghề mua vui cho người khác. Cảnh cuối cùng nói về cuộc đời của cô đào hát đam mê ca hát, suốt đời cô chỉ biết có nghệ thuật nhưng cuối cùng cô đã gục chết trên sân khấu với cả giọng hát của mình. Truyện Hai cái xác kể về một diễn viên xiếc nghèo bị tình phụ và anh ta đã giết chết người yêu trong lúc hai người đang biểu diễn cùng nhau. Những tác phẩm trong thời kì này chưa được đánh giá cao vì các tác phẩm này chưa đạt đến đặc sắc về nội dung và nghệ thuật. Lúc này Nam Cao kí tên trên các tác phẩm của mình với các bút danh: Nguyệt, Xuân Rư, Xuân Du, Nhiêu Khê. Năm 1937, ông gửi in trên Tiểu thuyết thứ bảy các truyện ngắn: Nghèo, Đui mù. Trên báo Hữu Ích: Những cánh hoa tàn, Một bà hào hiệp. Thông qua nội dung của những tác phẩm này ta thấy được ngòi bút của Nam Cao đang đi vào khai thác bản chất của cuộc sống và phản ánh hiện thực cuộc sống. Đây chính là dấu hiệu chuyển mình về khuynh hướng sáng tác trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nam Cao. 14 Từ năm 1940, khi phát xít Nhật tràn vào Đông Dương, trường tư thục Công Thanh nơi mà Nam Cao đang dạy học bị trưng dụng làm chuồng ngựa. Nam Cao buộc phải thôi dạy và trở về quê nhà, lúc này ông viết truyện ngắn Cái chết của con mực gửi cho báo Hà Nội Tân Văn với bút danh là Xuân Du và cũng gửi thơ in trên báo này ký tên là Nguyệt. Năm 1941 là năm đánh dấu sự thành công vang dội và khẳng định tên tuổi của Nam Cao trong dòng văn học hiện thực phê phán khi ông đem trình làng tập truyện ngắn đầu tay Đôi lứa xứng đôi (tên trong bản thảo là Cái lò gạch cũ sau đổi tên là Chí Phèo). Khi tác phẩm ra đời đã được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng. Chính sự đón nhận của mọi người đối với tác phẩm Chí Phèo đã tiếp thêm nghị lực và niềm tin cho Nam Cao tiếp tục sáng tác theo khuynh hướng văn học hiện thực phê phán. Xã hội Việt Nam thời kì này đang đắm chìm trong đêm trường nô lệ, nhân dân phải sống trong cảnh tối tăm, u ám dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. Bọn thực dân và phong kiến cấu kết chặt chẽ với nhau nhằm bóp nghẹt đời sống của nhân dân ta. Ở làng Đại Hoàng – quê hương Nam Cao, người nông dân lúc này phải sống trong cảnh bần cùng, cơ cực và nghèo đói. Bên cạnh đó, bọn thống trị tranh nhau bóc lột làm cho đời sống của người dân lâm vào tình trạng bần cùng hóa. Đây chính là thời điểm mà Nam Cao phát huy hơn nữa ngòi bút hiện thực của mình, trong thời gian dạy học ở trường tư thục Kỳ Giang, Thái Bình, Nam Cao cho ra đời các truyện ngắn: Dì Hảo, Nửa đêm. Năm 1942, Nam Cao trở về làng sáng tác và được in hàng loạt tác phẩm trên Tiểu thuyết thứ bảy: Cái mặt không chơi được, Nhỏ nhen, Con mèo, Những truyện không muốn viết, Nhìn người ta sung sướng, Đòn Chồng, Trăng Sáng, Đôi Móng Giò, Trẻ con không được ăn thịt chó, Đón khách. Đồng thời, cũng trong thời gian này ông cho in các truyện thiếu nhi trên sách Hoa Mai: Những kẻ khốn nạn, Người thợ rèn, Nụ cười, Con mèo mắt ngọc, Ba người bạn. Những truyện ngắn viết cho thiếu nhi thường được tập trung miêu tả về những cảnh đời lưu lạc, những mảnh đời bất hạnh, đời sống của những đứa trẻ sống đầu đường xó chợ thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nam Cao viết bằng cả trái tim đồng cảm, thương xót đối với những cảnh đời bất hạnh của những đứa trẻ thơ vô tội. 15 Tháng 4 năm 1943, Nam Cao gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Trong năm này, nhà xuất bản Cộng Lực in tập truyện ngắn Nửa đêm của Nam Cao. Các sáng tác tiếp theo của ông lần lượt xuất hiện trên Tiểu thuyết thứ bảy : Mua nhà, Quái dị, Từ ngày mẹ chết, Làm tổ, Thôi đi về, Truyện tình, Mua danh, Một chuyện Xú- Vơ- nia, Sao lại thế này?, Mong mưa, Tư cách mõ, Bài học quét nhà, Chuyện buồn giữa đêm vui, Điếu văn, Cười, Quên điều độ, Xem bói, Một bữa no, Ở hiền, Rửa hờn, Rình trộm, Nước mắt, Đời Thừa. Năm 1944, Nam Cao cho in truyện ngắn: Lang Rận, Một đám cưới trên Tiểu thuyết thứ bảy, in truyện dài nhiều kì : Truyện người hàng xóm trên tờ Trung Bắc chủ nhật. Bản thân nội dung của những tác phẩm này không phản ánh xã hội nhưng thông qua những cảnh đời cùng cực, những số phận bi thảm của những con người sống trong cảnh đói rách, nghèo khổ bị xã hội vùi dập, bị các thế lực thống trị bóc lột, áp bức bất công để họ phải rơi vào tình cảnh bế tắc bần cùng tha hóa về nhân cách đã cho ta thấy được giá trị tố cáo những tác phẩm này rất cao. Tháng 10 năm 1944, Nam Cao hoàn thành tiểu thuyết Chết Mòn (sau đổi thành Sống mòn). Tác phẩm đã ghi lại cả một quá trình “chết mòn” của người trí thức tiểu tư sản bị gánh nặng cơm áo ghì sát đất, qua đó ta thấy được sức mạnh tố cáo xã hội gay gắt cũng như thấy được những khao khát đổi thay cuộc sống tù túng đó. Ngoài ra, Nam Cao còn có các truyện dài Ngày Lụt, Cái Miếu, Một đời người, Cái bát đã bán cho các nhà xuất bản, không giữ được bản thảo đến ngày nay. Tháng 8 năm 1945, Nam Cao tham gia cướp chính quyền phủ Lý Nhân, được bầu làm chủ tịch xã và ông cho in truyện Mò sâm banh trên tạp chí Tiền Phong (Cơ quan ngôn luận của Hội Văn hóa cứu quốc). 1.1.2.2. Sau Cách mạng tháng Tám Sau Cách mạng tháng Tám, Nam Cao là cây bút có nhiều chuyển biến sâu sắc về tư tưởng và về nghệ thuật. Ông hăng hái sáng tác để phục vụ kịp thời cho Cách mạng và kháng chiến. 16 Năm 1946, Nam Cao được điều động công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tại Hà Nội, thư kí tòa soạn tạp chí Tiên phong của Hội. Sau đó, ông tham gia đoàn quân Nam tiến với tư cách phóng viên. Ở Nam Bộ, Nam Cao sáng tác Nỗi truân chuyên của khách má hồng, Đường vô Nam, in trên tạp chí Tiên phong. Cùng năm này, tập truyện ngắn Cười được Nhà xuất bản Minh Đức ấn hành. Năm 1947, Nam Cao lên Việt Bắc, trong thời gian này ông viết Nhật kí ở rừng. Cuối năm 1947, ông tiếp tục viết Nhật kí ở rừng và cho ra đời tác phẩm Đôi mắt. Đôi mắt là tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao về vấn đề nhận đường của các thế hệ nhà văn lúc bấy giờ. Nhà văn phải có cái nhìn và cágch nhìn đúng đắn mới có thể góp phần tích cực phục vụ cho cách mạng. Tháng 7 năm 1948, Nam cao có bài viết về vấn đề Vài ý nghĩ về văn nghệ được đăng trên báo Cứu quốc. Năm 1948 đến 1949, Nam Cao đi thực tế ở vùng đồng bằng, sáng tác truyện ngắn Bốn cây số cách một căn cứ địch. Tháng 5 năm 1950, ông nhận công tác và làm việc ở Tạp chí văn nghệ Việt Nam, lúc này ông viết tiểu thuyết Trận đầu về du kích đồng bằng nhưng chưa hoàn thành phải bỏ dở dang vì ông chưa thu thập đủ tài liệu thực tế. Năm 1951, ông cho in tập truyện kí Chuyện biên giới và kịch bản Đóng góp. Ngày 23 tháng 9 năm 1951, Nam Cao cùng Nguyễn Huy Tưởng dự Hội nghị liên khu Ba. Sau đó, Nam Cao lên liên khu Bốn, rồi tham gia vào công tác thuế nông nghiệp vào vùng địch hậu khu Ba. Nam Cao có dự định vừa đi làm nhiệm vụ vừa kết hợp lấy thêm tài liệu để hoàn thành cuốn tiểu thuyết thai nghén nhưng ông chưa thực hiện được mong ước của mình thì ông đã bị địch phục kích và bắn chết vào ngày 30 tháng 11 năm 1951. Nhìn chung, ở cả hai thời kì trước và sau Cách mạng tháng Tám Nam Cao đều có những sáng tác đặc sắc, vươn tới đỉnh cao nghệ thuật. Sự ra đi của nhà văn đã để lại một khoảng trống vô cùng to lớn cho nền văn học hiện đại nói riêng cũng như nền văn học dân tộc nói chung. Để ghi nhận những đóng góp lớn lao của nhà văn dành cho nền Văn học Việt Nam hiện đại, Năm 1996 Nam Cao được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt 1). 17 1.1.3. Quan niệm sáng tác Nam Cao ước mơ sáng tác từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông đã có thơ truyện cười, truyện ngắn, kịch vui…đăng báo từ năm 1938. Là một người cùng thời với sự phát triển của văn học lãng mạn ở Việt Nam nên Nam Cao ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn thoát ly. Thơ của Nam Cao nặng về nỗi buồn vu vơ, nhưng truyện ngắn Nam Cao lại hướng vào việc đề cập đến cảnh ngộ đau khổ trong xã hội của những kiếp người lầm than như: Một cô đào hát gục chết trên sân khấu (Cảnh cuối cùng), một diễn viên xiếc nghèo bị tình phị đã giết chết người tình rồi tự sát khi biểu diễn (Hai cái xác), hai chú bé thổi kèn Chicago và nhào lộn trên đường phố (Hai đứa trẻ). Thời kì này khuynh hướng phê phán xã hội đã thể hiện khá rõ nét ở các sáng tác của Nam Cao như trong các truyện ngắn Nghèo, Đui mù, Một bà hào hiệp. Nhưng tác phẩm thể hiện nguyên tắc sáng tác của chủ nghĩa hiện thực thật sự được khẳng định ở truyện ngắn Chí Phèo. Trong số những nhà văn hiện thực trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nam Cao là nhà văn rất có trách nhiệm về ngòi bút của mình. Suốt cuộc đời lao động văn chương nhà văn luôn suy nghĩ “sống và viết”, Nam Cao sớm nhận biết tính chất giả dối phù phiếm của thứ văn thơ “ thơm tho” tràn trề “những ánh trăng lừa dối”. Nam Cao đã kiên quyết đoạn tuyệt với thứ văn chương đó và đi đến với chủ nghĩa hiện thực. Với Nam Cao từ bỏ chủ nghĩa lãng mạn tức là từ bỏ con đường thoát li hưởng lạc ích kỉ, phản bội nhân dân lao động; lựa chọn chủ nghĩa hiện thực có nghĩa là trở về chỗ đứng của mình trong những người nghèo khổ ruột thịt. Nhà văn đã xác định được vai trò, vị trí của mình đối với việc phản ánh hiện thực với những bất công ngang trái. Trong Trăng Sáng Nam Cao đã xác lập sứ mệnh cao quý của nghệ thuật trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến đầy rẫy áp bức bất công thời ấy là nghệ thuật phải hướng tâm vào đời sống của quần chúng lao khổ dưới đáy xã hội bằng việc lắng nghe và đưa những “tiếng đau khổ kia thoát ra từ nhưng kiếp lầm than” vào tác phẩm, khiến cho mỗi dòng, mỗi chữ trong tác phẩm đều mang nhịp đập của trái tim dạt dào tình cảm nhân đạo của nghệ sĩ, trong đó có nhà văn chứ không phải là món giải trí “của những người đàn bà nhàn nhã ngả mình trên những chiếc xích đu nhún nhảy”[6; tr.585]. 18 Là một nhà văn chân chính, Nam Cao bao giờ cũng đặt cuộc sống lên trên nghệ thuật Nam Cao tự nhủ phải sống cho đúng thì mới viết đúng. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược đất nước ta, Nam Cao muốn “Vứt cả bút đi để cầm súng”, nhà văn cảm thấy “Nếu như chưa cầm súng một phen thì cầm bút cũng vụng về” (Bút kí Đường vô Nam 1946). Với Nam Cao nghệ thuật phải thể hiện hiện thực cuộc sống ở cả phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Tiểu thuyết của Nam Cao hình như không có sự hư cấu. Vì vậy, đọc văn Nam Cao ta kinh ngạc về tính chân thực, điều đó khiến cho tác phẩm của nhà văn có sức thuyết phục mạnh mẽ. Về phương diện lao động nghệ thuật, Nam Cao nhấn mạnh lương tâm người cầm bút, Nam Cao phê phán nghiêm khắc sự cẩu thả trong nghề văn, coi đó là sự “bất lương” là sự “đê tiện”. Nam Cao thấy hết trách nhiệm của người cầm bút với ý thức trách nhiệm đầy đủ trước xã hội, phải nỗ lực để “hiểu biết, khám phá, sáng tạo”. 1.2. Hình ảnh làng quê là mạch nguồn cảm xúc trong văn chương Việt Nam 1.2.1. Văn học dân gian Từ xưa đến nay trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, làng quê thật gần gũi và gắn bó. Làng là nơi ta oe oe cất tiếng khóc chào đời, là tiếng võng kẽo kẹt trưa hè với lời ru ầu ơ của mẹ mà mỗi khi nhớ lại như nâng bước ta trên mọi nẻo đường. Nhắc đến làng quê, ta nghĩ ngay đến những hình ảnh tiêu biểu như cây đa, bến nước, sân đình, là lũy tre xanh bao bọc, là sừng sững một cổng làng hay ngào ngạt hương sen nơi ao làng. Những đêm trăng thanh gió mát, trai thanh gái lịch đi gánh nước ở giếng làng, hay tụ tập nơi đình làng. Họ gặp nhau và những lời tỏ tình thấm đẫm ánh trăng được nhen lên từ đó... tất cả trở thành nỗi thân thương, là ký ức về một miền quê yêu dấu của mỗi con người. Từ bao đời nay, đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam. Đình làng- một mảnh hồn quê, một nét đẹp của xóm làng Việt Nam, từ lâu đã in vào tâm khảm mỗi con người và toả sáng trong những bài ca dao quen thuộc: 19 “Hôm qua tát nước đầu đình Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen” Hay: “Qua đình ngả nón trông đình Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu” Đình làng đã trở thành biểu tượng tinh thần của mọi người dân Việt. Cái đình thiêng liêng là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt chung, vốn rất cần cho cuộc sống nông thôn cần có sự nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì vậy, đình làng trở thành một nơi thân quen gần gũi, là nơi che chở, là nơi ở, là cuộc sống của những người nông dân Việt Nam. Mỗi làng quê mang một sắc thái riêng nhưng đều thể hiện sự gắn bó tha thiết của mỗi người. Đã từ rất lâu rồi, khi nói đến văn hoá làng – nét văn hoá của nông thôn Việt Nam, chúng ta liên tưởng ngay tới những hình ảnh rất đặc trưng, làm nên biểu tượng của làng quê. Đó là những hình ảnh của “cây đa, bến nước, sân đình, bụi tre, vườn cây, ao cá…”. Hầu như làng quê truyền thống ở Bắc Bộ nào cũng có những cây đa cổ thụ thường ở đầu làng, cuối làng và ở bên cạnh các di tích. Cuộc sống sinh hoạt của làng diễn ra sôi động xung quanh gốc đa. Với người dân quê, gốc đa là nơi bình đẳng nhất, không có sự phân biệt ngôi thứ: “Không tiền ngồi gốc cây đa Có tiền thì hãy lân la vào hàng” Gốc đa là nơi trẻ nhỏ nô đùa, thỏa thích nhặt búp, hái lá, chơi những trò chơi dân gian. Gốc đa cũng là nơi dân làng ngồi nghỉ chân sau những giờ lao động mệt nhọc, trước khi về làng hoặc đi khỏi làng. Gốc đa còn là nơi hẹn hò của trai gái: “Em đang dệt vải quay tơ Bỗng đâu có khách đưa thơ tới nhà 20 Hẹn giờ ra gốc cây đa Phượng hoàng chả thấy thấy gà buồn sao” Mỗi người đều có một vùng quê của riêng mình để mỗi khi nhắc đến lại thấy lòng lâng lâng một niềm cảm xúc khó tả cùng niềm tự hào vô bờ bến: “Làng ta phong cảnh hữu tình Dân cư đông đúc như hình con long Nhờ trời hạ kế sang đông Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi” Trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, làng quê thật gần gũi và thân thương biết bao. Thật đáng tự hào khi đứng trước phong cảnh hữu tình nơi làng quê với đồng ruộng mênh mông bát ngát một màu xanh mơn mởn hòa cùng cuộc sống nhộn nhịp của con người đã tạo nên một bức tranh làng quê tuyệt vời neo vào lòng bao thế hệ. Bên cạnh việc ca ngợi vẻ đẹp làng quê ta còn bắt gặp những câu ca dao nói về cuộc sống cũng như tâm tư tình cảm của người dân quê: “Rủ nhau đi cấy đi cày Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu Trên đồng cạn dưới đồng sâu Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Câu ca dao đã thể hiện sinh động cuộc sống của người nông dân ngày xưa. Trải qua thời gian, hình ảnh con trâu đã trở thành biểu tượng quen thuộc của làng quê Việt Nam. Chẳng biết tự bao giờ, khi nói đến con trâu, người nông dân Việt lại nghĩ ngay đến những nét rất riêng của làng quê, nào con đường đất mấp mô, nào gốc đa xanh rì rào, nào cánh đồng lúa thơm mát.... Sáng, khi mặt trời còn chưa chịu ló mặt khỏi rặng tre, khi mọi vật còn đang ngon giấc nồng thì trên con đưòng đất dài và rộng, người ta đã có thể trông thấy cái bóng đen hăm hở của chú trâu hướng ra phía cánh đồng cùng với vợ chồng bác nông dân lực điền với nào cày nào cuốc. Trâu là bạn chăm chỉ, trung thành của người 21 nông dân Việt Nam. Bởi vậy, người nông dân vẫn âu yếm gọi trâu như một người bạn thân: “Trâu ơi ta bảo trâu này Trâu ra ngoài đồng trâu cày với ta Cấy cày vốn nghiệp nông gia Ta đây trâu đấy ai mà quản công” Viết về làng quê Việt Nam, tác giả dân gian không dừng lại ở việc ca ngợi vẻ đẹp mà còn nói về cuộc sống của người dân quê. Người nông dân tuy nghèo về vật chất nhưng tình cảm dạt dào, nghĩa tình của họ thật cảm động : “Kể chi trời rét đồng sâu Có chồng có vợ rủ nhau cày bừa Bây giờ trưa đã hồ trưa Chồng vác lấy bừa vợ dắt lấy trâu Một đoàn chồng trước vợ sau Trời rét mặc rét, đồng sâu mặc đồng” Cuộc sống dù vất vả khó khăn trời thì rét như cắt da cắt thịt, đồng thì sâu, cơ cực quanh năm với ruộng đồng nhưng người nông dân vẫn vui vẻ tươi cười, họ hạnh phúc vì tình cảm ngọt ngào có chồng có vợ cùng chia sẻ, cùng chung tay vượt qua mọi trở ngại của cuộc sống. Tình nghĩa của người dân quê thật chân thành và đáng trân trọng biết bao. Nhưng thật xót xa, người nông dân dù chăm chỉ làm ăn, vất vả sớm hôm với ruộng đồng, vậy mà cuộc sống của họ vẫn không cải thiện được, vẫn trắng tay hoàn tay trắng:“Đi cày ba vụ, không đủ ăn ba ngày tết”. Cuộc sống ở nông thôn bên cạnh những niềm vui, hạnh phúc vì tình nghĩa đậm đà, người nông dân còn canh cánh bên lòng nỗi khốn khổ bị áp bức bóc lột của bọn địa chủ: “Ngó lên mấy đám ông cai Cấy thưa ông ghét cấy dày ông thương” 22 Vì bọn thống trị bóc lột hết sức tàn nhẫn nên người dân quê rơi vào cảnh nghèo đói, kêu trời, trời không thấu: “Trời sao trời ở chẳng cân, Kẻ ăn không hết, người lần không ra” Và: “Ếch kêu dưới vũng tre ngâm, Ếch kêu mặc ếch, tre dầm mặc tre” Lời than thân trách phận của những người nông dân đã gióng lên hồi chuông tố cáo xã hội đương thời. Tuy lời ca dao là trách trời, trách số phận bạc bẽo...nhưng nhìn chung qua những câu ca dao trên, người đọc đã ngầm hiểu những bất công ngang trái mà người nông dân phải gánh chịu là do sự áp bức bóc lột của bọn thống trị. Qua những bài ca dao được chắt lọc từ cuộc sống, tác giả dân gian còn cho ta thấy được sự phản kháng của người nông dân, tuy ở một mức độ nhất định nhưng phần nào thể hiện được sự nổi dậy của người nông dân nhằm vươn tới một cuộc sống công bằng xóa bỏ áp bức bất công: “Bớt đồng thì bớt cù lao, Bớt ăn bớt việc thì tao bớt làm” Với ngôn từ giản dị, gần gũi không cầu kì trau chuốt trong từng câu chữ, tác giả dân gian đã tái hiện bức tranh làng quê xưa với đầy đủ khía cạnh về vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên, của cuộc sống con người cũng như đời sống, nỗi cơ cực của người nông dân… Qua đó còn cho ta thấy được tình cảm thiết tha, niềm tự hào của tác giả dân gian đối với quê hương, đất nước. 1.2.2. Văn chương trung đại Hình ảnh làng quê Việt Nam thân yêu với những nét đơn sơ mộc mạc không chỉ được chuyên chở đầy ắp qua những câu ca dao mượt mà, trữ tình mà còn được thể hiện rõ trong mạch nguồn cảm xúc của văn chương trung đại. Những trang thơ thấm đẫm hương vị làng quê, miêu tả cuộc sống bình dị nơi thôn dã được vua Trần Nhân Tông thể hiện chân thành và hết sức tinh tế: 23 “Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên, Bán vô bán hữu tịch dương biên. Mục đồng địch lý ngưu quy tận, Bạch lộ song song phi hạ điền”. Dịch thơ (Xóm trước thôn sau tựa khói lồng Bóng chiều như có thoắt dường không. Mục đồng thổi sáo trâu về hết, Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng). (Thiên trường vãn vọng) Thật đẹp biết bao khi đứng trước bức tranh đồng quê rộng lớn với những nét vẽ hết sức tinh tế về cảnh sắc thôn quê bình dị. Hình ảnh đàn trâu thong thả về chuồng trong điệu sáo dặt dìu thấm đẫm tình quê của những đứa trẻ chăn trâu hồn nhiên trong sáng, hòa cùng hình ảnh từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng, thi nhân đã hoàn thành bức tranh đồng quê tuyệt đẹp của mình. Tuy nhà thơ chỉ miêu tả bằng thứ ngôn ngữ rất giản dị nhưng vẫn thể hiện được cái “thần” riêng của bức tranh phong cảnh. Đến với hình ảnh làng quê trong thơ Nguyễn Trãi, ta bắt gặp cảnh mùa xuân tươi mát, mơn mởn nơi làng quê nông thôn có cỏ xanh, có mưa xuân, đường đồng quạnh quẽ, con đò gối bãi vắng lặng. Làng quê hiện lên tuy phảng phất một nỗi buồn nhưng rất đỗi thơ mộng: “Cỏ xanh như khói bến xuân tươi Lại có mưa xuân nước vỗ trời Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách Con đò gối bãi suốt ngày ngơi” (Bến đò ngày xuân) 24 Cuộc sống làng quê với hình ảnh lao động thường nhật của người nông dân được nhà thơ khắc họa một cách sinh động gần gũi: “Một cày một cuốc thú nhà quê Áng cúc lan chen vãi đậu kê Khách đến chim mừng hoa xẩy rụng Chè tiên nước ghín nguyệt đeo về” (Thuật hứng bài số 3) Nhà thơ vẽ ra trước mắt chúng ta hình ảnh thân quen gần gũi của người nông dân, ngày ngày vác cuốc ra đồng cày xới trên thửa ruộng của mình. Con người và thiên nhiên giao hòa, khăng khít với nhau. Người đến thì chim mừng, hoa reo vui, trên đường gánh nước về thì có trăng bầu bạn. Dù con người chỉ có một mình cô đơn, cuộc sống vẫn sống động và đầy thi vị. Cảnh làng quê và cuộc sống làng quê thật bình dị, êm đềm qua cái nhìn tinh tế của nhà thơ, dù cảnh sống nghèo khó vẫn lạc quan thư thái. Khi nhắc đến hình ảnh làng quê trong thi ca trung đại, ta không thể nào không nhắc đến nhà thơ của làng cảnh Việt Nam - Nguyễn Khuyến. Bằng tài năng của mình, ông đã đưa thơ Việt Nam phát triển lên một bước mới, đặc biệt là đến gần với hiện thực, cụ thể và sinh động hơn trong bút pháp miêu tả. Thiên nhiên làng quê trong thơ Yên Đổ đến với độc giả bằng tất cả vẻ đẹp giản dị, thanh sơ mà vẫn có được những nét hấp dẫn riêng của nó. Trong số rất nhiều bài thơ tả cảnh làng quê của Nguyễn Khuyến, có ba bài thơ đã luôn toả ra thứ ánh sáng êm dịu và trong trẻo, làm say đắm lòng người. Thiên nhiên bao la của những ngày thu muộn, có ao nước trong veo lóng lánh bóng trăng, có đom đóm lập loè ngõ tối đã tạo nên ba bức tranh đặc sắc về cảnh thu Việt Nam ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ba bài thơ này được nhân dân ghi nhớ và truyền tụng bởi mùa thu của miền Bắc nước ta được miêu tả rất sinh động, sát thực, chứ không phải mùa thu mượn ở nơi khác. Tiêu biểu cho thu Việt Nam phải nói đến Thu điếu: 25 “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo Sóng biếc theo làn hơi gợn tí Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt Ngõ trúc quanh co khách vắng teo Tựa gối buông cần lâu chẳng được Cá đâu đớp động dưới chân bèo” (Thu điếu) Đọc bài thơ, chúng ta có thể tưởng tượng ra trước mắt một bức tranh thuỷ mặc, có bối cảnh xa, gần thật sống động. Khung cảnh mùa thu làng quê Bắc Bộ được gói vào trong một không gian hẹp, chiếc ao thu be bé, xinh xắn, chiếc thuyền câu cũng bé tẻo teo. Làn nước trong veo làm nổi bật chiếc thuyền câu nhỏ nhắn. Bài thơ xinh xắn đã mở ra trước mắt chúng ta cảnh vật thiên nhiên nơi làng quê: đây là từng gợn lăn tăn của dòng nước xanh biếc; kia là chiếc lá vàng khẽ rơi làm duyên cùng làn gió nhẹ; ngước mắt lên nhìn là bầu trời xanh ngắt, rộng lớn, không hề vẩn tạp, cao vời vợi, sâu thăm thẳm trong không gian đa chiều. Cũng trong mạch cảm xúc ấy, Nguyễn Khuyến đã đưa cái thần của cảnh thu Việt Nam vào bài Thu vịnh. Cái thanh thoát nhẹ nhõm, cái cao vời vợi của không gian được gói gọn trong bầu trời thu xanh ngắt kia.. “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao, Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu. Nước biếc trông như tầng khói phủ, Song thưa để mặc bóng trăng vào” (Thu vịnh) 26 Đến với Thu ẩm, chúng ta cũng không thấy những hình ảnh ước lệ, tượng trưng, sang trọng như “rèm châu, lầu ngọc, chén vàng” mà thay vào đó là sự bình dân, thanh sơ và giản dị, với : “Năm gian nhà cỏ thấp le te Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè” (Thu ẩm) Hình ảnh ngôi nhà, vừa là tả thực, vừa khái quát tầm vóc của một làng quê vùng đồng chiêm trũng. Từ láy “le te” đã khắc hoạ hình dáng của ngôi nhà cỏ trong không gian, nó là nơi thu hút, hội tụ sự ấm áp, dung dị của đời sống nông thôn đất Việt. Trong thơ Nguyễn Khuyến, thiên nhiên được miêu tả cũng là một thiên nhiên nông thôn rất rõ. Cảnh mùa thu trong thơ của ông không phải là mùa thu ở miền nào, thời nào, mà là mùa thu ở quê ông, vùng đồng chiêm Bắc Bộ lúc bấy giờ. Ta có thể nhận thấy điều ấy qua cái màu “xanh ngắt” của bầu trời, đến cái nước “trong veo” của ao cá hay từ cái “Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt, Làn ao lóng lánh bóng trăng loe”. Sau khi cáo bệnh từ quan, Nguyễn Khuyến trở về với ruộng vườn. Hai mươi năm của đời cụ là hai mươi năm giữa người, giữa cảnh thôn quê. Khác với Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến không chỉ mượn thiên nhiên làm bạn tiêu sầu, mà còn hòa mình vào cuộc sống nông thôn. Với đặc điểm ấy, lời thơ cụ Nguyễn Khuyến là những lời rung cảm chân thành của một tâm hồn dân quê, lắm khi nhẹ nhàng mộc mạc như lời ca dao. Thiên nhiên trong trong thơ ông không bó buộc phải là rộng lớn, đặc sắc, mà nhiều khi chỉ là những cảnh, những hình ảnh giản dị, quen thuộc của quê hương xứ sở, nhất là cảnh nông thôn: một ao thu nhỏ lạnh, một ngõ xóm trồng trúc, một khoảng trời xanh, một ngọn núi, một cánh đồng nước lụt, mảnh vườn sau nhà lúc vào hè… Những cảnh đó ông khéo khơi rộng và tìm ra những vẻ đẹp chưa ai khai thác bao giờ. Nhà thơ Yên Đỗ cũng đau đáu nỗi lo của một lão nông nghèo trước cuộc sống khó khăn thiếu thốn: “Sớm trưa dưa muối cho qua bữa, Chợ búa, trầu chè chẳng dám mua” (Chốn quê) 27 Hay nỗi ám ảnh thường xuyên của người nông thôn là lo mất mùa, lụt lội: “Năm nay cày cấy vẫn chân thua, Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa”. (Chốn quê) Và: “Quai Mễ Thanh Liêm đã vỡ rồi, Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi” (Nước lụt Hà Nam) Trong một khung cảnh như vậy, hình ảnh người dân quê hiện lên hết sức chân thực và sinh động. Nhà thơ cũng lo cái lo của người dân, sống cuộc sống bần hàn chạy ăn từng bữa, đo đếm cân đong từng xu như họ. “Năm nay cày cấy vẫn chân thua Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa Phần thuế quan thu, phần trả nợ Nửa công đứa ở nửa thuê bò Sớm trưa dưa muối cho qua bữa Chợ búa trầu cau chẳng dám mua” (Nhà nông than thở) Cách hàng mấy chục năm, trước khi Ngô Tất Tố viết Tắt đèn, Nguyễn Công Hoan viết Bước đường cùng, ta đã được biết đến một nông thôn Việt Nam đói nghèo với cảnh mất mùa năm này qua năm khác, cảnh công xá bèo bọt, cảnh thuế má quan lệ thúc đòi, cảnh nợ nần với người cùng khổ “lãi mẹ, lãi con sinh đẻ mãi”, cảnh “sâu hạn liên miên úng lụt tràn ”, …trong thơ Nguyễn Khuyến. Những hình ảnh ước lệ, tượng trưng trong thơ cổ rất ít gặp nơi thơ Nguyễn Khuyến, mà phần nhiều là những hình ảnh quen thuộc, chất phác, gắn liền với dân quê như: con trâu, con gà, ngõ trúc, đường làng, khúc sông, bãi chợ, vườn cà, cây cải, ao cá, 28 bờ tre. Trong bài thơ Bạn đến chơi nhà, Nguyễn Khuyến đã thể hiện tình bạn chân thành một cách hóm hỉnh qua việc sử dụng những chất liệu rất đời thường: “Đã bấy lâu nay bác tới nhà, Trẻ thời đi vắng chợ thời xa. Ao sâu nước cả khôn chài cá, Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà. Cải chửa ra cây, cà mới nụ, Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Đầu trò tiếp khách trầu không có, Bác đến chơi đây, ta với ta”. (Bạn đến chơi nhà) Không gian trong bài thơ là ao cá, vườn rau, lại có cà, cải, bầu, mướp… những loại cây trồng thường thấy ở thôn quê. Khung cảnh làng quê rất quen thuộc, gần gũi và đậm đà phong vị dân tộc. Cuộc sống của người dân quê thường gắn liền với vườn rau, ao cá với con gà, con vịt. Những chất liệu đời thường ấy đã đi vào bức tranh thiên nhiên của Nguyễn Khuyến thật giản dị biết bao, điều đó chứng tỏ nhà thơ rất yêu quý và gắn bó với cuộc sống nơi thôn dã. Từ những hình ảnh, những chất liệu hết sức đời thường nhưng qua cái nhìn của Nguyễn Khuyến tất đã trở nên tươi tắn, nhẹ nhàng và mềm mại thể hiện đầy đủ bức tranh làng cảnh Việt Nam. Qua cảm nhận của ông, tất cả đã trở thành phong vị của quê hương. Quan sát bức tranh thiên nhiên và bức tranh tâm trạng trong thơ văn Nguyễn Khuyến ta nhận thấy ông là người gắn bó rất sâu sắc với làng quê Việt Nam mà nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ nơi ông sinh sống. Nhìn chung, làng quê trong thơ ca trung đại được các thi nhân thể hiện rất chân thực và gần gũi. Đó là vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên miền thôn dã, vẻ đẹp của cuộc sống con người đồng thời cũng là niềm day dứt xót xa của thi nhân khi cuộc sống của người dân quê rơi vào nghèo khổ, cơ cực…Dù thể hiện ở phương diện nào ta cũng thấy 29 được tình yêu tha thiết cũng như niềm tự hào của các thi sĩ trung đại dành cho làng quê của mình nói riêng cũng như quê hương đất nước Việt Nam nói chung. 1.2.3. Văn chương hiện đại Trong lịch sử thi ca Việt Nam, làng quê là một nguồn cảm hứng lớn. Ca dao, thơ trung đại đã có nhiều bài xuất sắc về đề tài này. Đến với văn chương hiện đại, đề tài làng quê được các tác giả khai thác trên cơ sở kế thừa văn học truyền thống nhưng sáng tạo trên nền hiện thực xã hội mới. Với các thi sĩ hiện đại (đặc biệt là các nhà thơ trong phong trào thơ Mới) tìm đến thiên nhiên, họ đặc biệt say sưa với vẻ đẹp của phong cảnh làng quê. Hình ảnh làng quê mà trước hết là phong cảnh đã ngấm vào máu thịt, ăn sâu trong tâm thức mỗi người bằng tình cảm gắn bó tự nhiên, sâu nặng. Ta hãy nghe tiếng lòng rung cảm của Đoàn Văn Cừ trước vẻ đẹp thật đơn sơ, bình dị : “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh Trên con đường viền trắng mép đồi xanh Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết” (Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ) Đọc bài thơ ta như lạc vào không khí nhộn nhịp vui tươi, nô nức nơi thôn dã. Trên lối cỏ quanh co, dưới bầu trời quang đãng, từng đoàn người các ấp tưng bừng đến chợ tết. Không kể già trẻ trai gái mọi người đều hăm hở sốt sắng tạo nên một không khí tết ở làng quê thật đầm ấm, nhộn nhịp. Trong những lời thơ đẹp một cách đơn giản và ý nhị, phiên chợ tết ở nhà quê hiện ra cùng với những hình ảnh ngộ nghĩnh, những dáng điệu kỳ thú dưới ngòi bút linh hoạt của Đoàn Văn Cừ. Đến với nữ sĩ Anh Thơ, ta bắt gặp một chiều xuân mưa bụi êm đềm, bến sông vắng lặng hòa với hình ảnh con đò, quán nước, hoa xoan tím, đàn cò bay, đàn sáo, cánh bướm…gần gũi thân quen trong những vần thơ ngọt ngào: Tải về bản full

Từ khóa » Truyện Ngắn Nam Cao Trước 1945